Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 3 TN B

Cập nhật lúc 14:25 19/01/2018
Suy niệm 1
“Thời giờ đã mãn, nước Thiên Chúa đã gần đến”
------------------------------------
Chúa Giêsu luôn mời gọi mỗi người chúng ta bước theo Người và làm mọi cách loan báo Tin Mừng. Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rất rõ khung cảnh Chúa Giêsu gọi các môn đệ. Ngài đi ngang qua và quan sát thấy 2 anh em đang thả lưới đánh cá. Ngài nhìn họ và rồi gọi họ theo Ngài: “Hãy theo Tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những thợ chài lưới người”. Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem cái nhìn của Chúa Giêsu có sức mạnh và khả năng đốt cháy tâm hồn 2 môn đệ, đến nỗi các ông lập tức bỏ tất cả mọi sự mà theo Người.
Từ ngữ lập tức này được lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng theo thánh Marcô. Chúng ta có thể nói rằng toàn bộ Tin Mừng này là một lời mời gọi thôi thúc chúng ta, nhất là các bạn trẻ đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa: “Này bạn, bạn hãy theo Tôi. Tôi cần bạn, bạn sẽ là linh mục hoặc bạn sẽ là tu sỹ hay là làm việc gì đó cho Nước Thiên Chúa”. Biết bao nhiêu ơn gọi thực tế đã  dừng lại hoặc mất vì người ta đã không trả lời dứt khoát cho lời mời gọi của Thiên Chúa.
Trở lại bài đọc Cựu Ước, tiên tri Giôna lập tức chỗi dậy và đi đến thành Ninive theo lời Chúa dạy. Ông đến thành này để giúp dân trở về với Thiên Chúa và họ đã thống hối ăn năn… Thiên Chúa tha thứ cho họ và không phá hủy thành phố của họ nữa.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Corintho nói: Nước Thiên Chúa đã bắt đầu. Thế giới mà chúng ta đang thấy sẽ biến đổi hoàn toàn, nhất là đối với những ai biết lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa và đáp trả bằng tiếng xin vâng toàn diện mà không đòi điều kiện gì. Từ nay, đối với họ sự sống là chính Thiên Chúa, Đấng yêu mến họ. Sự sống này nếu muốn được thì phải chấp nhận cuộc trở về, trở về với Thiên Chúa và từ bỏ những gì ràng buộc họ ở trần gian này.
Chúa Giêsu mời gọi Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan hướng tới cái nhìn mới của cuộc sống. Những năm tháng ngày giờ tiếp theo của họ là giành cho người khác: “Tôi sẽ làm cho anh em trở thành những kẻ lưới người”.
Một trong những điều căn bản của đời sống kitô giáo là đem lại hoa trái, sử dụng tốt những năm tháng ngày giờ Chúa đã ban cho. Cuộc đời chúng ta là một cuộc lữ hành và đang tiến bước. Từ khi thụ thai cho đến lúc chết, chúng ta phải liên tục thay đổi để tiến về phía trước: thụ thai trong lòng mẹ 9 tháng, rồi sinh ra, tuổi thơ ấu, tuổi thiếu niên, thanh niên, nghỉ hưu rồi về già… Chúng ta liên tục phải đặt lại vấn đề và thích ứng với một thực tại mới…Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa gọi các tông đồ đầu tiên và đặt họ vào trọng tâm là cùng với Người đi rao giảng tin mừng. Họ trở thành “những thợ chài lưới người”.
Tóm lại, cả 3 bài đọc đều nói với chúng ta về thời gian sẽ xẩy ra những biến cố lớn:                 
Bài đọc I, tiên tri Giôna báo tin: “Còn 40 ngày nữa, dân thành Ninivê sẽ bị tàn phá”.                   
Bài đọc II, Thánh Phaolo nói: “Bộ mặt thế gian này đang qua đi”.                                                   
Và bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa gần đến”.
Trải qua nhiều thế kỷ, thời gian luôn là một chủ đề rất thông thường được nói đến.                   
Nhà văn Ovide viết: “Thời gian là một con vật hung dữ ngấu nghiến tất cả tuổi trẻ, sức khỏe, giàu có, những dự án đắt giá nhất”.
- Theo Kinh Thánh, thời gian là một yếu tố tốt và tích cực. Đó là một ân huệ, một món quà mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Thời gian để chúng ta sinh hoa lợi, trở về, tham dự vào công cuộc tạo dựng một thế giới nhân đạo hơn.
- Theo Chúa Giêsu và Thánh Phaolô, thời gian là cánh cửa mở cho một tương lai tốt hơn. Vấn đề ở đây không phải là khóc vì thời gian đã trôi qua, nhưng là đón nhận thời gian mới với tâm tình biết ơn. Thời gian mới sẽ mở ra cho chúng ta. Thời gian đã mãn! Đó là một lời mời gọi chúng ta nhìn cuộc sống trên trần gian này để hướng tới cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của thế giới mới. Tiên tri Isaia nói: “Đây Ta sắp thiết lập một trời mới đất mới”.
Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta rằng thời gian là một thời kỳ ân sủng để chúng ta trở về với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã sống trong một thời đại chiến tranh và bất chính. Những bạo chúa Roma thống trị và đàn áp dân chúng dưới quyền họ, mà không lường trước đến những hậu quả tai hại mà dân chúng phải chịu. Trước tình trạng này, Thiên Chúa gửi Con một Người đến để cho nhân loại một cái nhìn mới, cái nhìn khác nhân đạo hơn và công chính hơn. Con Một Thiên Chúa động viên các môn đệ của Người, tạo dựng một thế giới tốt hơn và huynh đệ hơn. Nếu chúng ta muốn được một thế giới mới như vậy, chúng ta cũng cần phải cộng tác với Thiên Chúa.
Đối diện với sự dữ quá lớn, chúng ta luôn hy vọng mọi người sẽ trở về và thay đổi thái độ. Chúa Kitô muốn chính chúng ta phải thay đổi trước: “Để thế giới thay đổi, thì các cá nhân phải thay đổi trước hết…Anh em hãy trở về”
Để sống trong một thế giới tốt hơn, chúng ta phải thay đổi lối sống cũ kỹ của chúng ta, như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người: “Thời giờ đã mãn, nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy tin vào Tin mừng…Thầy sẽ làm cho anh em trở thành kẻ lưới người ta”….
Chuyện kể về ơn gọi của Simon và Anrê rất ngắn gọn: Chúa Giêsu gọi, lập tức các ông theo Người ngay. Điều này cần thiết cho bất luận ai. Lịch sử Giáo Hội để lại cho chúng ta những mẫu gương như vậy. Thánh Phanxicô đã làm đảo lộn cả thế giới trong thời đại của ngài. Mẹ Têrêsa Calcuta, trong một cuộc du lịch đã khám phá ra ơn gọi của mình và đã trở nên tâm điểm đáng suy phục của toàn thể thế giới. Và còn biết bao nhiêu vị thánh khác, các ngài ẩn danh, nhưng cho Giáo Hội những mùa gặt bội thu mà chúng ta chỉ biết đến các ngài trong cõi vĩnh hằng.
Là người kitô hữu, không phải chỉ đọc kinh tin kính, đi lễ hằng ngày hoặc sống một đời sống luân lý tốt. Điều quan trọng hơn nữa, là: theo Chúa Kitô, là tin tưởng tuyệt đối vào Ngài, đón nhận sự sống mà Ngài đã hiến dâng cho chúng ta, và làm nở hoa nơi mà chúng ta được gieo vào.
Lạy Chúa Giêsu, các môn đệ Chúa đã bỏ mọi sự để lập tức đáp trả lời mời gọi của Chúa. Xin cho chúng con theo gương các ngài không ngần ngại và do dự khi chúng con nghe thấy tiếng mời gọi của Chúa trong đời sống chúng con.  Amen.

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

=========================
Suy niệm 2
Theo Chúa để truyền giáo
(Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20)
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, thánh Gioan đã thuật lại hành trình của một ơn gọi là: Chúa gọi, ta đáp trả để đến xem và ở lại rồi ra đi giới thiệu về Chúa cho người khác.
Chúa Nhật hôm nay, thánh Máccô trình bày câu chuyện Đức Giêsu chọn và gọi đích danh 4 môn đệ đầu tiên, đồng thời tác giả cũng ghi lại rất cụ thể về sứ vụ sẽ được trao cho các ngư phủ này là: theo Chúa để trở thành những kẻ lưới người như lưới cá (x. Mc 1, 17)
1. Đi theo Chúa để trở thành môn đệ
Câu chuyện được khởi đi từ bối cảnh sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa trên sông Giođan và chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa (x. Mc 1,12-13). Hôm nay, tác giả đề cập đến sứ vụ công khai của Đức Giêsu tại Galilêa. Khởi đầu cho một hành trình loan báo Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu, nhà thừa sai vĩ đại đã nhận lãnh từ Chúa Cha.
Cũng trong thời điểm này, Gioan Tẩy Giả đã hoàn thành xuất sắc công việc được trao và ông đã bị bắt. Như vậy, có thể nói, Gioan đã lui vào hậu trường để nhường chỗ cho nhân vật chính là Đức Giêsu xuất hiện. Hai nhân vật, chung sứ vụ. Điều này cho thấy mối giây liên hệ mật thiết, liên tục và quan trọng giữa Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả.
Khi chọn và gọi các môn đệ, Đức Giêsu muốn các ông tin và liều mạng đi theo mình, một cuộc phưu lưu đầy thử thách nhưng chứa chan niềm hy vọng, nên cần các ông phải tin và dứt khoát.
Chính vì vậy, ngay sau lời mời gọi “hãy theo tôi”, ngay lập tức, Đức Giêsu đã loan báo cho các ông biết cụ thể về sứ vụ mà các ông phải thi hành: “Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá" (Mc 1, 17). Lời mời gọi rõ ràng. Sứ vụ rất cụ thể, nên thái độ của các ông cũng phải dứt khoát, không tính toán nghĩ suy và bỏ lại sau lưng tất cả mọi sự để đi theo Đức Giêsu.
Thái độ dứt khoát ấy được thánh Máccô trình bày như sau: khi nghe thấy Đức Giêsu gọi, Anrê và Simon đã “lập tức bỏ lưới theo Người” (Mc 1, 18). Còn với Gioan và Giacôbê thì “bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người” (Mc 1, 20).
2. Sứ mạng đến với dân ngoại
Cuộc gặp gỡ giữa thân tình và đầy ấn tượng ấy được diễn ra tại Galilêa, điều này gợi cho người ta nghĩ ngay đến vùng đất ngoại vi, bên lề, vì đây là: "Miền đất của dân ngoại". Đây cũng còn là vùng đất gần biên giới, nơi ở của những người thập tỉnh từ nhiều nơi tụ về.
Chính vì vậy mà nơi đây bị coi là vùng đất tối tăm, lộn xộn và bị người đương thời khinh miệt. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại chọn vùng đất này làm trung tâm truyền giáo, là nơi ưu tiên để Ngài thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng đầu tiên. Từ đó, nơi đây được biết đến như: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4, 16).
Như vậy, ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được khai mào tại một vùng đất của dân ngoại như tác giả đã thuật lại, điều này cho ta thấy: sứ vụ của các ông phải được ưu tiên tại những vùng bị xã hội loại bỏ, khinh miệt; những nơi thiếu vắng tình thương, mất niềm hy vọng; những nơi nghèo tinh thần và vật chất; vùng sâu vùng xa....
Khung cảnh, sự kiện của vùng đất và con người nơi đây thật gợi cảm, khiến cho ý định của Đức Giêsu được thêm phần rõ nét và lời đáp trả của các môn đệ được tô đậm qua thái độ ra đi, dấn thân và phục vụ.
Đây cũng là sứ vụ và lời mời gọi cho mỗi chúng ta hôm nay.
3. Sứ vụ loan báo Tin Mừng của người Kitô hữu
Trong sứ điệp Truyền Giáo 2017, số 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại định hướng của tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng) để nói về tinh thần thực thi sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội ngày nay cần phải có, ngài viết: chúng ta bị thách thức “đi ra ngoài khu vực quen thuộc của mình và can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi, là những người cần ánh sáng của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium, 20).
Tuy nhiên, muốn trở thành nhà truyền giáo, thành kẻ lưới người, tự bản thân chúng ta phải có sự hấp dẫn vì mang trong mình niềm hy vọng được cứu rỗi. Sự hấp dẫn ấy có thể là một nụ cười dễ thương, một sự cảm thông sâu xa, một thái độ chia sẻ tận tâm; một sự dấn thân không biết mệt mỏi tại những nơi nghèo đói và thiếu vắng tình thương. Nhưng có lẽ, sự hấp dẫn lớn nhất, đó là có Chúa nơi mình và cảm nghiệm được “Niềm Vui Tin Mừng” trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta mới có thể chia sẻ về Chúa cho người khác một cách sống động.
Giáo Hội không bao giờ chấp nhận người Kitô hữu chỉ nghĩ cho chính mình, nhưng Giáo Hội cần lắm một người Tín Hữu Kitô hiền lành, khiêm nhường, đơn sơ, phản ánh trung thực về cuộc đời và sứ vụ của Đấng Cứu Thế (x. sứ điệp Truyền Giáo 2017, số 7). Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô trong một lần nói chuyện với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires, ngài nói:  “Tôi thà có một Giáo Hội bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Giáo Hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục” (Evangelii Gaudium, 49). Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn ý thức sứ mạng của chúng con là phải giới thiệu Chúa cho mọi người, để qua đó, Danh Chúa được rạng rỡ và vinh quang đến tận cùng trái đất. Nhưng trước hết, xin cho chúng con biết sám hối để trở nên khí cụ của Chúa và chỉ làm việc của Chúa muốn mà thôi. Amen.
 
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
 
=======================
Suy niệm 3
Sám Hối Và Tin Theo Chúa Giêsu
(Mc 1, 14 - 20)
Bước vào Chúa nhật thứ III thường niên, chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan xong, được Gioan giới thiệu cho mọi người biết Người là : "Chiên Thiên Chúa" (Ga 1, 29). Ông bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, một hành động diễn tả sự liên tục giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, với sứ điệp: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm" (Mc 1, 14).
Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến
Viên cai ngục của Hêrôđê tra tay bắt Gioan Tẩy Giả tống ngục. Sứ mạng, lời rao giảng cũng như phép rửa của Gioan chấm dứt, thời giờ đã mãn, Đức Giêsu xuất hiện. Không như Gioan, Chúa Giêsu không đến để thay đổi phép rửa thống hối, sứ mệnh của Người là loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Tin Mừng Người loan báo không phải là "tin mới" hay tin mừng như bao tin mừng. Chúa Giêsu nhân danh Thiên Chúa loan báo Tin Mừng, Người chính là Tin Mừng, là Lời Thiên Chúa, Lời cứu rỗi, là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người.
Gioan loan báo thời mới sẽ đến, thời viên mãn. ‘Thời khác’ là chính Chúa Giêsu, thời của Gioan và thời của Chúa Giêsu nối liền với nhau không có sự gián đoạn.
Gioan đã lãnh nhận sức thiêng khi Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giorđan. Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Gioan đổ nước. Chúa Cha chứng nhận Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài.
Từ "gần đến" phải được hiểu là: "Ở bên anh em". Người ở giữa chúng ta. Chúa Giêsu đã nói với một viên ký lục khi hỏi Chúa về hai điều răn trọng nhất: "Ngươi không còn xa Nước Thiên Chúa đâu " (Mc 12, 34).
Hãy theo Ta
Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển. Chúa gọi hai ông, biến các ông thành những người cộng tác. Chúa không chỉ ủy thác cho họ một học thuyết, nhưng biến họ, những người lưới cá thành những kẻ lưới người, quăng Lời Chúa vào thế gian để đánh bắt người, đưa người ta lên bờ cho Chúa, đúng như lời Chúa Giêsu nói: "Ta sẽ làm cho các người trở thành những kẻ chài lưới người" (Mc 1, 17).
Giacôbê và Gioan đang xếp lưới trong thuyền với cha mình cùng với các người làm công. Một sự tương phản Marcô đã quan sát và làm nổi bật. Simon và Anrê đã bỏ lưới. Giacôbê và Gioan đã bỏ cha. Hai người con bỏ lại cha với những người đang làm việc không phải vì tình nghĩa con cái hay gia đình, nhưng là vì đồng tiền bát gạo. Marcô sử dụng thuật ngữ "người làm thuê" mà chúng ta dịch là "người làm công". Hai người con "bỏ cha", thay vì ở bên cha, nay thay bằng "theo sau Chúa Giêsu" (x. Mc 1, 20).
Những ngư phủ đến với Chúa Giêsu, đã trở thành những kẻ đánh bắt người như lời Chúa phán :  "Này Ta sai ngư phủ đến … và họ sẽ (vung) lưới bắt chúng" (Gr 16, 16). Nếu Chúa sai những người khôn ngoan tới, họ sẽ thuyết phục dân, hoặc bắt lấy dân. Nếu Chúa gửi những người giầu đến, họ sẽ dùng tiền mua chuộc dân và thống trị dân. Nếu Chúa gửi những người khỏe mạnh đến, họ sẽ dùng sức mạnh dụ dỗ dân và cưỡng bức dân bằng bạo lực.
Không có ai trong số các tông đồ là những người ấy. Simon Phêrô là một bằng chứng. Ông nhút nhát, đến nỗi sợ cả một đầy tớ nữ; ông nghèo không có gì, thậm trí cả tiền thuế cũng không có (Mt 17, 24). Phêrô nói: "Bạc vàng tôi không có " (Cv 3,6). Và ông là người ít học, nên từ khi chối Chúa, ông cũng chẳng biết rút ra bài học.
Những kẻ đánh cá được Chúa Giêsu chọn và sai đi, họ ra đi và đã mang lại kết quả mĩ mãn hơn cả những kẻ mạnh, người giầu có và khôn ngoan. Với giáo lý Chúa dạy, họ đã thu hút nhiều người mà không cần bạo lực; phận nghèo khó, họ đã dạy dỗ những kẻ giàu có; là người dốt nát, họ huấn giáo những kẻ khôn ngoan.
Bước theo Chúa Giêsu cần phải sám hối để hiệp nhất
Chúa Giêsu gọi các môn đệ của mình "ăn năn sám hối" (Mc 1, 15).  Sám hối là đi từ đời sống tội lỗi sang đời sống con cái Chúa, từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ chán nản đến vui mừng, từ bóng tối ra ánh sáng. "Sám hối vì nước Thiên Chúa đã gần đến" (Mc 1, 15) vẫn luôn có tính chất thời sự của Tin Mừng. Quyết tâm sám hối trở về cùng Chúa là con đường dẫn đưa Giáo Hội đến sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn vào thời kỳ Thiên Chúa thiết định.
Ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta mang vào thế giới sứ điệp sự thật và tình thương của Chúa. Hãy sẵn sàng tham gia vào sứ mạng này và nhất là cầu xin Chúa đừng để những chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu Kitô làm lu mờ khả năng chiếu tỏa của Tin Mừng. Các cuộc gặp gỡ đại kết trong thời gian gần đây gia tăng trên thế giới là một dấu chỉ chứng tỏ điều đó.
Trước giờ Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 23/1/2011, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đưa ra lời kêu gọi sau đây : "Ngày nay cũng vậy, để trở thành dấu chỉ và phương thế kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa trong thế giới, các tín hữu Kitô chúng ta phải xây dựng cuộc sống trên 4 cột trụ, đó là: cuộc sống trên nền tảng đức tin của các Tông Ðồ được chuyển lại trong Truyền Thống sinh động của Giáo Hội, tình hiệp thông huynh đệ, Thánh Thểkinh nguyện. Có thế, Giáo Hội mới được kết hiệp bền vững với Chúa Kitô và chu toàn sứ mạng của mình, dù có những chia rẽ như thánh Phaolô Tông Ðồ nói đến: "Hỡi anh em, tôi khuyên nhủ anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý trong lời nói, để không có sự chia rẽ nơi anh em, nhưng hãy kết hiệp trọn vẹn trong tư tưởng và cảm thức" (1 Cr 1,10). Thực ra thánh nhân đã biết trong cộng đoàn Kitô ở Côrintô, đã nảy sinh những bất thuận và chia rẽ; vì vậy, ngài nghiêm nghị viết thêm rằng: "Phải chăng Chúa Kitô bị chia rẽ sao?" (1,13). Ngài quả quyết mọi chia rẽ trong Giáo hội là làm xúc phạm đến Chúa Kitô, Thủ Lãnh duy nhất và là Chúa, chúng ta luôn luôn có thể tái hiệp nhất, nhờ sức mạnh vô tận của ơn thánh Chúa.
Theo giáo huấn của thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi loại bỏ gương mù chia rẽ nơi chúng ta để mang sứ điệp của Chúa Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho sớm đến ngày Giáo Hội được hoàn toàn hiệp nhất. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log