Thứ sáu, 10/01/2025

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh

Cập nhật lúc 11:28 30/03/2018
Suy niệm 1
Chúa đã sống lại và ra khỏi mồ
----------------------------------------------
Sau hơn hai ngàn năm của kitô giáo, hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục cử hành Đại Lễ Phục Sinh. Đó chính là dây chuyền không hề gián đoạn từ những tín hữu đầu tiên và đi trước chuyển đến cho chúng ta niềm tin trọn vẹn vào Chúa Giêsu sống lại.
Thánh Phaolo trong thư I gửi tín hữu Corintho, đã nói: “Trước hết, tôi truyền cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh, rồi người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kepha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số đó phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, người hiện ra với ông Giacobe, rồi với tất cả các tông đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non”. 
Phần chúng ta, hôm nay chúng ta tập trung nơi đây là nhờ vào Tin Mừng được chuyển đến cho chúng ta qua nhiều thế kỷ. Chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu vượt qua cái chết. Chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Kitô sống lại, Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng mặc dù có những lắng lo buồn phiền, đau khổ và muôn vàn khó khăn trong suốt cuộc đời chúng ta.
Tảng đá lớn che lấp cửa mồ là biểu tưởng sự bất lực của chúng ta, tự chúng ta không thể chiến thắng được sự chết. “Các bà đến mộ nói với nhau: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mồ cho chúng ta”? Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm được điều đó, có nghĩa là một mình Ngài mới có thể làm cho chúng ta vượt qua cái chết.
Điều quan trọng trong câu chuyện hôm nay, không phải là ngôi mộ trống, nhưng là việc loan báo Chúa sống lại. Phục sinh, đó là ngày lễ mặc khải mầu nhiệm trọng đại; đó là ngày lễ vui mừng và hy vọng. Các bà cảm thấy khiếp sợ, nhưng Chúa nói với các bà qua một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng: “Các bà đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nagiaret chịu đóng đinh, nhưng Người đã sống lại không còn ở đây nữa”. Thiên Chúa đích thực không phải là Thiên Chúa làm cho người ta sợ, nhưng là Thiên Chúa đem cho người ta niềm hy vọng. Thanh niên mặc áo trắng đó còn nói thêm: “Các bà hãy đi nói với các môn đệ của Người, nhất là với Phêrô rằng: Người đến xứ Galile trước các ông”. Galilea, là nơi họ sinh ra, lớn lên, làm việc và gia đình họ cũng sinh sống ở đó. Chúa Kitô luôn đồng hành với họ và đặc biệt là tại Galilea này. Hãy đi! Đừng ở lại bên mộ trống nữa! Hãy đi tới Galilea đó, nơi mà Ngài sẽ đến trước, ở đó Ngài sẽ có cuộc hẹn gặp.
Thông thường đối với chúng ta, mọi sự đều kết thúc tại nghĩa trang. Còn đối với Chúa Giêsu, mọi công việc lại bắt đầu từ nghĩa trang, xung quanh một ngôi mộ trống. Chàng thanh niên mặc áo trắng đó không nói với các bà là: “các bà hãy đi nói với các môn đệ của Chúa đến đây để xem mộ trống”, nhưng là nói: “Các bà hãy đi nói với các môn đệ của Người, nhất là với Phêrô rằng: Người đến xứ Galile trước các ông. Ở đó, các ông sẽ thấy Người như Người đã từng nói trước”.
Cộng đoàn các môn đệ tụ họp lại không phải là ở xung quanh một ngôi mộ, nhưng là xung quanh Chúa Giêsu đã sống lại. “Người không còn ở đây, Người đã sống lại…Người sẽ đến trước anh em tại Galilea. Người đợi anh em ở nơi mà anh em đang sống”.
Mỗi một chủ nhật, chúng ta họp nhau tại Galilea giáo xứ, giáo họ chúng ta, xung quanh Chúa Kitô sống lại:
“Ở đâu có hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ”. Chúa Giêsu ở với chúng ta và đồng hành với chúng ta: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống… Ai theo Thầy, thì sẽ không bước đi trong bóng tối ”.
Ngày thứ bảy sau khi Chúa chết, không ai đến mộ. Nhưng đến ngày chủ nhật, ngay từ sớm tinh sương, chị Madalena và mấy chị đạo đức khác đến. Đang khi đi, họ tự hỏi nhau: ai có thể giúp mình lăn bỏ tảng đá lớn lấp cửa mộ nhỉ? Nhưng khi tới nơi, các chị xác nhận rằng tảng đá lớn đã lăn ra khỏi mộ và ngôi mộ đã trống, Chúa Giêsu cũng không ở đấy nữa…
Bài Tin Mừng nói tiếp: các chị đó và cả mấy tông đồ không ai còn nghi ngờ về việc Chúa sống lại nữa. Vì chưng, Chúa Giêsu đã lặp đi lặp lại điều đó vài lần, nhất là sau khi Chúa biến hình trên núi Thabor. Tin Mừng còn nói thêm họ không dám hỏi Chúa Giêsu. Chính vì thế mà họ hết sức ngạc nhiên.
Trong khi Madalena tiếp tục khóc vì mất Chúa Giêsu, Phêrô và Gioan cũng chạy đến mồ, hy vọng sẽ khám phá ra một số dấu chỉ…
Chắc chắn rằng tất cả niềm tin của người công giáo chúng ta đều dựa trên sự kiện Chúa SỐNG LẠI. Vì thế, sự ngạc nhiên và giả sử có thể thoáng một nghi ngờ gì đó của các tông đò, là một trong những tiêu chuẩn của đời sống đức tin chúng ta. Đó là một sự mới mẻ phi thường…Tin Mừng cho chúng ta chú ý đến một điều rất quan trọng là Gioan, là người đầu tiên đã tin: “Ông đã thấy và ông đã tin”. Tình yêu không phai nhòa của Gioan chính là ánh sáng chiếu soi Gioan, làm cho Gioan nhớ lại lời các Tiên Tri đã báo trước rằng Chúa sống lại, mà ông phải là người làm chứng.
Còn chúng ta hôm nay, chúng ta cũng nên nhìn lại đời sống đức tin của chúng ta. Điều căn bản của đời sống đức tin chúng ta, đó là tình yêu. Chúng ta tin rằng: mình có cha có mẹ có ông bà tổ tiên thôi, thì cũng chưa đủ, mà còn phải có lòng thảo kính báo hiếu các ngài, đó là yêu mến các ngài và yêu thương nhau. Đối với Thiên Chúa, chỉ tin vào một số lý thuyết về đức tin chưa đủ, mà căn bản phải có tình yêu đối với Ngài và anh chị em chúng ta với nhau.
Ngày lễ Chúa sống lại hôm nay, Chúa Kitô mời gọi chúng ta lại bắt đầu sống trọn vẹn hơn, vượt qua từ sợ hãi đến vui mừng, từ quá khứ đến hiện tại, từ mùa đông đến mùa xuân, từ cái chết đến sự sống.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại, chúng con khiêm tốn nài xin Chúa nâng tâm hồn chúng con hướng tới những gì là cao thượng vì chúng con không còn nô lệ cho tội lỗi nữa. Xin canh tân lòng trí chúng con! Chúng con ước ao được ở trong nơi trú ẩn của một thế giới thèm khát những con người sống lại đích thực. Xin cho chúng con biết nối kết với tất cả những ai còn ở trong bóng tối, sống không mục đích và thất vọng để chúng con có thể đem Tin mừng của Chúa đến cho họ. Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

===========================
Suy niệm 2
Chúa Giêsu Đã Sống Lại Như Lời Kinh Thánh
(Ga  20, 1 - 9) 
Ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà nước mắt chưa vơi, tình người chưa cạn. Maria Mađalêna, người đàn bà rất thật đàn bà, mạnh mẽ phi thường. Lúc các môn đệ, giới mày râu vai u thị bắp, có những vị được mệnh danh là con cái sấm sét, đang ẩn đâu đấy sau khi thầy bị bắt, bị giết và an táng trong mồ, thì Maria Mađalêna vẫn can đảm dõi bước theo Thầy trong hành trình Thương Khó, tận mắt thấy cảnh Thầy bị đánh đòn vai mang thập giá, can đảm hơn bà còn đứng dưới chân Thánh giá, chôn cất Thầy, nay lại ra viếng mồ Thầy khi trời còn chưa sáng như Matthêu thuật lại trong Tin Mừng hôm nay: "Ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ" (Mt 28,1). Lúc tranh tối tranh sáng, người ta thường hay sợ thế lực nào đó, Maria đã chứng tỏ bản lĩnh của mình. 
Bà tới mộ, ô kìa, chuyện gì đã xảy ra vậy ? Động chuyển mạnh vì Thiên Thần từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Trong lúc "lính canh khiếp đảm" (Mt 28,4) thì các bà lại được trấn an : "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã sống lại như lời Người đã nói" (Mt 28,5-6).
Chúa Giêsu đúng như lời Người đã báo trước
Sao tảng đá lấp cửa mồ lại lăn ra, xác Thầy tôi đâu ? Cho dù can đảm, nhưng vốn bà vẫn là phái yếu, liễu yếu đào tơ, cần tìm người trợ giúp, hiển nhiên phải là các ông rồi. Bà liền tức tốc quay về tìm Simon Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, với hy vọng mấy ông sẽ tìm ra thủ phạm, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu ?" (Ga 20, 2). Chúng ta cứ tưởng tượng xem, khi hay tin, tâm trạng các ông như thế nào lúc "cả hai cùng chạy, nhưng một ông chạy nhanh hơn, tới mộ trước cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong"(x. Ga 20, 4). Tại sao ông lại không vào trong ? Ông không vào là vì ông tôn trọng Phêrô là đầu của nhóm. Ông thấy và ông  tin Người phải sống lại từ cõi chết, đúng như lời Kinh Thánh.
Chúa đã sống lại thật rồi ! Allêluia ! Allêluia ! Allêluia ! Chúng ta có tin không ?
Tin Chúa Giêsu sống lại là tin từ trời
Nếu như ngày Con Thiên Chúa nhập thể làm người, Thiên Thần từ trời loan báo “Này bà sẽ thụ thai…” (x. Mt 1, 23). Ngày hạ sinh Con Một Chúa, cũng chính các Thiên Tần báo tin : “Này đây ta báo cho các người một tin mừng …” (Lc 2,10). Nay Chúa sống lại, cũng chính các Thiên Thần từ trời xuống loan tin cho bà Maria Mađalêna và truyền cho ba đi báo tin cho các môn đệ. Chúa sống lại, không phải do con người khám phá ra nhờ ngôi mộ trống hay những tấm khăn niệm. Không, Chúa sống lại là tin bởi trời, do trời mặc khải va sai các Thiên Thần loan tin cho người thế.
Sống Tin Mừng Phục Sinh
Hôm nay Giáo hội mừng Chúa sống lại với niềm vui khôn tả. Chúa Giêsu sống lại là một thực tế của lịch sử mà những người phụ nữ thánh thiện, các tông và môn đệ chứng thực, họ đã nhìn thấy và nhất là đã đụng chạm vào Chúa Giêsu Phục sinh. Lời của Phêrô là bằng chứng: "Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng " (Cv 10, 37-41).
Chính Phaolô, người Do thái nhiệt thành cũng quả quyết : "Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm Mười hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần đông hiện nay cũng còn sống, nhưng cũng có người đã yên nghỉ. Rồi Ngài đã hiện ra cho Giacôbê; đoạn cho các tông đồ hết thảy.  Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh" (1 Cr 15, 3-8 ; Ga 20, 1-29) ; Mt 28, 9-10). Những người dân ngoại và Do thái cũng là những chứng nhân rất đặc biệt !
Bài Ca Tiếp Liên chúng ta hát trong ngày hôm nay nhắc lại biến cố lịch sử quan trọng này. Maria Madalêna đã thực sự gặp các thiên thần làm chứng tỏ tường, thấy y phục và khăn liệm của Đức Kitô Phục Sinh. Với hồng ân đức tin, đến lượt chúng ta phải công bố tin mừng Chúa phục sinh (x. Ca Tiếp Liên lễ Phục Sinh).
Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh là dịp để người kitô chúng ta vui mừng hân hoan và tràn trề niềm hy vọng vào một tương lai huy hoàng sáng lạng trong nước Thiên Chúa sau khi đã hoàn tất cuộc đời lữ thứ trần gian. Chúa Kitô Phục sinh khải hoàn, đó là niềm tin và lẽ sống của người Kitô. Hôm nay chúng ta hân hoan vui mừng với tinh thần mà thánh Phaolô nói: "Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Đức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật" (1Cr 5,7-8). Từ nay chúng ta quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng nữa, bởi vì ngày chúng ta chịu phép rửa tội, "nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới" (Rm 6, 4). Ước mong niềm tin vào Đấng Phục sinh luôn đem đến cho Giáo hội, cho thế giới và mọi người trên trái đất này sự bình an, ơn hiệp nhất để cùng hướng về mục đích đệ nhất của kiếp người là được hưởng sự sống vĩnh hằng trong ngày sau hết.
Sau khi hân hoan mừng Chúa Phục Sinh. Giáo hội muốn nhắn gửi mỗi người chúng ta rằng: hãy lên đường, để sự hiện diện của ta là lời chứng rao giảng hùng hồn về Đức Kitô đã chết đi, loan tin Người đã sống lại, trong vinh quang mai Người lại đến đón chúng ta, những người tin vào Đức Kitô lên trời về với Chúa Cha. Vì quê hương chúng ta là quê Trời, nước chúng ta là Nước Trời. Thánh Phao lô khuyên chúng ta "hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa" (Cl 3, 3).
Chúa sống lại thật rồi, Allêluia! Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn đời muôn thủa. Allêluia!
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

========================== 
Suy niệm 3
Ông Đã Thấy Và Đã Tin
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Tin Mừng hôm nay trình thuật biến cố Phục Sinh theo thánh Gioan. Ông giấu tên và tự đặt cho mình biệt hiệu thần bí nhưng thật là dễ thương: “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”.
Cái chết của Thầy Giêsu làm “cả thế giới” của các môn đệ và những người phụ nữ theo Thầy bị sụp đổ tan tành. Các ông thì thấy thất bại và chán chường. Các bà thì đứt ruột… khóc hết cả nước mắt! Nên sáng sớm ngày thứ ba lúc trời còn tối, phận nữ mà bà Maria Macđala đã liều ra thăm mộ. Lòng yêu mến Thầy của bà đã vượt lên nỗi sợ hãi.
Thoạt nghe bà Maria Macđala báo về ngôi mộ trống, hai môn đệ cùng “chạy” ra mộ. Bình thường người ta đi chứ không chạy, nhưng ở đây là việc nóng bỏng cấp thiết, tình yêu là động lực thúc đẩy bước chân người môn đệ. Cả Gioan và Phêrô cùng chạy nhưng Gioan chạy nhanh hơn. Có lẽ vì Gioan còn trẻ, nhưng đúng hơn là lòng yêu Thầy thúc đẩy và dồn nhanh bước chân ông không thể đặng đừng. Gioan là một trong ba môn đệ gần gũi Thầy mình nhất và được chứng kiến vinh quang cũng như khổ đau của Thầy, ông được tựa đầu vào ngực Thầy trong bữa tiệc sau hết và chỉ còn mình ông trong hàng môn đệ đứng dưới chân Thánh giá. Gioan là người đã có cảm nhận sâu sắc nhất về tình yêu của Đức Kitô vì chỉ có Ngài mới phát biểu một câu “định nghĩa” ngắn gọn nhưng thật đầy đủ: “Thiên Chúa là tình yêu”. Hôm nay trong biến cố Phục Sinh, bằng cảm nhận của tình yêu tha thiết, ông được “thấy” mầu nhiệm trọng đại và đã tin trước hết. Thật tế nhị khi ông “chiêm niệm trong lòng” đã, khiêm nhường để cho Phêrô vào trước mà chứng kiến sự việc, một mẫu gương cho Giáo Hội xưa nay.
Sau cái chết của Thầy, lòng yêu của ông còn canh cánh về đó. Cũng chính tình yêu làm cho ông nhạy cảm, nhận ra, luôn “thấy” và tin. Trong mầu nhiệm Phục Sinh, Gioan chỉ kết luận bằng một lời thú nhận rằng “ông đã thấy và đã tin”. Ông còn được mang danh hiệu “Người môn đệ Chúa đó!” Với tình yêu, ông có thể làm chứng cho Thầy cách chắc chắn về điều mình đã “thấy” và chiêm niệm: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến…” (1Ga 1,1).
Thánh Gioan đã “thấy và tin”. Ngày nay chúng con cần “tin để thấy”, để yêu. Chúa ơi! hôm nay chúng con thấy gì trong một tấm bánh trắng đơn sơ mỏng manh? Tấm Bánh ấy làm lòng con tan chảy, con được thấy, được gặp gỡ Đấng mà lòng con yêu mến với hạnh phúc ngọt ngào, trào tràn khiến mắt con tuôn trào suối lệ. Chiêm ngắm Chúa trong mùa Phục Sinh này, con càng cảm nhận thấy tình yêu không bến bờ của Chúa. Xin cho đời con thành lời chứng cho mọi người nhận ra và yêu mến Chúa hơn. Amen.

Én Nhỏ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log