Thứ sáu, 27/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên A

Cập nhật lúc 10:40 10/09/2020
Suy niệm 1
Tội lỗi nhưng khó tìm được tội nhân?
(Mt 18, 21-35)
 
Tội nhân ở đâu?
Thiên Chúa đi tìm các tội nhân! Và Ngài có rất nhiều khó khăn để tìm được, vì tội nhân chạy trốn Thiên Chúa. Tuy nhiên, trên trái đất này,
- Rất dễ nhận thấy rằng tội lỗi luôn tồn tại! 
- Rất dễ nhận thấy rằng Thiên Chúa bị lãng quên !
- Và trong nhân loại không phải tất cả mọi người đều tốt. 
Trên trái đất bị thương tổn này, người ta xâu xé lẫn nhau vì quá nhiều ích kỷ và hận thù, chúng ta tìm thấy rất nhiều tội lỗi nhưng rất hiếm khi tìm thấy tội nhân!
Tội nhân là thế nào? Tội nhân là người có lỗi, gây nên sự bất công, thiếu lòng tốt đối với người khác, và nghĩ rằng người có tội luôn là người khác! Nhưng khi người khác cũng thế và tuyên bố rằng mình không chịu trách nhiệm về điều đó, Thiên Chúa tìm kiếm tội lỗi này đến từ đâu mà không ai chịu nhận!
- Một số người nói: người chịu trách nhiệm về tội là ma quỷ. Nhưng nếu con người không tạo điều kiện cho ma quỷ thì ma quỷ sẽ không có quyền lực đối với con người. Trong buổi kinh trưa chủ nhật I Mùa Chay ngày 1/4/2020, Đức giáo hoàng Phanxico nói trước đám đông tại quảng trường thánh Phêro: “Chúng ta đừng bao giờ nói chuyện với ma quỷ”!
- Những người khác nói: Tội là lỗi lầm của xã hội hoặc của các thể chế. Như vậy lỗi lầm của xã hội trở thành lỗi lầm của tất cả mọi người, chứ không của riêng ai. Và Thiên Chúa đi tìm tội nhân. Ngài thực sự có một thời gian khó khăn để tìm được tội nhân.
Tội nhân chạy trốn!
Thảm kịch mà Thiên Chúa thấy là tội lỗi đã gây thiệt hại cho nhân loại đến mức Ngài muốn giải thoát
- Làm thế nào để mỗi thụ tạo trong thế giới này sẵn sàng nhận ra mình là tội nhân? 
- Thiên Chúa sẽ nói với ai, Ngài sẽ gõ cửa nào, để sự cứu rỗi có thể đi vào nhân loại? 
Mỗi lần Thiên Chúa gõ cửa để con người mở ra cho Ngài, Ngài cũng đến với một người khác. Con người nói với Thiên Chúa: Xin Chúa cứ đi tiếp con đường của Chúa, tội nhân không phải là con, nhưng là người khác. Vì thế, Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, nhắc nhở chúng ta hãy cùng với Ngài để thanh toán nợ nần:
- Ngài khẳng định rằng mỗi đầy tớ của Ngài phải trả lại cho Ngài món nợ về hành kiểm của mình. 
- Ngài không gọi các đầy tớ đến cùng một lúc. 
- Ngài khăng khăng báo hiệu trách nhiệm của mỗi người: từng người một trong chúng ta phải đến trước mặt Ngài để nhận ra khoản nợ của chính mình. 
- Và Thiên Chúa vui mừng vì cuối cùng có những người hiểu được điều làm tổn thương họ, họ tin vào sự tha thứ của Ngài và nhận được sự cứu rỗi mà Ngài mang lại.
Nhưng Thiên Chúa thất vọng! Ngài cảm thấy khó tha thứ như trong trường hợp bài Tin Mừng hôm nay. Đó là một tên đầy tớ tồi tệ! Tên này quên hết lỗi lầm của mình rồi đi đòi nợ người bạn đồng nghiệp. Bấy giờ Thiên Chúa nổi giận "Tên đầy tớ độc ác kia, Ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta. Còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi”.
Thiên Chúa đành phải nói với con người: Hãy đi con đường của ngươi, hãy đi đến điều gây nên sự diệt vong cho ngươi, vì ngươi từ chối nhân ra ngươi cũng là một tội nhân
Cuối cùng Thiên Chúa tìm thấy tội nhân!
Phê-ro đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần, có phải đến bảy lần không”? Chúa Giêsu rất muốn có một tội nhân đến trước mặt Ngài để Ngài có thể cứu tội nhân đó. Ngài trả lời Phê-ro:"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.
Kể từ khi Chúa Giêsu nói với Phêrô như vậy, tất cả các môn đệ Chúa Giêsu Kitô phải tha thứ không ngừng.  Đó là luật mới, luật của Tin Mừng. Đối diện với luật này,
- Khi một người anh em gây thiệt hại cho tôi, khi anh em tỏ ra là kẻ có tội với tôi, tôi phải tha thứ cho anh em tôi. 
- Nếu tôi không làm điều đó, tôi là người sai trái và là kẻ tội lỗi. 
- Mỗi lần tôi không tha thứ, chính tôi là một tội nhân; luật này không thể lẩn tránh được.
- Ngay cả khi tôi đã tha thứ hàng ngàn lần, nhưng tôi vẫn là tội nhân nếu tôi từ chối tha thứ dù chỉ một lần. Điều đó, chắc chắn đã xảy ra đối với mỗi người!
Đó là luật công bằng: Luật này cho phép mỗi người nhận ra sai lầm quay trở lại với mình:
- Một người đã sai khi xúc phạm anh em mình, nhưng người anh em đó cũng sai lầm nếu không tha thứ. 
- Cuối cùng, Thiên Chúa sẽ có thể tha thứ cho tất cả những ai đến với Ngài. 
- Thiên Chúa sẽ có tội nhân trước mặt Ngài! 
- Cuối cùng mọi người sẽ nhận ra mình là anh em ngay cả trong tội lỗi, anh em được cứu độ miễn phí!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
Có tha thứ mới được thứ tha
Mát-thêu 18,21-35
Một số tín hữu nghĩ rằng: Khi có tội, chỉ cần đi xưng tội và làm việc đền tội; thế là mọi tội đều được tha thứ; rồi sau đó, cứ thản nhiên phạm tội tiếp mà chẳng áy náy chút nào.
Tuy nhiên, qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su bác bỏ cách nghĩ, cách làm sai lầm như thế. Ngài dạy ta biết rằng chỉ có những ai tha thứ cho người khác thì kẻ ấy mới được thứ tha; còn ai không biết thứ tha, sẽ không được tha thứ.
Dụ ngôn “Người tôi tớ bất lương[1]” trong Tin mừng Mát-thêu được trích đọc hôm nay soi sáng cho chúng ta thấy rõ điều này.
Sau khi nhà vua biết tên đầy tớ vừa được vua tha cho món nợ khổng lồ, lại nhẫn tâm tống giam người bạn của y vào ngục chỉ vì người này chưa thể trả món nợ nhỏ cho anh ta, thế là vua liền nổi giận, truyền bắt tên đầy tớ ác ôn đó đến và phán:
“Hỡi tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta. Sao ngươi không tha nợ cho bạn người như ta đã tha cho ngươi? Thế rồi vua nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày trả hết nợ cho ông.”
Rồi Chúa Giê-su kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).
Như vậy, nếu không tha thứ cho người khác, chúng ta phải gánh lấy hậu quả đáng sợ như thế đó!
Có tha thứ thì mới được thứ tha là một quy luật quan trọng được Chúa Giê-su lặp lại nhiều lần:
Khi dạy ta cầu nguyện với Chúa Cha qua kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su nói:
“Xin tha tội cho chúng con cũng như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12).
“Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).
Và qua Tin mừng Luca, Chúa Giê-su dạy tiếp:
“Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).
Đến đây, chúng ta tự hỏi: Tại sao phải tha thứ thì mới được thứ tha?
Ta biết rằng mọi sự trên đời đều vận hành theo những quy luật mà Thiên Chúa đã quy định. Minh họa: Nước ở nhiệt độ bình thường thì ở thể lỏng, khi bị đun nóng thì bốc hơi, khi ở nhiệt độ dưới 0 thì đông thành đá, khi ở nhiệt độ vừa phải thì tan chảy thành nước… Nước luôn tuân theo quy luật đó, không thể khác được.
Minh họa thứ hai: Ta gieo hạt cam xuống đất thì sẽ có cây cam; gieo hạt cỏ thì sẽ mọc cỏ… Mọi vật, mọi sự trên đời đều vận hành theo quy luật như thể, không thể làm khác được.
Tương tự như thế, nếu ta trao ban sự tha thứ cho người thì ta sẽ gặt được thứ tha; nếu ta gieo rắc hận thù thì phải gặt oán thù.
Quy luật này được Chúa Giê-su xác định như sau: “Ai đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38) (đấu là dụng cụ đo lường ngũ cốc, thường làm bằng gỗ) và thánh Phao-lô cũng phát biểu tương tự như thế: “Ai gieo giống nào thì sẽ được gặt giống đó” (Galat 6,7).
Đây là quy luật muôn đời bất di bất dịch. Cũng như mọi quy luật khác, quy luật này không thể nào thay đổi được.
Vì thế, ai không thứ tha thì không thể nhận được sự tha thứ, cũng như không gieo hạt cam xuống đất thì sẽ chẳng có cây cam.
Thế là lời Chúa trong Tin mừng hôm nay buộc chúng ta phải chọn lựa dứt khoát một trong hai điều:
- Một là đừng thứ tha cho ai cả, để rồi chẳng được Chúa thứ tha và đành phải mang tội suốt đời;
- Hai là xóa bỏ giận hờn, dẹp qua một bên lòng tự ái… để thứ tha cho người khác khi họ xúc phạm đến ta; bù lại, ta được Chúa tha cho muôn vàn tội lỗi.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con hiểu rằng khi giận hờn và không tha thứ cho người, chúng con sẽ rước họa vào thân, phải mang tội suốt đời; trái lại, khi sẵn sàng thứ tha cho tha nhân, chúng con sẽ được Chúa xóa bỏ mọi tội tình; nhờ đó, tâm hồn chúng con được an bình thư thái và cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=======================
Suy niệm 3
Tha Tận Đáy Lòng
 
Phim “Cánh Đồng Bất Tận” kể về bi kịch của sự thù hận. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim xoay quanh 4 nhân vật, người cha và hai đứa con, cùng cưu mang một người đàn bà làm nghề mại dâm. Bốn người lênh đênh trên một chiếc xuồng máy, nuôi vịt chạy đồng, không nhà không cửa, nay đây mai đó theo con nước. Đời sống của họ ngập chìm đau khổ dằn vặt xuất phát từ sự thù hằn.
Đầu tiên là người cha. Số là anh ta lấy vợ và có hai con. Cuộc sống cơ cực, anh phải vất vả để lo cho ba mẹ con. Ấy vậy mà người vợ ham sang phụ khó theo một thương lái người Hoa, bỏ lại hai đứa con cho anh. Đau khổ tột cùng vì bị chính người vợ yêu thương phản bội, anh đốt căn nhà, đốt cái mái ấm bấy lâu nay, xuống ghe lênh đênh, bắt đầu một cuộc sống trôi sông lạc chợ, nay đây mai đó, không tương lai, không định hướng. Bao nhiêu hận thù, người cha trút hết lên đầu hai đứa con.
Kế đến là sự thù hận của cô gái điếm. Vì hận cha mẹ ly dị bỏ rơi cô, nên cô làm gái để trả thù đời. Trong một lần đi khách, cô bị đám đông các bà vợ bắt và đổ keo dán sắt vào vùng kín. Cô đau đớn chạy trốn và được ba cha con đưa lên ghe cứu chữa. Cuộc sống của 4 người cứ lênh đênh trên sông nước, buồn tẻ vì mỗi người đều mang trong mình những nỗi thù hằn, căm phẫn vì bị chính những người thương yêu phản bội. Ông bố hận vợ, thù người bạc tình nên luôn cau có và bạo lực đánh đập 2 đứa con. Cậu con trai tuy còn nhỏ nhưng đã mang trong mình nỗi hận thù của cha, cậu nói rằng cậu ghét cái ác, và muốn trả thù, có thù thì phải trả. Cô gái làm điếm vì hận thù gia đình, hận thù bố mẹ…
Cũng vì sự hận thù và lòng muốn trả thù nên 4 người trở thành thù địch của nhau. Và họ đi đâu cũng gây thù chuốc oán ở chỗ đó, cho nên nhiều bọn giang hồ ghen ghét. Cậu con trai vì không chịu nổi người ta ức hiếp người đàn bà nên đã phạm tội giết người. Vì sợ, cậu đã bỏ trốn. Người đàn bà không chịu được sự thù hằn của người bố nên cũng bỏ đi. Chỉ còn lại người cha và đứa con gái. Câu chuyện được đẩy lên đỉnh điểm khi đứa con gái bị nhóm côn đồ hiếp dâm ngay trước mặt ông bố. Chúng nó đánh ông bố ngã quỵ, rồi buộc ông phải nhìn cảnh bọn chúng từng thằng hãm hiếp đứa con gái của mình trong bất lực. Không còn đau khổ nào hơn thế nữa.
Kết thúc bộ phim, cô gái có bầu, không biết cha đứa bé là ai. Cô đi trên một cánh đồng mênh mông, bất tận, vừa đi vừa nói với đứa con trong bụng: Là trẻ con, nên tha thứ lỗi lầm cho người lớn. Và mẹ sẽ đặt tên con là Thương.
Không biết Nguyễn Ngọc Tư có đạo Công giáo hay không, nhưng rõ ràng với những bế tắc của các nhân vật, cuối cùng chỉ có giáo lý Kitô giáo mới giải quyết được vấn đề. Hận thù chỉ làm cho con người bế tắc, chỉ có sự tha thứ và tình yêu sẽ cứu rỗi thân phận con người.(Lm. Mar-Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS).
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đàm đạo về ơn tha thứ. Phêrô đến gần Chúa Giêsu hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?. Đối với người Do thái là “quá tam ba bận”. Có tha chỉ tha ba lần thôi, đến lần thứ tư phải trừng phạt. Họ suy luận:Thiên Chúa trừng phạt kẻ ác khi nó lỗi phạm lần thứ tư; người phàm không thể nhân lành hơn Thiên Chúa nên con người không thể tha thứ cho nhau quá ba lần. Trước lời suy luận và giảng dạy như thế của các kinh sư, Phêrô chắc mẫm sẽ được Thầy khen ngợi khi đề nghị tha bảy lần. Vì tha thứ bảy lần là đã gấp đôi truyền thống Do thái và còn cộng thêm một lần nữa. Phêrô đến với Chúa bằng tâm thức của luật dân Chúa đang tuân giữ "Thiên Chúa luôn tha thứ cho người công chính bảy lần" (Cn 24,16). Tha thứ bảy lần là tha thứ có giới hạn. Thế nhưng, câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm bàng hoàng người nghe: Không phải chỉ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy. Tha thứ đến 490 lần. Ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen với công thức toán học để tìm ra con số lần phải tha thứ cho anh em mà là tha thứ không giới hạn, tha hoài, tha mãi.
Để các môn đệ hiểu bài học tha thứ không giới hạn này, Chúa Giêsu đã cụ thể hoá bằng câu chuyện. Một người đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, có giá trị tương đương một trăm triệu, một số nợ khổng lồ vì một ngày công chỉ một đồng (x. Mt 20,9). Vua ra lệnh bán y, vợ con, tài sản của y để trả nợ. Người đầy tớ liền sấp mình, van lơn xin khất nợ. Nhà vua động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.Tên đầy tớ được tha hết mọi nợ nần, được trả tự do, không còn làm nô lệ nữa. Trớ trêu thay, vừa được tha về, tên đầy tớ gặp một người bạn chỉ mắc nợ y một trăm đồng, một món nợ rất nhỏ so với món nợ khổng lồ y vừa được vua tha bổng, y tóm lấy, bóp cổ đòi trả nợ ngay. Người bạn sấp mình dưới chân y, van lơn xin khất nợ, nhưng y không nghe, bắt bạn tống giam vào ngục. Chuyện chướng tai gai mắt này đến tai vua, vì những người bạn của anh không thể nhắm mắt làm ngơ được. Kết cục, tên đầy tớ ác độc bị vua ra lệnh hành hạ. Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu khẳng định: “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Tha thứ cho nhau là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ.Tha thứ không giới hạn và tha thứ tận đáy lòng. Tha tận đáy lòng nghĩa là tha và quên hoàn toàn, như không có chuyện gì đã xảy ra giữa hai người. Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Chúa lấy mức chúng ta tha thứ cho nhau làm thước đo để tha thứ, chúng ta tha thế nào thì Cha trên trời cũng tha cho chúng ta như vậy. Trong “bài giảng trên núi,” Chúa Giêsu đã dạy, không những “chớ trả thù” mà phải “yêu kẻ thù” nữa, “như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời”. Và Chúa kết luận: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 38-48). Tha thứ tận đáy lòng là một cách thức nên hoàn thiện như Cha trên trời: hoàn thiện về lòng yêu mến, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Trả thù là khuynh hướng nhân loại, tha thứ là hồng ân Thiên Chúa. Quan toà có thể không tha thứ cho tội nhân, nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ cho người tội lỗi, nếu họ thực lòng ăn năn hối cải.
Trong lúc đau đớn tột cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ bách hại, lăng nhục, cáo gian và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).
Thế giới hôm nay đang bị thống trị bởi bạo lực và oán thù. Những cuộc chiến tranh dai dẳng giữa các quốc gia; những hiềm thù giữa các bộ tộc anh em; những xung đột giữa những người khác màu da, khác tôn giáo, khác quan điểm chính trị; những thảm kịch vô phương hàn gắn trong gia đình. Con người để cho hận thù lôi kéo và không sao thoát ra khỏi cái vòng ân oán nghiệt ngã. Cần phải có những người dám chịu thiệt thòi, dám bẻ gãy oán thù bằng tha thứ, dám tin rằng tình thương có thể biến đổi quả tim chai đá của con người. Giáo hội vẫn luôn kêu gọi xây dựng một nền văn minh tình thương, vì chỉ khi ấy trái đất này mới có cơ may tồn tại.
Tha thứ là một nhân đức siêu nhiên nên cần có ơn Chúa, con người mới có thể nói lời tha thứ cho nhau. Tha thứ không chỉ là một hành động thuần tuý ý chí, mà còn là một ân ban. Không thể có sự tha thứ nếu không cầu nguyện. Mỗi người luôn cảm nhận tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với chính mình thì sẽ dễ dàng thứ tha cho người khác.
Tha thứ là lời mời gọi duy nhất để tình yêu lớn lên. Tha thứ đem về mùa xuân cho tâm hồn đâm chồi yêu thương, nảy lộc bình an. Chúa đã tha thứ cho Phêrô, tình yêu bùng cháy, Phêrô đã sống hết mình cho sứ vụ Thầy trao. Phaolô đựơc ơn tha thứ, biến đổi cuộc đời, thành sứ giả lừng danh rao truyền Đức Kitô cho thế giới.
Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của lòng khoan dung. Thế giới có “Ngày khoan dung quốc tế” (International day of tolerance) do Liên Hiệp Quốc thiết lập vào ngày 16.11.1995. Người khoan dung độ lượng là người không chấp nhất, nhưng thông cảm với những lầm lỗi của kẻ khác. Lòng khoan dung độ lượng được xây dựng trên ý thức về những yếu đuối, về khả năng phạm lỗi của chính bản thân mình, và của người khác. Mình cũng phạm lỗi sao mình lại kết án người khác? Thế giới có ngày khoan dung, người Kitô hữu cần cả đời khoan dung.
Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới, một thế giới cảm thông chan hoà, một thế giới chan chứa tình huynh đệ, một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định điều ấy: Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ.
Chúa Giêsu vì yêu thương đã hiến dâng chính mình trên hy tế thập giá đễ ban ơn cứu độ cho nhân loại. Với hiến tế Thánh Thể, Người vẫn tiếp tục tuôn đổ ơn cứu độ. Đón nhận Thánh Thể là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu để chúng ta biết tha thứ cho nhau.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=======================
Suy niệm 4
HÃY THA THỨ VÌ TA CẦN CHÚA THỨ THA
(Mt 18, 21 - 35)

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Thày Giêsu: “Lạy Thày, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bẩy lần không ?” (Mt 18, 21). Ông hỏi Chúa Giêsu như thế vì ông tự nghĩ rằng: Theo các Thầy dạy luật, các Rabbi, thì những người công chính nên tha thứ cho những người xúc phạm đến mình 3 lần, sự bất quá tam. Đến lần thứ IV thì không buộc phải tha thứ cho họ nữa! Do đó, ông tự nghĩ: Tha cho anh em đến bẩy lần là điều quá sức, quá quảng đại và đã chứng tỏ rằng mình thực thi như thế là anh hùng và đáng Chúa khen ngợi rồi!
Thế nhưng, câu trả lời của Chúa làm cho ông chưng hửng, cảm thấy hổ thẹn khi so sánh đề nghị của ông với sự đòi hỏi của Chúa thì thấy mình còn quá xa sự trọn lành, Chúa trả lời: “Thầy không bảo con phải tha đến bẩy lần, nhưng đến bẩy mươi lần bẩy” (Mt 18, 22)
Để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót và tha cho người khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền  nhỏ.
Chúa Giêsu tuyên bố : “Cha Ta trên trời sẽ xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).
Tha thứ là một hành vi nghiêm chỉnh, nếu có thể thì rất khó đối với con người. Người ta không thể nói về sự tha thứ cách nông nổi, khi yêu cầu người bị xúc phạm tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình. Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ. Tha thứ để làm cho oán tiêu tan, để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người. Đức Phật cũng đã để lại một châm ngôn “Không phải với sự oán giận mà sự oán giận được xoa dịu; với sự không oán giận, sự oán giận mới được xoa dịu”. Tha thứ trong Kitô giáo vượt xa sự không bạo tàn và sự không oán hận. Kitô giáo mời gọi tha thứ vì một lý do khác: “Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?”(Sir 27, ). Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi. Ðời tôi là một chuỗi những vấp ngã, được đan kết với bao thứ tha. Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi, nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù, nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân. Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên, đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.
Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Đức Thánh Cha Phanxi cô nói: Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ hỏi rằng: ‘Thưa cha, con tha thứ nhưng con chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho con…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Thật vậy, người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.
Ước gì mỗi người chúng ta, để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa - tha thứ thật lòng. Có lẽ bạn sẽ không bao giờ chào tôi khi gặp nhau trên đường nữa, nhưng tự thâm tâm tôi đã tha thứ cho bạn rồi. Và như thế chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ và rồi chúng ta sẽ được thứ tha. Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.
Lạy Chúa là Đấng hay tha thứ, xin dạy con bài học thứ tha, để con không giữ lòng hiềm thù, oán hờn và ghen ghét bất cứ ai đã xúc phạm, gây ra đau khổ cho con, xin giúp con luôn tha thứ cho người vô tình hay hữu ý xúc phạm tới con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

=======================
Suy niệm 5
Tha thứ

Mt 18, 21-35
“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22).
Chắc là ông Phêrô mệt mỏi vì phải tha thứ cho ai đó đã mấy lần rồi mà vẫn bị xúc phạm, nên đành hỏi Thầy cho biết tha mấy lần là đủ, để biết đường xử lý. Những tưởng chỉ cần cố gắng có ngần có hạn, nhưng Thầy nói “đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là vô hạn định, không cân đo đong đếm. Rồi Thầy kể dụ ngôn để minh chứng lý do cần phải tha thứ không đòi điều kiện như Thầy đã thứ tha: có anh kia mắc nợ vua món nợ tầy đình mười ngàn nén vàng. Nhưng sau khi được vua rộng tình tha trắng, đến lượt anh khi ra về gặp con nợ của mình, thì anh lại túm cổ đòi nợ không chút xót thương, nên đã bị tôn chủ không tha cho anh nữa và xử lại như anh đã đáng.
“Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18, 35). Khuôn thước này ta vẫn đọc hằng ngày trong lời kinh trọng nhất: “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Tha thứ cho người xúc phạm đến mình, làm khổ mình là chuyện vô cùng khó khăn. Nhưng không có nghĩa là không thể được, một khi có Chúa trong mình thực hiện cho tôi. Khi không tha thứ thì lòng nặng nề u uất, tâm tư bất an, mọi suy nghĩ và hành động trở nên tiêu cực, mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia, thậm chí phát sinh bệnh tật ốm yếu. Nhưng khi tha thứ là chính tôi được nhẹ lòng, được chữa lành bình an, như cắt bỏ được “khối u” đang mang họa cho đời tôi. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, khi tha thứ là đời tôi được sang trang mới, mọi sự trở nên nhẹ nhàng an vui và sẽ phát sinh những điều thiện hảo trong tôi.
Nhưng trước hết và trên hết là tình yêu tha thứ của Chúa. Chính Chúa đã làm gương trước và còn mãi thứ tha cho đến hôm nay. Khi bị đóng đinh trên thập giá, Chúa đã cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm (Lc 23, 34). Martin Luther King, một nhà đấu tranh cho dân quyền bằng đường lối bất bạo động tại Hoa Kỳ, được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1964, khi suy nghĩ về lời cầu nguyện này, ông đã kêu lên: “Đó là giây phút đẹp nhất cuộc đời Chúa Giêsu.” Ngày nay Chúa vẫn hằng tha thứ cho tôi, cả khi tôi là đứa con lỗi lầm ngỗ nghịch nhất. Chính Chúa đã tha thứ cho tôi từ trước rồi, bởi vì tha thứ là nghề của Chúa, hạnh phúc của Chúa là thứ tha, trong khi Ngài là Đấng không biết tội là gì. Vậy tôi là gì mà lại không thể bỏ qua lỗi lầm thiếu sót cho anh em của tôi? Hơn nữa ngày ngày tôi cần đến lòng xót thương tha thứ của Chúa.
Én Nhỏ
                                                            

[1] Mát-thêu 18,21-35
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025 của HĐGM Việt Nam chuyển ngữ
Kinh Năm Thánh 2025 của HĐGM Việt Nam chuyển ngữ
Văn phòng TGM xin gửi Kinh Năm Thánh 2025, do linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS chuyển ngữ và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn phê chuẩn. Bản kinh được Hội đồng Giám mục Việt Nam đăng tải vào tháng 3.2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log