Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 6 Thường Niên B

Cập nhật lúc 15:49 08/02/2018
Suy niệm 1
“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”
------------------------------------------
Mùa tình yêu đã đến! Những bông hoa thơm ngát đưa hương tình yêu vượt qua không gian và thời gian. Tình yêu đem con người lại gần nhau. Tình yêu đan chéo cuộc đời. Tình yêu là một sức mạnh sáng tạo và mặc khải khung trời mầu nhiệm trong thế giới con người.
Chính sức mạnh tình yêu đã kéo Con Thiên Chúa đến trần gian, đến với những con người đau khổ nhất. Hôm nay Con Thiên Chúa đến với người phong cùi để mặc khải tất cả sức mạnh tình yêu Thiên Chúa vượt qua mọi trở ngại để phục hồi giá trị đích thực của con người.
Mặc dù khoa học đã tiến bộ nhảy vọt trong việc phục hồi giá trị cho những người phong cùi, nhưng những người phong cùi vẫn phải sống trong một thế giới riêng. Đối với những người phong cùi thời xưa, theo luật Dothái, họ còn bị mất cả tư cách tôn giáo, bị loại ra khỏi cộng đoàn phượng tự. Đó là một sỉ nhục lớn lao nhất đối với họ. Tất cả đều xa tránh!
Chính vì thế, Đức Giêsu đã đến phá đổ hàng rào ngăn cản người phong cùi với cộng đồng. Phép lạ Ngài làm không chỉ nhằm chữa tật bệnh phần xác, nhưng còn trả họ quyền làm người và đưa họ về với làng xóm, về với cuộc sống cộng đồng.
Khác với mọi người tránh xa và sợ lây bệnh, Chúa Giêsu giơ tay đụng vào người bị phong cùi. Hơn nữa Ngài còn chạnh lòng thương trước lời van xin tha thiết của anh bị phong cùi hôm nay: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho tôi được sạch”. Quyền lực của Chúa Giêsu không thể kìm nổi trước một đức tin mạnh mẽ như thế. Ngài nói: “Tôi muốn”. Điều ước mơ của anh phong cùi đã biến thành sự thật: “Lập tức chứng phong cùi biến khỏi anh và anh được sạch”.
Còn niềm vui nào lớn hơn ? Anh đã chứng kiến một ơn phúc trọng đại nhất đời anh. Thân thể anh từ nay sạch hết mọi vết thương, chân tay lành lặn, da dẻ mịn màng và anh lại đẹp trai như ai.
Điểm quan trọng ở đây không phải chỉ là thân xác lành mạnh, nhưng là toàn thể cuộc sống của anh. Để được hội nhập vào cộng đoàn, anh phải tuân theo lời căn dặn của Chúa Giêsu: “Hãy đi trình diện các tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Moisen truyền dạy để làm chứng cho người ta biết”. Đó là thủ tục tối thiểu của người phong cùi trở lại cuộc sống bình thường như người khác:
- Từ nay, anh sẽ lấy lại tất cả những tương quan đã mất. Bạn bè, gia đình, thân nhân sẽ vui mừng biết chừng nào khi thấy anh trở lại với làng xóm! Anh sẽ chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ với mọi người.
- Từ nay, không ai có quyền khinh bỉ anh nữa. Anh đã thực sự làm người và có thể hãnh diện về những đóng góp của anh vào cuộc sống xã hội. Niềm vui lớn lao như thế làm sao giữ kín mãi trong lòng được? Mặc dù Chúa Giêsu cấm anh “đừng nói với ai cả”, nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được.
Tin mừng ấy đã đến với mọi người. Chính vì biết quên mình và chỉ sống “để tôn vinh Thiên Chúa”, Đức Giêsu đã lăn xả vào mọi hoàn cảnh để cho nhiều người được cứu độ. Thánh Phaolô đã theo sát Đức Giêsu đến nỗi Ngài đã hãnh diện nói với giáo đoàn Corintho: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô”.
Theo Đức Kitô không phải để làm phép lạ, để tạo sự kinh ngạc cho mọi người. Nhưng theo Đức Kitô để phục hồi quyền con người và trả lại cho con người mối tương quan tốt đẹp nhất trong cộng đoàn nhân loại.
Xuất phât từ tình yêu, Chúa Giêsu đã đến với con người trong hoàn cảnh cùng cực nhất. Ngài đã phục hồi thể xác, nhân phẩm cá nhân và giá trị đích thực của cộng đoàn. Nếu mọi người đều có một thái độ như vậy đối với đồng loại, chắc chắn mọi biên giới giữa người với người đã sụp đổ từ lâu. Nhưng cho tới nay, giữa con người vẫn còn quá nhiều xa cách về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá, chính trị, tôn giáo, giàu nghèo…. Chính vì vậy cần phải có một cuộc canh tân mãnh liệt theo tinh thần Chúa Kitô để xoá tan mọi ngăn cách. Tất cả đều phải vì con người. Khi không giúp con người làm người nữa, tất cả mọi tương quan với nhau đều vô nghĩa.
Con người được kêu gọi để sống hiệp thông với nhau, cùng hiện hữu với và vì người khác. Dĩ nhiên con người không sinh ra cho cộng đoàn hay tập thể đến nỗi phải hy sinh quyền lợi con người cho cộng đoàn hay tập thể. Trái lại cộng đoàn hiện hữu, vì con người là những thành phần của cộng đoàn, và mục đích của cộng đoàn hay tập thể là bảo vệ và cổ suý quyền làm người. Khi chỉ còn biết có tập thể, người ta quên mất nguồn gốc và mục đích của tập thể đó. Xét về mọi phương diện, cộng đoàn hay tập thể không thể có trước con người. Cộng đoàn hay tập thể cuối cùng chỉ là một phương tiện giúp con người đạt tới cứu cánh cuộc đời mà thôi. Chính vì thế, Đức Giêsu đã không ngần ngại đến với những người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi và bị đàn áp để trả lại địa vị đích thực của con người.
Nếu không làm người một cách đầy đủ, thì không thể xây dựng giá trị đích thực nhân bản và siêu việt. Khi đã làm người, con người mới xây dựng những cơ cấu để giúp nhau đạt tới mục đích cuộc sống cách nhanh nhất và hoàn hảo nhất. Nói khác, “con người được kêu gọi để tham dự vào việc tạo thành xã hội hầu thăng tiến hạnh phúc của các thành phần xã hội”. Chính vì thế, những luật lệ nào không còn phù hợp với quyền con người, cần phải xét lại. Mỗi thời đại đều có những nhu cầu và khuynh hướng riêng. Bởi thế, con người được mời gọi không ngừng tham gia vào việc thành hình và cải tổ cơ chế xã hội để đáp ứng những đòi hỏi thời đại. Không ai có thể phủ nhận quyền lợi và bổn phận đó của con người.
Tất cả các giá trị của con người đều tuỳ thuộc tình yêu. Chính trong tình yêu, các bạn trẻ mới nhận ra giá trị người mình yêu. Thiên Chúa cũng mở ra một mùa tình yêu khi sai Con Một Người đến với những người nghèo khổ nhất, những người đã bị chính anh em mình chối bỏ. Với sức mạnh tình yêu, người môn đệ đích thực có thể vượt qua mọi trở ngại để Đức Kitô mạc khải cho hết mọi người: Thiên Chúa là Tình Yêu. Chỉ khi nào Đức Kitô là tất cả và ở trong tất cả, giá trị đích thực con người mới được thành toàn. Tất cả mọi nỗ lực đều hướng tới niềm hy vọng đó, vì tình yêu Thiên Chúa đã chứng tỏ tất cả sức mạnh nơi cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô.
Nhưng làm sao để nhận ra sức mạnh vô song của tình yêu, nếu không cầu nguyện? Quả thực, sức mạnh lời cầu nguyện hệ tại việc chiêm niệm 2 chân lý nền tảng, đó là Tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện sẽ chiếu toả trên thế giới, biến thành chứng từ cho những ai không cùng chia sẻ niềm tin với chúng ta. Bởi đó ca ngợi tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa trở thành một chứng từ có thể biến đổi thế giới, một thế giới bị đe doạ vì khoa học kỹ thuật đang che mờ cõi thiêng liêng và lòng tự mãn đang tràn ngập xã hội.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

========================= 
Suy niệm 2
Lòng thương xót vượt qua tất cả
(Lv 13,1-2.44-46; 1Cr 10,31 – 11,1; Mc 1,40-45)
Có một cô gái đẹp và tính tình rất tốt. Nhan sắc cũng như đức tính của cô làm mê hồn nhiều chàng trai, khiến biết bao trai tráng trong làng mê mẩn đến điên cuồng và rất nhiều người muốn được làm chồng cô trong tương lai!
Tuy nhiên, một tai ương ập đến với cô, đó là: một hôm, cô đang nấu ăn ở trong bếp, bỗng nhiên bình ga bốc nổ, khiến lửa bốc cháy dữ dội và bén vào người làm cô bị bỏng rất nặng. Người thân của cô đưa cô đến bệnh viện, nhưng các bác sĩ chỉ có thể cứu sống cô, họ không thể làm thêm được gì hết! Kết cục, khuôn mặt và thân hình của cô bị biến dạng, trông ghê rợn hãi hùng! Cũng kể từ thời điểm đó, cô không được sự ngưỡng mộ của những thanh niên cùng trang lứa. Chẳng ai thèm để ý và hy vọng được làm chồng của cô như trước nữa. Ai nhìn thấy cô, họ cũng đều sợ hãi vì sự dị dạng bất thường nơi cô. Nhiều người còn buông ra những lời nguyền rủa không thương tiếc cho số phận hẩm hiu của cô. Nói chung, họ đều xa tránh cô, khiến cô rất đau đớn thể xác và khốn khổ về tinh thần!
Hôm nay, câu chuyện Tin Mừng cũng trình bày về số phận của người bị phong cùi. Anh ta cũng trải qua biết bao đau đớn về thể xác và chịu đựng nỗi khốn khổ khôn nguôi về tinh thần.
Tuy nhiên, may mắn cho anh cùi trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, giữa biết bao người khinh miệt, ruồng bỏ, hất hủi, loại trừ, chà đạp và xúc phạm, anh đã gặp được quý nhân phù trợ. Đức Giêsu đã không chỉ thương anh bằng tình thương của con người với nhau, mà Ngài còn thương anh bằng trái tim và lòng thương xót của Thiên Chúa, nên anh đã được chữa lành không chỉ thể xác, nhưng còn được chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn mà bấy lâu anh đã lãnh chịu.
1. Căn bệnh thế kỷ và nỗi khổ khôn nguôi
Để hiểu được nỗi khổ tâm đến xót xa của người bệnh và thấy được lòng thương xót vô biên của Đức Giêsu, chúng ta cần tìm hiểu về quan niệm, lối nhìn của người Dothái thời bấy giờ về căn bệnh quái ác này và thái độ của họ đối với người không may mắc phải.
Vào thời Đức Giêsu, người ta rất sợ hãi nghe được hay nhìn thấy hoặc đụng trạm đến những người bị bệnh phong. Họ coi những người này như một thứ quái dị, đồ bỏ. Vì thế, những người bị mắc phải bệnh cùi, họ bị chính người thân trong gia đình và xã hội loại ra bên lề.
Theo quan niệm của người Dothái, bất cứ ai tiếp xúc với người bệnh phong thì đều bị coi là ô uế và nếu đụng chạm tới thì mắc tội trọng. Người mắc bệnh phong cùi thì không bao giờ được vào thành Giêrusalem cũng như bất cứ thành phố nào được bảo vệ bằng tường bao. Người phong cùi mà vô tình thò đầu vào nhà nào thì nhà ấy trở thành nhà ô uế và ngay cả cái kèo trên mái nhà cũng bị ô uế theo. Khi ra ngoài đường, họ không được chào hỏi ai và cũng chẳng được ai chào hỏi. Khoảng cách mà người bệnh và người khỏe phải giữ với nhau, đó là gần hai mét. Nếu vô tình, người bệnh đứng ở đầu gió, thì những ai ở cùng hướng gió phải cách 45 mét. Hơn nữa, người ta kiêng kỵ đến độ những vật bày bán ở nơi người phong đi qua, cũng không nên mua và chắc chắn là không ăn.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở góc độ bị coi thường khinh miệt, mà chính bản thân họ, họ cũng phải tự mình ý thức là người đáng bị kinh tởm và tự nhận mình là người gây nên sự bất tiện cho mọi người. Để hiểu rõ điều này, chúng ta thấy sách Lêvi có đề cập đến như sau: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46).
Chính vì sự phân biệt phũ phàng đến như vậy, nên họ bị đẩy vào rừng sâu hay nơi sa mạc hoặc ra nơi đồng ruộng để tồn tại.
Trong hoàn cảnh đó, những người bị bệnh, họ đau đớn tột cùng về thể xác, nhưng có lẽ nỗi đau tinh thần còn lớn hơn gấp bội qua việc bị khinh thường và loại trừ ngay từ những người thân. Nỗi ám ảnh về số phận và tự ti vì bị coi là tội lỗi nên mới phải chịu thứ bệnh quái ác này đã làm cho họ bị dằn vặt tinh thần rất nhiều!
Tuy nhiên, hôm nay Đức Giêsu và chính anh cùi đã lội ngược dòng với những quan niệm của người Dothái đương thời, để giữa Ngài và anh có một mối liên hệ mật thiết qua lòng trắc ẩn của Đức Giêsu và nơi đức tin mạnh mẽ của anh, khiến Đức Giêsu đã làm phép lạ để giải thoát anh cách toàn diện, trọn vẹn.
2. Đức tin và lòng thương xót
Vượt qua ranh giới, bất chấp lề luật, chẳng sợ lây nhiễm, nên Đức Giêsu đã tiến lại và chạm vào người bị phong cùi. Đây là hành vi phi thường đến rợn tóc gáy mỗi khi người Dothái nghĩ tới!
Còn nơi người phong cùi, anh ta có thái độ tin tưởng quá phi thường và thái độ tôn thờ đến tuyệt đối, nên đã dám đến gần Đức Giêsu, quỳ gối và van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. 
Thái độ này của Đức Giêsu hoàn toàn đi ngược lại với những nhà lãnh đạo và quan niệm của dân chúng thời bấy giờ. Nơi Đức Giêsu, Ngài không thể ngồi đó xem cách hành xử bất công của người Dothái và sự tủi nhục của người bệnh. Không! Ngài coi nó như bổn phận buộc mình phải thi hành. Điều này làm toát lên dung mạo xót thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
3. Bài học cho chúng ta
Sống trong xã hội loài người, dù thời điểm nào, người ta cũng cần lắm một tấm lòng cảm thông đối với người bất hạnh. Mặt khác, nếu chúng ta là những người bị coi là bất hạnh, thì chính mình phải là người can đảm chạy đến với Chúa để được Ngài xót thương.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Thứ nhất, hãy noi gương Đức Giêsu, luôn yêu thương và không loại  trừ anh chị em chúng ta, nhất là những người bất hạnh, nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, buồn khổ, mặc cảm, tự ti…. Luôn biết hàn gắn những vết thương tâm hồn và tôn trọng nhân phẩm của người khác. Tránh xa sự chia rẽ và thái độ phân biệt đối xử để sống sự liên đới với mọi người.
Thứ đến, cần tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Luôn sống tình bác ái yêu thương, nhất là hãy hành động vì đức ái. Có thế, chúng ta mới đụng chạm được cốt lõi của Tin Mừng và mới có cơ hội ngửi, cảm, thấu nỗi đau khổ của anh chị em xung quanh và ra tay nâng đỡ họ. Cần can đảm loại trừ những gì làm thui chột tình thương và không phù hợp với giá trị Tin Mừng. 
Thứ đến, noi gương người phong cùi, hãy khiêm tốn và can đảm đứng dậy để tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Ngài sẽ chữa lành những ai bệnh tật, xoa dịu những tâm hồn đau thương, băng bó những cõi lòng tan nát, an ủi những ai sầu khổ và cứu chuộc những ai có lòng tin.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho đôi mắt của chúng con được mở ra và nhìn thấy những người bất hạnh; cho trái tim biết rung lên những nhịp đập yêu thương; cho khối óc biết nghĩ đến người đau khổ; cho đôi chân biết đi tới những nơi cần sự giúp đỡ; cho đôi tay biết mở ra để ban phát, và cho đôi tai biết lắng nghe để cảm thông. Amen.

 
Tu sĩ: Jos.Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

 =========================
Suy niệm 3
Rất Cần Sự Cảm Thông
(Mc 1, 40 - 45)
Bệnh phong cùi đã có từ bao đời nay. Bệnh này thường bị coi là căn bệnh nguy hiểm và cần phải né tránh bởi con người sợ bị lây nhiễm. Người Do Thái thời xưa rất sợ bệnh phong cùi, một căn bệnh nan y bất trị thường gặp lúc bấy giờ. Căn bệnh đáng sợ này có thể tấn công các đầu dây thần kinh của người bệnh, làm cho cơ thể bị thương tổn và biến dạng vĩnh viễn. Vào thời đó, người ta không biết cách chữa căn bệnh này. Người bệnh bị cách ly và bắt buộc phải cảnh báo người khác về căn bệnh của mình (x. Lv 13, 1-2. 44-46).
Giới lãnh đạo Do Thái giáo đã đặt thêm luật về bệnh phong cùi, khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp khó khăn một cách không cần thiết. Chẳng hạn, luật lệ của giới ráp-bi cấm bất kỳ ai đến gần người phong cùi, phải ở xa họ khoảng 2m. Nhưng nếu đang có gió, không ai được đến gần trong vòng khoảng 45m. Sách Lêvi đưa ra điều luật là người phong cùi phải sống "phải ở riêng, phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại"(x. Lv 13, 44-46). Tuy nhiên, một số chuyên gia luật Do Thái giải thích rằng điều luật này có nghĩa là những người phong cùi không được sống trong các thành có tường thành. Vì vậy, khi thấy một người phong cùi trong thành, một ráp-bi sẽ ném đá vào người đó và nói: “Hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác”.
Về mặt tôn giáo, bệnh phong cùi làm cho người ta trở nên ô uế, tội lỗi. Người Việt Nam chúng ta cũng na ná tương tự như người Do Thái, ai bị bệnh thì phải xa nhà xa cả người thân, địa phương xa lánh người gần người xa, khiến người bệnh cay đắng cực lòng.
Thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi vẫn bị liệt vào loại bị cấm tiếp xúc, người bị bệnh phải tránh xa và phải làm hiệu để người khác tránh xa mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác, bởi vì Người đến để yêu thương và cứu giúp mọi người, nên Người đã chữa lành cho người mắc bệnh phong cùi như trong Tin Mừng Marcô 1, 40-45 thuật lại hôm nay.
Người ta coi người cùi là hạng người ô uế, kẻ nào chạm tới người cùi cũng bị lây ô uế. Nhưng Chúa Giêsu đã dám đưa tay chạm tới người cùi này. Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Chúa về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật còn là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi. Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật của con người.
Ngày nay bệnh cùi không còn là một chứng nan y bất trị. Nhưng vẫn còn nhiều loại "Người cùi" kiểu khác bị người ta ghê tởm tránh xa, chẳng hạn những người dơ dáy, hôi hám, những người mang cá tính bị người khác ghét bỏ, những người lỡ mang tai tiếng khiến người ta không dám tiếp xúc, họ bị liệt ra bên ngoài xã hội, thiếu sự cảm thông và tình liên đới cộng đồng. 
Con người ta, sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tình. Bệnh tật là điều phải có trong kiếp sống làm người. Ai cũng có bệnh, không nhẹ thì nặng, chẳng ai thoát khỏi căn bệnh ở đời. Vì thế, chúng ta phải liên đới, hiệp thông và trợ giúp lẫn nhau với tình yêu thương, đặc biệt với những ai mắc bệnh hiểm nghèo.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vì yêu mà vượt qua ranh giới giữa Thiên Chúa với con người, giữa người khỏe với kẻ bệnh tật để chữa lành họ. Xin trợ giúp chúng con làm được những điều Chúa muốn. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log