Thứ ba, 26/11/2024

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm B

Cập nhật lúc 09:55 15/03/2018
Suy niệm 1
Ngày nào treo Tôi lên, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng Tôi
---------------------------------------
Các bài đọc Phụng vụ hôm nay đều quy chiếu về sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho chúng ta:
- Bài đọc I: “Ta sẽ tha thứ lỗi lầm của họ và Ta sẽ không nhắc lại  lỗi lầm của họ nữa”!
- Đáp ca Thánh vịnh: “Lạy Chúa, xin thương xót con theo lượng từ bi Chúa. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm”.
- Bài Tin Mừng: “Khi được nâng lên cao, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng Tôi”
Mùa chay như là thời gian để chúng ta giao hòa với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta. Theo thói quen tốt, các giáo họ trong giáo xứ đều tĩnh tâm để lãnh nhận bí tích giao hòa. Vì vậy, ai không lãnh nhận bí tích giao hòa là đánh mất cơ hội tốt nhất của Mùa Chay.
Thiên Chúa muốn canh tân giao ước của Ngài với chúng ta. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, ít nhiều gì chúng ta cũng giống những người Biệt Phái định ném đá người phụ nữ phạm tội ngoại tình, đã bị Chúa cảnh cáo: “Ai không có tội, thì ném đá chị này trước đi”! Chúng ta dễ tố cáo người khác nhưng khi Chúa Giêsu mời chúng ta ném viên đá đầu tiên nếu chúng ta vô tội, thì có lẽ chúng ta cũng cúi đầu xuống và dần dần rút lui vì chúng ta cũng là người có tội. Thân phận con người chúng ta là thế!
Như vua Davit trong Thánh Vịnh hôm nay, chúng ta hãy nhận ra mình tội lỗi: “Lạy Chúa, xin ra con sạch hết lỗi lầm, xin tẩy con sạch lâng tội ác”.
Không những Thiên Chúa tha cho chúng ta, mà Ngài còn quên và không nhớ tội chúng ta nữa. Như Thánh vịnh 130 khẳng định: “Lạy Thiên Chúa của con, nếu Chúa nhớ đến tội, nào ai sống nổi. Nhưng trong Chúa có ơn tha thứ”. Đó là một lời đề nghị chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót.
Bài Tin mừng hôm nay còn giải thích thêm về lòng từ bi và hay thương xót của Thiên Chúa là thế nào. Hôm đó là ngày lễ, có một số người Hy Lạp nghe nói về Chúa Giêsu là một vị tiên tri trẻ được nhiều người yêu mến và cũng bị một số người ghét. Họ muốn gặp gỡ Ngài để tìm hiểu xem thế nào. Nhưng họ và rất nhiều người không thể hiểu biết Chúa Giêsu qua ánh sáng mầu nhiệm của Thập giá. Vì thế, Chúa Giêsu giải thích và còn nói thẳng thắn rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”.
Giờ của Chúa Giêsu, đó là giờ Thập giá. Chúng ta có thể chấp nhận Mặc Khải này không?
- Giờ đặc biệt này, đó là giờ tôn vinh Cha và Con, giờ phán xét và giờ cứu độ thế giới. Vài ngày nữa, Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn của Ngài. Ngài sẽ được nâng lên cao khỏi mặt đất và Ngài sẽ kéo mọi người lên.
- Đó là giờ của Tình Yêu. Chúa Giêsu tiếp tục giải thích để họ dễ hiểu: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”. Chúa Giêsu sẽ ở một mình trên thập giá, nhưng chung quanh đó là hằng ngàn ngàn người sẽ được cứu độ.
Mỗi Thánh lễ cũng là giờ của Tình Yêu Thiên Chúa. Giờ Thiên Chúa kéo chúng ta lên với Ngài. Vậy cụ thể Thánh lễ hôm nay chúng ta có muốn để Ngài kéo chúng ta lên với Ngài không? Điều đáng buồn là một số người đến đây không phải là để gặp Chúa, mà chỉ đến để điểm danh có mặt, được gọi là có đi lễ chủ nhật.
Thông thường chúng ta đi lễ để xin ơn này ơn nọ. Nhưng để được ơn này ơn nọ, và nhất là để được ơn cứu độ, thì mỗi người chúng ta phải làm gì?  
Trước hết, mỗi lần tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy cầu xin Chúa giải phóng chúng ta khỏi tính ích kỷ chỉ nghĩ về mình và chỉ sống cho cái tôi ích kỷ của mình.
Mỗi khi cử hành Thánh lễ, Giáo hội đều quy hướng chúng ta về Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa:
- Đầu lễ, chúng ta nhìn nhận mình tội lỗi, đó là điều kiện cần thiết để chúng ta đi vào Thánh lễ và cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta: “Xin Chúa thương xót chúng con”.
- Và trong kinh LẠY CHA, chúng ta xin Thiên Chúa: “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
- Trước khi chúc bình an, vị chủ tế cầu xin Thiên Chúa: “xin đừng nhìn tội lỗi chúng con, nhưng nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa”.
- Và trước khi rước lễ toàn thể Giáo hội hát lên: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”.
- Cuối cùng, trước khi rước lễ, chính vị chủ tế cũng đọc một mình: “chớ gì việc rước Mình và Máu Thánh Chúa đừng trở nên án phạt cho con”.
Nhận biết mình tội lỗi không phải là một cản trở cho việc Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta. Nhận biết mình tội lỗi là điều kiện để chúng ta có một tương quan mới với Ngài. Khi cầu nguyện hiến tế, Chúa Giêsu đã nói: “Này là chén máu Thầy, máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.
Thập giá nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng chúng ta là con Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha chúng ta, sẵn sàng tha thứ cho chúng ta và trao ban sự sống của Ngài cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta sống dồi dào.
Nét đẹp của bí tích giao hòa, chính là cơ hội thuận lợi để chúng ta canh tân giao ước của chúng ta với Chúa. Hãy lợi dụng những ngày cuối mùa chay này bằng việc lãnh nhận bí tích giao hòa, tiên tri Ezekiel: “Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, ta sẽ đặt vào các ngươi một tinh thần mới, Ta sẽ cất bỏ quả tim bằng đá của các người và ban cho các ngươi một quả tim thịt. Ta sẽ đặt vào các ngươi Thần Khí của Ta, và làm cho các ngươi bước đi theo lut của Ta, tuân giữ và thc hành thánh chỉ của Ta”.
Lạy Chúa Giêsu, ước chi tình yêu trong con mạnh hơn cả cái chết! Xin cho con sức mạnh ôm lấy thập giá Chúa, khi con chịu thử thách. Khi con chịu thử thách và đau khổ, xin cho con biết chấp nhận mất mát mạng sống con vì tất cả hy vọng cho hạnh phúc nhân loại. Và cuối cùng, nhờ cái chết của Chúa, con được cùng sống lại với Chúa.
Lạy Chúa, con xin hoàn toàn vâng theo Thánh Ý Chúa và theo Chúa đến cùng vì Chúa luôn trung tín và cứu độ con.
Lạy Chúa, con hoàn toàn phó thác cho Chúa và điên rồ vì tình yêu Chúa. Xin giãi ánh sáng Chúa vào tận đáy lòng hư vô của con. Con xin dâng cho Chúa tất cả sự khốn cùng của con để Chúa được vinh hiển và làm cho nảy mầm niềm hy vọng hoa quả tươi tốt cho tương lai giáo họ, giáo xứ và giáo phận chúng  con. Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

====================
Suy niệm 2
MỤC NÁT ĐI ĐỂ TRỔ SINH DỒI DÀO BÔNG HẠT
(Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33)
Theo quy luật tự nhiên, chúng ta thấy cỏ cây ngoài đồng được mọc lên là nhờ vào những hạt giống đã chấp nhận bị chôn vùi, mục nát, để trổ sinh những cây non khác.
Theo quy luật sinh tồn của loài người cũng vậy! Cuộc sống của người này phụ thuộc vào người kia, nhất là sự sống của con cái phụ thuộc vào sự sống và hy sinh của cha mẹ.
Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, con người có được sự sống thần linh, ấy là nhờ vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Ngài đã chấp nhận trở nên như hạt giống gieo vào lòng đất, để mục nát, để sinh ra và để nuôi sống chúng ta.
Như vậy, nếu hành trình của Đức Giêsu trên trần gian là hành trình mục nát của hạt lúa gieo vào lòng đất, thì với các môn đệ cũng như với tất cả chúng ta, những người mang danh của Ngài, chắc chắn không còn con đường nào khác để được hạnh phúc và sự sống đời đời mà không đi qua con đường của hạt lúa!
1. Con đường tự hủy của Đức Giêsu
Thiên Chúa yêu thương nhân loại vô bờ, nên đã cống hiến “hạt giống Giêsu” cho loài người. Vì muốn làm đẹp lòng Chúa Cha, nên ngay từ giây phút đầu tiên trong thân phận hạt lúa, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn vai trò của mình, khi không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Và: “Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x. Pl 2, 6-8).
Thật vậy, con đường của Đức Giêsu đi là con đường tự hủy dẫn đến cái chết tức tưởi trên thập giá. Vì thế, việc hạ mình của Ngài đã làm cho rất nhiều người không thể hiểu được, nên đôi khi lại trở thành trò cười cho thiên hạ, thành sự thất vọng cho các môn đệ.
Chính vì Đức Giêsu lội ngược dòng như vậy, nên Phêrô đã không thể chấp nhận thầy của mình phải chịu như thế, nên khi được nghe loan báo về cuộc khổ nạn qua con đường khổ giá, ông đã mạnh mẽ lên tiếng can ngăn để Thầy khỏi bị những điều đó! (x. Mt 16, 22).
Nhưng Đức Giêsu đã nhất quyết vâng phục Thiên Chúa Cha để đi trọn vẹn con đường của hạt lúa trong thân phận tự hủy mà Cha của Ngài đã muốn Ngài đi. Chính vì điều đó, nên đến “Giờ” của Ngài: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11).
2. Con đường tiếp bước của các môn đệ
Cùng một con đường như Thầy đã đi, các môn đệ là những người sẽ tiếp bước trên con đường ấy. Vì thế, nơi các ông không thể có một con đường nào khác để thay thế con đường tự hủy trong thân phận hạt giống mục nát.
Quả thật, Đức Giêsu đã nói với các ông: “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34).
Như vậy, đi theo Chúa là đi trên con đường khổ giá, con đường của hy sinh, con đường dẫn đến cái chết. Tất cả những điều đó đang rộng mở để đón chờ người môn đệ của Thầy Giêsu bước tới. Điều này đã được thánh Phaolô cảm nghiệm và chia sẻ, ngài nói: “Giờ đây bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin mừng và ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,22-24).
Quả đúng như lời Đức Giêsu đã nói: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” (Mt 10, 24). Vì thế, người môn đệ chân chính chắc chắn phải là người phác họa lại hình ảnh, lối sống và hành vi của Thầy mình cách rõ nét hơn bao giờ hết! Thế nên, với người môn sinh, không có gì vinh dự và hãnh diện cho bằng: “Được thông phần những đau khổ của Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người, với hy vọng cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11).
Khi nắm được quy luật tất yếu: “Phải qua đau khổ mới vào trong vinh quang"  (x. Lc 24,26), các môn đệ đã trung thành đi đến cùng con đường khổ giá bằng việc lấy chính mạng sống của mình để làm chứng cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, không chỉ riêng các môn đệ, mà trải qua suốt dòng lịch sử, thời điểm nào cũng vẫn có người tiếp bước trên con đường tự hủy của hạt lúa mì, đó là chấp nhận từ bỏ ý riêng, sẵn sàng vâng phục và chấp nhận cái chết để đổi lấy sự sống đời đời.
3. Con đường dấn thân của mỗi chúng ta
Người ta vẫn thường nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Thật vậy, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, tức là chúng ta mang trong mình đặc tính, hình ảnh của Đức Giêsu và thuộc về Ngài hoàn toàn.
Nếu Đức Giêsu đã đi qua con đường vâng phục, đón nhận khổ giá và chấp nhận cái chết để cứu chuộc con người. Thì đến lượt chúng ta, có lẽ không con đường nào có thể đem lại cho mình sự sống đời đời ngoài con đường khổ giá và hy sinh. Vì thế, cùng một lời mời gọi cho các môn đệ khi xưa, hôm nay Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta: Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34).
Lời mời gọi này đã đưa chúng ta vào con đường của Đức Giêsu đã đi. Vì thế, chúng ta sẵn sàng mục nát đi cho ý riêng, để thay vào đó là hoa trái của đức vâng phục. Mục nát đi tính tự kiêu, tự phụ, khoe khoang, thích được ăn trên ngồi trước, được mọi người trọng vọng, để thay vào đó là hoa trái của lòng khiêm nhường. Mục nát đi sự dửng dưng, vô cảm để thay vào đó là sự liên đới, tình huynh đệ. Mục nát đi tính ích kỷ, óc bè phái để thay vào đó là hoa trái của lòng bao dung, quảng đại, yêu thương, thứ tha và hiệp nhất. Mục nát đi sự giả dối, gian tham, lọc lừa, để thay vào đó là hoa trái của sự thật thà, liêm chính. Mục nát đi thái độ được phục vụ, để thay vào đó là tinh thần hiến thân phục vụ mọi người. Mục nát đi những trào lưu tục hóa, dục vọng, để thay vào đó là hoa trái của sự thánh thiện. Và, mục nát đi những “chân lý nửa vời”, những hành vi tôn thờ ngẫu tượng, để thay vào đó là lòng khát khao đi tìm chân lý trọn vẹn là chính Chúa và tin tưởng tuyệt đối ở nơi Ngài….
Như vậy, khi chúng ta chấp nhận đi trên con đường của Đức Giêsu trong thân phận của hạt lúa, chắc chắn cuối con đường ấy, chúng ta sẽ gặp được niềm vui, bình an và hạnh phúc, nhất là được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn giúp sức cho chúng con, để chúng con can đảm, trung thành đi đến cùng con đường mà chính Chúa đã đi khi xưa, ngõ hầu chúng con được hạnh phúc bất diệt trong ngày mùa sau hết. Amen.

 
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

====================
Suy niệm 3
Chính Khi Hiến Thân Là Khi Nhận Lãnh
(Ga 12, 20 - 33)
Sau khi đã đi được nửa đường với lời mời gọi "Mừng Vui Lên" tuần trước khuyến khích chúng ta tiếp tục tiến lên không ngừng nghỉ trên con đường ăn năn đền tội, cải đổi đời sống để chuẩn bị Lễ Phục Sinh. Việc đền tội này xảy đến trong Mùa Chay lúc mà sự mệt nhọc không làm giảm bớt, nhưng đúng hơn gia tăng niềm vui được đến gần mục đích.
Giao ước mới được ký kết
Kể từ khi dân Israel quay lưng lại với Thiên Chúa, thờ bò vàng (x. Xh 32), giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài bị nhiều lần gián đoạn, do dân lỗi lời giao ước. Vì thế Chúa đã dùng miệng các tiên tri để phán dạy và trao ban một điều căn bản mới.
Trong Cựu Ước Giêrêmia là người duy nhất nói về "giao ước mới", nên lời của ông rất quan trọng, tại sao vậy? Vì lời ấy trình bày một sự thay đổi căn bản trong tương quan giữa Thiên Chúa với con cái Israel.
Nếu Luật của Thiên Chúa trước kia được khắc vào đá và Môisen phải đọc và truyền cho dân, dân đã lỗi phạm do vô tình hay hữu ý, khiến Chúa nổi giận. Nay Chúa ban hành Luật với một cách thức và công thức mới. Thiên Chúa sẽ ghi tạc vào lòng con cái Israel (Gr 31, 33). Mỗi người sẽ nhận được trực tiếp và cá nhân với Chúa (Gr 31, 34) không qua trung gian: "Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em" (Gr 31, 34)  theo nghĩa Kinh Thánh là hiệp thông với Chúa cách sâu xa nhất. Công thức của hai bên: "Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta" (Gr 31, 34), đây là nét đặc trưng của giao ước kể từ khi Xuất hành (x. Xh 6, 7) sẽ được áp dụng cho từng người trong dân. Một giao ước "khiến mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Chúa, vì Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cho dân" (Gr 31, 34 ). Giao ước mới này sẽ được Đức Kitô thực hiện và hoàn tất trong "giai đoạn" vượt qua.
Hoán cải tận con tim
Điều cần thiết hơn cả để đi vào trong giao ước là hoán cải, hoán cải để được Chúa thứ tha và làm mới lại giao ước. Tác giả Thánh Vịnh khơi dậy lòng thương xót của Thiên Chúa khi thứ tha tội lỗi cho dân. Trong Kinh Thánh có nhiều hình ảnh về sự tha thứ như: Thiên Chúa xóa, rửa và tẩy sạch, nên cũng có nhiều cách thế diễn tả sự đổi thay nơi con người được tha thứ. Nhưng sâu xa hơn cả là sự tái sinh: “Xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con” (Tv 50, 12-13).  Quả tim trong Kinh Thánh không chỉ là nơi chứa đựng cảm xúc nhưng còn là nơi chất chứa sự thông minh và đưa ra những quyết đoán nữa. Người có lòng trong sạch thì luôn hướng trọn về Chúa. Thần khí (trong tiếng Do Thái) là hơi thở, sự sống và nguyên lý sáng tạo. Tác giả Thánh Vịnh thưa với Chúa khi nói về các vật sống: "Người rút lại hơi khí của chúng, chúng liền tắt thở, chúng sẽ trở về với đất bụi ! Người sai khí của Người, chúng được tạo thành và Người đổi mới mặt đất" (Tv 103, 29-30). Giống như các tội nhân được tha thứ, từ tội nhân, họ có thể trở thành chứng nhân của lòng thương xót Chúa.
Sống sự sống của hạt lúa mì
Khi những người Hy Lạp đến xin được gặp Chúa Giêsu tại Giêrusalem trong dịp lễ Vượt Qua, họ nói với ông Philipphê rằng: "Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu" (Ga 12, 24). Ước muốn nơi những người Hy Lạp mong gặp Chúa Giêsu và lắng nghe Lời Người đã nhận được câu trả lời long trọng của Chúa Giêsu như sau: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh" (Ga 12, 23). Thử hỏi Chúa Giêsu muốn nhắc đến "giờ" nào đây? Khung cảnh lúc đó giúp chúng ta biết rõ rằng: Ðây là "Giờ" Mầu nhiệm và long trọng về cái chết và sống lại của Chúa.
Bằng một ẩn dụ về hạt lúa mì, Chúa Giêsu dùng với hình ảnh giầu biểu cảm về mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm của sự biến đổi từ cõi chết qua cõi sống, tự nhiên nói lên tất cả. Chúng ta ghi nhận sự đảo ngược ý nghĩa của lễ Phục Sinh: mất sự sống mình, để lấy lại. Đây là hình ảnh dễ hiểu, phát xuất từ kinh nghiệm tự nhiên. Chắc chắn, "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình"(Ga 12, 24). Để sinh tồn nó phải mục nát. Tiếp theo là sự so sánh ít thuyết phục của Chúa Giêsu khi chúng ta chưa có kinh nghiệm về chính mình: "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời " (Ga 12, 25). Nhưng nếu chúng ta suy tư về cái chết của người khác thì sẽ thấy không ai mang được điều gì mình đã chiếm hữu hay yêu thích khi còn sống. Sự mất mát này còn lớn hơn đối với những người đã đặt đời mình vào mọi sự ở trần gian.
Không giống như các Phúc Âm Nhất Lãm, nơi Tin Mừng Gioan không có cảnh Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Giệtsimani. Nhưng cảnh này cách nào đó, ở đây Chúa Giêsu nói "xao xuyến" và nói đến "giờ" của mình. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? (Ga 12, 27) Người xin Chúa Cha "cứu khỏi giờ này?" (Ga 12, 27) Người không chối giờ này, khi xin Cha tôn vinh "danh Cha", thể hiện vinh quang Cha, nghĩa là sự sống và quyền năng thần linh của Cha nơi Đức Giêsu. Một dấu chỉ trao ban được Chúa Cha chấp nhận. Bản văn kết thúc với một "lời tiên tri" của Chúa Giêsu tuyên bố Người phải chết cách nào. Lời này đã có từ câu đầu của Tin Mừng: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh" (Ga 12, 23).
Mong gặp thấy Chúa Giêsu giống như nhóm người Hy Lạp xưa kia. Chúng ta đã nhìn thấy Chúa qua đôi mắt đức tin, nhìn nhận Người là Ðấng Thiên Sai, đã chịu đóng đinh chết và đã sống lại. Vậy chúng ta hãy để cho Chúa chiếm lấy và đã trở thành môn đệ Người.
"Khi  nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta" (Ga 12, 32). Thật vậy, chính từ trên thập giá mà Chúa Giêsu sẽ mạc khải cho thế gian biết tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại đang cần ơn cứu rỗi. Thiên Chúa là Chúa duy nhất của chúng ta, chúng ta là dân Ngài. Giao ước tình yêu bền vững giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được thực hiện cách trọn vẹn trong hy tế Vượt Qua của Chúa Kitô.
Nhờ tham dự vào Mầu Nhiệm Thương Khó của Chúa Kitô, mà chúng ta có thể sống sự phong phú của hạt giống gieo xuống đất, và được Chúa đón nhận vào trong Vương Quốc trên trời. Amen. 
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

====================
Suy niệm 4
Chúa chết để con được sống
Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33
“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Theo định luật tự nhiên, để có bông hoa đẹp tươi nở khoe sắc lung linh trên cành, thì nguồn gốc trước kia nó từng là một hạt nhỏ xấu xí, khô lóc. Nhưng khi gặp đất và nước, nó trương lên, nứt nẻ rồi bung ra, ngoi lên mầm sống mới, cây từ từ phát triển đến lúc nở hoa sinh trái. Hạt lúa được gieo vào ruộng bùn cũng phải trương lên, hư thối để mọc lên cây mạ, rồi thành cây lúa tươi tốt và cuối cùng sinh bông hạt trĩu nặng, từ một hạt chịu thối đi thành trăm triệu hạt mới. Đó là một cuộc đánh đổi tự nhiên mà vô cùng lời lãi. Bởi vì “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 42-44). Chính Đức Giêsu đã từ bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, để rồi sinh ơn cứu rỗi, cho muôn người được ơn cứu độ và bước vào sự sống mới.
Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa thật dễ hiểu để áp dụng cho cuộc đời của Người, đồng thời là qui luật chung cho những ai muốn bước theo Người. Người chính là hạt lúa được gieo vào lòng đất. Cuộc thương khó và cái chết của Người dẫn tới sự sống bất diệt, để quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành một cộng đoàn vô cùng đông đảo những người được cứu.
Trong cuộc đời người Kitô hữu, nếu tôi sẵn sàng chịu trầy da tróc vẩy vì lội ngược dòng đời, để sống theo Lời Chúa dạy, chết đi cho những tội lỗi, nết xấu, thì chính Chúa sẽ biến đổi, làm cho tôi được lại sự sống mới.
Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 25-26). Đức Giêsu quả quyết: “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Cái được- mất trong sự bỏ mình hay giữ lấy, Người đã chứng minh bằng luật tự nhiên: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác”. Với ý nghĩa này, ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh, “chết” đi để được “sống”. Ai chăm lo tìm kiếm lạc thú ở đời này thì sẽ mất đời sống vĩnh cửu. Còn ai dám từ bỏ bản thân vì Chúa và vì Tin Mừng thì sẽ được hưởng sự sống đời đời mai sau. Người môn đệ - “kẻ phục vụ Thầy” cũng phải đi cùng một con đường như Đức Giêsu để đạt tới vinh quang. Như hạt lúa, chúng con cũng phải chết đi cho tội lỗi để sinh nhiều bông hạt.
Lạy Chúa! Chúa chính là hạt lúa gieo vào lòng đất, Chúa chịu chết cho chúng con được sống muôn đời, cũng như hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi để sinh nhiều bông hạt. Chúa đã thí mạng vì chúng con, nên mẫu gương hy sinh cả mạng sống mình cho muôn thế hệ. Xin cho chúng con mỗi ngày biết hy sinh, đánh đổi cho những giá trị cao cả của Tin Mừng, để mỗi ngày đời con trở nên như một của lễ đẹp lòng Chúa. Amen.

 
Én Nhỏ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cần Kiệm mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Giáo xứ Cần Kiệm mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Hòa trong niềm vui với Giáo hội hoàn vũ, cách riêng với Giáo hội Việt Nam, mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – những chứng nhân anh dũng đã hiến dâng mạng sống để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Trong tâm tình tạ ơn và tôn kính, tối ngày 25/11/2024, Giáo xứ Cần Kiệm đã long trọng tổ chức rước kiệu tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và xương thánh Neron Bắc.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log