Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên A

Cập nhật lúc 17:05 22/10/2020
Suy niệm 1
Khi người thân cận là người quen thuộc
Mt 22, 34-40
 
Ngươi hãy yêu mến người thân cận!
Ngày đó, một tiến sỹ Luật trong nhóm người Pharisieu tập họp lại để đặt một câu hỏi cho Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất”?
Bị đưa vào thử thách, bị thẩm vấn, bị người lạ buộc tội, điều đó thật là đau khổ! Nhưng, ngày đó, lại là một thành viên của dân Thiên Chúa, lại không tin vào Chúa Giêsu, tìm cách hạ bệ Ngài và muốn làm Ngài mất uy tín! 
- Một tiến sỹ Luật, luật mà Thiên Chúa, với tình yêu thương vô bờ, đã ban cho con người một giao ước để nối kết họ, lại tìm kiếm một lý do nào đó để kết án Chúa Giêsu!. 
- Một tiến sỹ Luật, cùng với một số người Pha-ri-sieu, vây quanh Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bị bao vây bởi kẻ thù. Và những kẻ thù này lại là một phần của gia đình Ngài. Lề luật dạy: "Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”!
- Người Pha-ri-sieu có Chúa Giê-su là người thân cận của họ, nhưng họ muốn đuổi Ngài ra khỏi gia đình họ. Chúa Giêsu cứ để những người Pha-ri-sieu đến gần Ngài và Ngài yêu họ như chính mình!
Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình!
Đôi khi chúng ta có một cách yêu thương người thân cận với điều kiện là người thân cận đừng gây gổ với chúng ta.. Chúng ta nói rằng chúng ta không có kẻ thù. Chúng ta không muốn người thân cận làm tổn thương chúng ta hoặc có một hành động xấu nào.
Chúa Giêsu rất sáng suốt:
- Ngài biết rất rõ điều gì khiến những người Pha-ri-siêu này hỏi Ngài. 
- Ngài biết rằng họ không tìm cách để được Ngài dạy. 
- Ngài biết trái tim họ và Ngài thấy rằng họ sẽ không từ bỏ việc giết Ngài. Những người thân cận của Chúa Giêsu là kẻ thù và Ngài biết điều đó.
Chính vì nhân loại này luôn ngờ vực, tố cáo và buộc tội bất chính, mà Chúa Giêsu đến trần gian này. Ngài gần gũi chúng ta, và Ngài là người thân cận của chúng ta. Và, ở giữa con người, Ngài gặp phải sự khó hiểu, khinh miệt, thờ ơ, hận thù, lên án, loại trừ. Nhưng ở giữa nhân loại đáng thương này, Chúa Giêsu rất thường chỉ gặp kẻ thù, kẻ thù này lại được Chúa Cha yêu mến. Chúa Giêsu mặc khải điều đó cho chúng ta.
- Chúa Giêsu yêu Đức Chúa,Thiên Chúa của Ngài hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. 
- Chúa Giêsu là một trái tim, một linh hồn, một trí khôn với Cha Ngài. Ngài là một với Cha Ngài. 
- Chúa Giêsu hoàn toàn hợp nhất với Cha Ngài.
- Chúa Giêsu vẫn ở trong Tình yêu bị bao vây bởi rất nhiều kẻ thù mà Ngài phát hiện ra. 
- Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người để con người có thể trở thành con Thiên Chúa. Thánh ý của Cha Ngài và của Ngài là thế!
- Chúa Giêsu muốn rằng những người thân cận của Ngài biết Chúa Cha như Ngài biết. 
- Chúa Giêsu muốn làm cho người thân cận trở nên như chính Ngài. Ngài muốn làm cho kẻ thù của Ngài trở thành anh em của Ngài. Ngài muốn ban sự sống của Ngài cho họ.
Ngươi hãy yêu mến người thân cận như Thiên Chúa yêu
"Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”.
Người Pha-ri-siêu này, tiến sỹ luật này thử thách Chúa Giêsu, được Chúa Cha yêu mến. Chính vì thế mà Con Thiên Chúa làm người để mặc khải cho người Pha-ri-siêu biết điều đó.
- Thiên Chúa ghét sự tự cao tự đại, đạo đức giả, tố cáo và ngờ vực. 
- Thiên Chúa phát hiện ra những thứ đó trong trái tim mỗi người. Và Chúa Giêsu luôn là nạn nhân đầu tiên. Người ta đã đánh Ngài nhừ đòn, đặc biệt là vì Ngài cam kết Ngài cứ ở gần họ.
- Thiên Chúa ghét chủ nghĩa giả hình vì Ngài yêu con người.
- Thiên Chúa tạo dựng nhân loại để Tình yêu ngự trị trong nhân loại và không có sự ghét ghen. Sự ghét ghen làm chúng ta chìm vào bóng tối. Nơi nào không có Tình yêu, Thiên Chúa đặt Tình yêu vào đó. Ngài yêu những người không yêu Ngài.  Ngài cứ ở với nhân loại và vẫn bị kẻ thù bao vây, còn hơn là bỏ mặc nhân loại ngu ngốc khờ dại.
Thiên Chúa là Tình yêu và Ngài không thể chối bỏ chính mình. Ngài chỉ có thể yêu thương, nhẫn nại và qua Chúa Kitô, chịu đựng tất cả những đòn đánh mà nhân loại giáng trên Ngài. Nhờ Chúa Giêsu Kitô, một người trong số những con người, tình yêu chiến thắng hận thù và cái chết. Vì tình yêu dành cho chúng ta, Ngài truyền  cho chúng ta: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”
Chúa Giêsu nhân danh Cha Ngài nói với mỗi người chúng ta:
- Bạn hãy yêu  mến Thiên Chúa của bạn.
- Bạn hãy yêu Tình yêu, thay vì liên tục đặt tình yêu trong thử thách.
- Bạn hãy yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.
- Bạn hãy xua đuổi - hay đúng hơn- là để tôi giúp bạn đuổi bỏ tất cả những suy nghĩ không lành mạnh đó. 
- Hãy để tôi lấp đầy bạn bằng tình yêu, lấp đầy bạn bằng sự sống của Thiên Chúa. 
- Và đến lượt bạn, bạn hãy yêu các kẻ thù của bạn như chính tôi yêu họ. Bạn hãy ở lại trong Tình yêu giữa những người thử thách bạn. Bạn hãy sáng suốt và bạn sẽ phát hiện ra kẻ thù. Theo tôi, bạn sẽ chiến thắng!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Đôi cánh để bay lên
Mt 22, 34 – 40
Máy bay cần phải có hai cánh mới có thể bay lên không trung. Nếu máy bay bị hỏng mất một hoặc cả hai cánh thì tất nhiên phải nằm lì một chỗ, chẳng thể nào cất cánh được.
Các loài chim cũng thế. Nếu bị cắt mất một cánh, chúng không thể bay lên.
Tương tự như thế, con người muốn được “bay” về thiên đàng thì cũng phải có đủ hai cánh.
Vậy thì hai cánh mà mỗi người chúng ta cần phải có để bay lên tới thiên đàng là gì?
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho biết hai cánh đó là lòng mến Chúa và yêu thương người. Ngài nói rõ điều này với người thông luật: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mt 22,37-39).
Và qua dụ ngôn về "cuộc phán xét cuối cùng", Chúa Giê-su dạy rằng những ai có lòng mến Chúa yêu người, được thể hiện qua việc quan tâm chăm sóc những người nghèo khổ chung quanh thì sẽ hưởng hạnh phúc đời đời trên thiên quốc; còn ai không có lòng mến Chúa yêu người, thể hiện qua việc thờ ơ, vô cảm trước những nỗi bất hạnh của người khác, thì phải bị sa vào chốn cực hình muôn đời muôn thuở (Mt 25, 35-36).
Như thế thì lòng mến Chúa yêu người chính là đôi cánh tối cần đưa ta về cõi thiên đàng vinh hiển. Người nào không có hai cánh này, chẳng những không được hưởng phúc thiên đàng mà còn phải sa vào hoả ngục.
Ảo tưởng
Tuy nhiên, có một số người lầm tưởng rằng: Chỉ cần thờ phượng Thiên Chúa, chủ yếu là tham dự Thánh lễ các ngày Chúa nhật và lễ trọng, cùng đọc kinh sáng tối… là đủ để lên thiên đàng.
Sống đạo như vậy thì chưa đủ, chưa đúng như Chúa yêu cầu. Thực hành như thế khác gì muốn bay lên thiên đàng mà chỉ cần có một cánh.
Đức thánh Cha Bê-nê-đích-tô 16 nhắc nhở chúng ta phải thực hành đầy đủ hai phần: Vừa thờ phượng Thiên Chúa vừa yêu thương mọi người và không thể thiếu một trong hai.
Ngài nói: “Việc thực thi bác ái đối với các goá phụ và trẻ mồ côi, với các tù nhân, với các bệnh nhân và người túng thiếu dưới mọi hình thức, thuộc về bản chất của Hội thánh cũng y như việc phục vụ bí tích và rao giảng Phúc âm. Hội thánh không thể lơ là trong việc thực thi bác ái cũng như lơ là trong việc ban các bí tích và Lời Chúa.[1]
Tóm lại, nếu chúng ta muốn cất cánh bay về Thiên đàng thì phải trang bị cho mình 2 cánh sau đây:
- Một là yêu mến Thiên Chúa  hết lòng hết sức trên hết mọi sự;
- Hai là bày tỏ lòng yêu thương người khác bằng việc chăm sóc, phục vụ mọi người.
Nếu chúng ta không thờ phượng Thiên Chúa, cũng chẳng quan tâm săn sóc giúp đỡ những người bất hạnh chung quanh… thì chúng ta như máy bay không có cánh, chẳng thể bay lên.
Nếu chúng ta chỉ thờ phượng Thiên Chúa mà thờ ơ, vô cảm đối với những người bất hạnh… thì chúng ta chỉ như máy bay bị gãy mất một cánh, không thể bay tới thiên đàng.
Nếu chúng ta vừa siêng năng thờ phượng Thiên Chúa vừa yêu thương phục vụ những người bất hạnh chung quanh, thì chúng ta như máy bay có đầy đủ hai cánh, chắc chắn sẽ  “bay” lên tới thiên đàng.
Lạy Chúa Giê-su,
Thiên Chúa đã cho loài chim có đôi cánh để chúng có thể bay vút lên cao và tung cánh khắp bốn phương trời.
Chúa cũng cho mỗi người chúng con có đôi cánh tuyệt vời là quy luật mến Chúa yêu người để chúng con sử dụng mà bay lên thiên đàng hưởng phúc muôn đời với Chúa.
Xin cho chúng con đừng bao giờ cắt bỏ đôi cánh Chúa ban, vì khi làm như thế, chúng con không thể bay về với Chúa mà lại bị trầm luân trong cõi chết muôn đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

[1] Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” số 22 của Đức Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô
 
======================
Suy niệm 3
Mến Chúa, Yêu Người
“Mến Chúa, yêu người” là nét độc đáo nhất của Kitô giáo.Hai giới luật tạo thành một toàn thể bất khả phân ly và là hai nguyên lý nền tảng của tất cả đạo đức học.Tin Mừng của Chúa Giêsu muốn loan truyền đến mọi người là tình yêu thương. Khi công bố giới luật yêu thương, Chúa Giêsu cũng nêu gương thực hiện giới luật ấy để chúng ta thấy sáng lên tình yêu cứu độ và gặp được những điểm nhấn mà bắt chước thực hành.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc trao đổi giữa những người Pharisêu và Chúa Giêsu về hai điều răn trong Cựu Ước như sau: Khi một người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào trọng nhất?”, Chúa Giêsu trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả lòng dạ của ngươi, với tất cả linh hồn của ngươi và với tất cả sức lực của ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu mến người thân cận của ngươi như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.
Chúa Giêsu kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước: (1) Điều răn yêu mến Thiên Chúa được lấy trong sách Đệ Nhị Luật 6,5: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi với tất cả lòng dạ của ngươi, với tất cả linh hồn của ngươi và với tất cả sức lực của ngươi”. (2) Điều răn yêu thương người thân cận được lấy trong sách Lêvi 19,18b. Đức Chúa phán: “Ngươi yêu thương người thân cận của ngươi như chính ngươi” (Lv 19,18). Hai giới răn này được biết đến rất nhiều; tuy nhiên, qua câu trả lời của Chúa Giêsu, ta thấy có một sự mới mẻ ở đây, đó là Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh shema ở sách Đệ nhị luật với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi.Cái độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu chính là sự liên kết chặt chẽ hai giới luật này với nhau. Khi nói đến “giới răn thứ nhất và lớn nhất”,  Người muốn nói rằng giới răn này là quan trọng nhất và tạo ý nghĩa cho tất cả các giới răn khác. Còn về giới thứ hai, nó “giống” với giới răn thứ nhất, nghĩa là cũng quan trọng như giới răn thứ nhất. Chúa Giêsu khẳng định “Tất cả luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy”. Lời khẳng định này có nghĩa là: “Tất cả các giới luật khác có thể được suy ra từ hai giới răn yêu thương, hay ngược lại, có thể quy về hai giới răn này; nói khác đi, ai thi hành các giới răn này thì ‘làm trọn’ Kinh Thánh và vì thế làm trọn ý Thiên Chúa”. Chỉ có những người yêu mến tha nhân mới thể hiện thật sự là người yêu mến Thiên Chúa. Việc đặt để giới răn yêu thương người thân cận ở mức ngang tầm với giới răn yêu mến Thiên Chúa quả là một điều vượt ngoài sức tưởng tượng của những người Do Thái lúc bấy giờ.
Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 22,36-40 // Mc 12,28-34 // Lc 10,25-28) nhắc lại hai điều răn “Mến Chúa yêu người” trong Cựu Ước, đây là hai điều răn quan trọng nhất. Tân Ước cũng áp dụng hai điều răn này cho các môn đệ: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Nhưng câu hỏi đặt ra là người thân cận là ai? Trong Cựu Ước, “người thân cận” chỉ giới hạn trong dân Israel. “Người thân cận” là đồng bào Israel, những người thuộc dân Chúa. Người ngoại bang không phải là người thân cận của dân Israel. Vậy Tân Ước áp dụng điều răn “yêu thương người thân cận” như thế nào?
Tin Mừng Luca thuật lại câu chuyện liên quan đến điều răn yêu thương ở Lc 10,25-28. Nhưng vấn đề hóc búa đặt ra: “Ai là người thân cận của tôi?” Đây là câu hỏi rất hay mà các môn đệ Chúa Giêsu cần biết. Sau khi người thông luật nhắc lại điều răn “yêu thương người thân cận như chính mình”, ông đã hỏi Chúa Giêsu: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Câu hỏi khó trả lời đối với Kitô hữu, vì khi chỉ ra ai là người thân cận, cũng có nghĩa là có người không phải là người thân cận của tôi. Khi truyền thống Cựu Ước định nghĩa người thân cận là dân Israel thì đương nhiên tất cả những người không thuộc về dân Israel bị loại trừ. Dân ngoại không phải là người thân cận của dân Israel. Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi này bằng cách kể dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,30-35). Sau đó Chúa Giêsu  hỏi người thông luật: “Theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10,36) Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (10,37a). Chúa Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi và hãy làm như thế” (Lc 10,37b). Lời của Chúa Giêsu đảo ngược câu hỏi của người thông luật lúc đầu. Thay vì Chúa Giêsu trả lời câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?” thì Người nói: Hãy làm cho mình trở thành người thân cận của người khác như người Samari nhân hậu đã làm. Chi tiết người Samari không thuộc dân Do Thái, cho thấy Chúa Giêsu đã mở rộng khái niệm “người thân cận” để áp dụng cho các môn đệ của Người. Từ nay người thân cận không chỉ giới hạn trong dân Israel là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, mà bất kỳ ai cũng có thể là người thân cận của tôi. Thay vì đặt câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?”, Chúa Giêsu mời gọi đặt câu hỏi: “Tôi là người thân cận của ai?”, nghĩa là tôi đã làm gì để trở thành người thân cận của người khác?
Như thế, trong Tân Ước, người thân cận là tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc. Tân Ước đã áp dụng hai điều răn trong Cựu Ước và mở rộng nghĩa của từ “người thân cận” đến tất cả mọi người. Để tránh rơi vào tình trạng phân biệt ai là người thân cận, ai là kẻ đối nghịch, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ: Hãy làm cho mình trở thành người thân cận của mọi người, nhất là hãy là người thân cận của những người đang gặp hoạn nạn, như nạn nhân trong dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10,30-35).
Truyền thống Kitô giáo đã mở rộng nghĩa của từ “người thân cận”, khi nói “yêu thương người thân cận” là nói đến tình yêu giữa các môn đệ Đức Giêsu với nhau và tình yêu giữa các môn đệ với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc. “Người thân cận” theo nghĩa rộng là tất cả mọi người. Như thế, “yêu thương người thân cận” trong Ki-tô Giáo có chiều kích phổ quát, không loại trừ ai (x. Mt 5,34; 19,19; 22,39; Mc 12,31; 12,33; Lc 10,27; Rm 13,9; Gl 5,14; Jc 2,8)…
Yêu mến Thiên Chúa”, “yêu mến tha nhân” và “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”: tất cả đây là lý tưởng sống đạo của người tín hữu.
Có thể nói đến ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh.
1. Yêu mến Đức Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình trong Cựu Ước (Đnl 6,5; Lv 19,18).
2. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình trong Tân Ước. Trong đó, khái niệm “người thân cận” được mở rộng đến tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai.
3. “Yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu thương” (điều răn mới) là điều răn của Đức Giêsu và chỉ dành cho các môn đệ. Đây không phải là tình yêu khép kín, mà là yêu thương để mọi người nhận ra môn đệ Đức Giêsu (x. Ga 13,35). (x.Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh, Giuse Lê Minh Thông, OP).
Yêu Chúa và yêu người có một động từ chung là yêu. Đối tượng của động từ yêu này có vẻ khác biệt nhưng lại không phân biệt. Hai điều răn ấy tuy hai mà một, giống như hai trang của cùng một tờ giấy, tuy hai mặt khác nhau nhưng cũng chỉ là một tờ giấy duy nhất. Yêu người là yêu Chúa và yêu Chúa là yêu người. Người Kitô hữu có đức tin sẽ nhìn thấy Thiên Chúa nơi anh chị em mà mình gặp gỡ hàng ngày, yêu Chúa nơi họ.
Hai điều răn mến Chúa, yêu người không thể tách rời nhau.Yêu Thiên Chúa chắc chắn dẫn đến yêu tha nhân.Tình yêu tha nhân cần đặt nền trên lòng yêu mến Thiên Chúa.Người Kitô hữu đi từ nhà thờ ra nơi cuộc sống rồi từ cuộc sống đi vào nhà thờ.Ngoài cuộc đời, họ gặp Chúa nơi anh em.Trong nhà thờ, họ gặp anh em nơi Chúa.Thánh Gioan đã nói: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Do đó, “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (Ga 4,21).
Tất cả mọi điều răn khác đều quy về hai điều răn này. Nếu ta giữ trọn vẹn giới răn này, không những ta chu toàn Lề Luật mà còn góp phần xây dựng một thế giới chan hòa yêu thương, chan chứa tình người. Và đó chính là khởi điểm của thiên đàng mai sau.
“Mến Chúa, yêu người” là trung tâm của mọi giới răn, vì tất cả các giới răn khác đều quy hướng về hai giới răn quan trọng này; đồng thời đây cũng là giới răn tối thượng bao trùm hết mọi giới răn khác. Vì thế, ai giữ trọn giới răn này thì được xem là đã giữ trọn tất cả các điều răn khác như lời Thánh Phaolô: "Thật thế, các điều răn như: ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13, 9-10).
Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân làm nên một giới luật duy nhất là tình yêu. ĐGH Bênêđictô XVI mời gọi chúng ta hãy noi gương mẹ Têrêxa Calcutta, luôn canh tân khả năng yêu thương tha nhân của mình từ việc gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể.(x.Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18).Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu dạy: “Việc công bình, bác ái và thương xót phải gắn bó mật thiết với đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực, và thật vậy, chính cũng một tu đức này là nguồn suối của mọi công trình rao giảng Tin Mừng của chúng ta”.
Tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật. Như câu kết của kinh Mười Điều Răn: "Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy".
Lạy Chúa, hằng ngày chúng con đọc kinh Tin Cậy Mến, và thân thưa với Chúa rằng“chúng con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình”, nhưng trong cuộc sống chúng con vẫn chưa thực hiện trọn vẹn lời kinh này. Xin Chúa giúp chúng con cố gắng thực hiện trọn vẹn lời kinh này. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 4
MẾN CHÚA - YÊU NGƯỜI
Mt 22, 34-40
Khi nghe tin Thầy Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc bị khóa miệng, thì những người Pharisêu “họp nhóm” lại với nhau. Rồi một người thông luật trong nhóm giơ tay hỏi (ý kiến) Đức Giêsu để thử Người: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22, 36). Phải chăng đây là cơ hội để làm Thầy Giêsu mất mặt? Họ hỏi xem Thầy có hiểu biết gì về luật và có tôn trọng luật lệ không? Ai dè Thầy nhanh chóng “tóm tắt nội dung” rõ ràng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” (Mt 22, 37-40). Toàn bộ lề luật được tóm gọn lại trong hai giới răn quan trọng nhất: mến Chúa-yêu người. Hôm nay Thầy nối kết hai điều răn này là một, như một sự bất khả phân ly.
Giới răn thứ nhất: Kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là điều răn quan trọng đối với người Dothái. Để nhắc nhớ, họ dán trên cửa, đeo trên đầu như thẻ kinh và đeo trên cánh tay mỗi khi cầu nguyện sáng chiều. Điều răn phổ cập toàn dân như vậy mà họ còn đem ra hỏi Thầy Giêsu, chứng tỏ họ khinh thường muốn làm khó Thầy. Một điều răn đã “khắc ghi trên trán” như vậy, nhưng chỉ dễ nhớ mà không dễ thực hành. Người Do Thái vẫn đúc bê vàng để thờ hoặc chạy theo thần ngoại bang. Ngày nay chúng con cũng thuộc nằm lòng từ bé: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.” Nhưng có lúc chúng con đặt các thứ khác lên trên Thiên Chúa như tiền, danh, lợi, thú…
Giới răn thứ hai: yêu người thân cận như chính mình. Ai mà không yêu chính mình? Tình yêu đối với tha nhân được đo lường bằng tình yêu đối với chính mình. Đó thực sự là “khuôn vàng thước ngọc”. “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta , vì luật Môsê và các sách ngôn sứ dạy như thế”. (Mt 7, 12). “Chớ làm cho người điều chi mà con không chịu được.” (Tb 4, 15). Lý thuyết thì hay và dễ nhưng khi đối diện với hoàn cảnh cuộc sống thực tế thì xem ra rất khó.
Khi người ta yêu Chúa với tất cả tâm hồn, bằng cả con tim với tình yêu đậm đà mật thiết với Chúa, Chúa sẽ chỉ cho biết phải yêu thương anh em như thế nào, “yêu như Chúa yêu”, hiến dâng cả mạng sống… Tình yêu Chúa như ánh mặt trời. Ta thu nhận sức nóng tình yêu của Chúa qua cầu nguyện, ở lại với Chúa và sống trong Lời Chúa. Để rồi trong Chúa ta được hâm nóng tình người bằng tình yêu Chúa qua những hành động cụ thể, những cử chỉ yêu thương nho nhỏ, một nụ cười, một lời ủi an khích lệ, một ý kiến xây dựng, hành động sẻ chia vật chất, một sự tha thứ bao dung…
Chúa ơi! nhìn lên Thánh giá, con thấy Chúa không còn cách nào để yêu con hơn được nữa. Xin cho con biết tìm về sống trong Tình Yêu Chúa. Nhờ Tình Yêu Chúa hun đúc, tim con cũng thấm đẫm tình yêu ấy, để con sống chan hòa với mọi người anh em của con. 
Én Nhỏ
 

======================
Suy niệm 5
PHẢI YÊU MẾN THIÊN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ

(Mt 22, 34-40)

Lại một bẫy khác do con người đặt ra để thử lòng Thiên Chúa. Thay vì một nhóm người như trước, họ chọn ra một đại diện cho cả nhóm. Vì muốn thử thách Chúa, họ chọn một vị thông luật, đã là thông luật nên chắc ông này phải thuộc nằm lòng 613 điều luật ghi trong sách Luật Do thái, trong đó có 365 điều luật cấm và 248 điều luật truyền làm, chưa kể các điều luật phụ nữa. Ông cũng biết các điều trên được chia thành hai vế trọng luật và khinh luật. Phạm khinh luật thì chịu phạt đền tội, nhưng phạm trọng luật như giết người, thờ tà thần, gian dâm... thì bị tử hình. Vì là viên thông luật, hiển nhiên ông biết rõ mỗi nhóm thích giữ một điều luật và cho rằng điều ấy đối với họ là quan trọng hơn cả, có thể Chúa Giêsu đưa ra điều này trọng đối với nhóm này nhưng lại thường đối với nhóm kia, đó là lý do ông đặt ra câu hỏi với Chúa Giêsu hòng nắm chắc phần thắng về mình: “Thưa Thầy, trong lề luật điều răn nào trọng nhất” ?

Hai Điều răn

Thật không dễ để trả lời. Nếu Chúa trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng thì thế nào Người cũng bị qui lỗi là về phe nhóm này, chống nhóm kia, và như vậy Người sẽ mắc bẫy của họ.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thấu hiểu lòng người, nhưng Chúa vẫn trả lời. Chúng ta cũng cám ơn vị thông luật này đã hỏi thử Chúa để chúng ta có được chỉ dẫn rõ ràng, xác thực về thứ tự các giới răn.

Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Mt 22, 37). Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5 có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí khôn”. Song cốt yếu không có gì đổi.

Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" (Mt 22, 39)Luật này trích ở sách Lêvi 19,18 có khác ở chỗ thay vì yêu kẻ khác thì yêu đồng loại: "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình".  

Ba đối tượng yêu thương

Chúa Giêsu kết luận: "Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó" (Mt 22, 38)Điều răn thì có  thứ nhất mến Chúa, thứ hai yêu người, nhưng gồm ba đối tượng yêu thương: Thiên Chúa, kẻ khác và bản thân.

Đối tượng thứ nhất là Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu " Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất"(Mt 22, 37-38).

Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta nhiều điều, bởi "yêu mến là chu toàn cả Lề luật"(Rm 13, 10). Nhưng tình yêu có hai vế: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương kẻ khác... Khi dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Còn yêu thương kẻ khác, Chúa Giêsu không bảo ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn; nhưng "yêu kẻ khác như chính mình. Tại sao vậy? Vì Thiên Chúa "là dũng lực, là Đá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh, là sơn động, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù chúng ta " (x. Tv 17, 2-3), nên chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa không những hết… mà còn trên hết mọi sự, hơn cả chính mình, vì theo lời Chúa Giêsu thì: "Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất" (Mt 22, 38).

Đối tượng thứ hai là "kẻ khác" Chúa phán: "Giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi " (Mt 22, 39).

Theo quan niệm của Người Do thái lúc bấy giờ thì "tha nhân" là những người đồng chủng, đồng hương, đồng xứ (x. Lv 19, 18).  Còn “kẻ khác” được hiểu là hết mọi người, (x. Mt 25, 40). Khi Chúa Giêsu bảo người thông luật "hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi", Người có ý dạy phải thương yêu mọi người chứ không giới hạn trong những người đồng hương với nhau (Mt 25, 40), không những thế mà lại còn phải yêu thương cả địch thù nữa (Mt 5, 43), và yêu như thế nào? "Yêu như chính mình ngươi".

Chúa có truyền dạy chúng ta yêu chính mình không? Thưa: Thiên Chúa xét thấy không cần buộc con người phải yêu chính mình, vì không ai ghét mình bao giờ. Nhưng cũng có nhiều người tự đánh mất mình khi yêu mến sự ác. Chúa dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, Người truyền cho chúng ta giới luật phải yêu chính mình. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn yêu mình. Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta là kẻ có tình yêu. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một tình yêu khác với chúng ta nghĩ. Tình yêu ấy nuôi dưỡng và củng cố các mối quan hệ của tình yêu chúng ta dành cho bản thân và kẻ khác. Trong thực tế, chúng ta phải yêu bản thân mình trong tình yêu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, và chúng ta có thể bước vào trong tình yêu. Vậy, hãy yêu mến Thiên Chúa hết mình, thì trong Thiên Chúa chúng ta sẽ tìm được chính mình, và tránh được nguy cơ tự đánh mất mình… Nên, theo nguyên tắc, ta yêu kẻ khác như chính mình, yêu Thiên Chúa hết mình và yêu chính mình.

Yêu kẻ khác như chính mình

Khi truyền dạy "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình", Chúa Giêsu như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu "kẻ khác" hay không? Chúa Giêsu xem tình yêu " kẻ khác " như "mệnh lệnh của Người," mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. "Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em" (Ga 15, 12). Nhiều người có khi đồng hóa toàn thể Kitô giáo với luật yêu người.

Chúng ta cố gắng đi xa hơn một chút bề mặt của sự việc. Khi nói về tình yêu kẻ khác, người ta nghĩ ngay tới những "việc làm" như bác ái, hay "phải làm" cho kẻ khác như: cho họ ăn, uống, thăm viếng họ, nói tóm tắt là giúp đỡ kẻ khác. Nhưng đó là hậu quả của tình yêu, chứ chưa phải là tình yêu. Lòng từ tâm tới trước sự làm phúc. Trước khi làm phúc, người ta phải muốn làm phúc.

Thánh Phaolô nói rõ: Đức bác ái phải là "không giả vờ," tức là, phải chân thật, nghĩa đen, "không giả hình," (Rm 12, 9); người ta phải yêu "với một con tim trong sạch" ( 1 Pr 1, 22). Trên thực tế, người ta có thể làm việc bác ái và bố thí vì nhiều lý do không dính dáng gì với tình yêu: tô điểm chính mình, để ra vẻ là một người làm điều thiện, được lên thiên đàng, và có khi để trấn an một lương tâm xấu.

"Như chính mình" Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh người được yêu đồng hóa với người yêu, vì vậy, phải yêu thương kẻ khác bằng chính tình yêu đối với bản thân, nhưng tiên vàn phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log