Thứ ba, 26/11/2024

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 7 Phục Sinh

Cập nhật lúc 15:53 10/05/2018
Suy niệm 1
Lạy Cha, xin cho họ nên một
-----------------------------
Bài Tin Mừng hôm nay được mô tả trong khung cảnh chiều ngày thứ năm thánh, lúc Chúa Kitô biết giờ chết của Ngài đang đến gần. Khi đó tâm trạng của Ngài thế nào?
Không còn nghi ngờ gì: trước hết Ngài dâng lên Chúa Cha lời cầu nguyện dài và thống thiết nhất mà chúng ta vẫn quen gọi là lời cầu nguyện hiến tế. Trong lời cầu nguyện tình con này, Ngài hướng về Cha 3 lần, và nhất là Ngài nghĩ đến tất cả những ai mà Người sắp phải từ biệt. Tất nhiên là Ngài nghĩ đến 12 các tông đồ, nhưng chỉ còn 11 ông trung thành thôi, nhưng Ngài cũng nghĩ đến tất cả những kitô hữu trên thế giới tin cậy vào Ngài.
Vâng, Ngài nghĩ đến chúng ta. Ngài biết quá rõ tâm trạng của con người thường bị cám dỗ chia rẽ. Đó chính là mối ưu tư nhất nên Ngài cầu nguyện tha thiết để sau khi Ngài ra đi, những ai tin vào Ngài cảm thấy sâu xa là phải hiệp nhất với nhau. Ngài không xin một điều gì khác ngoài sự hiệp nhất.
Câu chuyện tháp Babel trong Kinh Thánh là biểu tượng của sự chia rẽ. Và từ đó chia rẽ càng ngày càng lớn: chia rẽ giữa vợ chồng, chia rẽ giữa dân tộc này với dân tộc khác, chia rẽ giữa những người cùng chung sống bên nhau trong một cộng đoàn, trong một gia đình và trong một họ đạo.
Đương nhiên những sự chia rẽ giữa những người có đạo làm Chúa Kitô đau khổ nhất. Nếu Chúa Kitô cầu nguyện tha thiết cho vấn đề này, chính là vì Ngài biết rõ sự chia rẽ sẽ là điều bất lợi kinh khủng để tiến vào nước Chúa. Trong đêm chuẩn bị phải ra đi, Ngài có một cái nhìn bao quát xuyên suốt qua nhiều thời đại. Ngài nghĩ đến Giáo Hội. Sự chia rẽ lớn nhất giữa Giáo Hội Đông Phương và Giáo Hội Tây Phương, rồi sau đó là Tin Lành và Anh Giáo…Tại vườn Cây Dầu, Ngài  biết cái chết vì yêu của Ngài cũng khó có thể dập tắt được sự ghét ghen sâu xa của con người. Chính vì vậy mà Ngài cầu nguyện tha thiết:  “Xin cho họ nên một”.
Sự hiệp nhất này chỉ có thể thực hiện được nếu dựa vào sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Ba Ngôi vị hoàn toàn khác nhau. Nhưng 3 ngôi vị này hiệp nhất với nhau để chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.
Hiệp nhất giữa người kitô hữu với nhau là dấu chỉ để thế giới tin vào Chúa Kitô. Tôn giáo không tạo nên những thách đố. Tôn giáo cũng không có khả năng chặn đứng được các xung đột. Chúa Kitô rất đau khổ khi thấy gương xấu những người tín hữu chúng ta chia rẽ lẫn nhau. Ngài nói với chúng ta: “Chẳng lẽ Chúa Cha lại sai Thầy xuống trần gian để chúng con xâu xé nhau vì danh Thầy sao?” Người ta có thể tin vào tình yêu của Chúa Cha thế nào được nếu các con cái Người chém giết lẫn nhau?
Trong thời gian gần đây, xuất hiện một thứ tôn giáo được gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời”. Sự xuất hiện thứ tôn giáo này một hình thức nào đó cũng làm hoang mang cho những người công giáo chúng ta còn kém đức tin...và cũng có thể cản trở phần nào cho công cuộc truyền giáo của người công giáo chúng ta...
Vì thế, chúng ta phải là những người thợ xây dựng sự hiệp nhất,trung gian nối kết mọi người lại với nhau, là biểu tượng như Chúa Kitô là cây cầu cạn nối kết tình yêu giữa Thiên Chúa với con người. Hãy hiệp nhất ngay trong gia đình và trong cộng đoàn của chúng ta.
Dĩ nhiên, điều không tránh khỏi là cũng có những cuộc tranh luận và cãi cọ lẫn nhau. Điều đó không quan trọng. Hiệp nhất không phải chỉ theo kiểu bề ngoài. Hãy tìm lại điều nối kết chúng ta lại một cách sâu xa nhất: đó là tình yêu của chúng ta với Chúa Kitô. Mối dây liên kết này dựa trên nền tảng của bí tích Thánh Thể và được đổ be-tông hóa bằng chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Gia đình hoặc cộng đoàn là nơi đặc biệt nhất để chúng ta học sống hiệp nhất mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau. Dù có những khó khăn nhất định nào đó, hãy tin tưởng vào Chúa Kitô, Ngài vẫn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta.
- Hãy hiệp nhất đức tin với cuộc sống hằng ngày của chúng ta:
+ Đừng là người độc thân ở nhà thờ, có nghĩa là vợ đi cầu nguyện, đi lễ, còn chồng cứ ở nhà;
+ Đừng là người vô đạo cứ ở nhà tất cả mà không đến nhà thờ đọc kinh hoặc không đi lễ, viện cớ là “đạo tại tâm”.
- Hiệp nhất giữa chiêm niệm và hành động, giữa Mattha và Maria.
- Hiệp nhất giữa vật chất và tinh thần. Chúng ta cũng đừng nên lặp lại tư tưởng cũ rích: vật chất có trước hay tinh thần có trước nữa!
- Hiệp nhất giữa tình yêu của chúng ta đối với Chúa và với những người thân cận: không thể yêu người này mà lại không yêu người khác.
- Hiệp nhất giữa nói và làm.
- Hiệp nhất giữa bề ngoài và bề trong.
- Hiệp nhất giữa dâng hoa, rước hoa với lòng tôn sùng Đức Mẹ, đó là biết tìm hiểu đâu là Thánh Ý Chúa để mà sống cho tốt hơn trước những biến cố của cuộc đời.
Boris Vian, một thi sỹ công giáo viết: “Tôi muốn một thế giới mà mọi người yêu mến nhau và muốn điều thiện cho nhau; một thế giới mà tình yêu và vui mừng luôn làm chủ, một thế giới chỉ nghe thấy tiếng đàn ghi-ta, sáo trúc và vĩ cầm để quên đi những thứ khác”.
Chúa Giêsu luôn ước mơ giao hoà, nối kết toàn thể nhân loại để một ngày nào đó Ngài sẽ giới thiệu nhân loại đó cho Cha của Ngài. Amen!

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

===========================
 Suy niệm 2
Nên một trong Thiên Chúa
(Ga 17, 11b - 19)
Bước vào Chúa nhật thứ VII, Chúa nhật cuối cùng mùa Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống như lời Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ trong bữa tiệc ly trước khi về trời là không bỏ chúng ta mồ côi, Người sẽ gửi Chúa Thánh Thần là Đấng Bầu Chữa đến.
Khi đến giờ rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ nhiều điều, toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là một bằng chứng. Sau một loạt diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (Ga 17, 1-5). Thứ đến là xin "Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17, 1). Và sau cung là lời cầu xin cho các môn đệ.
Xin cho chúng nên một
Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối mỏng giòn của các môn đệ, nên Người tha thiết cầu xin Cha cho họ được hiệp nhất trong tin yêu, để các ông có thể thi hành sứ mạng rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa, một sứ mạng vô cùng khó khăn và đầy những thử thách. Các ông phải tự mình đương đầu với những khó khăn ở trong thế gian, mặc dù sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, hoạt động của các ông phải qui hướng về thế giới khác. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu cầu nguyện: "Xin cho họ nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha" (Ga 17, 21). Nhờ "sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần", được ràng buộc "bởi sợi dây bình an", tất cả họ sẽ "duy trì sự hiệp nhất của Thần khí... Chỉ có một Thân mình và một Thần khí " (Ep 4, 3 - 4), giúp họ đồng lòng hợp ý với nhau.
Vì muốn nhân loại kết hiệp ở trong Thiên Chúa, nên đã sai Con Ngài đến thế gian để thánh hiến họ trong chân lý. Khi đầu thai trong lòng Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu đã thực hiện một sự hiệp thông đầy kinh ngạc giữa bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người "Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật" (Kinh Tin Kính). Trong cuộc Thương Khó, Người đã xuống ngục tổ tông, nhà tù giam hãm chúng ta để giải thoát và đưa chúng ta lên cùng Thiên Chúa.
Chúa Giêsu ban vinh quang cho các môn đệ: "Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con" (Ga 17, 22). Vinh quang ở đây là Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ban cho họ vinh quang khi nói, "Hãy lãnh nhận lấy Chúa Thánh Thần" (Ga 20, 22). Chúa Giêsu đã nhận được vinh quang khi mặc lấy bản tính loài người chúng ta, bản tính đã được tôn vinh trong Thánh Thần. Vinh quang Người đã có "trước khi tạo thành thế gian" (Ga 17,5) liên kết nhân loại nên một trong Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu nói: "Lạy Cha, vinh quang mà Cha đã ban cho con, con đã ban cho chúng, để họ nên một như chúng ta là một" (Ga 17,22).
Xin Cha gìn giữ chúng
Trong suốt thời gian ở giữa các môn đệ, Chúa Giêsu đã trung thành gìn giữ họ. Khi trở về cùng Cha, Người không vắng mặt, Người cầu xin Cha cho họ, để họ giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, là Cha và Con và Thánh Thần.
Chúa Giêsu đến thế gian để hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha đã trao, đến lượt các môn đệ, họ cũng được trao cho một sứ mạng (x. Ga 13, 1). Chúa Giêsu không xin Cha đưa họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi những hiểm nguy của thế gian (x. Ga 17, 15). Vì nếu đưa họ ra khỏi thế gian thì sứ mạng tông đồ của họ chấm dứt. Xin Cha gìn giữ họ khỏi bị thế gian lây nhiễm, và thánh hoá họ trong sự thật (x. Ga 17, 17), xin cho họ được tràn đầy thần chân lý. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu làm sáng tỏ: "Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian" (Ga 17,16).
Chúa Giêsu xuống tận vực thẳm của con người để kéo con người lên vì: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Đây là tột đỉnh của Mạc Khải. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thôi thúc chúng ta hiệp nhất với Thiên Chúa, và trong vinh quang đầy quyền thế Chúa Giêsu không ngừng cầu nguyện và gìn giữ để : "Không một ai trong chúng bị mất" (Ga 17,12).
Xin thánh hiến họ
Lời khẳng định trên cho thấy Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Để hoạt động trên thế gian và trong thế gian, mà không liên can đến thế gian, nghĩa là được miễn dịch khỏi thế gian, các môn đệ cần phải được hiến thánh (x. Ga 17-19).
Khi muốn bảo vệ các môn đệ khỏi Sự Dữ trong thế gian, Chúa Giêsu đã tự thánh hiến chính mình, Người nhấn mạnh đến tầm quan trọng là "viên mãn trong Thiên Chúa" khi "ở trong tình yêu". Nguồn gốc của sự thánh hiến này là trung thành với Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng tự hiến chính mình. Người ban Chúa Thánh Thần cho họ và xin cho họ sớm đạt được điều Người cầu xin. Chúa Thánh Thần là sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con, liên kết tâm hồn họ với Chúa Cha, kết hợp trái tim tội lỗi của chúng ta với Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế. "Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian" (Ga 17, 14). Họ đã nhận được Lời, từ "Logos", Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta (Ga 1, 14).
"Lời Cha là chân lý "(Ga 11, 14). Bản chất của Lời là ở với Chúa Cha, đó là chân lý. Kể từ khi Người cho họ tham dự vào sứ mạng của Chúa Con (x. Ga 10, 36 và Ga 17, 18), họ cũng phải tham gia vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Người đã chọn và cắt đặt họ để họ sinh nhiều hoa trái. Đức Giêsu được thánh hiến trong sự thật. Người cũng xin Chúa Cha thánh hiến họ "trong sự thật". Sự thánh hiến này không phải là bên ngoài nhưng nó là sự thật, sâu sắc, thực sự.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng con được hiệp nhất. Xin cho chúng con biết thể hiện tinh thần hiệp nhất giữa chúng con bằng sự biết cộng tác với nhau trong những việc làm chung, để xây dựng nhiệm thể cộng đoàn nhỏ bé, trong tình huynh đệ tương thân tương ái. Chúng con tin tưởng vào lời Chúa hứa mà chúng con đã đọc trước bài Tin Mừng, đó là được ở với Chúa đến muôn đời. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===========================
Suy niệm 3
XIN CHO HỌ NÊN MỘT

Ga 17, 11b - 19
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời cầu nguyện tha thiết của Thầy Giêsu với Chúa Cha cho chính mình, cho các môn đệ và còn mãi cho những người theo Chúa sau này trong tương lai là chúng ta. Trong lòng mến thiết tha, Người thân thưa với Cha mọi điều về đoàn con dấu yêu, trong mối tương quan đậm đà, với bao nhiêu lắng lo khắc khoải khi Người sắp về cùng Cha.
Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất trong tình thương, để khi gặp gỡ họ, người ta nhận ra họ là môn đệ của Người. Tình thương ấy cao thượng và vô điều kiện. Chính người đã biểu lộ tình thương này là yêu đến chết và dám chết cho người mình yêu. Cho đến hôm nay chúng con vẫn chưa cảm nhận và sống một tình yêu như vậy, nên Chúa vẫn hằng cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng con. Chúa vẫn chờ đợi để chúng con nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Chúa mà nhìn lại chính mình và mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa. Chính tình yêu thương và hạnh phúc trong Chúa giúp chúng con sống hiệp nhất với nhau, để chúng con được ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng con.  
Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và chúng ta khỏi bị bách hại: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.” Người ra đi nhưng họ còn ở lại trần gian để tiếp tục sứ mệnh của Người. Người lo lắng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần, giúp họ vượt qua những khó khăn khi thi hành sứ vụ. Họ có thể bị thù ghét, bách hại vì niềm tin.
Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và chúng ta được thánh hiến trong sự thật: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.  Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.  Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” Chính Người đã  hiến thánh chính mình làm lễ vật để kính tiến lên Chúa Cha. Hôm nay đây chúng con được thánh hiến trong sự thật là Lời Cha để thánh hóa mình và tha nhân. Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy yêu thương muốn cho tất cả chúng con được ơn cứu độ. Còn chúng con là con người yếu đuối mỏng dòn hay sa ngã. Nhưng nếu chúng con nhìn nhận và trở về với Chúa sẽ được cứu độ và được sống hạnh phúc muôn đời.
Lạy Chúa Giêsu! xin sai Thánh Thần Chúa đến ở với mỗi người chúng con, cho chúng con được sức mạnh vượt thắng ác thần và được thánh hiến trong tình yêu của Chúa. Trong Thánh Thần chúng con được đổi mới, cả trong cộng đoàn chúng con, giúp chúng con sống hiệp nhất yêu thương trong cuộc đời và hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng cho đời đẹp hơn. Amen.

Én Nhỏ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ủy ban Loan báo Tin Mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 12/2024 - Khởi đầu sứ vụ trong Thánh Thần
Ủy ban Loan báo Tin Mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 12/2024 - Khởi đầu sứ vụ trong Thánh Thần
​Nhằm khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu, Ủy ban Loan báo Tin mừng trong “Kế hoạch thực hiện sống Năm thánh 2025 - Cùng nhau Loan báo Tin mừng” đề nghị mỗi giáo phận chọn một ngày theo chu kỳ tuần/tháng/năm để chầu Thánh Thể cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log