Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 4 TN B

Cập nhật lúc 17:26 25/01/2018
Suy niệm 1
Người giảng dạy như Đấng có uy quyền
----------------------------------------------------
Chúa Giêsu đến trần gian như một anh thợ mộc đơn giản. Thế mà Ngài lại nói như “Đấng có quyền”. Từ trước đến nay không thấy ai làm được như vậy. Ngài làm được những công việc mà chỉ một mình Thiên Chúa mới làm được mà thôi.
Đọc sách Nhị Luật, người ta có thể phân biệt thế nào là tiên tri thật và thế nào là tiên tri giả. Moise là tiên tri tuyệt vời của Cựu Ước, nhưng chính ông lại loan báo sẽ có một tiên tri khác đích thực, một Moise mới. Vâng đúng thế! Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể thực hiện lời Moise đã loan báo: Chúa Giêsu được mặc khải là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật.
Ngay từ khi được Chúa Giêsu gọi, các môn đệ đã theo Chúa. Họ đi khắp nơi cùng với Chúa. Họ nghe Chúa nói mà không chán. Họ sát cánh với Người, họ lập thành một nhóm mà Phaolô sau này gọi là Thân Thể Chúa Kitô. Phaolô còn nói một cách cụ thể hơn, đó là các môn đệ không bao giờ tách rời khỏi Thầy mình.
Marcô tác giả của bài tin mừng hôm nay không trực tiếp nhìn thấy Chúa Giêsu. Nhưng Marcô cũng là một trong các thành viên đầu tiên của Giáo Hội mới được thành lập. Sách Tông Đồ Công Vụ kể Marcô đã gặp Phêrô tại nhà mẹ người ở Giêrusalem. Marcô luôn bên cạnh các tông đồ và tháp tùng Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên. Sau này, Marcô là bạn trung thành của Phêrô. Truyền thống Giáo Hội khẳng định rằng Tin Mừng mà Marcô viết là Tin mừng của chính Phêrô, vì Marcô nắm được những thông tin trực tiếp từ Phêrô, thủ lãnh các tông đồ.
Tin mừng hôm nay kể Chúa Ciêsu và môn đệ tới nguyện đường Carphanaum. Carphanaum là một thành phố cảng, có rất nhiều người ngoại giáo. Nơi đây người dothái và ngoại giáo gặp nhau để buôn bán. Nơi đây có rất nhiều người ngoại quốc, đủ mọi sắc tộc và da mầu. Đó là một thế giới ô hợp mà Chúa Giêsu chọn và thường xuyên lui tới đây. Hình như Chúa bắt đầu làm cho thế giới hiểu rằng Chúa đến không phải chỉ cho người Dothái, nhưng là cho mọi người trên trái đất này. Đối với Người, không có ai là người ngoại vì Người muốn làm cho mỗi người trở thành một công dân nước Trời.
Nói về khía cạnh thiêng liêng, Thiên Chúa không thuộc mầu da nào cả. Người chỉ nói một ngôn ngữ: ngôn ngữ tình yêu.
- Chúng ta có thể cùng nói một ngôn ngữ tình yêu với Ngài được không?
- Chúng ta hãy cố gắng xét xem mỗi người chúng ta có phải là con Thiên Chúa không?
Người yêu chúng ta vô hạn. Chúng ta hãy cảm tạ Người vì Người cho phép chúng ta làm cho thế giới này trở nên tốt hơn và làm cho nở hoa tình yêu ở tất cả mọi nơi chúng ta sống.
Mặc dù bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu chữa một người bị quỷ ám khá là ngoạn mục, nhưng Thánh Marcô nói với chúng ta rằng điều đánh động dân chúng nhất, là lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Việc trừ quỷ ở đây chỉ là kết quả và tăng thêm uy lực về lời nói của Chúa mà thôi. Người ta không bao giờ thấy như vậy.
Vì thế, ngày nay đức tin của chúng ta đừng nên quá chú trọng về phép lạ, mà cần phải xác tín vào Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, Lời của Thiên Chúa đã làm người.
Tin mừng kể: Dân chúng kinh ngạc và khiếp sợ. Tại sao lại như vậy? Họ khiếp sợ không phải là vì Chúa Giêsu trừ quỷ, nhưng là khiếp sợ vì một người nói có quyền lực mạnh mẽ đến thế.
Trong Chúa Giêsu, lời giảng dạy, uy quyền và mới mẻ luôn liên kết với nhau. Đó là một cách giảng dạy mới và đầy uy quyền. Chúng ta không thể nói được rằng bài giảng của Chúa Giêsu thế nào mà lại hay thế? Người giảng dạy quan trọng hơn là lời giảng dạy. Chúng ta có kinh nghiệm nhiều về điều này. Đối với Chúa Giêsu lời giảng dạy của Người chính là Người vì Người là Ngôi Lời. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu luôn có uy quyền đối với bất cứ thời đại nào và tình huống nào.
Chúa Giêsu thu thút thính giả từ bên trong tâm hồn của họ. Người không xét đoán và luận tội ai. Người chỉ ban niềm hy vọng và niềm vui sống cho họ mà thôi. Nói một cách văn chương hơn, các thính giả bị lôi cuốn vì cách Chúa diễn tả: “Người nói như Đấng có uy quyền”. Tiếng latinh, “uy quyền” có nghĩa là làm cho lớn lên, làm cho trưởng thành và giúp đỡ phát triển. Chúa Giêsu để lại cho thính giả ấn tượng sâu xa không những là Người giảng dạy một sứ điệp luôn luôn mới mà còn vì Người đã sống sứ điệp mà Người rao giảng. Hơn nữa Chúa còn thương cảm với những ai đau khổ và những người góa bụa, mồ côi hoặc những ai bị bỏ rơi.
Vì thế mỗi ngày chúng ta hãy cố gắng giành chút thời gian để lắng nghe lời Chúa và thưa với Chúa rằng: “Chúa muốn chúng con thực hành lời Chúa như thế nào trong đời sống chúng con”?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đuổi thần dữ ra khỏi hội đường Capharnaum, Chúa còn báo tin rằng Chúa sẽ chiến thắng trên thần dữ và cả sự chết.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã “vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Chúa và tặng ban cho Chúa một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Khi nghe Tên Thánh Chúa, mọi thụ tạo trên trời dưới đất và cả quỷ dữ trong hỏa ngục đều quỳ gối thờ lạy”. Phần chúng con, chúng con đang còn ở trong bóng tối, xin Chúa cho chúng con được ẩn náu trong uy quyền của danh thánh Chúa, để nhờ đó Chúa cũng ban cho chúng con uy quyền trên sự dữ.
Chúa không nỡ để chúng con bị triệt hạ, nhưng cho chúng con tự do và chiến thắng sự dữ. Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến Chúa. Chúng con xin Chúa luôn ở lại với chúng con như lời Chúa hứa: “Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”. Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

======================== 
Suy niệm 2
UY QUYỀN CHỈ CÓ Ý NGHĨA NHỜ LỐI SỐNG KHIÊM TỐN
 (Dnl 18, 15-20; 1Cr 7, 32-35; Mc 1, 21-28)
Là người Công Giáo Việt Nam, hẳn đa số ai cũng biết đến Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận. Ngài là vị Hồng Y đặc biệt được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều dịp Mùa Chay năm thánh 2000. Ngoài sự trổi vượt về đời sống đạo đức, ngài còn là một vị giảng thuyết hết sức lôi cuốn đối với rất nhiều thành phần trong Giáo Hội, nhất là giới trẻ. Người ta đã coi ngài như là một người đầy quyền uy trong lời nói và việc làm!
Lý do Đức Hồng Y được người ta ca tụng như vậy, ấy là bởi vì ngài đã luôn sống yêu thương. Ngài sẵn sàng tha thứ cho những người coi ngài là kẻ thù và làm hại mình. Mặt khác, cuộc sống đơn sơ, giản dị, khiêm nhường, ngôn hành như nhất đã làm cho uy tín của ngài ngày càng lan rộng!
Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại câu chuyện Đức Giêsu vào Hội đường Dothái và giảng dạy. Ngài giảng dạy khác hẳn với những Kinh Sư thời bấy giờ, khiến ai nấy trong Hội đường trầm trồ khen ngợi: “Ông này giảng dạy như một Đấng có uy quyền”.
Lý do tại sao Đức Giêsu được người ta khen ngợi như vậy? Đâu là điều làm cho Ngài trở nên Đấng có uy quyền trong lời nói và hành động? Và, chúng ta học được bài học gì qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay?
1. Ngôn hành bất nhất nơi các Kinh sư
Tin Mừng hôm nay không nói về việc Đức Giêsu giảng gì. Cũng chẳng nói lời giảng của ngài khác với những lời giảng của những nhà thông luật thời bấy giờ ra sao! Tuy nhiên, muốn hiểu được tại sao: thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Đức Giêsu và không ngớt khen ngợi điều mới lạ nơi Giáo lý của Ngài, đồng thời không ngừng tuyên xưng về quyền uy của Đức Giêsu… (x. Mc 1, 22-28), chúng ta cần hiểu về hai cách sống, hai cung cách, hai lối giảng giữa Đức Giêsu và những Kinh sư.
Vào thời bấy giờ, người Dothái luôn coi trọng các Kinh sư, bởi vì họ là những người nắm luật, là thành phần được ngồi trên “ngai tòa Môsê” để giáo huấn. Chính vì lý do đó, nên những người này được dân chúng coi trọng và tin tưởng.
Tuy nhiên, Đức Giêsu lại không chấp nhận những điều họ làm, bởi vì ngôn hành bất nhất. Thế nên, đã nhiều lần, Ngài lên tiếng thẳng thắn nói với dân chúng về điều trái khuấy của những Kinh sư này, Ngài nói: “… những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23, 3). Lần khác, Đức Giêsu đã phân tích sự khập khiễng, mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của những Kinh sư, bởi vì: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy […], nào là đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rápbi" (x. Mt 23, 4-7).
Chẳng những thế, chính Đức Giêsu đã chỉ thẳng mặt và vạch trần tội ác của họ khi nói: khốn cho các người, hỡi các Kinh sư giả hình! Các người không muốn vào nhà, nhưng lại khóa cửa không cho ai vào. Nào là sẵn sàng nuốt tài sản của bà góa nghèo. Giả bộ đạo đức…. (x. Mt 23, 13-14). Các ngươi giống như “… mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế, toàn là giả hình và gian ác! (x. Mt 23, 27-28
Như vậy, họ là những người đáng trách và không có uy quyền trong dân, bởi vì tất cả những điều họ làm không xuất phát từ lòng tôn kính Thiên Chúa, mà là muốn được phô trương thanh thế bề ngoài, còn tâm hồn thì rỗng tuếch!
2. Ngôn hành như nhất nơi Đức Giêsu
Ngược lại, nơi Đức Giêsu, khởi đi từ mục đích của Ngài xuống trần gian là để loan báo ơn cứu độ, băng bó những tâm hồn đau thương, an ủi kẻ âu lo, chữa lành bệnh tật, giải thoát con người khỏi tội lỗi, nhất là dạy dỗ dân chúng và vạch ra cho họ con đường đưa đến hạnh phúc đích thực là Nước Trời. Không những thế, Ngài luôn mang trong mình lòng xót thương của Thiên Chúa, nên đã đứng về phía những người đau khổ, nghèo khó, cô thế cô thân, những người bị áp bức, bóc lột để bênh vực họ….
Vì thế, từng lời Ngài dạy, từng việc Ngài làm đều ăn khớp với nhau và toát lên tấm lòng mục tử đầy nhân hậu, luôn “ngửi thấy” và “mang trong mình mùi chiên” để cứu chuộc nhân loại khổ đau.
Điểm khác biệt này chúng ta còn nhận thấy, đó là nơi các Kinh sư, những điều họ dạy, họ nói đều phải “căn cứ theo những lời dạy có sẵn trong luật”, còn nơi Đức Giêsu, tất cả "mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ngài (x. Mt 28,18) vì Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
3. Bài học cho chúng ta hôm nay
Ngày nay, rất nhiều người trong chúng ta đang tìm cách tô vẽ lên con người mình cũng như lựa chọn cung cách ứng xử chẳng khác gì các Kinh sư! Biết bao lần chúng ta loay hoay tìm đủ mọi cách để tô đậm chất tố “kinh sư thời hiện đại” ngay trên con người của mình, để thể hiện uy quyền với anh chị em xung quanh.
Thế nhưng, sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học vô cùng quý giá, đó là: uy tín không hẳn đến từ những lời nói hay, ngon ngọt. Lại càng không phải đến từ những người trong đầu chứa đầy kiến thức, và hoàn toàn không phải đến từ những kẻ giả hình!
Ngược lại, uy tín và uy quyền lại đến từ những người chân thật, đơn sơ, hiền lành, khiêm nhường. Cuộc đời của Đức Giêsu và câu chuyện về Đức Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Thật vô cùng ảo tưởng khi củng cố quyền lực bằng những chuyện khua chiêng gõ trống bên ngoài hay bằng tiền bạc hoặc bằng việc củng cố quyền lực qua những thói kêu ngạo giả hình….
Quả thật, uy quyền chỉ có thể thực sự hữu ích cho mình và cho tha nhân khi nó được đặt trong tâm thế của người phục vụ cách vô vị lợi chứ không phải để “ăn trên ngồi trốc” như giới Kinh sư.
Mong sao mỗi người chúng ta khi đã hiểu được sức mạnh, uy quyền của sự khiêm nhường, đơn sơ, ngay thật và thẳng thắn, chúng ta luôn sống điều đã thấy, tin điều đã cảm nghiệm và rập đời sống chúng ta theo mẫu gương của Đức Giêsu, để ngang qua cuộc sống và các mối tương quan hằng ngày nơi mỗi người, uy quyền của Thiên Chúa ngày càng được nhiều tôn nhận và Danh Chúa ngày càng được nhiều người biết đến. Amen.

 
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

========================= 
Suy niệm 3
LỜI QUYỀN NĂNG CỨU ĐỘ
(Mc 1, 21 - 28)
Hoán cải và tin theo Chúa Giêsu vì Nước Trời gần đến là lời mời gọi của Đấng Thiên sai (x. Mc 1, 14-20). Sứ vụ Thiên sai ấy được tiếp tục thi hành với Lời Quyền Năng Cứu Độ, Lời có sức chữa lành những người bị quỷ ám, khiến cho những người mù được sáng, người què đi được, người điếc nghe được, nói chung là vui mừng sung sướng ; mọi người đều...thán phục; các thần ô uế phải vâng lệnh Người (x. Mc 1, 21-28).
Chiêu mộ các môn đệ xong, Chúa Giêsu cùng với các ông tới Capharnaum. Tại hội đường, nơi cộng đoàn tụ họp để lắng nghe Lời Chúa và phổ biến Luật cũng như lời các Tiên tri, lần đầu tiên các môn đệ được nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x. Mc 1, 21-22).
Hơn cả luật sĩ
Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có quyền, mọi ánh mắt của những người ngồi đấy đều đổ dồn vào Người, còn thần ô uế thì buộc phải vâng lệnh và xuất ra khỏi người nó ám. Người giảng dạy với uy quyền của Thiên Chúa, chứ không như các Tiên tri trong Cựu Ước là những người được Thiên Chúa ủy thác cho; cũng không giảng dạy như các kinh sư Do thái là những người chỉ giải thích Kinh Thánh. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu là một cuộc giải phóng, là Tin Mừng cứu rỗi, cách riêng cho những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội. Lời của Chúa Giêsu tương phản với lời giảng dạy của các thầy thông luật (Mc 1, 22). Câu hỏi được đặt ra: Vậy có điều gì mới chăng ? Thưa không, Người không dạy điều gì mới mẻ hoặc trái với giáo lý, cũng không mang đến một giáo lý mới. Chính uy nguyền và phong cách giảng dạy làm người ta khám phá ra cái mới. Đồng thời, mới là vì uy quyền của Người trên các thần ô uế : "Chúng vâng lệnh Người "(x. Mc 1, 25-26). Chúa Giêsu không tiếp chuyện, hay tranh luận với thần ô uế. Người đoạn tuyệt đối thoại với chúng. Và ta sẽ thấy câu trả lời vào cuối trình thuật cám dỗ trong hoang địa. Chúa Giêsu khẳng định: "Người là Chân Lý ".
Hơn một Tiên tri
Bài đọc I trích sách Đệ Nhị Luật (Đnl 18, 15-20), chúng ta thấy Môisen được coi là vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ; ông là trung gian giữa Thiên Chúa với loài người. Ông trung gian cần thiết, vì dân chúng sợ mặc khải trực tiếp từ Thiên Chúa nên họ nói : "Tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết " (Đnl 18, 16).
Và đây là những điều Môisen được biết và công bố. Chúa phán : "Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi " (Đnl 18, 15); Chúa sẽ đặt vào miệng vị đó những lời của Chúa, vị ấy sẽ nói cho dân lệnh Chúa truyền. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Chúa qua miệng người ấy sẽ nói nhân danh Chúa, kẻ ấy sẽ chuốc lấy hậu quả thích đáng, như Chúa quả quyết: "chính Ta, Ta sẽ tính sổ với nó" (Đnl 18, 19)Từ chối Môisen hay một tiên tri là từ chối chính Chúa.
Dân sẽ mượn miệng ông, giọng nói của ông, để thân thưa với Thiên Chúa. Một cách nào đó, người ấy không thể nói điều gì khác hơn là Lời Thiên Chúa. Cuộc sống của ông là một cuộc sống hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa.
Qua đoạn sách Đệ Nhị Luật, phụng vụ giúp chúng ta đọc lời nói đầu thể hiện sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, Người hơn cả Môisen: "Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền " (Mc 1, 22), Người là "Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Mc 1, 24).
Cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và thần ô uế
Tiếng thét của người bị thần ô uế ám và dằn vặt, nay được Chúa trừ là tiếng thét hư vô, không có nguồn gốc và không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chạm vào người này, Người cũng không thuyết phục hắn. Người nói chuyện trực tiếp với hắn lúc Lời Chúa bị mắc kẹt trong sa mạc bởi sự dữ, bạo lực và tà thần, mỗi người chúng ta phải thường xuyên kiên trì chiến đấu.
Điều thần ô uế nói trong hội đường như thể nó tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa. Nhưng nó bị Chúa Giêsu quát và bảo : "Hãy im đi!" (Mc 1, 25). Như sách Đệ Nhị Luật đã nói (18, 19) chúng ta phải biết nghe lời Chúa, trong hành động của đức tin, đức cậy để lời ấy có thể triển nở trong ta, đụng chạm đến chúng ta, biến đổi chúng ta và hiệp nhất chúng ta...
Sự im lặng bắt buộc này có nghĩa là không còn thời gian nữa. Sự viễn mãn tràn đầy thánh thiện và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến nhờ sự chết và phục sinh. Vì Người là "Đấng thánh của Thiên Chúa" (Mc 1, 24).
Đấng Thánh của Thiên Chúa 
Việc trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị nó ám được coi như cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và thần dữ. Thần dữ cố gắng ngăn chặn nguy hiểm: "Có chuyện gì giữa chúng tôi và ông?" (Mc 1, 25) Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" (Mc 1, 25) Cuộc chiến vẫn tiếp tục trong cơn co giật của bệnh nhân đang bị dằn vặt dữ dội và kêu lớn tiếng. Sức mạnh của Chúa Giêsu làm chủ sự dữ là những cái con người đang bị nắm giữ với lo âu sợ hãi và tự hỏi, "Điều này có nghĩa là gì? " (Mc 1, 27).
Giờ đây, bức màn che dậy được vén lên, mầu nhiệm của Chúa Giêsu và "bí mật" của Người hé mở: Đây là một giáo lý mới! Có thể đây là thời thiên sai mới chăng ? Chúa Giêsu có thật là Đấng Mêsia không? Người truyền cho các thần ô uế và chúng vâng theo; chứng tỏ Người mạnh hơn Sự dữ. Nhưng chính ma quỉ nhập nhằng khi tỏ lộ về thân thế Chúa Giêsu: Người là Đấng Thánh, Đấng Thánh của Thiên Chúa !(Mc 1, 24) Thánh là thuộc tính của chính Thiên Chúa. Chúa bắt nó : "Im đi ! " (Mc 1, 25). Còn đám đông dân chúng thì vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận, nên kinh ngạc.
Chúng ta cũng thế, khi ta hoang mang về sự sinh tồn của mỗi chúng ta, và thấy các cuộc chiến giữa Sự Thiện và Sự Ác xảy quanh ta và trong chúng ta, chúng ta tự đặt câu hỏi: Chúa Giêsu là ai đối với cá nhân tôi và toàn thể nhân loại ?
Đời sống người Kitô hữu là một cuộc chiến không ngừng chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ. Để được như thế, chúng ta thành tâm nguyện xin mỗi ngày: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi sự dữ" (Kinh Lạy Cha). Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log