Thứ ba, 26/11/2024

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 PS Năm B

Cập nhật lúc 10:10 12/04/2018
Suy niệm 1
Họ nhận ra Người khi bẻ bánh
-----------------------------
Bài Tin mừng hôm nay kể lại việc hai môn đệ trên đường Emmau đã trở về Giêrusalem.  Hai ông rất vinh dự vì được Chúa sống lại hiện đến với họ. Vì thế, mặc dù trời đã tối, họ đã nhiệt tình trở về Giêrusalem ngay để kể cho Phêrô và các anh em khác về kinh nghiệm này. Thay vì nản chí, thì bây giờ họ lại rất nhiệt huyết đầy lòng yêu mến.
Đang khi họ còn  bàn chuyện với nhau, thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và chào họ: “Bình an cho các con”, như thói quen của người Dothái vẫn chào nhau và cầu chúc cho nhau được bình an. Họ hết sức ngạc nhiên và tưởng rằng đó là ma. Nhưng Chúa trấn tĩnh họ và nói: “Sao các con bối rối và lòng các con nghĩ như vậy? “Hãy xem chân tay Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”!
Chân là biểu tượng sự đi lại, còn tay biểu tượng công việc làm. Nếu Chúa Giêsu giới thiệu chân tay của Người đã bị đóng đinh, điều đó muốn nói lên rằng Người là Chúa Giêsu thực sự muốn các môn đệ cùng với Người tiếp tục thực hiện Thánh Ý của Cha và làm cho mọi người nhận biết tình yêu của Cha Người.
Hơn nữa, để chứng tỏ Chúa không phải là ma, mà là một người đang sống, Chúa hỏi các môn đệ: “các con có gì ăn không?” Câu nói này có ý ám chỉ bữa ăn mà qua đó Chúa nối kết với 2 môn đệ trên đường Emmau.
- Bữa ăn có thể là một kỷ niệm nào đó để chúng ta tạo nên tình thân mật đích thực và sâu xa.
- Bữa ăn cũng là để chia sẻ. Chúng ta đang sống trong một thời đại thể thao chạy đua tính giờ, đòi buộc chúng ta phải có những bữa ăn nhanh gọn (mì ăn liền), cà-phê tan… Điều đó có thể gây thiệt hại cho sức khỏe. Tại các trường học ở các nước tân tiến, người ta chỉ dành có nửa giờ ăn trưa để sau đó có nhiều thời gian cho công việc khác. Người ta có thói quen ăn vội vàng dù sau đó còn rất nhiều thời gian.
Những bữa ăn được nói đến trong Tin Mừng,
- Chúa Giêsu ăn tiệc tại Cana với mục đích bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài và hướng mọi người tới bữa tiệc Vĩnh cửu trên trời.-Chúa Giêsu dự tiệc nhà ông Mattheu làm cho nhóm luật sỹ và Biệt phái phản đối vì Mattheu là người tội lỗi. Nhưng Chúa dự tiệc ở đó để biến đổi ông.
-Bữa ăn Vượt qua, Chúa từ biệt các môn đệ và lập bí tích Thánh Thể cho chúng ta và làm của ăn hằng ngày cho đời sống tâm linh chúng ta…
- Sau khi Chúa sống lại, hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Chúa trong một bữa ăn.
- Vào một buổi sáng, chính Chúa Giêsu đã chuẩn bị một bữa điểm tâm trên bãi biển để chờ đợi các môn đệ của Người. Dù Chúa đang ở trong cõi Vĩnh Hằng, nhưng Chúa vẫn quan tâm đến chúng ta và vẫn đang chuẩn bị cho chúng ta Bữa tiệc vĩnh cửu…
Như vậy tất cả các bữa ăn trong Tin Mừng đều có một ý nghĩa tích cực. Vì thế, chúng ta cần ý thức trong khi ăn uống. Bữa ăn cũng là dịp để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, lấy lại sức khỏe thể xác cũng như tinh thần, và chia sẻ với bạn bè. Bữa ăn trong gia đình là thường xuyên và rất quan trọng. Làm sao thời gian của của ăn đó phải là thời gian chia sẻ bình an và vui mừng. Tránh tất cả những cuộc cãi vã và tranh tụng.  Thánh Phaolo nói: “Dù ăn, dù uống, hay làm một việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa”. Làm được như vậy có thể giúp tiêu hóa tốt và làm cho chúng ta nghĩ tới bữa tiệc chờ đợi chúng ta ở quê trời…
Vâng, lạy Chúa, Chúa đã sống lại thật. Đó là nền tảng của đức tin chúng con, Chúa đang sống giữa chúng con. Nhờ việc Chúa chịu chết, Chúa đã chiến thắng sự chết và tội lỗi. Nhờ việc Chúa sống lại, Chúa mở cửa sự sống vĩnh cửu cho chúng con và ban cho chúng con muôn vàn ơn phúc.
Lạy Chúa, xin cứu chữa chúng con đừng bao giờ mù lòa về chính chúng con và về thực tại của thế giới thần linh, thực tại của Bí tích Thánh Thể.
Xin cho chúng con biết quý trọng bí tích này và siêng năng lãnh nhận để đảm bảo ngày sau hết chúng con được dự Tiệc Vui muôn đời.
Xin mở tung bức màn che giấu khuôn mặt của Chúa và làm cho chúng con thấm nhập vào những mầu nhiệm sâu xa của Chúa. Xin giúp chúng con đạt tới đỉnh cao của tình yêu Chúa.
Xin hãy làm cho chúng con trở thành những tông đồ đích thực loan báo Tin mừng và bày tỏ quyền năng Chúa trên khắp thế giới này. Amen!

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Chúa giải thích Kinh Thánh và bẻ bánh
(Lc 24, 35 – 48)
Sự kiện Chúa Giêsu phục sinh được các Thiên Thần loan báo cho các bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Giacôbê và bà Salômê (x. Lc 24, 1 - 12), các bà về thuật lại cho các Tông Đồ ở Galilêa, hai môn đệ làng Emmaus trong nhóm các bà chẳng những chưa tin mà còn lo sợ (x. Lc 24). Chúa Giêsu Phục Sinh tiếp tục hiện ra dưới dáng dấp của một người lữ hành, tỏ ra không biết, rồi đồng cảm với hai ông, đã dùng Kinh Thánh để giải thích, bẻ bánh trước mặt hai ông, giúp lòng họ sốt sáng lên và làm cho mắt họ sáng ra để nhận ra Người (x. Lc 24, 13 - 35).
Trở lại Giêrusalem, hai ông thuật lại cho các Tông Đồ trong khung cảnh cửa đóng then cài. Đang lúc đứng bàn chuyện, Chúa Giêsu hiện đến với họ khiến họ kinh hoàng khiếp sợ "bối rối tưởng mình thấy ma" (Lc 24, 37).
"Bình an cho các con ! Thầy đây, đừng sợ" (Lc 24, 36). Đó là lời cầu chúc đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, kèm theo là những chứng tích ở tay chân với những vết thương, họ "vẫn còn chưa tin" (Lc 24, 41). Chúa phải nghĩ đến cách ăn cá nướng và mật ong, trích dẫn luật Môisen, lời các tiên tri và Thánh Vịnh là những bằng chứng không thể sai lầm về sự phục sinh và cuộc sống mới của Chúa. Chính Chúa thực hiện những lời Sách Thánh đã chép, và tiếp theo bằng miệng : "Chính Thầy đây" (Lc 24, 39), đúng Thầy là sự thật và là sự sống. Đó là lý do tại sao các tông đồ, những người ban đầu nghi ngờ, thậm chí khi nhìn thấy cơ thể sống của Chúa cũng chưa tin đã trở nên những chứng nhân rao giảng về sự sống lại của Chúa cách hùng hồn (x. Cv 4).
Lời Chúa sưởi ấm con tim
Giả bộ khách đồng hành, tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của hai môn đệ, giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu gợi chuyện, nghe họ bộc bạch về đau khổ và thất vọng cũng như đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngóm. Thấy họ buồn sầu như thế, Chúa nói chuyện với hai ông và  "giải thích" Kinh Thánh, "bắt đầu từ Môsê và các tiên tri", giúp họ hiểu rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ðấng Cứu Thế đã được thấy trước trong chương trình của Thiên chúa và được loan báo trước trong Thánh Kinh (x. Lc 24, 27). Như thế, Chúa đốt cháy lên trong con tim họ một ngọn lửa hy vọng. Khi đó hai mộn đệ cảm thấy một sức thu hút ngoại thường nơi con người bí mật ấy và mời Người ở lại với họ chiều hôm đó : "Mời ông ở lại với chúng tôi", lý do "vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn " (Lc 24, 29).
Thánh Thể mở mắt đức tin
"Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" (Lc 24, 29). Đây là lời mời xin tha thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Chúa Giêsu chấp nhận và cùng họ vào nhà và khi ngồi vào bàn Người làm phép và bẻ bánh, thì họ nhận ra Người, nhưng Người đã biến khỏi cái nhìn của họ, để họ lại đầy kinh ngạc. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi "bẻ bánh" đơn giản (Lc 24, 35). Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ "chỗi dậy trở về Giêrusalem" (Lc  24, 33) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho "mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp" (Lc 24, 33).
Lời Chúa và Thánh Thể trong đời sống người tín hữu
Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu (x. Lc 24, 35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh.
Trong đời sống thường ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu trở về "làng Emmaus", quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa, rời xa Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui như hai môn đệ làng Emmaus, sau khi đã "nhận ra" Chúa trong việc bẻ bánh, thì mau mắn trở lại Giêrusalem lòng tràn đầy niềm vui, kể cho anh em mình tất cả những gì đã xảy ra. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh, niềm vui phải lây sang người khác làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.
Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta: "Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến" (1 Cr 11, 26). Như thế, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô với lòng hăng say và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Hãy để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim và Thánh Thể Người mở đôi mắt đức tin của chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta bằng niềm hy vọng và tình bác ái, để chúng ta có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt vọng, sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với họ.
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta nhìn lên Mẹ Maria như gương mẫu để bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 3
EMMAU – ĐAMAS
Có thể nói đường đi Emmau có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ. Tiếc thương Đức Giêsu trên đường đi Emmau hay thù ghét Ngài trên đường đi Đamas, cả hai đều chỉ thấy Ngài trong cõi chết. Họ đều cần ơn “trở lại” để đổi mới cuộc đời.
Chính Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp họ trở lại bằng sự hiện diện đồng hành, bằng đòn quật ngã khỏi yên ngựa.
Dưới tác động của ân sủng, họ được biến đổi và trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng Phục sinh.
1. Hành trình Emmau:
Ai đã từng có một lần thất bại trong tình yêu hay trên đường sự nghiệp sẽ hiểu được tâm trạng buồn phiền chán nản, nặng trĩu ưu sầu của hai môn đệ trên đường Emmau. Mộng vàng tan bay, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng bỗng dưng đổ vỡ tan tành. Những năm tháng theo Thầy đi rao giảng, họ luôn ôm ấp hoài bão lớn lao. Thầy sẽ lập quốc, đánh đuổi đế quốc La mã. Thầy sẽ là vua. Họ sẽ là các quan đại thần quyền thế. Khát vọng vinh quang trần thế này không đúng ý Chúa, nhưng là động lực thúc đẩy các môn đệ.
Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối với họ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phũ phàng trĩu nặng nỗi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc.Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục.
Nỗi buồn mất mát và nỗi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Họ đã không nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh đang cùng đi với họ. Ưu tư duy nhất là ưu tư về chính mình. Thái độ ấy đã bịt mắt, đã che đi nguồn sáng nên họ đã không nhận ra sự hiện diện đầy thân tình của Đấng Phục Sinh.
Đức Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Ngài chăm chú lắng nghe họ kể nỗi đau buồn. Ngài đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh “Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn Thánh Kinh”. Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Ngài và chỉ có ý nghĩa vì Ngài. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của Đức Kitô “Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một”. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi.
Trong quán trọ, họ nhận ra Ngài qua cử chỉ bẻ bánh. Mắt họ mở ra khi “Đức Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao cho họ”. Đó là cử chỉ của Chúa trong bữa tiệc ly, một dấu ấn đã in sâu vào tâm hồn các môn đệ. Cảm nhận bừng cháy trong tâm hồn khi Đức Giêsu ngỏ lời, nhưng Ngài đã biến đi. Hai ông đã phục hồi niềm tin, đã tìm lại được Chúa, Đấng Hằng sống trên đường đời của họ. Từ nay, Chúa ở với họ, tỏ ra cho họ qua những dấu chỉ niềm tin, lôi kéo họ vào mầu nhiệm Phục sinh.
Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến quán trọ Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về Giêrusalem lại hoá nên gần gũi thân quen, bởi vì Tin mừng đang cháy bỏng trong tim và trên môi của họ. Họ gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục sinh.
Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen.
Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các ngài nữa vì Đấng Phục sinh đang cùng họ đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.
2. Hành trình Đamas:
Trước khi trở lại, đối với Phaolô, Tin mừng về Đức Kitô quả là một chuyện vô lý nhất chưa từng nghe nói bao giờ. Giêsu đã sống lại. Môn đệ của ông ta loan báo rằng ông ta đã chết và đã sống lại.
Nghe bài diễn văn của Simon-Phêrô, người dân chài rao truyền rằng: Giêsu Nazareth, người mà Thiên Chúa đã uỷ thác bằng các phép lạ tuyệt diệu, người mà các ông đã bắt và đã kết tội tử hình, đóng đinh vào thập giá, nhưng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài. Phải, Thiên Chúa đã cho sống lại…chúng tôi đã chứng kiến, tất cả chúng tôi đã là nhân chứng tại chỗ..
Saolô với tư cách là người có học, một biệt phái mộ đạo. Ông có thông biết thánh kinh bằng hay hơn kẻ chài lưới có bàn tay chai cứng ? Phêrô, Gioan đã nhân danh Đức Giêsu đặt tay lên người bệnh và người bệnh được khoẻ mạnh. Phêrô và Gioan đã bị nhốt trong ngục tối, cửa sắt khoá chặt, quân đội súng ống canh gác ngày đêm trước dãy tường kiên cố. Thế nhưng, Phêrô, Gioan đã được thả tự do bởi một bàn tay kỳ diệu. Người lạ gặp thấy hai ông đang lên tiếng to trong hành lang của đồn là Đức Giêsu đã sống lại, hai ông đã chứng thực về những phép lạ các ông cử hành nhân danh Thầy Chí Thánh.
Saolô không thể chấp nhận như thế mãi được, phải ra tay tiêu diệt bọn tà đạo này. Nhận lệnh từ Giêrusalem, Saolô lên đường đi Đamas. Dưới ánh nắng mặt trời chói chang, bụi tung mịt mù, trời nóng như thiêu đốt. Không quan trọng ! Saolô ra đi, điều cần thiết nhất là nhanh chóng bắt hết bọn tà đạo về Giêrusalem.
Và bỗng chốc, một luồng ánh sáng chói lọi bao phủ lấy Saolô làm ông ngã ngựa. Ông không còn thấy gì nữa. Ông nghe có tiếng gọi ông: “Saun,Saun, sao ngươi lại bắt bớ Ta?”
Ông hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Tiếng nói lại âm vang: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại”( Cv 9,5). Saolô hoàn toàn bối rối. Ông nào có bắt bớ Chúa Giêsu, mà bắt bớ các môn đệ Ngài thôi ! Thê rồi ông chợt hiểu ra, Chúa Giêsu và các môn đệ ngài là một, và Saolô đã khuất phục: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúa truyền cho Saolô vào thành gặp Khanania (Cv 9,5-8). Saolô đứng dậy, ông chớp mắt mà không thấy gì. Ông được đưa về Đamas. Sau ba ngày, có một người Dothái thuộc cộng đoàn mới đã đến gõ cửa và bảo: “Saolô, người anh em, hãy nhìn thấy lại”. Phép lạ đã xảy ra, Saolô lại thấy được. Saolô đã chịu phép rửa bởi tay Khanania. Ông cần thời gian để tĩnh tâm, học hỏi và cầu nguyện. Thế là ông rời bỏ Đamas để sang vùng Ảrập sống trong thanh vắng. Thầy của ông đã chuẩn bị 30 năm thì ông cũng phải chuẩn bị ba năm (Gal 1,17). Ba năm trời ông nghiền ngẫm Thánh kinh, đối chiếu trực tiếp với Thần Khí Chúa để hiểu rõ Tin mừng. Ba năm trời đã cho ông tâm tình của Chúa Kitô, đã đồng hoá ông với Đức Kitô đến nổi ông phải tuyên bố: “Không phải tôi sống, nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi” ( Col 2,20).
Kể từ lúc sáng mắt, Saolô đã hoàn toàn đổi mới. Ông nhiệt thành loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Với tên mới Phaolô, vị tông đồ được Chúa chữa sáng mắt đã ra đi khắp chân trời góc biển rao giảng Tin mừng và trở nên vị tông đồ dân ngoại lừng danh. Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).
Hành trình Đamas đã làm thay đổi cuộc đời Phaolô. Sống và chết cho Đức Kitô trong tiến trình của cuộc sống muôn màu của Phaolô mãi mãi vẫn thốt lên lời tuyên tín như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).
Đọc lại hành trình Emmau, hành trình Đamas để nhận thấy người Kitô hữu chỉ bắt đầu là Kitô hữu thực sự khi khởi đi từ niềm tin Chúa Kitô sống lại.
Trong hành trình theo Chúa, người tín hữu có lúc phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp của đời sống muôn mặt. Có những thất bại, có những chống đối làm choáng váng, ngỡ ngàng hoang mang vì Đức Giêsu như không còn hiện diện và can thiệp. Ngài dường như bỏ mặc cho thế gian hoành hành.
Chính trong những lúc thất vọng hay bị bách hại thì Đức Kitô lại tỏ bày dấu chỉ để người tín hữu nhận ra Ngài đang hiện diện, đang đồng hành khơi lên niềm hy vọng tràn đầy.
Hãy biết nhận ra Ngài qua các dấu chỉ như hai môn đệ Emmau. Hãy biết nhận ra Ngài qua từng biến cố đau đớn như Phaolô té ngựa trên đường Đamas.
Với tất cả niềm tin và lòng yêu mến, nhất định người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của niềm hy vọng, chứng nhân của sự sống, chứng nhân của niềm vui.

 
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 4
Từ người bỏ cuộc trở nên Sứ giả Tin Mừng
(Lc 24, 35 – 48)
Tin Mừng Chúa nhật III Phục sinh tập trung vào hai môn đệ rời Giêrusalem mang theo sự buồn sầu thất vọng về làng Emmaus. Quả thật, chính tại Giêrusalem hai ông đã chứng kiến các biến cố dẫn đến cái chết của Chúa Kitô như lời hai ông kể cho vị khách (Không Hay Biết) : "Có một người tên là Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi" (Lc 24, 19 - 21). Đúng là mấy phụ nữ rằng thuật lại rằng Chúa Giêsu đã sống lại, nhưng đó là một tin lạ lùng không thể tin được, các bà chẳng những không củng cố được lòng tin cho các ông mà còn làm các ông "khiếp sợ" (x. Lc 24, 22), sợ đến nỗi bỏ cuộc, rời Giêrusalem, nơi mà "giấc mơ" của họ bị vỡ tan vì Thập Giá.
Và dĩ nhiên, dưới dáng dấp của người đồng hành, Chúa Giêsu đã hiện ra cùng đi với họ. Trên đường, với hai ông, Chúa chỉ là Vị Khách lạ, "người không hay biết". Nhưng chính "người không hay biết" ấy đã làm cho các ông vơi đi nỗi buồn. Sự thất vọng mà họ có không cho phép họ tin rằng Thập Giá của Chúa Kitô là chìa khóa để mở cửa bước vào nhà Cha.
Với sự thẳng thắn và yêu thương, "người không hay biết" than: "Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người" (Lc 24, 25-27).
Vị Khách đã mở lòng mở trí cho hai ông, hai ông lắng nghe và cảm thấy có một sức thu hút ngoại thường khiến các ông cất lơi : "Mời ông ở lại với chúng tôi", lý do "vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" ( Lc 24, 29 ). Với lời mời thịnh tình ấy, Chúa Giêsu đáp lại bằng một cử chỉ chia sẻ khi đồng bàn với họ: "Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông" (Lc 24, 30). Cử chỉ Thánh Thể này giúp cho "hai kẻ bỏ cuộc" nhận ra Chúa.
"Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào" (Lc 24, 13-35). Câu này kết thúc trình thuật kinh nghiệm phục sinh của hai môn đên trên đường Emmaus, tổng hợp cách kỳ diệu ý nghĩa về sự hiện hữu Kitô của người môn đệ Chúa Kitô. Đâu là tính mới lạ của Kitô giáo nếu không phải là sống cái chuẩn mực của đời sống, với niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và thất vọng? Cuộc hành trình của hai môn đệ trên đường Emmaus với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống của họ cũng như chúng ta: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" (Lc 24, 32)
Trên con đường đến Emmaus, chúng ta có thể nhận ra con đường đức tin của chính mình, thay vì quán trọ, thì có Giáo Hội. Thánh Lễ cung cấp cho chúng ta Lời Chúa và Thánh Thể, những yếu tố không thể thiếu cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Nếu chúng ta ra khỏi nhà với những khó khăn, lo toan, với tinh thần của hai môn đệ làng Emmaus, chúng ta hay đến nhà thờ, ít là Chúa nhật, nơi Thiên Chúa ở với chúng ta, nơi mà Lời Chúa được giải thích ban cho chúng ta sự an ủi, Bánh Hằng Sống được trao ban để phục hồi, chữa lành, chăm sóc chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.
Con đường của hai môn đệ của Emmaus là con đường của tất cả chúng ta. Nếu trên đường đi, lòng chúng ta không còn bị khép kín vì buồn bã, chúng ta có thể gặp Đấng Phục Sinh trong Ngôi Lời làm cho lòng chúng ta nóng lên, và trong Bánh Thánh làm cho mắt chúng ta sáng lên. Trong Lời Chúa và Thánh Thể, chính chúng ta đang đi từ cõi chết đến cõi sống và chúng ta nhận ra sự thật về điều mà các nhân chứng đầu tiên đã truyền cho chúng ta: chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại vì chúng ta cũng đã gặp Người. Chúng ta được sống lại với cuộc sống mới trong tình yêu.
Chúa Kitô loan báo Tin Mừng về sự sống lại của Người cho chúng ta trên đường đi, như các môn đệ. Người nói với chúng ta về câu chuyện tình của Thiên Chúa với dân Ngài, Người nhắc nhở chúng ta về sự trung tín không ngừng của Thiên Chúa, Đấng đã ký kết giao ước đời đời với chúng ta. Chúa Kitô nói với chúng ta và mở lòng chúng ta hiểu Kinh Thánh. Như thế, Người mạc khải cho chúng ta sự sâu thẳm của Trái Tim đầy yêu thương, Người "phải" chịu đau phiền và phải chết. Người không thể làm gì khác ngoài yêu chúng ta cách tuyệt đối và vô hạn vượt qua mọi rào cản của cái chết và thân xác.
Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24,35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống, khiến họ đang là kẻ bỏ cuộc trở nên người loan báo Tin Mừng về Đức Kitô tử nạn và phục sinh.
Trong đời sống thường ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu trở về "làng Emmaus", rời xa Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui như hai môn đệ làng Emmaus. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh, niềm vui phải lây sang người khác làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta nhìn lên Mẹ Maria và khẩn cầu Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, ngõ hầu trở nên sứ giả loan báo Tin Mừng Chúa sống lại cho mọi người tin mà được cứu độ. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 5
Chính anh em là chứng nhân
Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24, 35-48
Hai môn đệ thất thểu bỏ về làng Emmaus, nhưng được gặp gỡ Chúa Phục Sinh suốt hành trình mà không biết. Đến cuối đường họ được “mở con mắt”, thay đổi hoàn toàn, tức tốc hăng hái trở về Giêrusalem để làm chứng với Nhóm Mười Một. Trở về căn phòng kín hội tụ, các ông thi nhau kể chuyện phục sinh, bởi niềm vui Tin Mừng phục sinh đang bùng vỡ. Họ báo với hai ông Chúa sống lại thật rồi. Hai ông cũng có tin vui sốt dẻo không kém và còn lạ lùng, kỳ diệu hơn, họ hồ hởi kể rằng mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người “bẻ bánh”. Các ông đang say sưa kể, thì chính Đức Giêsu bỗng đứng giữa các ông mà chúc bình an. Nghe lời chúc bình an từ Thầy mà các ông vẫn kinh hồn bạt vía tưởng là thấy ma, quá nhầm!... Bởi vì cái chết “như tử tội” của Thầy làm cho các ông quá sợ và thất vọng, hãy còn miên man trí não, đến độ không thể tin nổi Thầy lại đang “sống” mà chúc bình an trước mặt. Lại bởi vì có sự khác biệt, khi ông Lazarô hoặc em bé mười hai tuổi được Chúa cho sống lại thì vẫn là thân xác bình thường thân quen y như khi trước (sau này họ vẫn chết), nên người thân vui mừng chứ không sợ hãi. Đằng này Chúa Phục sinh khác hẳn, thân xác sáng láng, không còn phụ thuộc vào thời gian, xuyên qua vật chất dễ dàng như Thiên thần, không cần phải ăn uống, ngủ nghỉ. Giờ Người đã “thuộc thượng giới”: “Anh em hãy hướng lòng về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2). Mới hay rằng sau này khi được phục sinh với Chúa, chúng con cũng được thuộc về “thượng giới”, giống như Chúa Phục Sinh vậy. Đây là dấu chứng cho niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại” của chúng con và càng thêm chắc hy vọng.
Hôm nay Người bỗng “đột nhập” phòng kín mà hiện diện giữa các môn đệ, thì ai mà không sợ hãi ngờ vực mà tưởng là thấy ma? Nhưng Thầy giúp các ông định thần lại, vừa khẳng định vừa cho các ông kiểm chứng: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,38-40). Các ông đã hoàn hồn nhưng còn ngỡ ngàng lắm chưa tin, có lẽ mừng quá thành ra chưa tin nổi một sự thật mà cứ như trong mơ vậy. Người càng làm thân hơn mà hỏi các ông có gì ăn không? Họ đưa Người một khúc cá nướng, Người liền cầm và ăn trước mặt các ông. Bây giờ chắc các ông đã an tâm là chính Thầy mình đang ở giữa họ. Lúc này Người mới giải thích cặn kẽ, cho các ông ôn lại Kinh Thánh qua các sách Luật và Ngôn sứ, Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Khi còn ở với anh em Thầy đã nói rất nhiều rồi mà giờ vẫn “lơ ngơ”. Họ được Người mở trí cho các ông hiểu rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sống lại.
Chúa luôn đi bước trước để giúp chúng con nhận ra, gặp gỡ Chúa rồi trở thành chứng nhân của Chúa: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 47b-48).
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Bằng con mắt đức tin, xin Chúa cho chúng con luôn nhận ra, “thấy” và gặp gỡ Chúa. Để qua những biến cố đời thường, chúng con luôn sống trong sự hiện diện của Chúa. Với niềm vui, yêu thương thắm thiết, Chúa sẽ làm cho chúng con trở nên chứng nhân của Chúa từ bản thân, trong gia đình, miền đất chúng con sinh sống và cho tất cả những người chúng con gặp gỡ. Amen.

 
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ủy ban Loan báo Tin Mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 12/2024 - Khởi đầu sứ vụ trong Thánh Thần
Ủy ban Loan báo Tin Mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 12/2024 - Khởi đầu sứ vụ trong Thánh Thần
​Nhằm khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu, Ủy ban Loan báo Tin mừng trong “Kế hoạch thực hiện sống Năm thánh 2025 - Cùng nhau Loan báo Tin mừng” đề nghị mỗi giáo phận chọn một ngày theo chu kỳ tuần/tháng/năm để chầu Thánh Thể cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log