Từ chối
“Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến”.
-Không ai đến! Và căn phòng vẫn trống ! Vua mời đi mời lại, nhưng không ai đến. Phải chăng tôi cũng không đến? -Trong bữa tiệc cưới không có ai, kể cả tôi. Nhà vua bị từ chối, bị bỏ lại một mình. Mọi người và cả tôi nữa từ chối đến!
Tại sao tôi không đến vào ngày hôm đó? Khi nào tôi phản đối và từ chối lời mời của Ngài? Tôi không biết. Chỉ có nhà vua biết điều đó, nhưng nhà vua không nói với tôi. Nhà vua sẽ chỉ tiết lộ cho tôi vào cuối câu chuyện. Chỉ có một điều chắc chắn, Tin Mừng chứng thực: Tôi, giống như tất cả những người khác, tôi với những người khác, ngay từ đầu, đã từ chối lời mời của nhà vua.
“Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới”! Và như mọi người khác, tôi bỏ qua.Tôi đã quá bận rộn với công việc buôn bán kinh doanh, hoặc đi thăm trại, mà không coi trọng lời mời này. Giống như mọi người, tôi có những điều tốt hơn để làm. Và khi lời mời trở nên quá cấp bách, tôi đã đuổi người đến làm phiền tôi ra một cách mạnh mẽ và tàn nhẫn,
Lúc đầu, tôi không chú ý đến lời mời của nhà vua. Sau đó, tôi đã nghe và từ chối nhiều lần. Trong bữa tiệc cưới, vẫn không có ai, kể cả tôi. Nhà vua bị bỏ lại một mình. Mọi người, như tôi, từ chối đến.
Chiến tranh
“Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng”. Sau khi thấy những lời từ chối của tôi hết lần này đến lần khác, sau khi gửi cho tôi rất nhiều sứ điệp nhưng tôi đã từ chối, mặc dù tôi đã nghe, tôi cũng như mọi người khác đều là nạn nhân cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa, sau quá nhiều kiên nhẫn mà không có kết quả, đã phải đi đến cuộc chiến tranh.
“Nhà vua sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng”.
-Nhà vua truyền tru diệt những gì, trong tôi cũng như mọi người, là nguyên nhân của chiến tranh.
-Nhà vua thiêu hủy các thành trì khiến chúng ta không lay chuyển trước lời mời gọi của Ngài, lời mời gọi của những người mà Ngài sai đến với chúng ta.
-Và chính trong đau khổ, tràn ngập những trận đòn của cuộc sống, khi hết sức mạnh và can đảm, mất hết tất cả các doanh trại và tất cả các công việc buôn bán, cuối cùng tôi cũng lắng nghe.
Tôi cũng như mọi người, ở các ngã đường. Cuối cùng khi các đầy tớ của Thiên Chúa có thể kéo tôi vào phòng tiệc. Nhà vua nổi giận. Và quân đội của vua đã khiến tôi gặp nạn. Bởi vì Thiên Chúa, đến với nhân loại để ban cho nhân loại Sự sống chống lại những gì cản trở Ngài. Thiên Chúa chiến đấu chống lại tất cả sức mạnh của thần chết trong tất cả mọi người và toàn thể nhân loại. Thiên Chúa ban sự sống và Thần Khí của Ngài cho chúng ta.
Mọi người đều trải qua những khoảnh khắc này khi ở các ngả đường, người ta không thể chịu đựng được nữa và không thể thấy cánh cửa nào sẽ mở. Tại thời điểm đó, người ta không còn tự hỏi liệu mình công chính hay bất công, xứng đáng hay không xứng đáng, tốt hay xấu. Người ta không còn quan tâm mình có hình ảnh đẹp trước mắt Thiên Chúa nữa.
Hiệp thông
“Phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại”.
-Thiên Chúa kết hôn với toàn thể nhân loại chúng ta. Vào giờ này, bất luận chúng ta giàu hay nghèo, tốt hay xấu, Thiên Chúa là người bạn của chúng ta.
-Ngài mặc cho người bạn nhân loại áo cưới. Ngài bao bọc người bạn bằng lòng thương xót. Ngài mặc cho người bạn vẻ đẹp của chính Ngài. Ngài không còn tính đến bất cứ điều gì nữa, mọi thứ đều hạnh phúc, vì cuối cùng Ngài cũng có thể đón nhận được người mà Ngài luôn chờ đợi.
Chỉ một mình Thiên Chúa ban cho chúng ta cùng một bộ áo, cùng một vẻ đẹp, bao trùm tất cả nhân loại. Tôi cũng như mọi người khác, tôi như bất cứ ai trên đời, nhờ ân sủng, tôi được mặc vẻ đẹp của Thiên Chúa, tôi được Thiên Chúa mở tiệc đang chờ đợi tôi. Cuối cùng, với nhân loại, tôi đi vào sự hiệp thông. Trong khi Thiên Chúa ban cho tôi mọi thứ, Ngài mặc cho tôi tình âu yếm của Ngài, nhưng chính trong đời sống con người của tôi, tôi vẫn là một người xa lạ mặc theo thói quen của thế giới cũ.
Nhà vua nói với một người không mặc áo cưới: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? " Nhà vua nói, này bạn: “Hãy bình tĩnh trở lại, hãy để tôi mặc áo mới, bỏ thói quen cũ của bạn”! . Nhưng người đó không trả lời. Vì vậy, trong một cuộc tấn công cuối cùng về tình yêu, Thiên Chúa đã đuổi con người cũ kỹ này đi: Ngài ném nó ra ngoài.. Ngài trục xuất kẻ vẫn khăng khăng không trả lời Ngài. Ngài xua tan nỗi buồn và đau khổ đến tận cùng, để mỗi người và toàn nhân loại, đều mặc lấy ân sủng của Ngài.
Vào ngày sau hết của lịch sử, khi tất cả bắt đầu, không còn ai trong vô số những con người cũ kỹ trong tội lỗi!. Chỉ có một nhân loại mới và xinh đẹp. Vào ngày sau hết, chỉ còn sự hiệp thông các thánh với nhà vua Thiên Chúa mà thôi!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
BỮA TIỆC BỊ TỪ CHỐI
(Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14)
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn về một bữa tiệc của nhà vua bị từ chối nghe thật trớ trêu. Mọi người được mời không đếm xỉa tới, nhất loạt chối từ không đến dự tiệc, bằng đủ lý do của thế trần khiến họ không thể tham dự tiệc. Đối với họ, bữa tiệc này chẳng thể quan trọng bằng hiện trạng cuộc sống của họ. Có kẻ lại còn bắt các đầy tớ, người mời khách cho vua mà sỉ nhục và giết chết. Đầy tớ trở về báo lại sự việc, chủ nhà nổi cơn thịnh nộ, lên kế hoạch khách mời khác cho bữa tiệc đã bị… “ế”: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” (Mt 22, 8-9).
Người đời thường suy tính khi mời khách, “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Khách mời càng thế giá thì chủ càng “trân trọng kính mời”. Đằng này ông chủ giục mời khắp nơi công cộng, từ đường phố đến đường làng ngõ xóm, bất luận xấu tốt. Ông chủ cho mời tá lả những người nghèo, bần cùng đầu đường xó chợ, bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt… (gồm những ai đón nhận Người).
Quả thật, Chúa luôn canh cánh tấm lòng yêu thương tất cả, không trừ ai. Vậy mà bao người đã từ chối dự tiệc vì đủ thứ lý do như dụ ngôn trên đây. Dân Do Thái xưa cũng như một số người Kitô hữu hôm nay từ khước dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Lời mời dự tiệc chuyển sang cho dân ngoại.
Cuối cùng phòng tiệc cũng đầy ắp khách mời. Những khách mời này thực sự có thiện chí chân thành với lòng khát khao được no thỏa, nên họ cảm nhận được hạnh phúc tuyệt vời, họ hoán cải, đổi thay tận gốc rễ. Còn những người dự tiệc Thánh Thể như nhàm chán, theo thói quen chẳng thấy đói khát gì nữa, lại đói khát những “thứ khác” hoặc đã chứa đầy những “thứ khác” rồi không còn đói khát chi, không màng gì tới bữa tiệc này.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia cũng từng loan báo bữa tiệc hậu đãi của Thiên Chúa: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. (Is 25, 6).
Chúa ơi! Chúa chính là Bàn Tiệc trong Lời Chúa và Thánh Thể. Nơi đâu có Chúa ở đó có bàn tiệc. Khi con kết hợp với Chúa là lúc con đang dùng tiệc. Chính Chúa là bàn tiệc cho con được no thỏa bình an trong mỗi phút giây.
Én Nhỏ
TIỆC CƯỚI và ÁO CƯỚI
CN 28 A
Tin mừng Matthêu 21,23-27, kể chuyện Chúa Giêsu tranh luận với giới lãnh đạo Do thái: “Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi ‘Ông lấy quyền nào mà làm các việc ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?’”.
Sau cuộc đối thoại với những kẻ tự bưng tai, che mắt, bịt miệng, Chúa lay tỉnh họ bằng ba dụ ngôn để vạch trần tâm địa của họ và cho họ biết cái gì chờ họ ở cuối con đường họ đang đi.
Dụ ngôn thứ nhất (Mt 21,28-32): suy niệm Chúa Nhật 26.
Dụ ngôn thứ hai (Mt 21,33-46): suy niệm Chúa Nhật 27.
Dụ ngôn thứ ba (Mt 22,1-14): suy niệm Chúa Nhật 28. Dụ ngôn tiệc cưới. Dụ ngôn này có hai mũi dùi: mũi dùi thứ nhất tiếp tục chĩa vào những kẻ được mời trước mà không thèm đến dự (cùng họ với người con thứ hai trong dụ ngôn thứ nhất và bọn tá điền coi vườn nho trong dụ ngôn thứ hai). Mũi dùi thứ hai, một trong những kẻ đầu đường xó chợ đã được vào thế chỗ dự tiệc nhưng lại không mặc áo cưới, chĩa vào những người đã tin, đã gia nhập Hội Thánh nhưng lại không sống đời sống mới. Đó là lời cảnh báo: Hội Thánh không phải là hãng bảo hiểm sinh mạng vô điều kiện, phép rửa không phải bùa hộ mệnh nhưng là khởi đầu một cuộc sống mới, và Hội Thánh là bàn tiệc Nước Trời ngay bây giờ cho những ai muốn thật sự theo Chúa Giêsu, mặc lấy Chúa Kitô nên đồng hình đồng dạng với Người (x.Cl 2-3; Pl 3; Ep 3-6), nhờ Lời Chúa và các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể nuôi dưỡng.(x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Matthêu, Lm Nguyễn Công Đoan. SJ).
1. Tiệc cưới
Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tiệc cưới, vị vua tổ chức cho hoàng tử. Đây là một đại yến tiệc hoàng gia. Khách được mời là cấp hoàng tộc, giới thượng lưu và có địa vị cao trong xã hội. Tuy nhiên, những vị khách quý này đã tỏ ra khinh thường và hung bạo đối với các sứ giả nhà vua. Không những họ từ chối lời mời, mà còn nhục mạ và sát hại những người được vua phái đến. Vua tức giận trừng phạt những con người hung ác kia và cho gia nhân ra các ngả đường mời bất cứ ai, bất luận tốt xấu, đến dự tiệc và phòng tiệc chật ních khách mời. Qua dụ ngôn Tiệc Cưới, Chúa Giêsu tỏ rõ cho người Do thái biết rằng, họ chính là dân tộc được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, là khách mời đặc biệt của bữa tiệc Nước Trời. Nhưng khi Chúa Giêsu đến, loan báo ngày mở tiệc và mời gọi họ, thì họ lại khước từ. Vì thế, Israel đã được thay thế bằng các dân tộc khác, kể cả những người ngoại giáo và tội lỗi. Bữa tiệc được mở rộng đến mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới.
Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự. Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Thời nay, những người tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Thiên Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa nhật. Có người nhân danh đạo tại tâm để từ chối dự lễ Chúa nhật. Có người viện lý do ghét người này người nọ để từ chối việc đến nhà thờ. Bên cạnh những người bỏ đạo còn có những người lấp lửng nửa vời. Họ nại vào lý do “có thực mới vực được đạo”. Họ không đi lễ vì phải lo kế sinh nhai, cơm áo gạo tiền. Khi rãnh mới đi lễ… Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh hoạt xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự thánh lễ. Người ta nại đến nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khó khăn để từ chối gặp gỡ, đón nhận Chúa qua anh chị em chung quanh, khước từ sống giới răn yêu thương của Chúa.
Thánh lễ chính là Tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa thết đãi cho chúng ta hưởng nếm trước hạnh phúc, vinh quang và sự sống thần linh. Mọi sinh hoạt Kitô giáo đều bắt nguồn và đặt nền nơi Thánh lễ ngày Chúa Nhật.Tham dự Thánh lễ Chúa Nhật là một bằng chứng trung thành với Chúa Kitô và với Hội Thánh, đồng thời các tín hữu hiệp thông với nhau trong tin yêu, nâng đỡ và khuyến khích nhau. Thu xếp công việc, dành ưu tiên cho Chúa, hân hoan dự bàn tiệc Thánh Thể. Khi đã vui hưởng Tiệc Thánh, mỗi người sẽ thêm nghị lực, thêm niềm tin, thêm tình yêu.
Tham dự Thánh lễ là bổn phận trước tiên và chủ yếu để thánh hóa ngày của Chúa, người tín hữu dành Chúa nhật cho những việc hữu ích và cần thiết khác theo ý muốn của Chúa. "Chúa Nhật và các lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự Thánh lễ; lại nữa, phải kiêng những việc làm, và những hoạt động làm cản trở việc thờ phượng Thiên Chúa, niềm vui riêng trong ngày của Chúa, hoặc việc nghỉ ngơi tinh thần và thể xác cần phải có" (GL 1247). Thời giờ ngày Chúa Nhật cũng có mục đích dành để sống với gia đình, trau đổi văn hóa nghệ thuật cũng như đạo đức, và để thăm viếng bạn bè, nhất là đến với những bệnh nhân, tàn tật, già yếu, cô đơn. "Mỗi người cần được hưởng đầy đủ sự nghỉ ngơi và thời giờ nhàn rỗi, để sống đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo" (MV 67).
2. Áo cưới
Đỉnh cao của dụ ngôn chính là vấn đề “y phục lễ cưới”. Ý nghĩa đạo đức hay luân lý của hình ảnh “y phục lễ cưới”: trách nhiệm luân lý, lương tâm ngay thẳng, những việc đạo đức và bác ái… Muốn tham dự tiệc cưới, vào bàn tiệc chưa đủ mà còn phải mặc y phục cho thích hợp. Y phục đó tượng trưng cung cách sống đạo, trang phục bằng những đức tính và tinh thần của Ðức Kitô. Là người Kitô hữu, cần sống cho xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu mới được vào Nước Trời. Ân sủng không chỉ là một quà tặng mà còn là một trách nhiệm phải chu toàn.
Chiếc áo cưới vào dự tiệc Nước Trời chính là ơn Thánh Tẩy của Bí tích Rửa Tội. Ngày chịu phép rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu được nhắn nhủ: "Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Ðức Ktiô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh."
Mỗi một Kitô hữu đều có một bộ y phục lễ cưới, đó là chiếc áo trắng ngày chịu phép Rửa tội. Chiếc áo trắng ấy là tâm hồn thanh khiết của những người con Chúa đã được tẩy trắng trong máu Con Chiên. Chiếc áo trắng ấy được dệt bằng sợi tơ Lời Chúa mà người tín hữu phải nâng niu, gìn giữ suốt cuộc đời. Chiếc áo trắng ấy phải tinh tuyền cho đến ngày bước vào dự tiệc cưới trong Nước Trời.
Có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời vì họ đánh mất chiếc áo trắng ngày Rửa tội. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.
Khi đến nhà thờ dâng thánh lễ ngày Chúa nhật, các Kitô hữu mặc y phục đẹp nhất của mình, chứng tỏ lòng kính trọng Thiên Chúa, tôn trọng anh chị trong cộng đoàn, và biểu lộ sự tự trọng với bản thân mình. Mỗi lần tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng phải mặc lấy y phục phẩm hạnh của bàn tiệc mà Chúa Giêsu đòi hỏi, đó là y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa. Chiếc áo cưới của Kitô hữu không được dệt bằng lụa là gấm vóc, không được mua từ hàng hiệu đắt tiền nhưng chính là lòng khiêm hạ, lòng tin cậy mến Chúa, lòng mến đối với mọi người.
Từ Bàn Tiệc Thánh Thể hàng ngày, chúng ta sẵn sàng cho mình “y phục lễ cưới” để vào dự Tiệc Cưới Nước Trời. Trước khi được dự tiệc cánh chung, bữa tiệc Thiên quốc, mỗi ngày Chúa cho chúng ta được hưởng nếm tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể. Nơi đó, không những Chúa trao ban Lời Ngài, mà còn ban chính Thịt Máu Ngài để nuôi sống chúng ta. Qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta được qui tụ lại trong tình hiệp nhất yêu thương. Hãy đến với Chúa Thánh Thể để được lãnh nhận lương thực thiêng liêng cho tâm hồn mỗi ngày, miễn là chúng ta biết cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Hãy gìn giữ chiếc áo trắng tinh tuyền ngày chịu phép Thánh Tẩy, “chiếc áo cưới” tượng trưng cho tâm hồn trong sạch giúp chúng ta xứng đáng được Thiên Chúa đón nhận vào dự tiệc Nước Trời mai sau.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Bữa tiệc của vua Trời
(Suy niệm Tin mừng Mat-thêu (22,1-14) trích đọc vào Chúa nhật 28 thường niên)
Dụ ngôn nhà vua mở tiệc đãi khách được trích đọc hôm nay gợi lại cho chúng ta một bữa tiệc khác trọng đại hơn rất nhiều. Đó là tiệc Thánh thể.
Thánh lễ là một bữa tiệc thật nhiệm mầu. Bữa tiệc này vô cùng cao quý vì cung cấp cho khách mời thực phẩm đem lại sự sống đời đời, chứ không như tiệc trần gian, dù có ăn bao nhiêu rồi cũng phải chết.
Bữa tiệc này có hai món đặc biệt: thứ nhất là Lời Chúa và thứ hai là Mình Máu thánh Chúa.
Món thứ nhất: Lời Chúa.
Có thể gọi đây là đặc sản của thiên đàng.
Đây là kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa, được Chúa Giê-su mang từ trời xuống ban phát cho thế gian. Đây là Lời hằng sống, là lương thực thiêng liêng mang lại an vui đời này và hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Không có thứ lương thực nào trên thế gian có thể sánh ví được.
Nhờ hấp thụ lương thực thiêng liêng này, nhiều người trên thế giới trải qua các thời đại được trở nên tốt lành, thánh thiện, đạo đức, nhân hậu, bao dung, quảng đại, sẵn sàng hiến dâng thân mình phục sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người, điển hình là các thánh nam nữ đang được Giáo hội tôn vinh.
Món thứ hai là lương thực nhiệm mầu mà ngay cả các thiên thần cũng không được thưởng thức, đó là Mình Máu thánh Chúa Giê-su. Nhờ lương thực thiêng liêng và thần diệu này, các tín hữu được lãnh nhận nhiều hồng phúc vô cùng cao quý. Cụ thể là khi rước Chúa vào lòng, chúng ta nhận được hai hồng ân vô giá:
- Một là được kết hợp nên một với Chúa Giê-su, tan hòa vào Chúa Giê-su như ao nước nhỏ hòa chung với đại dương bao la. Nhờ đó, Chúa với ta không còn là hai nhưng chỉ là một, như lời Chúa phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy” (Ga 6, 56).
Người phàm hèn mọn mà được nên một với Chúa, ở trong Chúa, cùng chung huyết nhục với Chúa Giê-su thì thật là nhiệm mầu và vô cùng diễm phúc!
- Hai là được sống đời đời với Chúa Giê-su.
Một khi đã được hòa chung nên một với Chúa Giê-su, thì sự sống thần linh, sự sống tuyệt vời, sự sống muôn đời của Chúa Giê-su sẽ được thông truyền qua cho chúng ta, y như sự sống toàn thân chuyển qua cho từng chi thể nhỏ. Thế là ta được mang sự sống đời đời của Chúa Giê-su trong thân xác mình; thế là ta sẽ được chung hưởng hạnh phúc thiên đàng với Chúa trên thiên quốc, như lời Ngài phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời” (Ga 6, 54).
Thế rồi, Chúa Giê-su tha thiết kêu mời mọi người từ muôn phương đến dự bàn tiệc cao quý Ngài thiết đãi.
Tiếc thay,
Nhiều người thích nghe những chuyện tào lao mà không muốn nghe những điều khôn ngoan đích thực.
Người ta khao khát của cải vật chất mà không quan tâm đến những giá trị tinh thần.
Người ta tìm kiếm lương thực giúp sống qua ngày mà chẳng thiết gì lương thực mang lại sự sống vĩnh hằng mai sau.
.
Vì thế, họ không màng gì đến tiệc thánh của Chúa Giê-su!
Thế là Chúa Giê-su, Người chủ tiệc, bị bẽ mặt, buồn phiền và cảm thấy bị xúc phạm.
Lạy Chúa Giê-su,
Nếu Chúa khoản đãi những bữa ăn chỉ giúp người ta sống qua ngày và kêu mời khách tứ phương đến tham dự thì phòng tiệc sẽ chật ních người và ngày nào thiên hạ cũng chen chúc tìm đến.
Tuy nhiên, khi Chúa dọn tiệc thánh, tiệc thần linh để cho những ai hưởng dùng thì được hấp thụ sự khôn ngoan đích thực bởi trời và được sống đời đời hạnh phúc với Chúa thì chỉ có ít người tham gia.
Xin cho chúng con biết quý trọng lương thực trường sinh hơn là thức ăn hư nát đời này, đừng viện đủ lý do để từ chối bữa tiệc của Chúa, nhưng thường xuyên đến tham dự tiệc thánh để được hưởng muôn vàn phúc lộc. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Chúa nhật XXVIII thường niên năm – A
Cửa Nước Trời luôn mở, nhưng y phục phải xứng hợp
(Mt 22, 1-10)
Lại một dụ ngôn khác về Nước Trời được trình bày cho chúng ta với chủ đề sâu xa tương tự như các Chúa nhật trước. Thiên Chúa luôn đi bước trước, “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ” (Tv 22) “đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon” (Is 25, 6) ; “ Đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa ” (x. Tv 22) “theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô” (Pl 4, 12). Nước Trời luôn rộng mở cho hết thảy mọi người, bất luận tốt xấu, miễn là phải có y phục xứng hợp: “Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới ” (Mt 22, 9).
Lời mời gọi phổ quát
Qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã mời gọi dân Ngài đi vào trong giao ước, chia sẻ tình yêu với Ngài. Nhưng tiếc thay, con người luôn đáp lại một cách khác, ngược đãi, xua đuổi các tiên tri. Giao ước không được đáp trả. Nhưng Thiên Chúa vẫn một mực trung thành, tiếp tục mở tiệc mời con người tới dự tiệc giao ước mới và đó chính là niềm vui cho mỗi người chúng ta.
Những người đầu tiên được đức vua mời đến dự tiệc cưới, nhưng viện cớ lấy lý do “như đi thăm trại…đi buôn bán” để từ chối (Mt 22, 5-6). Vì họ từ chối, nên những người khác được mời vào chia sẻ niềm vui với gia đình hai bên và đôi bạn trẻ.
Khác với những người được mời trước, những người được mời sau chẳng có công gì cũng được mời dự tiệc cưới. Họ chỉ có cơ may là được các người đầy tớ gặp ở ngã ba đường. Họ thuộc đủ mọi thành phần, bình thường không ai để ý tới.
Chúng ta tự hỏi: Liệu họ có hy vọng, có trông đợi mình được mời dự tiệc cưới kia không ? Isaia trả lời. Mọi người đều sống niềm hy vọng vì trong con người có một sự chờ đợi vô song. “Này đây Chúa chúng ta…nơi Người, chúng ta đã tin tưởng…vì ơn Người cứu độ” (Is 25). Họ hy vọng và chờ đợi chứ.
Hy vọng vào lời mời gọi phổ quát này, giả thiết không có một điều kiện tiên quyết nào, cũng không phải là lời mời của những người có lên hệ với nhà vua: “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ…”, cho hết mọi người (Tv 22). Thật khó có thể tưởng tượng, hoặc tin rằng Thiên Chúa ban ơn ơn cứu độ nhưng không cho hết mọi người. Đây chính là Tin Mừng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta.
Hạnh phúc vì được mời
“Tiệc cưới Con Chiên” được sách Khải Huyền mô tả (19, 7, 9) hàm chứa một ý nghĩa sâu xa: “Phúc cho những ai được mời dự tiệc cưới của Chiên Con! ” Thật hạnh phúc cho chúng ta, phúc này vượt quá những gì chúng ta có thể nếm hưởng trên trần gian, đây là yến tiệc Chúa Giêsu ban cho chúng ta.
Sau Chiên Thiên Chúa linh mục mời gọi: “Đây Chiên Thiên Chúa…phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” (Thánh lễ). Lời này gửi đến tất cả những ai sẽ tham dự vào tiệc cưới Con Chiên. Mỗi Thánh lễ là một lời loan báo và tham dự trước vào yến tiệc Nước Trời, tiệc của Hoàng Tử, Con yếu dấu của Chúa Cha, tiệc của Đức Kitô kết ước với nhân loại. Thánh Têrêsa Avila nói: “Lạy Chúa vị Hôn Thê của con, giờ đã đến, giờ con hằng mong đợi, giờ chúng ta gặp nhau. Ôi lạy Thiên Chúa là tình yêu duy nhất của con! Này là giờ con ao ước từ lâu, tâm hồn con vui sướng khi được kết hợp với Chúa! ” Chúng ta không thể gần Chúa mà không mặc lấy tâm tình của Chúa.
Nhưng phải có y phục lễ cưới
Có một điều khiến người đọc không khỏi thắc mắc và tìm lời giải đáp cho người được mời không mặc y phục lễ cưới, họ vào và bị đức vua ra lệnh: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! " (Mt 22, 13). Họ đang ở ngã ba đường, đầy tớ đức vua tình cờ gặp họ, mời họ vào bất luận họ là ai, sao lại đòi họ phải có y phục lễ cưới ?
Áo cưới mà Tin Mừng nói tới ở đây là áo nào ? Có phải các bí tích không ? Hay là Phép Rửa tội ? Vì không chịu phép Rửa tội, không ai có thể đạt tới Thiên Chúa được, nhưng có một số người lãnh nhận phép Rửa tội, không đến cùng Thiên Chúa... Có thể là bàn thờ hay điều người ta lãnh nhận từ bàn thờ không ? “Vì kẻ ăn và uống, mà không phân biệt được Thân mình, tức là ăn và uống án phạt cho mình” (1Cr 11, 29). Vậy thì là cái gì ? Ăn chay ư ? Những kẻ gian ác cũng làm thế. Đi nhà thờ ư? Những kẻ gian ác cũng đi nhà thờ như bao người khác … Vậy áo cưới này là áo nào?
Ở đây, người vào dự tiệc cưới không thụ động, chấp nhận vào thì phải tìm cách thể hiện mình xứng đáng, và đó là áo cưới. Ơn cứu độ là phổ quát, đồng ý để được cứu độ là chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Nước Trời, áo cưới vừa thể hiện sự đồng ý, vừa chứng tỏ trách nhiệm của chúng ta.
Đời sống luân lý không phải là điều kiện duy nhất để được cứu độ, Maria Mađalêna, Giakêu và nhiều người khác được mời, họ đã hoán cải để trở nên xứng đáng với Chúa hơn. Áo cưới là những điều tốt, người dự tiệc phải có. Thánh Phaolô nói: “Ðiều lời truyền dạy phải nhằm đưa tới đức mến, phát tự tấm lòng trong sạch, lương tâm thiện hảo, và đức tin không giả hình” (1Tm 1, 5). Đây là y phục lễ cưới.
Người được mời đến dự tiệc cưới không đơn giản chỉ ăn, nhưng chia sẻ niềm vui với họ hàng hai bên, mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, nên phải có y phục xứng đáng.
Chúng ta là những tội nhân được Thiên Chúa mời dự tiệc Nước Trời. Chắc chắn ai cũng muốn mặc chiếc áo cưới tinh tuyền, không vương tội lỗi. Giáo hội Chúa không phải là một xã hội hoàn hảo, gồm có tội nhân, nhưng ý thức được tội lỗi của mình và mong muốn được tha thứ. Áo cưới được hiểu là biểu tượng của sự hoán cải. Sách Khải Huyền nói đến sự thánh và việc lành là chiếc áo bao phủ chúng ta (Kh 19,8). Thánh Giêrônimô thì nói: “Áo cưới, là những thánh chỉ của Chúa, và việc làm được thực hiện theo luật của Tin Mừng là chiếc áo cưới mới”. Chúng ta không thể tham dự vào tiệc cưới con chiến mà không tìm kiếm mặc lấy lòng trắc ẩn, lòng tốt, khiêm nhường trong lòng, từ bi. Áo cưới chính là “Đức Kitô Vị Hôn Phu” thánh Phaolô khuyên: “anh em hãy mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3, 27), chấp nhận hoán cải, thanh tẩy chính mình “để sao cho xứng với Chúa, mà làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự ” (Cl 3, 10). Giờ đây hãy chúng ta hãy nghe lời Chúa: “Mọi sự đã sẵn sàng hãy đến !”
Lạy Chúa, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ