Thứ sáu, 10/01/2025

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 Phục Sinh

Cập nhật lúc 08:07 05/04/2018
Suy niệm 1
Kính lòng thương xót Chúa
--------------------------------
1- Lòng thương xót qua một cuộc hẹn gặp
Người ta có thể đặt câu hỏi:
- Phải chăng các môn đệ mất đức tin vì cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu?
- Phải chăng đức tin của những người chài lưới người tương lai có thể rốt cục trở về số không ư?
Tất nhiên, những ngày kinh hoàng trước đó kết thúc bằng cái chết của Thầy mình trên thập giá làm đức tin họ yếu đi và con tim họ đầy sợ sệt. Đúng thế, mặc dầu họ vẫn ở lại Giêrusalem, nhưng họ đóng kín cửa và cài then cửa cho chắc trong phòng tiệc ly vì sợ người Dothái. Có mấy chị em phụ nữ báo tin cho họ rằng Chúa đã sống lại, nhưng vẫn chưa đủ tin đối với họ. Hoặc là có ai đó đã thấy Chúa Giêsu sống lại và báo tin cho họ, nhưng họ vẫn không tin. Vì thế cần phải có một cuộc gặp!
Tại nơi các môn đệ ẩn tránh, còn có một cơn gió sợ sệt. Sợ người Dothái đã đành, nhưng cũng sợ nhất là đối với chính họ, sợ hèn nhát của riêng họ, sợ cách mà người ta đã hành động trong đêm trao nộp Thầy mình. Tuy nhiên, mặc dù trái tim họ yếu đuối - và chúng ta cũng thế - Chúa Giêsu vẫn vào trong phòng của họ và ở giữa họ. Ngài gặp họ và họ gặp Ngài.
Chúa Giêsu biết rằng đức tin của họ lại được thắp lên không phải chỉ họ nhớ lại là có Ngài, lời nói và việc làm của Ngài trong 3 năm cùng ở với ho. Mặc dù Ngài đang sống, nhớ đến Ngài vẫn chưa đủ để trở thành một con người sống động thực sự. Vì thế, sau khi chết và ra khỏi mồ, Chúa Giêsu đến nơi mà môn đệ của Ngài đang chết vì sợ và chết trong con tim. Ngài ở giữa họ và ở giữa con tim của họ nữa.
Chúa Giêsu sống lại ở với các môn đệ của Ngài. Nhưng Ngài ở lại để làm gì? Ngài mang bình an cho họ: “Thầy ban bình an cho anh em”. Mỗi người chúng ta đều có những lo sợ riêng tư. Chúa sống lại, Ngài cũng muốn đến với mỗi người chúng ta và ở trong con tim chúng ta; đồng thời Ngài đem bình an cho chúng ta. Chính trong lúc con tim chúng ta đóng lại vì sợ hãi thì Ngài đến gặp chúng ta.
Vì vậy cuộc gặp gỡ này là rất quan trọng. Chính Chúa Giêsu sống lại đã gặp Maria Madalena vì chị đang tìm kiếm Chúa với một tình yêu và lòng đạo đức cao vời. Hôm nay chúng ta cũng được mời gọi để cử hành việc gặp gỡ bằng tình yêu và lòng đạo đức của chúng ta với Chúa Kitô, Ngài đang tìm chúng ta. Chúa Kitô sống lại đến gặp chúng ta, đến với chúng ta khi chúng ta đang trong tình trạng còn sợ, còn lung lay đức tin, còn trong tình trạng tội lỗi, còn khép kín và còn ở trong bóng tối. Ngài đến tái sinh chúng ta trong BÌNH AN và VUI MỪNG. Bình an và vui mừng là một món quà của Đấng Phục Sinh bắt nguồn từ tình yêu. Bình an và vui mừng cũng là ân sủng của Đấng Phục sinh và đồng thời cũng là dấu hiệu để nhận ra Ngài.
Điều quan trọng là phải từ bỏ chính mình, cái tôi ích kỷ của mình. Chỉ có thế, chúng ta mới không còn sợ bị đe dọa và được giải phóng khỏi lo sợ. Nếu không có bình an và vui mừng thì sự hiện diện của Đấng Phục Sinh cũng không có thể thực hiện được. Chúa Giêsu sống lại, giàu lòng thương xót, tốt lành và bình an, không bị cản trở bởi những cửa đóng kín của phòng tiệc ly. Thánh Augustino giải thích: “Các cửa đóng kín không ngăn được thân xác của Đấng Phục Sinh đi vào, vì Thần tính Thiên Chúa ở trong Ngài. Đấng đã làm cho Đức Maria sinh con mà vẫn giữ nguyên đức đồng trinh, thì Ngài cũng có thể vào phòng tiệc ly đóng kín và làm cho đức tin yếu đuối của các môn đệ được vững mạnh lên khi cho họ thấy những vết thương của Ngài”.
2- Lòng thương xót qua một cử chỉ
Trở lại bài Tin mừng, chúng ta thấy, tuần trước Chúa Kitô phục sinh đã hiện ra với các tông đồ, nhưng hôm đó Tôma vắng mặt. Tuần này, Chúa lại hiện ra với các ông và lần này Tôma có mặt. Chúa nói với Tôma: “Hãy xem tay Thầy, hãy thọc ngón tay con vào đây! Hãy thọc bàn tay con vào cạnh sườn Thầy! Con hãy tin và đừng cứng lòng nữa!”. Tôma quỳ gối xuống và tuyên xưng đức tin một cách trịnh trọng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”.
Chúa Giêsu sống lại đã cho Tôma là người không tin, được phép đụng chạm đến những vết thương của Ngài trong cuộc khổ nạn. Chúa chiều ý Tôma như vậy để không những chỉ cho Tôma, là người không tin mà còn cả các tông đồ khác là người đã tin một bài học. Đúng vậy, khi đụng chạm đến vết thương của Chúa, người tông đồ không tin không những được chữa lành tính đa nghi của mình, mà còn chữa lành tính đa nghi của những người khác nữa.
Chúa Giêsu sống lại đã chọn dấu chỉ của Thập giá để các môn đệ nhận ra Ngài: cạnh sườn và đôi tay bị đâm thâu. Chúa mời Tôma thực hiên ý nguyện của ông: xem và sờ vào những vết thương. Điều đó muốn nói lên rằng: Chúa sống lại không loại bỏ Thập giá. Ngài chỉ biến đổi Thập giá mà thôi. Dấu chứng của thập giá vẫn luôn còn đó để chỉ căn tính của Đấng đã Sống lại và con đường mà người môn đệ theo Chúa phải bước đi để nối kết với Ngài.
Chúa Sống lại luôn mang theo những vết thương vinh hiển để chúng ta nhớ đến tình yêu quảng đại của Ngài đã dành cho chúng ta. Vết thương của Chúa vẫn còn đó một cách nhiệm mầu và vẫn tiếp tục mở ra để chúng ta đi vào, như tâm tình của bài hát: “Trong trái tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chỗ nghỉ ngơi, nhỏ bé thôi, … là tình con trong khối tình Ngài”.
3- Lòng thương xót là sứ mệnh truyền giáo
Câu chuyện của bài Tin mừng hôm nay không phải chỉ nói về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu sống lại với Tôma, mà còn hơn thế, để tất cả chúng ta có thể đón nhận được ơn BÌNH AN và sự sống của Thiên Chúa. Chúa sống lại hôm nay đã nói với các môn đệ 2 lần: “Bình an cho các con”. Và Ngài còn thêm: “Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai các con”. Sau đó, Ngài thổi hơi và nói với các môn đệ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha, anh em cầm buộc ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Đó là sứ mệnh của Giáo Hôi luôn luôn có sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, mang đến cho toàn thể nhân loại tình thương yêu vô bờ của Thiên Chúa.
Tình yêu của Chúa Cha đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta, thúc đẩy chúng ta phải có tình yêu hướng tới anh chị em chúng ta để anh chị em chúng ta khám phá ra tình yêu này và đón nhận được tình yêu này. Thiên Chúa là tất cả trong mọi người.
Để chúng ta có thể hoàn thành được sứ mệnh này, Chúa Giêsu ban cho chúng ta hơi thở sự sống của Ngài:  sự sống của Thiên Chúa trở nên sự sống của chúng ta. Sự sống mới biến đổi con tim chai đá của chúng ta thành con tim biết yêu thương. Đó là Thần Khí của Con Thiên Chúa làm cho chúng ta có khả năng sống tình yêu thương anh chị em chúng ta, chiến thắng sự dữ bằng sự thiện. Sứ mệnh của các tông đồ là sứ mệnh tha thứ. Tha thứ cho nhau đó là thực hiện tình yêu của Cha trên trời. Với cách thế này, Giáo hội là bí tích cứu độ hết thảy mọi người, tiếp tục sứ mệnh của Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian.
Nếu sau Thánh lễ khi ra về, có ai đó vẫn còn lo sợ, vẫn buồn và không bình an và không tha thứ cho nhau, thì chứng tỏ người đó chưa gặp được Đấng đã Phục Sinh.

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

========================
Suy niệm 2
ĐỨC TIN LÀ MỘT ÂN BAN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
(Cv 4, 32-35; 1 Ga 5, 1-6; Ga 20, 19-31)
Người Công Giáo Việt Nam chúng ta thường hay nhận xét một biến cố hay một nhân vật nào đó, ít có mấy người để ý đến điều đang tiềm ẩn đằng sau những mặt nổi hay chiều sâu bên trong nơi những con người mà ta nhận xét. Vì thế, nhiều khi chúng ta khá chủ quan để kết luận một vấn đề, nên dễ dẫn đến chuyện đóng khung sự kiện hay đối tượng mà ta đánh giá trong một khoảng tham chiếu rất phiến diện dựa trên chuẩn mực mà chính ta đưa ra….
Với thánh Tôma mà hôm nay Tin Mừng nhắc đến, ngài cũng chịu sự nhận xét khá tiêu cực của nhiều người trong chúng ta, qua cái nhìn và lối suy diễn rất hiện sinh: “Tôma, vị Tông đồ cứng lòng tin”.
Tuy nhiên, dưới ánh sáng Lời Chúa và ân sủng do lòng thương xót của Người, chúng ta nhận thấy một điều quan trọng nơi câu chuyện Tin Mừng ngang qua nhân vật và cách biểu cảm của thánh Tôma.
1. Tiến trình căn bản của đức tin
Đức Tin là một ân ban của lòng thương xót Chúa cho ai thì người đó được. Điều này đã được Đức Giêsu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha khi nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Quả thật, không phải ai muốn mà được, nhưng còn phải được chính Thiên Chúa là người dẫn lần ta đến với đức tin như chính thánh Phaolô đã viết: “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29).
Tuy nhiên, đức tin ấy không thể trưởng thành mà không có môi trường, không có cộng đoàn. Vì thế, khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được lãnh nhận hồng ân đức tin ấy trong tương quan và ngang qua cộng đoàn.
Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở một bầu khí đức tin cộng đoàn thì chưa đủ, mà nó lại phải trở về với mối tương quan cá vị giữa ta với Chúa, để đức tin của chúng ta mang tính cá biệt với Thiên Chúa, rồi sau đó trở về hòa nhập với cộng đoàn để được lớn mạnh.
Đây cũng là tiến trình đức tin của Tôma mà Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta.
Niềm tin của thánh nhân vào Đức Giêsu, Đấng Phục sinh được khai mào từ lời chứng của cộng đoàn: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" (Ga 20,25). Đây là lời klhẳng định của các Tông đồ khi Tôma vắng mặt trong biến cố Đức Giêsu hiện ra với các ông vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi sống lại từ cõi chết.
Với Tôma, một người hiện sinh về việc tìm tòi cốt lõi của vấn đề, thì lời chứng của cộng đoàn chỉ đóng một vai trò dẫn đường để đưa ngài tới chỗ chính mình phải là người chủ động cảm nghiệm trực tiếp vấn đề mang tính cá vị: "Nếu tôi không thấy tôi không tin" (x. Ga 20, 25). Qua câu nói này của thánh Tôma, chúng ta nhận thấy ngài là một con người ngay thẳng, chân tình và rất thực tế.
Chính vì điều này mà Đức Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót đã mặc khải trực tiếp khi tỏ tình thương đối với vị Tông đồ này cách đặc biệt sau 8 ngày.
Quả thế, khi hiện ra với các Tông đồ lần này, Đức Giêsu đã nhắm thẳng vào Tôma, nên Ngài đã lên tiếng: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20, 27). Đứng trước lòng thương xót của Đấng mà thánh nhân đang đi tìm, ngài đã không dám thực hành điều đã nói với các Tông đồ là: sỏ tay vào vết đinh, thọc tay vào cạnh sườn…, mà ngay lập tức, ông đã quỳ mọp xuống và tuyên xưng niềm tin của mình các mạnh mẽ mang tính cá vị và tuyệt đối: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !" (Ga 20, 28). Đây là đỉnh cao của lời tuyên tín Phục Sinh nơi Tôma.
Nhờ vào lòng thương xót của Đức Giêsu cách đặc biệt, nên cũng từ đây, Tôma nhận ra một chân lý rằng: tin rồi mới thấy cách trọn vẹn. Thấy Đấng Phục Sinh thì cũng thấy Đấng là Thầy của mình trước đó. Thấy Đấng Phục Sinh cũng là thấy Thiên Chúa của mình. Điều này đã đem lại một sự mãn nguyện mang tính tuyệt hảo và hạnh phúc viên mãn của Tôma.
2. Đức tin của mỗi chúng ta
Từ những trải nghiệm đức tin của thánh Tôma, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta xem lại những xác tín và biểu hiện đức tin của mỗi người.
Thật vậy, chúng ta khám phá ra một chân lý rằng: Đức tin không chỉ một phía từ Thiên Chúa ban, cũng chẳng phải do sự cố gắng thuần túy cá vị, mà nó được kết hợp cả hai từ trên xuống dưới, tức là do lòng thương xót của Thiên Chúa ban nhưng không cũng như nghị lực rất cố gắng của mỗi người và được nuôi dưỡng bởi cộng đoàn. 
Điều này lý giải cho chúng ta thấy rằng: nếu bất kể cái gì ta cũng thuần phục và gán cho ơn thánh thì sẽ rơi vào tình trạng: “Kính nhi viễn chi” hay không bao giờ dám bàn luận và cũng chẳng cần phải đào sâu hơn nữa, bởi lẽ “mọi chuyện đã rồi” nên chỉ tin mà thôi. Tin như thế, có thể rơi vào tình trạng cả tin rồi lại chẳng tin! Nó giống như số phận của những hạt giống bên bụi gai, vệ đường và đá sỏi.
Còn nếu dựa vào lý trí thuần túy, chúng ta có thể rơi vào trạng thái phỏng chiếu đức tin của mình trên những gì mắt thấy, tai nghe, hay cân đo đong đếm được và phải đáp ứng nhu cầu thỏa mãn sự hiếu tri. Nếu lấy điều này làm tiêu chuẩn, chúng ta rất có thể rơi vào sự kiêu ngạo, lạnh nhạt, vô cảm và bất tín giống như những Kinh sư và người Pharisêu.
Mặt khác, nếu chỉ dựa vào tập thể, tức là đức tin của tôi phụ thuộc vào cộng đoàn, thì đức tin mạnh mẽ hay là yếu ớt của cộng đoàn cũng là tâm thức của tôi. Tin như thế, không chừng chúng ta đang lấy cộng đoàn làm bình phong hay ngụy biện cho sự hời hợt, giả tạo và hình thức của mình. Điều này có nguy cơ rơi vào tình trạng: “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì lìa nhau ra”. Rất giống như đám đông dân chúng trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta một kinh nghiệm được lấy từ mẫu thức của thánh Tôma.
Trước tiên, đừng cả tin mọi chuyện. Cần phải suy thấu dựa trên ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, Giáo Huấn của Giáo Hội. Lấy Lời Chúa làm nền tảng, Giáo Huấn của Giáo Hội làm điểm tựa cho niềm tin của mình.
Thứ hai, “đừng cứng lòng, nhưng hãy tin!" điều này soi sáng cho chúng ta: Không phải bất cứ cái gì cũng đo lường được bằng đơn vị định lượng của khoa học, nhưng nhiều khi nó còn được đo bằng từ ánh mắt đến trái tim, từ lòng với lòng. Bởi lẽ, nhận thức của con tim đôi khi khác hoàn toàn với nhận thức của lý trí.
Cần nắm vững điều căn cốt của đức tin chính là: vun đắp, cộng tác với ơn thánh của Thiên Chúa để đức tin do lòng thương xót của Người ban được lớn lên trong tâm hồn, đồng thời làm sao cho đức tin của mình được chung nhịp đập với đời sống đức tin của cộng đoàn.
Cuối cùng, đức tin của chúng ta phải được nuôi dưỡng trong mối tương quan cá vị từng người, để qua đó, ta mới có đủ cảm thức và nhạy bén thực sự với ơn Chúa và hòa nhập được với đời sống cộng đoàn. Có thế, chúng ta mới vươn tới một đức tin vừa mang tính khả giác, vừa mang chiều kích ân sủng và mầu nhiệm. Điều ta muốn thấy mà không thấy thì hãy bắt đầu bằng đức tin, để từ đó, đức tin sẽ dẫn ta đến điều ta không thấy và điều ta không thấy mà tin sẽ đem lại cho mình hạnh phúc trọn vẹn như lời Đức Giêsu đã nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã tỏ lòng thương xót đến thánh Tôma. Xin Chúa cũng thương xót đến chúng con như Chúa đã thương xót đến thánh Tôma khi xưa. Tất cả những ước nguyện đó, con xin tín thác nơi lòng thương xót Chúa. Amen.

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

======================== 
Suy niệm 3
Lòng thương xót Chúa tồn tại đến muôn đời
(Ga 20, 19 - 31)
Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa được tiếp liền sau Đại Lễ  Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cách đặc biệt, kể từ ngày 22 tháng Tư năm 2001 là sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn đáp lại ý muốn của Thiên Chúa cách minh nhiên được truyền lại cho vị thánh đồng hương của mình là Faustina Kowalska sứ điệp về lòng thương xót Chúa đối với thế giới là vô cùng vô hạn. Chúng ta cùng nhau thực hành lời khuyên của Chúa, để nhận được ơn tha thứ tội lỗi và mọi hình phạt, do đó, trong lời Ca nhập lễ hôm nay : " Như những trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng tinh khiết, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ. Allêluia".
Tin Mừng chung cho cả ba năm Phụng vụ A,B,C được trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan (20, 19 - 31 ), tường thuật lại sự kiện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp gỡ các tông đồ thật là cảm động. Cử chỉ trao ban bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" ( Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi Phục Sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài" (Ga 3, 16). Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.
Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay cần thiết biết bao lòng thương xót của ThiênChúa!
Hôm nay, Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa chúng ta cùng nhau lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang : "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Quả thật : "Tình thương Chúa tồn tại muôn đời! ". Cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô đã thay đổi tận căn số phận của nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng. Ðây là điều kỳ diệu trong đó được thể hiện trọn vẹn tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha, một tình yêu không ai hiểu thấu, Ðấng vì phần rỗi chúng ta, và để cứu chúng ta, Chúa đã nộp chính Con yêu.
Chúa Giêsu Kitô bị hành hạ và chịu đau khổ vì xót thương chúng ta, thật quá mọi mức độ có thể tưởng nghĩ được. Cả sau biến cố Phục Sinh của Con Thiên Chúa, Thập Giá nói lên và không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha, Ðấng  tuyệt đối trung thành với tình thương muôn đời của Ngài đối với con người. Tin vào tình thương này có nghĩa là tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa"( Dives in misericordia, số 7).
Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm, một tình thương mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Giờ đây, nhân loại vẫn đang tiếp tục được thừa hưởng tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đổ ra từ những vết thương vinh hiển và từ trái tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.
Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi, sự thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa tuôn tràn sự dịu dàng, thánh nữ Faustina Kowalska thấy xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian. Theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "Hai tia sáng nầy tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần  (x. Ga 3, 5; 4, 14).
Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào tay Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi duy nhất của chúng ta ! Những tia sáng của lòng nhân từ Chúa ban lại niềm hy vọng, một cách đặc biệt, cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi.
Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót do chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập. Ngài mất vào đúng vọng ngày Kính Lòng Chúa Thương Xót năm 2005. Ngài được tuyên phong hiển thánh đúng Đại Lễ này, ngài quả là vị thánh của Lòng Xót Thương. Cùng với thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nhân hậu hay tỏ lòng thương xót đối với mọi người, phần nào diễn tả thái độ nội tâm của ngài trước Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu và hay thương xót.
Lạy Chúa, nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa, Chúa đã mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha cho chúng con, chúng con tin thác vào Chúa, chúng con lặp lại ngay lúc này với xác tín rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin thương xót chúng con và thế giới.
Lạy Mẹ maria, Mẹ của lòng nhân từ hay thương xót, xin giúp chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Ðấng cứu chuộc chúng con. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và thánh nữ Faustina, chúng con nhớ đến với hết lòng mộ mến, xin trợ giúp chúng con. Xin cho chúng con được cùng với các thánh, hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log