Thứ ba, 26/11/2024

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 5 Phục Sinh

Cập nhật lúc 08:50 26/04/2018
Suy niệm 1
“Thầy là cây nho, anh em là cành”
--------------------------------
Cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội là rất cần thiết, nhưng điều căn bản vẫn phải dựa trên nền tảng TÌNH YÊU đích thực mà Chúa Kito mang đến. Một cộng đoàn, một giáo họ, một giáo xứ và một giáo phận quá chú trọng về khía cạnh phẩm trật mà không bám vào Thiên Chúa Tình Yêu, thì không bao giờ có thể truyền giáo được. Giáo Hội là thực tại sống động nếu Giáo Hội thông truyền và làm cho tình yêu này phát triển khắp toàn thể nhân loại… Muốn được như vậy, chúng ta phải chấp nhận tỉa cành... Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: “Mọi canh tân của Giáo Hội phải lấy truyền giáo làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ của một Giáo Hội qui vào chính mình” (Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giáo Hội tại Châu Đại Dương, số 19).
Mỗi người chúng ta nhiều lúc đã ngăn cản TÌNH YÊU này. Sau khi trở lại, Thánh Phaolo đã phải đương đầu với sự đa nghi của những người kito hữu, vì họ biết Phaolo trước đây là người bách hại kito giáo. Nhưng sự năng động đức tin mới mẻ của Phaolo làm xóa tan tất cả những ngờ vực đó. Ông lập tức khẳng định mình là một trong những người rao giảng mạnh dạn nhất.
Tất cả chúng ta đều là tội nhân! Điều đó đúng! Nhưng đừng quá lo lắng về tình trạng như vậy. Nếu hướng lòng đích thực về Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta vẫn được Thiên Chúa yêu, dù chúng ta là thế! Khi khẳng định mạnh mẽ như vậy, chúng ta cũng có thể yêu thương người khác, không phải bằng lời nói, nhưng bằng việc làm cụ thể.
Bài Tin Mừng hôm nay là tâm tình của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly. Tâm tình đó được thốt lên từ chén rượu nho mà Ngài và các môn đệ cùng uống. Qua đó, Chúa Giêsu so sánh Ngài như một cây nho. Tại miền đất Palestina này, người ta rất quen với cây nho. Sự so sánh này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa, là Cha chúng ta.
Về phía chúng ta, chúng ta phải là những cành nho ghép vào Chúa Giêsu. Nếu ghép vào thân cây nho là chính Chúa Giêsu, chúng ta cũng nhận được sự sống của cây nho. Chúng ta biết: khi cành lìa khỏi thân cây thì sẽ chết khô. Cũng vậy, khi một người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội mà rút lui khỏi tầm ảnh hưởng của Chúa Kito, thì người đó tự mình lên án tử. Chúa Giêsu đã đến đem cho chúng ta sự sống và một sự sống dồi dào…Ngài yêu cầu chúng ta ở với Ngài như Ngài muốn ở với chúng ta. Từ ngữ Ở LẠI được lặp đi lặp lại 8 lần trong bối cảnh này. Như vậy, điều này rất quan trọng.
Ở LẠI có nghĩa là phải có một tình thân mật với Chúa Kito. Nhưng Chúa Kito, Ngài đang ở đâu? Ngài ở quá xa chúng ta chăng? Không, Chúa Kito đang sống, Ngài ở trong sâu thẳm cuộc đời chúng ta, trong mỗi người sống chung quanh chúng ta. Ngài muốn làm cho mọi người trở nên chỉ một dân tộc, chỉ một quốc gia. Ngài không ngừng liên lạc với chúng ta qua Giáo Hội. Chúng ta hãy luôn ý thức về sự gần gũi này và hãy lắng nghe LỜI NGÀI.
Ở LẠI cũng là phải ghép với thân cây nho. Để ghép với thân cây nho, chúng ta cần phải biết Chúa Kito hơn nữa để đem lại nhiều hoa trái mà Cha chúng ta trên trời đang mong đợi. Lời Chúa là cách thế tốt nhất để chúng ta đi vào tương quan mật thiết này. Chúng ta không thể làm được gì nếu không có Thiên Chúa. Hãy tận dụng thời gian để lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành.
Chúa Cha là người trồng nho. Ngài yêu mến cây nho, nhưng Ngài sẽ tỉa những cành chúng ta để có nhiều hoa trái. Tỉa cành, đó là loại bỏ những cành khô héo, những cành tầm gửi bề ngoài bám vào cây, nhưng thực chất lại làm cho cây không sinh hoa trái được. Để không ngừng sinh nhiều hoa trái chúng ta cần phải có sự săn sóc ân cần của bàn tay Thiên Chúa để Ngài loại bỏ tất cả những gì là vô ích, tất cả những gì làm chúng ta không bắt chước Chúa Kito được.
Đau khổ có thể chúng ta rất thường gặp và không biết lúc nào xẩy đến, chúng ta rất phẫn nộ và chỉ muốn điều tốt cho chúng ta thôi…Nhưng Thiên Chúa biết rõ hơn chúng ta điều mà chúng ta phải làm, đó là đừng bao giờ chúng ta xa lìa cây nho, xa lìa Chúa Kito. Không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì. Mặc dù đau khổ nhưng chúng ta hãy bám chặt vào Chúa Kito là tảng đá vững bền đảm bảo chắc chắn nhất…. Mặc dù tuổi tác hoặc hoàn cảnh sống, chúng ta hãy luôn chứng tỏ rằng mình thuộc về Chúa Kito, cây nho đích thực và thuộc về Giáo Hội, nhiệm thể của Người.
Thuộc về Chúa Kito và thuộc về Giáo Hội là năng tham dự các bí tích của Giáo Hội, hiệp thông với tình yêu Chúa Kito, Ngài luôn ở với chúng ta và ở trong chúng ta như Ngài ở trong Cha Ngài là người trồng nho.
Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con đem lại nhiều hoa trái trong vườn nho của Chúa, Chúa mời gọi chúng con trở nên dụng cụ xứng đáng để nhờ đó Chúa thông ban ơn Chúa cho thế giới.
Thế nhưng tất cả chúng con lại muốn có hoa quả ngay mà không chuẩn bị chăm nom cho cây nho để cho có nhiều hoa quả.
Chúng con vội vã ảo tưởng rằng chúng con là rất quan trọng mà quên rằng chính Chúa mới là chủ của vườn nho, ngoài Chúa ra, chúng con không có thể làm được gì.
Lạy Chúa hôm nay chúng con phó thác trong tay Chúa để Chúa tỉa cành chúng con khỏi tất cả những gì ngăn cản tình yêu Chúa chảy vào trong chúng con. Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
==========================
Suy niệm 2
SINH NHIỀU HOA TRÁI
Phúc âm Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu dùng hình ảnh con chiên và người chăn chiên để nói về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Mục tử chăm sóc đoàn chiên.
Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói đến sự thông hiệp giữa loài người với Thiên Chúa. Cành nho phải gắn vào thân nho để sống và sinh hoa trái.
Ý nghĩa của lối so sánh là kết hợp và sinh trái.  Càng kết hợp chặt chẽ càng sinh nhiều hoa trái. Chúa dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp với Chúa mới đem lại hoa quả thiêng liêng cho chính mình và cho người khác.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga 14,5). Có tới 9 lần cụm tụ “ở lại trong” được lặp lại trong đoạn Tin mừng này. Mỗi người phải “ở lại trong” Thầy, bởi vì: “Không có Thầy, các con không thể làm được gì”(Ga 14,5).
Nếu được ở trong Chúa Giêsu, được kết hợp với Ngài thì chúng ta sẽ đón nhận sức sống của Ngài. Chúa Giêsu ở trong Thiên Chúa nên khi kết hợp với Ngài, chúng ta cũng được kết hợp với Thiên Chúa và kín múc sự sống của Chúa Ba Ngôi.
Cành nho gắn với thân nho và liên kết với những cành khác. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống sẽ cằn cỗi, khô héo. Nhựa sống trong thân cây lưu chuyển cho mọi cành để cùng nhau sinh nhiều hoa trái. Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hợp với nhau trên con đường nên thánh.
Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống. Tách lìa Người, chúng ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Thiên Chúa là dòng sông ân sủng. Khi kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta được sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Bài đọc một kể chuyện thánh Phaolô trở lại trên đường Đamat. Từ con người phản nghịch trở thành con người của ơn thánh. Từ con người ghét đạo trở thành con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Phaolô đã đúc kết mối liên kết cuộc đời mình với Chúa Kitô trong một câu bất hủ: "Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi" (Gal 3, 20).
Đức Kitô sống trong tôi” nên tôi mới sinh hoa trái yêu thương như lời Thánh Gioan trong bài đọc hai: “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”.
Sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem niềm vui và hạnh phúc cho người khác.
Lúc ban đầu, khi các môn đệ mới theo Chúa, Thánh Gioan viết: “Các môn đệ đã đến xem chỗ Ngài ở và lưu lại với Ngài” (Ga 1,39). Sau những năm sống với Chúa, Thánh Gioan đổi cách dùng ngôn ngữ: “Các con hãy ở lại trong Thầy cũng như Thầy ở trong các con” (Ga 15, 17). Ở với là ở bên cạnh. Ở trong là trọn vẹn thuộc về người ấy. Khi Phêrô ở với Chúa là ở bên cạnh thôi nên vẫn còn hai bước chân khác nhau, hai ý nghĩ không chung đường và Phêrô đã có những bước chân sai đi lạc lối. Còn ở trong là nên một trong nhau. Chính nhờ ở trong Chúa mà Phêrô đã trở nên con người mới, hoàn toàn thuộc về Chúa.
Ở lại trong” và “gắn liền với” Chúa là điều kiện cần thiết để “sinh nhiều hoa trái”. Chúa Giêsu đã sống chân lý đó trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, và Ngài đã cầu nguyện cho chúng ta được nên một với Ngài trong sự sống đó (Ga 17,21-22).Chúng ta kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện, Thánh lễ và các Bí tích. Chúng ta còn kết hợp với Chúa qua việc biểu lộ lòng trung tín như lời Thánh Phêrô: "Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68).
Gắn liền với” hay “ở lại trong” Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài. Nhờ vậy, mỗi người sẽ có một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy nội lực, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho người khác nữa. Mối liên kết này làm cho chúng ta có cùng bản tính với Chúa Giêsu, được nên một với Ngài: một sự sống, một tình yêu, một tinh thần, một ý chí và hành động. Từ đó, trở nên chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta là óc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế, là tai để nghe tiếng rên rỉ đòi hỏi, là vai để vánh vác, là tay để cứu vớt, là chân để đi đến với người khổ đau, là quả tim để khắc khoải yêu thương, và là miệng để nói những lời bác ái ủi an (ĐHV 341).
Dụ ngôn “cây nho” là bài diễn từ về cuộc sống siêu nhiên. “Hãy ở lại trong Thầy và hãy sinh nhiều hoa trái”. Ở lại trong Chúa là có một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa: sạch tội trọng, cầu nguyện liên lỷ, cậy dựa và tin tưởng vào Chúa trong mọi sự. Trổ sinh những hoa trái nhân đức là các việc lành, điều này đẹp lòng Chúa và làm cho Thiên Chúa được tôn vinh. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ ân sủng của Chúa, đời sống chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành. Hoa trái chính là yêu thương, chia sẻ, cảm thông, tấm lòng rộng mở, biết quan tâm đến người khác. Sống được như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Đấng Phục Sinh, đồng thời cũng làm cho Chúa Cha ngày càng được vinh hiển, như lời dạy của Chúa Giêsu: “Đây là điều làm cho Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế, các con trở nên môn đệ của Thầy”.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con toả lan hương thơm của Chúa nơi con sống.
Xin đong đầy lòng con, với thần khí và sức sống của Chúa.
Xin hãy thâm nhập bản thân con và gìn giữ con, để đời con phát toả sức sống của chính Chúa.
Xin ánh sáng Chúa dọi sáng qua con và ở lại nơi con, để mọi tâm hồn con tiếp xúc sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện nơi con.
Xin cho mọi người không thấy con, nhưng thấy Chúa nơi con.
Xin ở lại trong con, để con dọi sáng với ánh sáng của Chúa và mọi người được soi dọi bằng ánh sáng của con.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn mọi ánh sáng. Chẳng một tia sáng nhỏ bé nào là của riêng con. Xin Chúa soi dọi mọi người qua con.
Xin đặt lên môi miệng con lời ngợi ca sốt sắng nhất là dọi sáng những người quanh con.
Con mong rao giảng Chúa bằng hành động hơn bằng lời nói, bằng mẫu gương hành động của con và ánh sáng hữu hình của tình thương phát xuất từ Chúa thấm nhập vào lòng con. Amen.  (Đức Hồng Y Newman).
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
 ==========================
Suy niệm 3
Ở trong Chúa để sinh nhiều trái tốt
(Ga 15, 1 - 8) 
"Mục tử" và "đàn chiên" là hình ảnh tuyệt đẹp và cảm động để diễn tả tương quan rất dễ thương giữa Thiên Chúa với Dân Ngài. Cây với cành nho được Chúa Giêsu dùng còn hơn thế nữa, khi Người ám chỉ chẳng những kết hợp chặt chẽ giữa Thiên Chúa với Dân Người, mà còn thông truyền sự sống, cành sống nhờ cây, cây truyền nhựa cho cành, cả cây lẫn cành ngoài tùy thuộc vào đất cát, khí trời, còn phụ thuộc vào người trồng nho nữa.
1)  Ở trong…
Với phúc dụ về cành và cây nho, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự « ở trong ». « Ở trong » là động từ chìa khóa của Tin Mừng Gioan, nghĩa là thiết định một chỗ ở, ở nói lên sự ổn định ‘an cư lạc nghiệp’. Đây là kế hoạch đầy tình thương của Thiên Chúa : chúng ta là những thụ tạo bất xứng, tội lỗi, thế mà Chúa mời gọi chúng ta ở với Chúa. Salomon đã ngỡ ngàng kêu lên ngày ông thánh hiến Đền thờ Giêrusalem: « Liệu, có thực, Thiên Chúa ở trên mặt đất không? » (1 V 8, 27).
Sự ngạc nhiên của Salomon chẳng có là gì so với người kitô khi được Thiên Chúa chọn ở trong đời và trong lòng ta. Thiên Chúa quyết định ở trong chúng ta, thật là tuyệt vời, nhưng Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa không thể tháp nhập vào lòng chúng ta được, nếu chính Thiên Chúa không ban ơn để chúng ta lãnh nhận. Thiên Chúa chỉ ở trong tâm hồn những người như Đức Maria, Trinh Nữ, người tớ nữ khiêm nhường của Thiên Chúa, và là Mẹ Thiên Chúa, hơn ai hết, Mẹ đã dành để cho Thiên Chúa một chỗ xứng đáng trong đời của Mẹ, thân xác Mẹ chính là nơi Thiên Chúa ngự.
Như Đức Maria, điều quan trọng là phải có lòng chân thành và ngay thẳng, nghĩa là tâm hồn ước muốn : chỉ một điều là Con Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta. Người tín hữu cần phải có ước muốn cao thượng là nên thánh. Như thế, chúng ta có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa sự an toàn, niềm vui, lòng thương xót và bình an. Để minh họa hình ảnh này, Chúa Giêsu nói: « Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái…» (x. Ga 15,4-8). Ở trong Chúa Giêsu không thể không sinh trái được, trái lại, ai ở trong Chúa sẽ sinh nhiều hoa trái, là những trái tình yêu, tình yêu nảy sinh niềm vui. Chúng ta có thể nói mà không sợ lầm  rằng niềm vui là hoa quả đích thực, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Cây nho sản sinh ra rượu nho, rược làm hoan hỉ lòng người, dấu chỉ của niềm vui.
2) Chúa Kitô là cây nho thật
Cựu Ước mô tả Thiên Chúa có một vườn nho chính là dân Chúa, có lúc Chúa than phiền: « Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng? Cớ sao khi ta mong sanh trái nho, thì nó lại sanh trái nho hoang vậy? » (Is 5,6). Trong Cựu Ước, nói đến vườn nho là  nói đến sự mong đợi của Thiên Chúa. Tân Ước khẳng định chính Chúa là cây nho « Thầy là cây nho thật ». Cây nho thật sinh nhiều trái tốt. Ngược lại, cây nho « xấu » không có trái, có đi chăng nữa thì cũng chỉ là trái chua chát.
Thật khủng khiếp biết bao khi Thiên Chúa đến tìm hoa trái nơi con người là tình yêu mà không thấy con người đáp trả tình yêu của Chúa. Người đầu tiên đáp lại tình yêu của Thiên Chúa lại là chính Con Một Thiên Chúa, đã trở nên con của lòng người, đây là Cây Nho sinh toàn trái thơm, trái ngọt như Thiên Chúa mong muốn: hoa thơm quả ngọt là tình yêu. Chúa Giêsu là cây nho thật sinh trái tình yêu dâng lên Chúa Cha và trao tăng cho anh em.
Đối với Thiên Chúa, việc cây nho không đáp ứng được sự mong chờ của ông chủ nên mới có thảm kịch, ông chủ tự hỏi: « Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng? ». Nho sinh trái dại là một điều bi thảm đối với người trồng nho.
Khi nói : «Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái … » (Ga 15,4-8). Vậy nếu chúng ta ở kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có sự sống nơi Người, và chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái. Khi ở và kết hiệp với Người chúng ta tiếp tục công việc của người là trao ban sự sống và tình yêu cho tha nhân ; khi tách lìa Người chúng ta phá hủy công việc của người và sinh ra hoa trái sự chết.
3) Thực hành
Vậy thì, ở trong Người như thế nào, gắn bó và kết hiệp với Người ra làm sao ? Trước hết hãy cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta có thể « ở trong Người », thiết lập tương quan Tình Yêu đối với Người. Nếu chúng ta không nài xin Tình Yêu, chúng ta không thể lãnh nhận được ân sủng và Tình Yêu.
Thứ đến, hãy vun trồng lòng biết ơn lúc ở trong nhà Chúa, vì một tấm lòng biết ơn là một tấm lòng trung thành, phúc cho những ai được Thiên Chúa yêu thương, người ấy không còn là tôi tớ nhưng là bạn, bạn hữu của Chúa Giêsu, người ấy yêu Chúa và yêu tha nhân.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta một đức tin vững vàng, đức cậy nồng nàn và lòng mến yêu tha thiết, để chúng ta tin tưởng tháp nhập vào Chúa, gắn chặt với Chúa trong tình yêu, để sinh hoa quả tình yêu là việc lành phúc đức, ngõ hầu thông truyền tình yêu và lòng bác ái cho anh chị em chúng ta. Amen.
         
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
==========================
Suy niệm 4
Cành tín hữu - Cây Giêsu
Chúa nhật thứ IV vừa qua Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh cụ thể tuyệt đẹp và đầy cảm động để diễn tả tương quan rất dễ thương giữa Thiên Chúa với Dân Ngài là "Mục tử" và "đàn chiên". Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng một bức họa phúc dụ về cây nho và nhành nho, tự ví von mình là cây nho thật, các môn đệ là nhành và Chúa Cha là người trồng nho. Chúa nói: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho" (Ga 15,1). Các môn đệ là nhành để có nhiều hoa trái thì phải kết hợp với Chúa như cành với cây, như dây với đàn. Điều này không có gì lạ, vì trong Kinh Thánh, rất nhiều lần dân Itraen được sánh ví với vườn nho sai trái khi trung tín với Thiên Chúa; nhưng một khi họ xa Chúa, tức cành lìa khỏi cây, họ trở nên khô héo, không còn khả năng làm ra "loại rượu làm phấn khởi lòng người" nữa (x. 104,15).
Thuật ngữ "hoa trái" được lặp đi lặp lại cả thảy sáu lần trong đoạn Tin Mừng (Ga 15,1-8), cho thấy hoa trái là điều tối cần đối với cây. Người trồng nho nào khi cắm nho xuống đất lại chẳng hy vọng vào tương lai vườn nho sẽ cho nhiều hoa trái. Chúa Cha muốn chúng ta sinh nhiều hoa trái, đó là chuyện bình thường. Chúa Giêsu khẳng định: "Chính Ta đã chọn các ngươi, và đã đặt các ngươi ra, ngõ hầu các ngươi đi và sinh trái, và trái trăng của các ngươi còn mãi " (Ga 15,16).
Ngày chúng ta chịu phép Rửa tội, Giáo Hội đã tháp nhập chúng ta như những nhành cây nho vào Mầu nhiệm Phục sinh và Khổ Nạn của Chúa Giêsu là thân cây nho. Từ gốc nho này chúng ta lãnh nhận nhựa sống và sống sự sống của Chúa Giêsu, tự bản chất là sinh hoa kết quả khi kết hiệp với Chúa Giêsu, hầu được tham dự vào cuộc sống vĩnh hằng. Như các môn đệ, chúng ta cũng vậy, nhờ sự trợ giúp của các Mục tử trong Giáo hội, chúng ta lớn lên trong vườn nho của Chúa, được bao bọc trong tình yêu của Ngài. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết :"Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc "ở lại" cách thâm sâu và trung tín với Chúa" (Gesù di Nazaret, Milano 2007, 305). Ðiều quan trọng là luôn gắn kết với Chúa Giêsu, phụ thuộc vào Người bởi vì "nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho" (Ga 15,4). Chúa Giêsu nói rõ ràng, "các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy" (Ga 15,5). 
Chúng ta là kitô hữu, nghĩa là người có Đức Kitô, sinh nhiều hoa trái chứng tỏ chúng ta là môn đệ, là chi thể đích thực của Chúa Kitô. Chúa đã từng lên án những cây vả cằn cỗi chỉ có lá không có quả. Người kết án tên đầy tớ vô dụng đã mang bạc của chủ đi chôn. Người trách mắng những người Pharisêu không làm công việc của cha họ là Abraham (Ga 8, 39). Chúng ta đã được ghép vào thân cây mới, cây nho Giêsu. Chính nhựa Giêsu, và sự hiện diện của Chúa Giêsu khi chúng ta nhận lãnh trong Thánh Thể đổi mới chúng ta: " Nhành nào sinh trái thì Cha Thầy tỉa sạch để nó sai trái hơn'' (Ga 15, 2). Chúa Giêsu nói: "Thầy là cây nho thật" (Ga 15, 1).
Hoa quả mà Chúa Cha hy vọng nơi chúng ta, là những việc lành phúc đức, là những công việc tốt chúng ta làm. Mang lại hoa trái không có nghĩa là làm những điều phi thường, nhưng là những điều bình thường. Hoa quả ấy là những việc lành phúc đức, là những việc tốt chúng ta làm. Nhưng thử hỏi : kết hiệp với Đức Kitô như thế nào để giúp chúng ta sinh nhiều hoa trái ? Thưa, đức tin và đức ái, nghĩa là ở trong ân sủng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta sống trong ân sủng, các hành vi đạo đức của chúng ta sẽ là hoa trái dễ chịu của Chúa Cha. Thật quí trọng biết bao khi luôn được sống trong ân sủng của Thiên Chúa! "Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi" (Ga 15, 6).
Để là những cây sinh trái, chúng ta phải gắn bó với Chúa Kitô như nhành nho với cây nho, được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta mới có thể sinh nhiều hoa trái. Hoa trái ở đây theo thánh Phaolô là hoa trái của Thần Khí cụ thể như: "Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gl 5,22-23)
Mang lại hoa trái là đưa ban tay ra giúp người ốm đau bệnh tật, thăm người già sống cảnh cô đơn, giúp đỡ những người khổ đau nghèo đói, an ủi và biết cách lắng nghe cũng như khuyến khích và tha thứ cho những người xúc phạm chúng ta, tích cực tham gia vào đời sống của giáo xứ, chia sẻ với mọi người.
Để có được nhiều hoa trái, chúng ta phải là những nhành cây duy trì mối quan hệ thường xuyên với Thầy Chí Thánh Giêsu là thân cây. Vì vườn nho thật của Thiên Chúa, có cây nho thật là Chúa Giêsu. Như Ðức Kitô ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, các môn đệ cũng thế, những người được cắt tỉa nhờ Lời của Thầy mình. Nếu các môn đệ gắn kết với Thầy cách thâm sâu, họ trở thành những nhành nho sai trái, làm cho vụ mùa bội thu. Thánh Phanxicô de Sale viết: "Cành liên kết với thân và sinh trái không bởi tự chính nó nhưng là nhờ thây cây: hiện nay chúng ta được gắn kết trong tình mến với Đấng Cứu Thế như chi thể với đầu. Vì thế, những việc lành phúc đức hưởng nhờ từ Người đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu" (Trattato dell'amore di Dio, XI, 6, Roma 2011, 601).
Thiên Chúa cần chúng ta để tái tạo một thế giới tốt hơn, một thế giới của sự tôn trọng, huynh đệ và yêu thương. Thiên Chúa cần đến bàn tay, đôi chân và tấm lòng của chúng ta. Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta rằng nếu kết hợp với Đức Kitô, như cành nho với cây nho, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh và sức sống, chúng ta yêu mến nhau và chúng ta sinh nhiều hoa trái. "Ai ở lại trong Thầy kẻ ấy sẽ sinh nhiều hoa trái" (Ga 15, 5).
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết luôn gắn bó và kết hiệp với Chúa cho đến trọn đời ngõ hầu sinh được nhiều hoa thơm trái tốt như lòng Chúa mong ước. Amen.
         
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

========================== 
Suy niệm 5
CHÚA LÀ CÂY NHO - CON LÀ CÀNH NHO
Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8
“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi”. Đức Giêsu khẳng định Người là cây nho thật và Chúa Cha là người trồng nho. Người là thân cây, dù là thân cây gầy guộc sần sùi, nhưng lại chứa đầy nhựa sống tình yêu để chuyển thông cho chúng con là cành. “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.” Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với thân cây là chính Chúa. Chúng con phải liên kết, “ở lại” với Người để sức sống của Thiên Chúa được chuyển thông đến chúng con. Chúng con phải “gắn liền” với thân cây trong thinh lặng, cầu nguyện, với Lời Chúa và Thánh Thể. Xin đừng để bất cứ thứ gì ngăn cản sự chuyển thông làm chúng con bị khô héo đi. Thánh Gioan cũng khẳng định trong bài đọc II: « Ai tuaân gi caùc ñieàu raên cuûa Thieân Chuùa thì ôû laïi trong Thieân Chuùa vaø Thieân Chuùa ôû laïi trong ngöôøi aáy. Caên cöù vaøo ñieàu naøy, chuùng ta bieát ñöôïc Thieân Chuùa ôû laïi trong chuùng ta, ñoù laø nhôø Thaàn Khí, Thaàn Khí Ngöôøi đã ban cho chuùng ta. » (1Ga 3,24).
“Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” Hoa trái ở đây là lòng mến yêu Thầy, yêu anh em nhờ được chuyển thông nhựa sống tình yêu, nhờ gắn liền, kết hợp với Thầy. Nhờ ở trong Thầy, “nghe” Lời Thầy thì đời sống chúng con sẽ lộ rõ những hoa quả của Thần Khí là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22-23). Hoa trái sẽ tỏ lộ trên nét mặt vui tươi hiếu hòa, tỏ ra đôi tay sẵn sàng thực thi bác ái yêu thương, phục vụ chăm sóc mọi người, từng người cách cụ thể. Ngành nào sinh hoa trái sẽ làm đẹp lòng Chúa, đây cũng là điều kiện cho ngành được tồn tại.
Cành nào sinh trái thì phải chịu cắt tỉa, để càng sinh nhiều hoa trái hơn. Nhưng khi chúng con “được” cắt tỉa thì ắt là đau đớn vì phải từ bỏ bao nhiêu cản trở, những thói hư tật xấu, mà nó trái ngược ý muốn của chúng con. Người trồng nho cũng xót xa khi phải tỉa bỏ đi những phần không sinh lợi, nhưng vì lợi ích là hoa trái nên không thể làm khác được. Nếu con thực sự ở trong tình yêu của Người, từ từ tình yêu Người cho con nhựa sống để con được sống và sống dồi dào, thì những uế tạp sẽ bị loại trừ vì nó không còn thích hợp với “sức sống mới” của Người đang luân chuyển trong con. Khi những bụi bặm uế tạp bị loại trừ, thì hoa trái tốt lành càng có cơ hội nảy nở, phát triển phong phú dồi dào trong con. Có sức sống của Chúa cùng làm trong chúng con, việc loan báo sẽ trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả vượt quá ước mong.
Lạy Chúa Giêsu là cây nho đích thực, xin cho chúng con luôn hiệp thông gắn chặt với Chúa, để được hưởng nguồn sức sống dồi dào từ Chúa. Chúng con biết rằng, một khi gắn chặt với Chúa, chúng con phải đón nhận sự cắt tỉa, hy sinh. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng cần phải có hy sinh để mang lại hoa trái dồi dào.
Chúa là cây nho, con là cành nho, cũng như muôn cành kết hiệp, kết hiệp cùng cây. Chúa muốn con hằng trổ sinh hoa trái thơm lành... Chúa muốn con hằng ở lại trong tình yêu Chúa. Con muốn con là từ đây như người bạn thân.

Én Nhỏ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ủy ban Loan báo Tin Mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 12/2024 - Khởi đầu sứ vụ trong Thánh Thần
Ủy ban Loan báo Tin Mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 12/2024 - Khởi đầu sứ vụ trong Thánh Thần
​Nhằm khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu, Ủy ban Loan báo Tin mừng trong “Kế hoạch thực hiện sống Năm thánh 2025 - Cùng nhau Loan báo Tin mừng” đề nghị mỗi giáo phận chọn một ngày theo chu kỳ tuần/tháng/năm để chầu Thánh Thể cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log