Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B

Cập nhật lúc 09:04 22/03/2018
Suy niệm 1
Người yêu thương đến cùng
---------------------------------------
Ác tâm đã đổ dồn vào Chúa Giêsu càng ngày càng lan rộng và trở nên bạo lực mù quáng. Trước hết là cơn giận ghét của các bậc kỳ lão trong dân thuộc phái Pharisieu và phái Saduceo. Và sau đó cơn giận dữ đó càng mạnh lên khi đám đông dân chúng gào thét lên bằng một tiếng kêu lớn trước tòa án Philato : “Đóng đanh nó đi! Đóng đanh nó đi!”.
Chúa Giêsu bị tố cáo về 2 vụ kiện khác nhau:
- Vụ kiện về tôn giáo trước mặt các bậc kỳ lão và các thượng tế.
- Vụ kiện về chính trị trước mặt tổng trấn Philato thay mặt hoàng đế Roma.
Qua 2 vụ kiện này, Chúa Giêsu mặc khải căn tính đích thực của Người cho chúng ta.
Chúa Giêsu, bậc thầy của những lời lẽ đáp trả, không bao giờ đánh mất một luận chứng nào trước đối phương. Ngài chỉ nói tóm gọn có 3 lần suốt cả 2 vụ kiện này. Đôi lúc Ngài im lặng trước những câu hỏi mà họ đặt ra cho Ngài:
- Trước mặt Thầy cả thượng phẩm, Người khẳng định Người là Đấng Mesia, là Con Thiên Chúa.
- Trước mặt Philato, Người xác nhận Người là vua dân Dothái, nhưng không như các vua ở trần gian này.
- Trên thập giá, Người lặp lại tiếng kêu than của Isaia, tôi tớ đau khổ: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi”?
Thánh Marco mô tả những yếu tố nhân loại xúc động nhất mà Chúa Giêsu phải chịu trong cuộc khổ nạn.
- Tại vườn Cây Dầu: “Chúa buồn đến chết đươc”, Ngài bắt đầu cảm thấy kinh hoàng và khiếp sợ, Ngài cầu xin Cha cho khỏi uống chén đắng này. Ngài không tìm được ai an ủi  (có 3 người bạn thân tín nhất thì lại đang ngủ). Ngài đã bị trao nộp, bị ghét bỏ và các môn đệ đều bỏ trốn. Ngài bị đánh đập tàn nhẫn.
- Trên đồi Canve. Ngài đã phải chịu đau khổ vì bị đóng đinh đã đành, người ta còn buông ra những lời chửi rủa lăng nhục Ngài. Có mấy phụ nữ đạo đức của Ngài chỉ dám quan sát từ xa. Cuối cùng, Ngài cảm giác rằng chính Thiên Chúa đã bỏ rơi Ngài.
Chúng ta có thể nói được rằng: Tất cả những đau khổ, nước mắt, nỗi lo sợ kinh hoàng của đời sống, hình như đang bóp nghẹt thế giới chúng ta, đang đặt ra trước mặt Ngài. Thiên Chúa bình đẳng với chúng ta và Ngài cũng chịu đựng tất cả.
Các bài đọc của Chủ nhật hôm nay giới thiệu cho chúng ta 2 cuộc rước;
Cuộc rước thứ nhất, rước Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với lòng nhiệt huyết tung hô: “Hoan hô con vua Đavit”. Và cuộc rước thứ hai, dẫn Chúa ra khỏi thành, lên án tử hình Chúa trên cây thập giá.
Trong phần phụng vụ làm phép lá và rước lá, Chúa được tung hô là “Con Vua Đavit, Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Trong cuộc rước khổ nạn, dân chúng đả đảo Chúa và trút cơn giận lên Chúa: kết án tử hình Chúa  trên thập giá: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi”
Cuộc rước thứ nhất, dân chúng trải áo ra đường đón Chúa. Nhưng trong cuộc rước khổ nạn, họ lột áo Chúa và mặc cho Chúa những vết thương tích, những lời nhạo cười và chửi rủa.
Đó là lời đáp trả có tính hai mặt người ta dành cho Thiên Chúa trải qua dòng lịch sử. Thỉnh thoảng, chúng ta cũng có thái độ như vậy đó! Có lúc chúng ta mời Thiên Chúa vào nhà chúng ta, nhưng cũng có khi chúng ta lại đuổi Ngài ra khỏi đời sống chúng ta.
Theo Thánh Marco, ý nghĩa đích thực của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa được mặc khải rõ nét trên thập giá. Tâm tình của đại úy Roma được phát ra nơi miệng ông: “Thật, người này là Con Thiên Chúa”. Đúng thật là thế!
Trong suốt cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Chúa đều yêu cầu người ta giữ im lặng về căn tính của Ngài, vì người ta chỉ có thể hiểu rõ Thiên Chúa khi ngắm nhìn Thập giá: Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là vua, Ngài là tất cả tình yêu, Ngài là tình yêu tuyệt đối, Ngài đã chết vì nhân loại. Ngài là vị vua phục vụ không vụ lợi, không toan tính: “Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”.
Đó là cách thế mà Chúa Giêsu trao ban sự sống của Ngài cho chúng ta. Ngài đi đến cùng của tình yêu, đi đến cái chết trên thập giá để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa. Tất cả quyền lực của Ngài chính là  tình yêu Thập giá: “Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài còn ở trần gian, và Ngài đã yêu thương họ đến cùng”

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

============================
Suy niệm 2
NHỮNG ĐỔI THAY ĐẾN NGỠ NGÀNG
(Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mc 14,1 – 15,47)
Sau 40 ngày Mùa Chay, hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh là tuần cao điểm của năm Phụng Vụ, bởi vì đây là tuần cả Giáo Hội sống lại mầu nhiệm thương khó, tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu cách đặc biệt.
Tin Mừng hôm nay trình thuật cuộc thương khó của Đức Giêsu, khởi đi từ việc Ngài tiến vào thành Giêrusalem giữa tiếng hoan hô vang lừng của dân chúng.
Tuy nhiên, sự tung hô, tôn vinh ấy chẳng được bao lâu, thì Ngài đã phải chết. Nguyên nhân chính dẫn đến sự kiện đau lòng này chính là những sự đổi thay của lòng người!
1. Những đổi thay của lòng người
Ca dao Việt Nam có câu: “Dò sông, dò biển dễ dò. Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng!”. Chính vì lòng dạ con người như thế, nên người xưa, nhất là những người quân tử thường hay dùng người: cho ở xa để đem lòng trung, cho ở gần để đem lòng kính, sai làm nhiều việc để xem cái tài, hỏi lúc vội vàng để xem cái trí, hẹn cho ngặt ngày để xem có tín, ủy cho tiền của để xem có nhân, giao cho việc nguy biến để xem có tiết, cho đánh chén say sưa để xem cử chỉ, cho ở chỗ phiền tạp để xem thần sắc. Xem người đại khái như vậy, thì họa mới có thể biết được người!
Đức Giêsu cũng đã biết rõ lòng dạ con người nham hiểm, khó lường…, nên Ngài đã tìm mọi cách với hy vọng những gì mắt thấy, tai nghe, sẽ làm cho người môn đệ cũng như mọi người hướng thiện và sống tốt. Nhưng ai ngờ, do những tác động ngoại cảnh làm cho lòng người đổi thay theo, vì thế, cuộc thương khó của Đức Giêsu ngày càng leo thang!
Người đổi thay đầu tiên được kể đến, chính là Giuđa. Ông là người Đức Giêsu yêu thương và tuyển chọn. Ngài cũng đã dạy dỗ ông nhiều điều, nhất là những bài học về từ bỏ, thanh thoát. Hơn nữa, còn tín nhiệm và trao cho ông chức vụ quản lý của Nhóm Mười Hai.
Tuy nhiên, thay vì coi đồng tiền là tôi tớ, là phương tiện, thì đằng này, ông đã coi nó là ông chủ, là mục đích. Vì thế, chính đồng tiền đã đè bẹp ông, khiến lòng dạ ông đổi thay. Chỉ với 30 đồng bạc, ông đã chấp nhận đánh đổi vị trí của mình: từ chỗ là môn đệ, thành kẻ phản bội khi bán Thầy của mình bằng cái hôn giả tạo và với giá rẻ mạt. Ôi một sự đổi thay đến đau điếng!
Thứ đến là sự thay đổi của Tông đồ trưởng Phêrô. Đức Giêsu rất thương Phêrô, bởi lẽ ông là một con người bộc trực, nhưng thẳng thắn, chân thành. Điều này lý giải cho việc tại sao Ngài thường đem ông và hai môn đệ khác đi riêng với mình để mặc khải cho ông những sự kiện quan trọng.
Khi ưu ái ông cách đặc biệt như vậy, ấy là vì Ngài muốn ông mục kích tận mắt và thấy tỏ tường quy luật: “Qua đau khổ mới tới vinh quang”. Hơn nữa, khi đưa ông vào trong mối tương quan thân tình với Ngài như vậy, đó là để có dịp tập cho ông những đức tính cần có của người lãnh đạo. 
Tuy nhiên, sự hèn nhát, sợ hãi, đã làm tê liệt ngọn lửa mến nơi ông. Sự trung thành đã không còn nữa. Ông đã sẵn sàng chối Thầy của mình trước toán lính quèn đang sưởi khi chúng gặng hỏi thân thế và mối liên hệ giữa ông với Đức Giêsu. Ôi lại một sự đổi thay khó hiểu!!!
Tiếp theo là sự đổi thay của đám đông. Đám đông này là những người thụ ơn Đức Giêsu. Họ là những người đã được Ngài chữa bệnh, trừ quỷ, dạy dỗ, cho ăn no nê…. Vì thế, khi nghe tin Đức Giêsu vào thành, họ đã tuôn đến như thác lũ và vang tiếng tung hô dạy cả một vùng trời! “Hoan hô Con Vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.
Tuy nhiên, sẵn trong lòng sự hưởng thụ, nên họ đã vẽ lên trong tâm tưởng một Đức Giêsu theo ý của họ: Ngài phải là vua thống trị và giải thoát bằng quyền uy cũng như đem lại cho họ sự giàu có vượt trội! Nhưng khi Đức Giêsu không đáp ứng điều họ mong muốn, thế là đám dân này đã đi vào vết xe đổ vô ơn của tổ tiên họ nơi sa mạc khi xưa. Vì thế, họ đã coi Ngài như một kẻ xa lạ, là tội đồ của dân tộc, và, họ đã không ngần ngại đả đảo Ngài tới cùng “Đem đi! Đóng đinh nó vào thập giá”. Ôi một sự đổi thay đến xót xa!
Cuối cùng là sự đổi thay của quan tổng trấn Philatô. Ông là một vị quan toàn quyền Rôma thời bấy giờ. Lẽ ra, ông phải là người cầm cân nảy mực, bênh vực người nghèo và bảo vệ công lý.
Thế nhưng, trước sức ép của đám đông, trước sự tấn công của các Thượng tế, Biệt phái…, ông đã không nghe theo tiếng Lương Tâm mách bảo, nhưng đã trở thành kẻ đê hèn đến độ thuận theo cái ác để trù dập, loại trừ sự thiện và chấp nhận để “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Ôi một sự đổi thay đầy nhục nhã!
Như vậy, qua các cuộc đổi thay của lòng người, ta nhận thấy một mẫu số chung, đó là:
Chút lợi danh, tính toan mưu kế
Mà lãng quên chữ nghĩa, chữ nhân”.
Và:
“Vẫn chạy theo sa hoa, hào nhoáng.
Người sang kết bạn, kẻ khó quay lưng”.
2. Những đổi thay của chính chúng ta
Đọc và lắng nghe bài thương khó của Đức Giêsu hôm nay, nhiều người chúng ta không khỏi bức xúc trước thái độ đổi thay của lòng người thời Đức Giêsu!
Tuy nhiên, trải qua suốt dọc dài lịch sử nhân loại, những thái độ đó lại nhan nhản nơi xã hội hôm nay!
Nhưng điều đáng nói hơn cả, đó là những thái độ ấy lại đang hiển hiện lên thật rõ nét ngay nơi mỗi người chúng ta.
Thật vậy, nhiều khi chính tôi chứ không ai khác! Hình ảnh một Giuđa ham tiền, hám bạc, phản bội lại hiện lên trong tâm hồn tôi khi tôi vẫn còn ham hố và bất chấp, để sẵn sàng chạy đua trên cuộc đua kiếm tiền bằng mọi cách. Vì thế, nhiều lúc tôi đã “đánh lận con đen” để ngụy biện cho hành vi đen tối của mình.
Nhiều khi chính tôi chứ không ai khác! Một Phêrô thời hiện đại với đầy đủ sự hèn nhát, ham sống, sợ chết, đang ẩn hiện trong con người tôi khi tôi không dám can đảm tuyên xưng niềm tin nơi môi trường sống của mình. Tôi cũng đã thất trung với Chúa khi không trung tín giữ giao ước với Ngài.
Nhiều khi chính tôi chứ không phải ai khác! Khi hình ảnh và lựa chọn của đám đông xưa kia cũng chính là lựa chọn của tôi hôm nay. Thật vậy, đã biết bao lần, tôi theo và tin Chúa chỉ vì cái bụng, nên: “Khi vui thì vỗ tay vào, gian nan hoạn nạn thì lìa nhau ra”.
Đã có lúc, tôi tạo ra một vị Thiên Chúa theo ý mình, để rồi yêu cầu Ngài phải đáp ứng đúng như yêu sách mà tôi đã đặt ra! Khi không đạt được, tôi đã sẵn sàng bỏ Chúa để đi tìm đến với một vị thần nào đó…! Những lúc như thế, tôi thuộc hạng người “ba phải”.
Nhiều khi chính tôi chứ không phải ai khác! Khi hình ảnh và thái độ hèn nhát của quan Philatô đang ẩn hiện trong con người tôi, khi tôi sợ không dám bảo vệ cho sự thật, công lý. Không dám đứng về phía người nghèo để bênh vực họ. Nhiều khi tôi đã hùa theo “hiệu ứng đám đông” mà quên đi lẽ công bằng, tình yêu thương, bác ái với anh chị em. Có những lúc tôi đã nhắm mắt để nói “có” thành “không” và nói “không” thành “có”, nhằm vu vạ cáo gian cho anh chị em tôi. Những lúc như thế, tôi thật hèn nhát, vì tôi thuộc dạng người “sợ tiếng chửi, ăn mày tiếng khen…”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy bước vào Tuần Thánh và đi theo Chúa trên con đường khổ nạn với tâm tình của Mẹ Maria; của người môn đệ Đức Giêsu yêu mến; của các Phụ nữ Giêrusalem; của ông Simong; bà Veronica và  ông Giuse Arimathia….
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng con và ban ơn giúp sức, để chúng con trung thành đi theo Chúa đến cùng trên đường thương khó, ngõ hầu chúng con cùng chết với Chúa để được cùng Ngài sống lại trong vinh quang. Amen.

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
 
============================ 
 Suy niệm 3
Thật, Người này là Con Thiên Chúa
(Mc 14, 1-72 ; 15,1- 47)
Chúa nhật Lễ Lá năm B hôm nay, Phụng vụ Giáo hội cho chúng ta đọc và nghe bài Thương Khó theo thánh Marcô. Tác giả Tin Mừng đã làm nổi bật lời của viên sĩ quan Rôma, người ngoại quốc, sau khi tham dự vào số những người hành quyết Chúa Giêsu, chứng kiến tận mắt cảnh Chúa bị đánh đòn, bị ngược đãi, bị treo trên thập tự giá và trút hơi thở, ông đã phải thốt lên cách ngạc nhiên : “Thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Câu “Thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39) không phải dễ để viên sĩ quan tuyên xưng như thế. Anh đã thấy gì nơi khuôn mặt hầu như không còn hình dạng người ta nữa, để đưa ra một tuyên bố như vậy. Bằng mọi cách, anh phải khám phá ra Chúa Giêsu là người vô tội, bị bỏ rơi, và thậm chí bị phản bội; hay có thể là một con người bị đối xử không công bằng trong một xã hội bất công; Người không hề mở miệng, chịu đau khổ mà chẳng than van, chấp nhận mọi sự xảy đến cho mình, thật không hiểu nổi. Có lẽ, viên sĩ quan này cảm thấy mình là một kẻ đồng lõa với sự bất công khi thấy người vô tội mà anh không giơ ít là một ngón tay lên để ngăn chặn nó, anh nghĩ mình giống như bao người đã rửa tay trước những khó khăn của người khác.
Hình ảnh của viên sĩ quan người Rôma là hình ảnh của người có cái nhìn với lòng thương xót. Cùng lúc đó, niềm tin của một người ngoại đạo được tuyên xưng. Chúa Giêsu là Đấng vô tội, đã bị đánh đòn, bị bỏ rơi và bị giết chết, đồng thời, anh tin vào ý nghĩa sâu xa của sứ mạng, với “cái còn lại của tình yêu” và tin vào ý nghĩa sứ mệnh cao cả của Chúa, mà những vết thương còn hằn trên thân xác là bằng chứng.
Nhưng trước khi những điều trên xảy đến, Chúa Giêsu đã tiến vào Giêrusalem và được dân chúng tung hô là Đấng nhân danh Chúa mà đến (x.Mc 11,9). Hôm nay, chúng ta cũng hô cũng hát, nhưng tiếng hô hát của chúng ta không phải là ảo tưởng và vô thức, giống như của dân thành Giêrusalem xưa. Lời tung hô của chúng ta hướng về Đấng đã trải qua thử thách đến nỗi hiến thân hoàn toàn và đã chiến thắng.
Sau cùng, nếu khi xưa dân chúng cầm cành lá dừa vừa đi vừa hát, họ còn trải áo lót đường Chúa đi. Thì hôm nay chúng ta sẽ không trải áo hoặc cầm cành lá vô tri, những cành cây chỉ làm vui mắt trong chốc lát. Bước vào Tuần Thánh, chúng ta giục lòng tin thật, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại để cứu chuộc chúng ta. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

============================ 
Suy niệm 4
NIỀM VUI - THẬP GIÁ – VÀ ƠN CỨU ĐỘ
(Mc 14, 1-15.47)
Với Chúa nhật Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh, trung tâm của toàn thể Năm Phụng Vụ, trong Tuần này chúng ta dõi theo hành trình thương khó của Chúa Giêsu, chết và sống lại.
Niềm vui
Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (x. Ga 12, 12-16)
Nghe đọc những lời trên lúc mở đầu nghi thức làm phép kiệu lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón : “Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!” Họ trải áo trên đường để Chúa đi” (Mc 11, 8-10 ). Giờ đây mỗi người cầm cành lá trong tay vừa đi vừa hát “Hoan hô...” thấy thật là vui.
Đám đông dân chúng đón rước Chúa lúc đó hân hoan, ngợi khen, chúc tụng, đúng là một bầu khí vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm xưa hôm nay. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậy lên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trong xã hội. Người thấu hiểu và cảm thông cảnh lầm than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa lành những vết thương thể xác cũng như tâm hồn và tỏ lòng từ bi đối với họ.
Đúng như lời ngôn sứ I-sai-a nói: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Đó là tình thương cao cả của Chúa Giêsu, Người đã mang tình thương ấy đi vào thành Giêrusalem. Chúng ta thật vui mừng và tràn đầy hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.
Thập giá
Niềm vui của dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập giá bao trùm, những lời của Tiên tri Isaia, bài tường thuật của thánh sử Marcô, và những bài đọc phụng vụ khác dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Isaia 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá (x. Mt 15, 34). Nơi bài đọc II, thánh Phaolô tông đồ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giêsu, “dù là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6- 8).
Một vị Vua cưỡi trên con lừa con, không có đoàn tùy tùng đi theo, không có một binh đoàn biểu tượng quyền lực tiến vào thành Giêrusalem là Chúa Giêsu. Người không vào Thành Thánh để nhận vinh dự dành cho các vua trần thế, cho kẻ có quyền bính, cho kẻ thống trị; Người vào thành để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm, như Isaia đã tiên báo (x. Is 50,6); Người vào để chịu đội mão gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của Người là đối tượng cho sự nhạo cười; Người vào để bước lên đồi Canvê vai vác khổ giá; Người vào thành Giêrusalem để chịu chết trên Thập giá. Thập giá là ngai vàng của Người, Người mang lấy Thập giá trên mình, mang vào mình sự ác, cùng với sự nhơ bẩn, tội lỗi của trần thế và cả tội chúng ta nữa. Với lòng từ bi và tình thương của Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà tẩy rửa cho sạch. Vì thế, Thập giá được Chúa Giêsu đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui được cứu độ.
Sống Tuần Thánh
Bước vào Tuần Thánh, Giáo hội cùng với con cái mình dõi theo Chúa Giêsu trên hành trình tiến lên đồi Canvê với thập giá và sự sống lại của Người. Sống Tuần Thánh là đi vào tình thương hiến thân của Chúa Giêsu hầu mang lại sự sống cho con người.
Lúc sinh thời, Chúa Giêsu đã rong ruổi trên khắp nẻo đường, với lòng tin, Người đã chọn gọi 12 người đơn sơ để họ ở với và tiếp tục sứ mạng yêu thương của Người. Trong Tuần Thánh chúng ta sống trọn vẹn cuộc hành trình này. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để thi hành sứ mạng yêu thương ấy.
Chúa Giêsu không sống cách thụ động tình thương dẫn đến hy sinh, hoặc như một định mệnh không thể tránh được; Người không che giấu sự xao xuyến sâu xa như một con người trước cái chết dữ dằn, nhưng phó thác hoàn toàn nơi Chúa Cha. Chúa Giêsu tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết, để chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Thánh Phaolô cảm nghiệm được rằng, trên Thập giá, Chúa Giêsu “đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Mỗi người chúng ta có thể nói: Người đã yêu thương tôi và đã phó nộp mình vì tôi.
Nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chúng ta khám phá ra những đau khổ của nhân loại nói chung và những đau khổ của chính cá nhân mình nói riêng. Chúa Giêsu, dù vô tội, đã nhận mang lấy vào thân điều mà con người không thể chịu được như: sự bất công, sự dữ, tội lỗi, hận thù, đau khổ và cuối cùng là sự chết. Trong Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa phải chịu nhục nhã và đau khổ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ cho tất cả và mang đến cho con người ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.
Mỗi năm, với Tuần Thánh, Giáo Hội bước vào trong Mầu nhiệm Vượt Qua, Mầu nhiệm tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố cho thế giới bằng lời nói và bằng những việc làm tốt của những con cái mình rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển” (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch sử; là Ðấng Cứu Chuộc con người; Người là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Hosanna!
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy xin với Mẹ là Ðấng đã theo Chúa Giêsu Con Mẹ  trong suốt chặng đường dẫn tới Canvê trong đức tin, giúp con cái Mẹ vác thập giá với niềm thanh thản và yêu thương bước theo Chúa, để đạt được niềm vui của lễ Phục Sinh. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

============================
Suy niệm 5
ĐƯỜNG TÌNH YÊU
Mc 15, 1 - 39
Mùa chay dần khép lại, hôm nay toàn thể Giáo Hội bước vào Tuần Thánh. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Maccô tường thuật “hành trình đau khổ” đầy chông gai của Đức Giêsu, từ khi Người bị bắt cho đến khi tắt thở trên thập giá. Đây là “đường trường đầy đau đớn khổ nhục cho đến chết”, nhưng là ĐƯỜNG TÌNH YÊU, Ngài đã nhẫn nhục chịu đựng trong vâng phục Chúa Cha để cứu độ con người tội lỗi.
Sau khi bị bắt, Người bị lôi hết tòa án này đến tòa án khác, bị tra hỏi, tạt vả. Trước tòa án Philatô, Ngài bị xử bất công, phải xử án chết oan nghiệt thay cho tên cướp Baraba, bởi sóng người hô hào đả đảo cùng các thượng tế nhà đạo. Tên cướp được tha bổng, còn Người vô tội thì phải chịu hành hình. Mấy năm trời bôn ba rao giảng cứu chữa, làm ơn cho đủ mọi hạng người, để đến hôm nay Thầy Giêsu phải tự vác Thập giá tủi nhục đớn đau, rồi bị căng thây đóng đinh vào đó mà treo lên cùng với hai tên trộm cướp.
Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi mỗi người chúng con nhìn lại bản thân mình. Con có thể là một trong số các môn đệ, khi Thầy giảng dạy như một Đấng có uy quyền thì hăng hái theo bước. Khi Thầy bị bắt bớ thì bỏ cuộc trốn chạy, chối từ như chưa bao giờ biết Thầy kẻo bị vạ lây. Con có thể là những người trong đám dân, khi vui thì sẵn sàng trải áo làm đường rước, hết lời tung hô ca ngợi, nhưng lúc khác lại hùa theo số đông mà trở lòng đả đảo chống đối, kết án xấu tha nhân... Nhưng có thể con cũng là một Simon Kyrênê sẵn lòng vác đỡ thập giá cho người khổ đau.
Đức Giêsu cam lòng chịu đựng tất cả vì tình yêu con người và vâng phục Ý Cha cho đến chết trên thập tự, đó là một minh chứng, tận cùng cho một tình yêu, yêu cho đến chết, mà chết cũng chỉ vì yêu. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 7-9). Bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá là lội ngược dòng đời, vác thập giá theo Chúa không phải dễ, nhưng có Chúa đồng hành và đỡ nâng, chúng con cũng từ thập giá bước vào vinh quang với Chúa.
Ôi Chúa Giêsu của lòng con Chúa ơi! Chiêm ngắm Chúa chịu căng thây trên thập giá, con nhận ra chẳng có tình yêu nào như tình Chúa yêu con. Chúa chết cho con sống muôn đời. Chúa chết vì yêu con. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn? Xin cho con tâm hồn chìm lắng trong cái chết của Chúa, để bao tội lỗi, đau khổ của con chìm xuống hòa nhập vào mầu nhiệm Thập giá, để Chúa ôm trọn lấy con trong tình yêu bao dung tha thứ. Xin cho con bước đi theo Chúa từng ngày trên CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU. Xin cho con được yêu mãi Người, Giêsu ơi!

 
Én Nhỏ    
  
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log