Thứ ba, 26/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 5 TN B

Cập nhật lúc 09:15 01/02/2018
Suy niệm 1
Một ngày làm việc của Chúa Giêsu
------------------------------------------
Tin Mừng hôm nay mô tả một ngày làm việc của Chúa Giêsu vào ngày Sa-bat theo Do-thái giáo. Còn đối với chúng ta, ngày Sa-bat là ngày chủ nhật, chúng ta làm việc thế nào? Chúng ta cố gắng noi gương Chúa Giêsu sống ngày chủ nhật và ngày lễ nghỉ để làm nguồn cảm hứng cho những ngày khác trong tuần và  thực thi công việc xây dựng một thế giới được chữa lành và cứu chuộc.
1- Ngày làm việc của Chúa Giêsu có nguồn cảm hứng từ 3 mối bận tâm của Ngài:
Nối dài đời sống cầu nguyện với Chúa Cha, ở với mọi người, và chữa lành bệnh tật cho họ. Chúa Giêsu nói với con người và đụng chạm đến con người bằng đôi tay: Đôi tay của Đấng Vô Hạn, đôi tay của con người có hạn. Nhưng tất cả những điều đó đều mang dấu ấn Thiên Chúa bắt đầu từ cầu nguyện và kết thúc cũng bằng cầu nguyện.
Đúng vậy, Tin mừng hôm nay nói về ngày sabat là ngày nghỉ của người Do-thái, cũng như ngày chủ nhật của chúng ta bây giờ.
- Chúa Giêsu bắt đầu công việc của Ngài trong hội đường.
- Rồi tiếp tục đến nhà anh Simon Phêrô. Tại đây Ngài chữa bệnh cho mẹ vợ của anh và ngay trước cửa nhà ông, Ngài chữa nhiều bệnh nhân và cả những người bị quỷ ám.
- Nhưng điều đáng chú ý trong chuyện kể hôm nay chưa trọn vẹn vì chiều đến Chúa Giêsu lại đi đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện với Cha Ngài
Bên dòng suối hay bên bờ sông hay trên đỉnh đồi, hoặc trong nhà thờ, trong ngôi nhà của chúng ta hay là một chỗ thanh vắng nào đó: tất cả mọi nơi đều tốt để chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài luôn mời gọi chúng ta. Lúc nào và bất cứ ở đâu chúng ta vẫn có thể gặp được Ngài.
Thiên Chúa luôn đưa đôi tay ra để chúng ta nắm lấy. Đôi tay Ngài mềm mại và nồng ấm. Chỉ một hành động của Thiên Chúa như thế thôi cũng đủ đỡ nâng một cuộc sống. Phép lạ mà Chúa thực hiện hôm nay xem ra không có gì là lớn lao, nhưng nói lên ý nghĩa của tất cả các phép lạ khác: Chúa Giêsu Ngôi Lời làm người, giải phóng chúng ta khỏi sự dữ thể lý cũng như tinh thần và làm cho chúng ta tự do làm điều tốt. Vậy thì ít nhất chúng ta hãy bắt chước bà nhạc phụ của Phêrô sau khi được Chúa chữa khỏi bệnh sốt rét, hãy phục vụ. Phục vụ có nghĩa là yêu mến không phải bằng lời nhưng bằng việc làm.
Ý nghĩa của tất cả các phép lạ mà Chúa Giêsu làm là để thay đổi cuộc sống con người, làm cho con người trở về với Thiên Chúa.
- Ngài chữa cả những người mù để họ có thể xem thấy
- Ngài chữa những người điếc để họ có thể nghe được
- Ngài chữa những người câm để lưỡi họ nói lên sự thật
- Ngài chữa những người què quặt để chân họ có thể bước đi theo Ngài
- Ngài chữa tay con người để con người cũng có đôi tay mở ra và mềm mại cùng với sự thánh thiện đụng chạm tới tha nhân, anh chị em đồng loại.
- Ngài chữa đôi tay của con tim để họ chắp tay lại cầu nguyện và đi vào tương quan với Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu, sau khi đã mệt nhọc chữa bệnh, Ngài cầu nguyện từ đêm cho đến sáng tại một nơi thanh vắng.
2- Sáng chiều để nghĩ đến con người. Đêm và bình minh để nghĩ về Thiên Chúa
- Chúa Giêsu cảm nhận được sự đau khổ của đám đông vây quanh Ngài. Ngài chuốc lấy sự đau khổ đó cho Ngài và tìm lại cuộc sống cho họ.
- Chúa Giêsu biết lợi dụng thời gian và không gian để ở lại với Chúa Cha.
- Ngài dạy chúng ta cũng phải tạo nên những khoảng thời gian kín đáo để tạo nên sự thánh thiện cho tâm hồn. Khoảng thời gian cầu nguyện này chúng ta có thể nói với Người rằng: “Con đang ở trước mặt Chúa đây. Con biết rằng chỉ một thời gian ngắn ngủi thôi con không muốn đặt điều kiện gì trước mặt Chúa. Con chỉ kêu tình yêu của con lên Chúa mà thôi”!
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu được đan xen giữa truyền thống cầu nguyện của dân Do-thái và tương quan mới mẻ cá nhân với Thiên Chúa. Đó là toàn bộ lịch sử cứu độ mà Chúa Giêsu đã ý thức đầy đủ và vì thế Ngài hoàn toàn trung tín với Thánh Ý của Chúa Cha.
Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng hãy học cầu nguyện như Chúa Giêsu. Cầu nguyện để đi vào lịch sử cứu độ mà chính Chúa Giêsu là đỉnh điểm. Cầu nguyện để trước mặt Chúa chúng ta canh tân quyết định cá nhân của chúng ta cho đẹp lòng Chúa. Hãy xin Chúa là nguồn sức mạnh làm cho ý muốn của chúng ta phù hợp với Thánh Ý Chúa trong suốt cuộc đời chúng ta, luôn vâng nghe chương trình tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đụng chạm đến toàn bộ chặng đường sứ vụ và suốt ngày sống của Ngài dù mệt nhọc vì công việc. Các tác giả  tin mừng còn nói: Ngài còn dành một phần của đêm để cầu nguyện.
Khi quan sát Chúa Giêsu cầu nguyện, chúng ta tự hỏi: phần tôi, tôi cầu nguyện thế nào? Tôi đã dành thời gian nào và bao lâu để nói chuyện với Thiên Chúa? Ai có thể làm mẫu mực cho tôi?
Mẫu mục trước hết trong lãnh vực cầu nguyện là chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta Kinh Lạy Cha và dạy chúng ta điều mới mẻ của cuộc đối thoại với Thiên Chúa: cầu nguyện tình con thảo mà người cha đợi chờ những đứa con của mình. Lời cầu nguyện tình con giúp giải thích được ý nghĩa cuộc sống, đưa ra những quyết định sáng suốt, nhận ra và đón nhận ơn gọi của mình. Chúng ta là những môn đệ bé nhỏ của người thầy vĩ đại. Chúng ta cũng được mời gọi làm nhân chứng cho việc cầu nguyện vì thế giới hôm nay đóng lại không muốn cầu nguyện và không muốn gặp gỡ Thiên Chúa. Trong tình thân mật sâu xa với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ sống trong Ngài và với Ngài tình tương quan con thảo với Chúa Cha.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
=========================== 
Suy niệm 2
CON NGƯỜI TRỞ NÊN VĨ ĐẠI NHỜ CẦU NGUYỆN
(G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39)
Pascal là một nhà bác học nổi tiếng và cũng là một nhà triết gia lỗi lạc, ông đã có một câu nói thời danh để đời như sau: “Con người chỉ vĩ đại khi họ cầu nguyện”.
Thật vậy, con người là loài thụ tạo cao quý nhất mà Thiên Chúa dựng nên. Con người có giá trị trổi vượt trên các loài thụ tạo khác. Tuy nhiên, con người chỉ có thể trở nên vĩ đại nhờ có một mối tương quan mật thiết với Đấng là chủ tể của mình ngang qua đời sống cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện là chiếc cầu nối liền giữa Thiên Chúa và con người. Cầu nguyện làm cho con người tìm ra được nguồn cội, cùng đích của cuộc đời. Cầu nguyện cũng giúp cho con người biết mình phải làm gì và khước từ điều gì.
Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu ngay từ sáng sớm, người lánh sang một nơi thanh vắng để cầu nguyện sau một ngày làm việc mệt nhọc với sứ vụ và tiếp tục với hành trình rao giảng Tin Mừng mới. Điều này cho thấy: cầu nguyện là việc vô cùng cao quý và quan trọng trong hành trình loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu cũng như người môn đệ.
1. Cầu nguyện không ngừng
Đã có lần, Đức Giêsu nghe các môn đệ của mình kể về thành tích mà các ông đạt được sau những ngày vất vả vì sứ vụ. Các ông trở về trong hân hoan và khoe với Ngài về thành tích đạt được, nào là: thành công trong việc chữa lành bệnh tật, nhiều người nghe lời các ông giảng và ngay cả ma quỷ cũng phải khuất phục (x. Mc 6, 30-31).
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không khen ngợi các ông, Ngài cũng chẳng đề nghị các ông tiếp tục thi hành. Và hoàn toàn không mở tiệc linh đình để tuyên dương kết quả! Nhưng Ngài nói với các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Nghỉ ngơi ở đây có nghĩa là trở về với Thiên Chúa và với bản thân trong sự thinh lặng nội tâm sâu xa.
Còn khi dạy các Tông đồ cầu nguyện, Ngài nói: “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1); chỗ khác Ngài truyền lệnh: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,38). Hơn nữa, khi nói về giới hạn của con người và tầm quan trọng của cầu nguyện, Ngài mặc khải: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5) Hay để khơi lên niềm tín thác vào Thiên Chúa là Đấng xót thương, Đức Giêsu khẳng định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7).
Như vậy, đời sống cầu nguyện là nền tảng để xây dựng đời sống Tông đồ nơi người môn đệ. Cầu nguyện chính là hồn sống, là thước đo để biết được người Tông đồ thi hành sứ vụ vì ai, cho ai và mục đích gì! Cầu nguyện còn để xác định rõ: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Nói cách khác, đời sống cầu nguyện được ví cá cần nước, cây cần ánh sáng, con người cần hơi thở.
2. Mẫu gương cầu nguyện nơi Đức Giêsu
Khi thấy được tầm quan trọng không thể thiếu của đời sống cầu nguyện, nên Đức Giêsu không chỉ dạy các môn đệ cầu nguyện, nhưng chính Ngài đã làm gương về đời sống cầu nguyện.
Thật vậy, Ngài luôn luôn cầu nguyện trước, trong và sau khi làm bất cứ việc gì. Ngài cầu nguyện trong sa mạc; nơi hội đường; trên triền núi; ngoài bãi biển....
Hôm nay, thánh Máccô một lần nữa cho ta thấy Đức Giêsu coi trọng và ưu tiên hàng đầu trong việc cầu nguyện, tác giả viết: "Sáng sớm  lúc trời còn tối, Người đã dậy đi ra một nơi hoang vắng và cầu  nguyện ở đó" (Mc l,35).
Khung cảnh “sáng sớm” cho chúng ta thấy một đêm dài đã kết thúc và một ngày mới khởi đầu. Thái độ cầu nguyện ngay từ khi trời còn tối báo cho chúng ta biết, Đức Giêsu chắc chắn tạ ơn, chúc tụng quyền năng của Thiên Chúa qua những việc Ngài đã làm trong ngày hôm trước như: thăm viếng, chữa bệnh, trừ quỷ…. Mặt khác, trải qua một đêm có lẽ nhiều thao thức, trăn trở và lựa chọn để làm trong ngày mới, nên ngay từ sáng sớm, Ngài đã xin ý của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, để mọi việc được diễn ra trong thánh ý của Người. Chính vì điều này mà mọi hoạt động của Đức Giêsu đều quy hướng về Thiên Chúa và mang lại vinh quang cho Người.
Như vậy, giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa có một sự gắn kết mật thiết đến độ không thể tách rời đến nỗi đã có lần Đức Giêsu tuyên bố: “Ta và Cha ta là một”; hay "lương thực của Thầy thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34 ).
3. Cầu nguyện là nền tảng cho mọi hoạt động
Ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều sự rạn nứt qua các mối tương quan như: rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, vợ chồng không còn tin tưởng nhau, thiếu sự chung thủy. Nạn phá thai diễn ra như cơm bữa. Lương tâm, chân lý không còn được lưu tâm hay bị lệch lạc. Con cái vô cảm, bất hiếu và hỗn xược với đấng sinh thành. Anh chị em trong gia đình loại trừ nhau. Hàng xóm láng giềng không còn chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau”! Thầy cô giáo và học trò ít quan tâm đến chuyện: “Tiên học lễ, Hậu Học văn”; vì thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò! Bạn bè với nhau không còn tính trung thực, mà thay vào đó là lợi dụng nhau, thanh toán nhau bằng nắm đấm, song sắt, lưỡi lê….
Nguyên nhân lớn nhất đó là thiếu hay coi thường hoặc không có đời sống cầu nguyện. Bởi vì, không cầu nguyện, con người sẽ không nhận ra Thiên Chúa là ai cũng như không biết coi trọng nhân phẩm của mình và của nhau. Không có đời sống cầu nguyện, người ta cũng không tìm ra lý tưởng và không thể trả lời được về mục đích của sự hiện hữu nơi mình trên trần gian. Đàng khác, khi đời sống cầu nguyện bị sao nhãng, người ta cũng chẳng cần quan tâm đến sự thật và lòng trung thành, từ đó, họ có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ áy náy! Họ sẵn sàng “dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt”; hay cả phương tiện và mục đích đều xấu, nhưng lương tâm đã bị chai lỳ, vô cảm nên họ vẫn sẵn sàng làm cho kỳ được để thỏa mãn điều mong muốn một cách bất nhân.
Hơn nữa, nhiều người có cầu nguyện, nhưng sự hời hợt, qua lần chiếu lệ đã làm cho họ chẳng khác gì như hạt giống gieo nơi vệ đường, trên bụi gai và nơi đá sỏi. Hãy nhớ lại câu chuyện Tổ Tông sa ngã chỉ vì hiểu có một nửa sự thật!
Chính vì thiếu đời sống cầu nguyện sâu xa như thế, nên việc sống đạo của chúng ta bị nhàm chán, hờ hững và hình thức bên ngoài, khiến cho những công việc chúng ta làm bị phản tác dụng khi nó quy chiếu về bản thân mình chứ không hướng về Chúa.
Muốn khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần thật minh mẫn, sốt sắng, vui tươi như thể mình đang chuẩn bị đi gặp “người yêu”. Phải thực sự có kinh nghiệm cá vị về Thiên Chúa. Mặt khác, chúng ta phải tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta đang ở bên Chúa, Chúa đang ở bên ta, vì thế, cần có thái độ của đức tin để phó thác, thái độ khiêm tốn để lắng nghe. Bởi vì: “Cầu nguyện là hô hấp của tâm hồn”.
Chỉ có thế, chúng ta mới có thể xóa đi cái “tôi” ích kỷ, hư ảo, kiêu ngạo, để thay vào đó là sự khiêm tốn, hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Như vậy, nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta mới nhận ra: “Con người vĩ đại nhờ cầu nguyện”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đặt mình bên cạnh Chúa, được sống với Chúa, được nhìn ngắm Chúa, được lắng nghe tiếng Chúa, được gặp gỡ Chúa, và được chìm sâu trong Chúa, Đấng cứu độ chúng con ngang qua đời sống cầu nguyện. Amen.

 
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
 
============================ 
Suy niệm 3
Hãy Tìm Kiếm Chúa
(Mc 1, 29 - 39) 
Nếu như Chúa nhật thứ Bốn Mùa Thường niên, Chúa Giêsu đã thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình tại Capharnaum, thì bước vào Chúa nhật thứ Năm Mùa Thường niên, sứ vụ Thiên sai của Người được tiếp tục thi hành. Là Thiên Chúa quyền năng trong lời nói cũng như trong hành động. Chúa chữa lành những người bị quỉ ám, Danh tiếng Người nhanh chóng lan truyền khắp mọi nơi. Uy quyền của một Vì Thiên Chúa được tỏ lộ trong hành động, Chúa mở mắt cho người mù, làm cho kẻ què đi được, người điếc nghe được, nói chung là họ sung sướng vui mừng; mọi người đều...thán phục ; các thần ô uế phải vâng lệnh. Cụ thể hơn, Chúa Giêsu hiện diện ở đâu thì ở đó người ta ngỡ ngàng và thán phục. Họ hỏi nhau: Người này là ai vậy, mà ngay cả thần ô uế cũng phải tuân lệnh? Quyền năng của Chúa xác nhận thẩm quyền lời Người giảng. Người không chỉ nói mà còn làm. Công trình của Thiên Chúa được thể hiện cả bằng lời nói lẫn việc làm nơi Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu thực thi sứ mạng, bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa Cha qua việc rao giảng và các hành động quan tâm, giúp đỡ người đau bệnh, người nghèo đói, các trẻ em và người tội lỗi.
Hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đang ở Capharnaum, trung tâm thi hành sứ vụ của Chúa, đúng hơn là nhà ông Simon Phêrô : "Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê" (Mt 1,29). Ở đây, chúng ta khám phá ra một gia đình lắng nghe và thực hành Lời Chúa (Lc 8,21). Bà nhạc gia ông Phêrô bị cảm sốt đang nằm trên giường, Chúa Giêsu tiến lại gần, Người cầm tay bà, một cử chỉ vượt quá những gì mà sách Tin Mừng đã trình bày như: Chúa đưa tay ra và đụng lên người bệnh, tại nhà ông Simon Phêrô, Chúa cầm tay bà và nâng đỡ bà dậy.
Cử chỉ này khiến mọi người phải thốt lên : Thiên Chúa thật quá đỗi hạ mình xuống để tìm kiếm chúng ta, và vì thế mà phẩm giá con người được tìm kiếm được nâng lên!... "Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa để ý lưu tâm? " (G 7,17). Tôi muốn biết tại sao Thiên Chúa lại muốn đích thân đến với chúng ta và tại sao chúng ta không phải là những người đến với Thiên Chúa trước? Việc Chúa Giêsu làm trong Tin Mừng hôm nay, không phải là thói quen của người giàu đi đến người nghèo, ngay cả khi họ có ý tốt lành.
Phần chúng ta, chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nhưng có một trở ngại ngăn cản chúng ta: mắt chúng ta bị mù lòa, không thể tiếp cận được Chúa là Áng Sáng; chúng tôi đã bị liệt trên giường bệnh, khiến chúng ta không thể đạt tới sự vĩ đại của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Đấng Cứu Độ chúng ta, một lương y tốt lành và là bác sĩ của tâm hồn chúng ta đã từ trời cao hạ mình xuống, đến với con người, làm cho đôi mắt ốm yếu của con người thấy được ánh vinh quang huy hoàng của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa Cha đã đến gần với người nghèo và những người đau khổ mà người ta đưa đến với Chúa để được chữa lành. Bằng cử chỉ đưa bàn tay, Chúa đụng chạm tới họ, nguồn mạch sự sống tuôn trào, họ được giải thoát và được cứu.
Hết thảy mọi người đều tìm kiếm Chúa Giêsu, chỉ có một số người bị buộc đưa đến, vì "lòng chúng ta còn khắc khoải cho tới bao giờ được nghỉ ngơi trong Chúa" (Thánh Augustinô).
Nhưng, cùng một cách thức chúng ta tìm kiếm Chúa vì chúng ta cần đến với Chúa để Người giải thoát chúng ta khỏi sự ác và Sự Xấu, Người đến với chúng ta và đến gần hơn để có thể làm điều mà chúng ta không thể làm được một mình. Người đã trở nên yếu đuối để cứu chuộc chúng ta là những người yếu đuối, "Tôi đã tự cứu mình bằng mọi giá" (1Cr 9,22).
Vẫn có một bàn tay đầy sức mạnh vô hình đang hướng về phía chúng ta, những người đang bị bủa vây bởi muôn điều xấu, chúng lôi kéo chúng ta và giữ chân chúng ta lại. Chúng ta có thể "vươn lên và bước tới" bằng lời cầu nguyện, cụ thể như Chúa: "Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó" (Mc 1,35).
Hơn nữa, mỗi Thánh lễ Chúa nhật là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng đến đưa tay ra để nâng chúng ta khỏi giường tội lỗi và chán nản, làm cho chúng ta sống vui, sống hạnh phúc trong Chúa và với mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con kêu cầu Chúa, xin Chúa đưa tay ra nâng đỡ và lôi kéo chúng con lên. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cần Kiệm mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Giáo xứ Cần Kiệm mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Hòa trong niềm vui với Giáo hội hoàn vũ, cách riêng với Giáo hội Việt Nam, mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – những chứng nhân anh dũng đã hiến dâng mạng sống để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Trong tâm tình tạ ơn và tôn kính, tối ngày 25/11/2024, Giáo xứ Cần Kiệm đã long trọng tổ chức rước kiệu tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và xương thánh Neron Bắc.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log