Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật II TN B

Cập nhật lúc 16:13 12/01/2018
Suy niệm 1
“Hãy đến mà xem”
-----------------------
Tất cả các ơn gọi đều đòi hỏi phải sẵn sàng đáp trả quảng đại đối với lời mời gọi thẳm sâu từ Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta tham dự vào ơn gọi theo Chúa của các tông đồ đầu tiên. Lời mời gọi này đạt kết quả, vì những người được mời gọi, sẵn sàng nghe và sẵn sàng đón nhận một sứ mệnh: “Họ xem chỗ Người ở và ở lại với Người”.
Đáng tiếc! Đoạn văn viết về ơn gọi của các tông đồ đầu tiên không được giữ lại toàn bộ trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.
Chúng ta hãy cùng nhau làm sáng tỏ hơn: Thiên Chúa tuyển chọn các Tông đồ bằng một loạt những bí mật mà không ai hay biết:
- Trước hết là bắt đầu từ Gioan Tẩy Giả. Khi Gioan Tẩy Giả đang giảng cho dân chúng, trong đó có hai môn đệ của ông là Anrê và Gioan, thì đột nhiên, Chúa Giêsu đi ngang qua. Ngay lúc đó, Gioan tạm dừng bài giảng của mình để chỉ về phía Chúa Giêsu: “Kìa, nguời mà anh em thấy đó, là Đấng Messia, là Chiên Thiên Chúa mà tiên tri Isaia nói. Từ nay mà đi, anh em hãy  theo  Người, tôi  không  còn  có  lợi  cho  anh  em nữa đâu”. Một cách kín đáo, Gioan Tẩy Giả tự huỷ mình và hướng các môn đệ của mình tới Đấng mà ông chỉ là người tiền hô hèn mọn thôi.
- Anrê và Gioan liền vâng lời và đến luôn với Chúa Giêsu Đấng đã mời họ. Anrê vui vẻ ở lại với Chúa. Ông nóng lòng muốn kể lại sự việc đã xẩy ra. Trước hết ông kể câu chuyện gặp Chúa cho Phêrô anh ông. Lòng nhiệt thành của ông đã lan tỏa. Simon, cũng thế, liền đi gặp Chúa Giêsu ngay. Anrê thật tuyệt vời!
- Tin Mừng còn kể tiếp ơn gọi của Philipphê và Nathanael. Như Phêrô và Anrê, quê hương của Philipphê cũng là Bethsaida. Có lẽ là hai anh em này đã thuyết phục được Philipphê, vì khi vừa nghe Chúa Giêsu nói: “Hãy theo Tôi”, Philipphê không do dự và theo liền. Ông có một đức tin không khó khăn mấy. Đến lượt ông, ông chạy đi gọi Nathanael ngay. Nathanael, con người này khá bướng bỉnh: ông là người hoài nghi bẩm sinh và duy lý, muốn phải được thực nghiệm bằng khoa học! Vì thế Chúa Giêsu đã phải cho ông một dấu chỉ để ông không còn nghi ngờ nữa.
Ngày nay chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, lời mời gọi cao cả để cộng tác làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên vẫn được tiếp tục lặp lại. Thiên Chúa không im lặng: Người gọi các bạn trẻ làm linh mục, làm tu sỹ, Người gọi tất cả các kitô hữu truyền giáo. Đây là lời mời gọi khẩn cấp để rao giảng Tin Mừng:
- Đối với một số người, lời mời gọi này được thực hiện qua những Gioan Tẩy Giả hiện đại mời gọi họ hướng tới Chúa Kitô, Đấng đang cần họ. Những Gioan Tẩy giả này chạy tiếp sức và kéo tay các bạn trẻ.
- Đối với một số người khác, ơn gọi lại đến với họ nhờ những Anrê và Gioan hôm nay: họ là các linh mục, nữ tu hoặc giáo dân nhiệt thành cổ vũ ơn gọi.
- Còn đối với một số những người khác nữa, họ sớm nhận ra sự tốt lành của Thiên Chúa và sẵn sàng đáp trả tình yêu bằng tình yêu như Philipphê.
- Cuối cùng, có những Nathanael mà Thiên Chúa đến để lôi kéo họ khỏi chủ nghĩa hoài nghi bằng cách ban cho họ những ơn sủng mạnh mẽ, mặc dù Người biết họ có tính kiêu ngạo, nhưng điều quan trọng là họ đơn sơ thật thà.
Thái độ của các tông đồ đầu tiên đặc biệt được để ý ở chỗ họ có khả năng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Anrê và Gioan theo Gioan Tẩy giả vì đã say mê con người này có lối sống khác thường. Như vậy chắc chắc hai ông đang khát khao nồng cháy đời sống tâm linh. Vì thế, họ vâng lời Thầy mình đến với Chúa Giêsu. Họ không do dự, họ theo Chúa. Phêrô cũng thế, cũng muốn có một đời sống đạo đức. Ông vui mừng vì em ông đã kích thích ông. Ông đi để xác minh xem con người Giêsu là ai mà đã thuyết phục được em mình. Ông muốn xem và muốn biết Chúa Giêsu có phải là Đấng Messia mà toàn dân Dothái mong đợi không.
Phần chúng ta, với con mắt xác thịt không gặp được Chúa Giêsu. Nhưng Chúa luôn đi với chúng ta qua khắp nẻo đường. Người luôn hòa nhập vào đời sống chúng ta. Nếu chúng ta không khát Thiên Chúa, khát đời sống tâm linh và chân lý, chắc chắn chúng ta sẽ không chú ý đến Người. Nếu chúng ta không muốn đi tìm ý nghĩa cuộc đời của chúng ta và trả lời cho những vấn nạn, thì không bao giờ chúng ta nghe được tiếng Chúa mời gọi.
Như các tông đồ, chúng ta cần phải có nhiều giờ để sống với Chúa Giêsu. Người cũng nói với chúng ta: “Hãy đến mà xem”. Trên các kênh truyền hình và Radio nước ngoài, có nhiều người nói về Chúa Giêsu, nói về Giáo hội, nói về các sinh hoạt tôn giáo, nhưng lại không sống đức tin của họ một cách sâu xa. Một đời sống thân mật với Chúa Kitô là rất cần thiết để có thể nói về Ngài. Cả chúng ta nữa, mỗi khi tham dự Thánh Lễ và đọc kinh, chúng ta vẫn còn thiếu đời sống mật thiết với Chúa. Đi lễ, đọc kinh chỉ là một gánh nặng, là một thói quen, chứ không phải một câu chuyện tình với Thiên Chúa.
Nếu là những kitô hữu thực sự, chúng ta đừng quên rằng Chúa Kitô mời gọi chúng ta để phó thác cho chúng ta một sứ mệnh. Trong Cựu ước, khi Moise nghe tiếng Chúa gọi từ bụi gai bốc cháy, không phải là chỉ gợi lên cho ông một dấu chỉ lạ thường, mà còn là sai ông đến nhà vua Pharaon để giải phóng dân tộc mình. Lúc đầu, Moise đâu có vội đồng ý ngay: “Lạy Chúa, tôi sẽ không thể làm được việc đó. Tôi không biết ăn nói”. Trong Tân ước, cụ thể là trong bài Tin Mừng hôm nay, Phêrô là một trong các tông đồ đầu tiên được Chúa Giêsu thuyết phục. Chúa Giêsu đã nhìn ông và cái nhìn đó đã xuyên suốt ông: “Ông không còn gọi là Simon nữa, từ nay ông sẽ được gọi là Đá, vì trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”. Rồi Anrê, Gioan, Philipphê và Nathanael để đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, họ đã bỏ nghề thuyền chài để theo Chúa trong sứ vụ đặc biệt làm chứng cho Chúa bằng máu tử đạo. Họ sẽ trở nên những tông đồ của Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu độ gian trần.
Phải chăng Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta, những con người của thế kỷ 21? Người phó thác cho chúng ta sứ mệnh nào? Cái tên mới của chúng ta là gì ?. Mỗi người chúng ta có tìm được chỗ cho mình trong doanh nghiệp lớn CỨU ĐỘ không?
“Nếu con muốn”, luôn là câu nói của Chúa Kitô, khi Người mời gọi chúng ta tham dự vào công cuộc cứu rỗi. Câu trả lời của chúng ta là hoàn toàn tự do, vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tự do. Chúng ta có thể nói không như chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng. Chúng ta có thể chấp nhận như các tông đồ. Thiên Chúa không muốn chúng ta là lính đánh thuê phục vụ Người. Thiên Chúa không gài bẫy chúng ta theo kiểu lập luận nước đôi để gây nên tội. Người muốn chúng ta chọn lựa kỹ càng: “Hãy đến mà xem”. Chúng ta đừng sợ Thiên Chúa! Mặc dù Thiên Chúa có thể dẫn chúng ta trên con đường Thập giá, nhưng chung cuộc vẫn là dẫn chúng ta lên tới đỉnh vinh quang. Amen.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

========================= 
Suy niêm 2
NHẠY BÉN VỚI TIẾNG GỌI CỦA CHÚA
(1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42)
Có một vị bề trên kia khi muốn cho môn sinh của mình tập sống đức nghèo khó, ngài không chỉ giảng dạy, mà hơn thế nữa, một hôm, ngài dẫn các môn sinh đi thăm một cha xứ ở ngay tại trung tâm thành phố. Khi đến nơi, các học trò rất ngỡ ngàng vì một linh mục khoảng gần 50 tuổi, sống trong một giáo xứ quá nhỏ hẹp. Cả nhà thờ lẫn nhà xứ gói gọn trong khoảng 100 mét vuông. Phòng của ngài ở gồm sách vở, đồ dùng cá nhân và chỗ nằm vỏn vẹn khoảng 12 mét vuông. Khi tiếp cha bề trên và các môn sinh đi cùng, vị linh mục ấy tỏ ra vui vẻ và thật hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.
Khi trực tiếp mục sở nơi ở của vị linh mục này, các môn sinh rất khâm phục ngài với đời sống đơn sơ giản dị! Hơn nữa, các môn sinh ấy khám phá ra nét đẹp tuyệt vời của một con người có Chúa và niềm vui Tin Mừng.
Khi về nhà, ai nấy xôn xao chia sẻ với nhau và rất cảm kích thái độ từ bỏ trong an vui của vị linh mục này khi theo Chúa trên con đường dâng hiến.
1. Các ông đã đến xem và ở lại với Đức Giêsu
Cách đây hơn 2000 năm, cũng có một người đã dùng phương pháp này để giáo dục môn sinh của mình, người đó chính là Gioan Tẩy Giả mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến.
Tác giả Tin Mừng kể: vào thời điểm Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, Gioan cũng có một số đông đồ đệ đi theo mình. Uy tín của Gioan ngày càng được nhiều người biết đến. Riêng với các môn sinh thì rất nể phục và thượng tôn ông. Tuy nhiên, Gioan đã ý thức vai trò và sứ mạng của mình là dọn đường, là chuẩn bị lòng dân đón chờ Đấng Cứu Tinh. Vì thế, đã có lần ông nói: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa” (Ga 1,23).
Khi xác định vị trí và ơn gọi của mình là tiền hô, là người dọn đường, là người dẫn chương trình, nên khi thấy các môn sinh của mình có xu hướng tôn vinh, Gioan Tẩy Giả đã nhường lại sân khấu cho nhân vật chính là Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật, là sự sống.
Chính vì lý do này mà Gioan đã không ngần ngại khi giới thiệu Đức Giêsu là: “Chiên Thiên Chúa” cho các môn đệ.
Khi nghe thấy thế, môn đệ của Gioan đã đi theo và lên tiếng hỏi Đức Giêsu: “Thầy ở đâu?”. 
Cùng lộ trình tư tưởng với Gioan, nên Đức Giêsu cũng không ngần ngại nói với các ông: “Hãy đến mà xem”.
Thế là Đức Giêsu và các môn đệ của Gioan về nơi Ngài ở để các ông tận mắt mục kích nơi sinh sống và được nghe thêm những lời Đức Giêsu nói, thấy tận mắt những việc Đức Giêsu làm và nhất là hiểu sâu xa tâm tư của Vị Tôn Sư đầy lòng nhân hậu.
Quả thật, họ đã nghiệm được Đấng Cứu Thế với một trái tim luôn cảm và thấu từng nỗi đau, luôn rung động và chung nhịp đập với từng người bất hạnh và cùng đinh của xã hội, để nâng đỡ, ủi an.
Khi thấy được vị Thầy tuyệt vời như vậy, các ông đã khám phá ra Đức Giêsu chính là đối tượng đích thực của lòng trí mà bấy lâu nay họ đang tìm.
2. Mẫu mực cho một ơn gọi
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các môn đệ của Gioan là mẫu mực cho mọi ơn gọi của chúng ta ngày nay.
Khi nói về ơn gọi, chúng ta có hai ơn gọi căn bản, đó là: đi tu hoặc lập gia đình. Hai ơn gọi này, trước mặt Chúa đều có giá trị tuyệt đối. Hai ơn gọi này đều được mời gọi bước theo Đức Giêsu, để trở thành môn đệ và trở nên giống Ngài vì lời mời gọi hướng tới sự thánh thiện được dành cho hết mọi người.
Dựa trên bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hành trình của một ơn gọi được thực hiện dưới 4 bước sau:
- Chúa gọi
Để xác định một ơn gọi đúng nghĩa, đó là phải khởi đi từ chính Chúa. Có những người được gọi ngay từ khi còn nhỏ; lại có người được gọi lúc đã trưa hay về chiều hoặc đêm tối…. Có những người được gọi cách cụ thể, rõ rệt, mãnh liệt. Lại có người được gọi rất nhẹ nhàng, êm đềm. Có người được gọi qua một trung gian hay một biến cố….
Điều này chúng ta thấy nơi các bài đọc hôm nay: chẳng hạn như trường hợp Chúa gọi Samuen. Ơn gọi của Samuen được khởi đi từ ước muốn tạ ơn nơi bà mẹ. Bà muốn dâng đứa con thân yêu nhất của mình để tạ ơn Chúa. Ước muốn này được chắp cánh khi có thày cả Hêli làm trung gian. Còn nơi Anrê và Gioan, ngoài trung gian là Gioan Tẩy Giả, các ông còn đi tìm Chúa để thỏa mãn lòng khát khao chân lý, lẽ sống, hạnh phúc. Tất cả những điều đó, Chúa đã ghi nhận sự thiện chí và ý ngay lành nơi các ông, nên Ngài đã gọi các ông để các ông trở thành môn đệ.
- Ta đáp trả
Nếu người gọi mà không có người thưa thì không thể trở thành một ơn gọi được. Như thế, Chúa gọi, ta đáp trả mới hiện sinh một ơn gọi mới.
Khi ta nghe thấy tiếng Chúa gọi, ta đáp trả bằng trọn trái tim, lúc đó, Chúa sẽ dẫn ta đi trên một con đường mới.
Tuy nhiên, con đường mới ấy không hứa hẹn cho ta được an nhàn thư thái như bao người suy nghĩ, mà con đường ấy đòi hỏi ta phải hy sinh hơn và phải vượt qua nhiều khó khăn mới đạt được hạnh phúc viên mãn ở cuối con đường. Muốn được như thế, chúng ta phải nhạy bén như Samuen: “Lạy Chúa xin hãy phán, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”, hay như hai môn đệ của Gioan đã quyết định bỏ lại sau lưng tất cả để đến và ở lại cũng như đi theo Đức Giêsu.
- Ở lại với Chúa
Ở lại với Chúa là một hành động mang tính quyết liệt. Nó xác định rõ nét cuộc đời của ta từ nay thuộc về Chúa để trở nên giống Chúa trong mọi hành vi và lời nói. Ở lại với Chúa cũng là mang trong mình trái tim và tâm tư của Ngài để xót thương anh chị em mình.
Như vậy, ở lại với Chúa không phải là mong được làm công việc của Chúa, cũng chẳng mong được học một số lý thuyết trừu tượng, cũng chẳng hề có ý định thỏa mãn một nhu cầu tự nhiên nào, mà điều cao trọng hơn, đó là sống thân mật với Chúa, để trong ta có Chúa và trong Chúa có ta.
- Sống đời chứng nhân
Khi đã đi vào mối tương quan riêng tư với Chúa, chúng ta chắc chắn sẽ có một kinh nghiệm về Thiên Chúa nơi cuộc đời mình, khiến không ai và không có gì có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Khi đã nghiệm thấu tình yêu của Thiên Chúa như vậy, chúng ta cũng không có gì khác hơn, đó là giống như Anrê, ông đã hối hả tìm gặp em mình là Phêrô và dẫn đến giới thiệu cho Đức Giêsu.
3. Nhìn lại ơn gọi của chính chúng ta
Trong cuộc đời của mỗi người, Chúa cũng đã gọi chúng ta nhiều lần.
Ngài gọi chúng ta qua Bí tích Rửa Tội cũng như các Bí tích khác; qua Lời Chúa; qua Giáo Lý; giáo huấn của Giáo Hội; qua các đấng bậc; những bài giảng; hay qua người này, người kia; hoặc qua các biến cố, sự kiện….
Khi xác định như thế, ta thấy Chúa không ngừng kêu gọi chúng ta đi theo Ngài, cùng mang trong mình tâm tư của Ngài để được hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc ấy cho người khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã biết bao lần Chúa mời gọi ta sống chân chính, ngay thẳng. Đã biết bao lần Chúa mời gọi ta làm chứng cho sự thật, xây dựng sự hiệp nhất, khước từ những điều xấu. Đã biết bao lần Chúa mời gọi ta yêu thương người nghèo, người đau khổ, người thấp cổ bé họng. Biết bao lần Chúa mời gọi ta cảm thông với người tội lỗi và yêu thương họ…. Nhưng cũng biết bao lần chúng ta đã không nhạy bén như Samuen hay như các Tông đồ, vì thế, Chúa vẫn cứ gọi mà chúng ta chẳng khác gì: “Nước đổ lá khoai” khiến cho thánh ý Chúa và ơn gọi không được nên trọn.
Mong sao mỗi người chúng ta hãy sống tâm tình như Samuen, Anrê, Gioan và Phêrô, đó là nhạy bén và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa để được ở và sống với Chúa. Đồng thời sẵn sàng chia sẻ tình yêu và hạnh phúc khi có Chúa ở cùng cho chị em chung quanh. Amen.
 
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

=======================
Suy niệm 3
Sứ Mạng Truyền Giáo Của Chúng Ta
(Ga 1, 35 - 42)
Tin Mừng Lễ Hiển Linh, Lễ của Ánh Sáng cho chúng ta biết, Ba Nhà Đạo Sĩ đã nhìn thấy “ngôi sao của Người” (Mt 2, 2), ngôi sao vừa “ló rạng” (c. 2,9), Ngôi sao Giêsu. Mùa Thường Niên mới bắt đầu, Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Ánh sao, hay của Giao Ước mới đang ló rạng thì giới thiệu cho môn sinh mình rằng: "Đây là Chiên Thiên Chúa" (Ga 1, 35). Chúng ta cùng nhau suy niệm phương cách Gioan giúp các môn đệ của ông nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, từ đó rút ra bài học về ơn gọi truyền giáo của mình.
Hai môn đệ Gioan đến hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn đợi ai khác?" Đấng phải đến, theo niềm tin của người Dothái là chính Đấng Cứu Thế, Đấng họ hằng mong đợi theo ngôn sứ Malakia tiên báo: "Hãy dọn đường Chúa" (Ml 3,1).
Gioan được sai đến để làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế. Ông đã nhận ra Người bên giòng sông Giorđan, đã giới thiệu cho dân chúng rằng Người là: "Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian" (Ga 1,29).
Khi sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu, hẳn Gioan không phải là người không biết đến vai trò và sứ vụ của Chúa Giêsu, bởi vì khi ngài còn được tự do, chưa phải ngồi tù, chính Gioan nhận ra Chúa Giêsu ngay từ khi còn trong lòng mẹ, bằng chứng là Gioan đã nhảy mừng lên vì vui sướng khi được Đức Maria đến thăm mẹ mình là bà Elisabét. Gioan cũng thấy cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên trên vai Chúa Giêsu và có tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến: "Con là Con yêu dấu của Cha ; Con đẹp lòng Cha" (Mc 1,11); và cũng chính ông đã loan báo về Đấng đến sau mình: "Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần" (Mc 1,8). Vì uy quyền và chức vụ của Đấng ấy là Con Đấng Tối Cao, khiến ông không đáng cúi xuống cởi giây dày cho Người; sau cùng, Gioan tuyên bố: "Đây là chiên Thiên Chúa".
"Đây là chiên Thiên Chúa", lời này được cất lên từ miệng ông Gioan khi thấy Chúa Giêsu từ sông Giorđan bước lên: Chúa Giêsu đi ngang qua, lúc ấy chừng 4 giờ chiều. Gioan và ông Anrê, hai thanh niên con nhà chài lưới, nghe lời giới thiệu của thầy mình liền cất bước đi theo Chúa Giêsu, "Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy" (Ga 1,39). Người quay lại hỏi hai thanh niên, "Các ngươi tìm gì?" (Ga 1,38). Họ ngạc nhiên trước câu hỏi của Chúa, họ trả lời: "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người bảo họ, "Hãy đến, và các ngươi sẽ thấy" (Ga 1,39). Cả hai cùng đến, và họ đã trở thành các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Đúng là gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh. Chưa dừng lại ở đó, Anrê thấy mình biến đổi, và được đầy tràn hạnh phúc, ông đã chạy về tìm người anh kể cho anh biết, "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia" (Ga 1,41). Và ông đưa anh mình đến với Chúa Giêsu. "Chúa Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá" (Ga 1,42).
Phêrô! Simon, là Đá ư? Không ai trong số họ được chuẩn bị để hiểu những lời này. Họ không biết rằng Chúa Giêsu đã đến để xây dựng Giáo hội của Chúa bằng những viên đá sống động. Người đã chọn hai môn đệ đầu tiên là Gioan và Anrê, và đặt Simon là đá để xây Hội Thánh của Người.
Trong lịch sử cứu độ, thánh Gioan Baotixita được xem như là nhân vật lớn cuối cùng của thời Cựu Ước và là nhân vật đầu tiên của Tân Ước. Ông là nhịp cầu nối giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện, ông có sứ mệnh rất quan trọng là giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng.
Như Gioan trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải làm gì để thi hành ơn gọi truyền giáo của mình? Bằng lời rao giảng chăng? Chưa đủ, bằng đời sống đạo, đời sống bác ái chăng? Hơn thế nữa, trong thế giới hôm nay, chúng ta cần đưa mọi người đến với Chúa Giêsu, để họ nhận biết Chúa là Đấng quyền năng, giàu lòng thương xót, nhân từ, hết mực thứ tha và là Đấng Cứu Độ duy nhất. Người đến để mang tình yêu, sự sống và hạnh phúc cho con người. Từ đó nẩy sinh đức tin trong mọi người, biến họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu.
Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta noi gương hai môn đệ của Gioan, những người đầu tiên đã theo Chúa và ở lại với Chúa, đi vào trong tương quan thân tình với Chúa để Chúa trực tiếp hướng dẫn, sau này làm chứng cho Chúa.
Noi gương Gioan Tẩy Giả, chúng ta sẵn sàng lui vào hậu trường để Chúa Giêsu được lớn lên và can đảm giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác, để họ tin theo và thi hành ơn gọi truyền giáo của mình. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log