Thứ ba, 26/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXVIII Thường Niên A

Cập nhật lúc 16:31 12/10/2017
"Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? " (Mt 22, 12)
Suy niệm 1
“Hãy mời họ vào dự tiệc cưới” 

------------------
Nước trời giống như một bữa tiệc thiết đãi tất cả mọi người. Thế nhưng, thế giới chúng ta đang sống như bị đóng khung trong 4 bức tường mà ở đó người ta tranh luận với nhau:
- Về tiền bạc và của cải
- Từ chối chia sẻ với người khác
- Và mỗi một nhóm người đều vơ vét danh dự và quyền lợi cho chính mình.
Nói như thế, liệu có thể quá tiêu cực chăng?
Tuy nhiên, thế giới hôm nay cũng là một thế giới mà mỗi người đều có một giấc mơ từ trong đáy lòng: mơ về một thế giới không phân chia, không ghét ghen và không có người nghèo… Đó chính là Vương quốc mà chúng ta được mời gọi đến.
Giêrusalem, núi thánh đã bị quân xâm lược Assyri đe dọa. Bức tường xung quanh đã bị tàn phá. Trong bối cảnh này, tiên tri Isaia xuất hiện như một người loan báo sự thất vọng. Nhưng rồi, tình trạng thảm hại sẽ qua. Vào một ngày nào đó, Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc, đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon.
Tác giả Thánh vịnh đã sung sướng hát lên: “Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương, đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa”.
Thánh Phaolo, dù ở trong tù, ngài cũng cầu chúc cho giáo đoàn Philipphe của Ngài được dư đầy những phú túc vinh quang của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
Bài tin mừng hôm nay còn giải thích bữa tiệc một cách cụ thể hơn: Từ lâu, nhân loại luôn hiểu rằng ngày lễ tiệc cưới là một ngày lễ tình yêu và mọi người cảm thấy vui mừng lớn lao vì được mời đến dự TIỆC. Ông Vua mà bài Tin Mừng đề cập đến đó là Cha trên trời và Ngài muốn cử hành lễ giao ước giữa Con Ngài, là Chúa Giêsu với toàn thể nhân loại, có nghĩa là một sự nối kết say đắm giữa Cha trên trời với con cái trần thế trong Đức Giêsu Kitô, con YÊU DẤU của Ngài.
Bữa tiệc mà Thiên Chúa dọn sẵn cho nhân loại là những món ăn gì? Ngài mời gọi chúng ta đi vào thế giới của Ngài:     
- Ngài trao ban món quà sự sống để chúng ta được vui mừng trọn vẹn.
- Thiên Chúa đặt tất cả sự tốt đẹp vào trong thiên nhiên.
- Thiên Chúa phú cho con người sự hiểu biết để tiếp tục công cuộc TẠO DỰNG bằng cách phát triển những sự giàu có mà Thiên Chúa đã gieo vào trái đất để sinh lợi nhiều hơn.
Tài sản nông nghiệp, tài sản khoa học, và cả tài sản về cách xử thế…đã đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của nhân loại từ mấy chục năm nay. Cuộc sống chúng ta với tất cả các tài năng mình, cho phép chúng ta tận hưởng đầy đủ ngày lễ SỰ SỐNG. Được mời gọi tham dự tiệc cưới sự sống, chính là được mời gọi cử hành một GIAO ƯỚC TÌNH YÊU với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta vượt qua chính mình và phải chú ý để luôn có mặt ở những nơi mà Ngài muốn và chờ đợi chúng ta… Hãy cầu nguyện để các bạn trẻ hôm nay biết đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa.
Bài Tin mừng hôm nay cho thấy: Thiên Chúa như là thất vọng về những người được mời: Nhiều người được mời nhưng lại từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa quá tôn trọng sự tự do của chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta và chờ đợi thiện chí của chúng ta. Những khách mời đầu tiên là những người Dothai, dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn. Những người phục vụ đi mời họ là các tiên tri nối tiếp nhau để làm cho dân tộc này nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa… Còn những khách mời mới, là Giáo Hội được mở ra cho hết mọi người.
Có lẽ trong chúng ta cũng có nhiều người giống những người Do Thái xưa kia được mời nhưng không đến dự tiệc. Họ tìm hàng ngàn lý do để từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa.
Thời gian để đi dự tiệc hoàn toàn thuộc về chúng ta, do chúng ta sắp xếp… Thiên Chúa thường xuyên nhắc nhở chúng ta trong Tin Mừng rằng: Ngài sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm… Chúng ta cũng tìm mọi lý do không chính đáng để từ chối không đến dự tiệc, hoặc chậm trễ việc cầu nguyện, làm phúc, bố thí… Lúc mà có thể cầu nguyện được thì chúng ta lại làm những công việc không quan trọng mấy. Đó là một trong những mánh khóe của ma quỷ bày ra để cám dỗ chúng ta không hiệp thông với Thiên Chúa.
Mỗi người chúng ta hãy khẩn cấp dùng thời giờ của mình để củng cố giao ước Tình Yêu với Thiên Chúa. Thời gian để củng cố giao ước tình yêu là: cầu nguyện, phục vụ Giáo Hội cũng như anh chị em mình trong yêu thương; cả những lúc chúng ta chịu đau khổ nếu chúng ta biết thánh hóa, thì cũng là thời gian củng cố giao ước tình yêu đối với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không bắt buộc chúng ta về bất cứ một điều gì, vì Ngài đã ban cho chúng ta tự do. Tuy nhiên, chúng ta phải có nghĩa vụ đối với Thiên Chúa. Một trong những nghĩa vụ mà Thiên Chúa muốn đó là luật YÊU THƯƠNG. Thế nhưng biết bao lần chúng ta lại tạo cho mình những nghĩa vụ chỉ mang tính nịnh nọt để muốn người khác chú ý đến mình mà thôi.
Lạy Chúa, Chúa gọi chúng con là bạn hữu và chia sẻ cho chúng con tất cả những điều tốt lành của Chúa. Thật hạnh phúc cho chúng con vì được Chúa mời tham dự LỄ TÌNH YÊU của Chúa.
Lạy Chúa, xin gìn giữ con tim chúng con biết thức tỉnh, chú tâm vào tiếng Chúa mời gọi chúng con. Xin đừng để chúng con bị chiếm đoạt bởi những lo lắng của thế giới hôm nay. Cũng xin Chúa đừng để cho công việc chúng con phục vụ Chúa mà quên đi chính Chúa đang hiện diện.
Xin ban cho chúng con biết đón nhận Chúa qua các hoạt động của chúng con và sau đó có thể bỏ lại tất cả để ngồi cùng bàn tiệc với Chúa.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con no thỏa những điều tốt đẹp nơi nhà Chúa mặc dù chúng con không đáng và chiếc áo dài của chúng con vấy bùn. Chỉ cái nhìn của Chúa thôi cũng có thể tẩy chúng con khỏi tất cả những gì làm chúng con xa Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết trả lời đầy đủ cho lời mời gọi của Chúa để làm cho con tim Chúa được vui mừng! Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
==========================
Suy niệm 2
CẦN CÓ Y PHỤC XỨNG HỢP
(Is 25, 69; P 4, 12 - 14.19 - 20; Mt 22, 1 - 14)
Theo truyền thống, phong tục của nhiều dân tộc xưa, mỗi khi nhà vua cưới cho hoàng tử, thì các đại thần được ưu tiên mời, đồng thời mọi người dân cũng được hưởng ân lộc đó của nhà vua.
Còn với chúng ta hiện nay, không nhiều thì ít, hẳn mỗi người cũng đều được mời đi dự tiệc cưới của một ai đó.
Hôm nay, bài Tin Mừng cũng trình thuật câu chuyện Đức Vua mở tiệc cưới cho Hoàng Tử. Một đám cưới rất đặc biệt cho cả người thiết đãi lẫn khách dự tiệc! Cách hành xử của Vua cũng như quan khách lại rất khác thường!
1. Ý nghĩa dụ ngôn
Trong dụ ngôn, chúng ta thấy Đức Giêsu đã khéo léo trình bày dung mạo của Thiên Chúa với lòng bao dung, độ lượng; đồng thời thấy được sự ích kỷ của khách mời. Mặt khác, Đức Giêsu còn mặc khải cho chúng ta biết rằng: hết mọi người đều được mời đến tham dự tiệc Nước Trời. Tuy nhiên, khi được mời thì cần phải có y phục xứng đáng.
Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của dụ ngôn:
Trước tiên, ông Vua chính là Thiên Chúa Cha: “Ðức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25, 6). Người luôn chuẩn bị sẵn sàng: “Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng". Tuy nhiên, không chỉ những người ưu tuyển, mà Người còn quan tâm, để ý đến mọi người: “Hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". 
Qua hình ảnh này, thần dân sẽ cảm thấy Người là vị Vua nhân hậu, hay thương xót và quảng đại với hết mọi người.
Thứ đến, Hoàng Tử chính là Đức Giêsu. Hôn Thê là Giáo Hội. Đây là hình ảnh đẹp tuyệt vời diễn tả tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Hoàng Tử sẽ sống hết mình vì Hôn Thê. Chàng Rể này vì vâng lời Cha và yêu Hôn Thê của mình, mặc dù nhiều khi Hôn Thê phản bội, cố chấp, do sự hận thù, ích kỷ, bảo thủ, bất trung, bội nghĩa. Nhưng vị Hoàng Tử đặc biệt này đã sẵn sàng đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả, yêu thương tất cả, đến nỗi chết cho người mình yêu.
Tiếp theo, khách được mời là dân Dothái, tuy nhiên họ đã khước từ và lấy lý do: “Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”, vì thế, nhà Vua đã quyết định mời hết mọi người, không phân biệt. Ngày cưới là ngày chung cuộc, ngày phán xét, ngày Vua tập hợp tất cả mọi người trên mọi nẻo đường, mọi thành phần tốt cũng như xấu, và đến giờ, nhà Vua mới tiến vào và phán xét mọi người để phân biệt đâu là chiên và đâu là dê!
Cuối cùng là y phục lễ cưới: tiêu chuẩn để không bị xét xử là phải mặc y phục của lễ cưới. Nếu không sẽ bị đuổi ra ngoài.
Y phục mà Đức Giêsu muốn nói đến ở đây chính là sự đổi mới. Đổi mới là từ bỏ lòng ích kỷ cá nhân để mặc vào lòng bác ái vị tha. Từ bỏ sự hiềm khích, vô ơn, bất chính, để mặc vào tình yêu thương chân chính và lòng biết ơn. Từ bỏ sự hờ hững, vô tâm để mặc lấy lòng nhiệt thành, liên đới, cảm thông.
Vì thế, mặc y phục lễ cưới là mặc lấy tinh thần mới, lối nhìn mới và cách sống mới. Tuy nhiên, thật tiếc thay, điều kiện của Vua thì rất là dễ, nhưng lại trở thành quá khó đối với một số người cố thủ trong ích kỷ, biếng nhác, tham lam và ghen ghét. Vì thế, họ bị đuổi ra ngoài: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".
Như vậy, qua bài Tin Mừng, Ðức Giêsu trình bày dung mạo một vị Vua hiền hậu lạ lùng: Ông tự ý mở tiệc và cho các đầy tớ hết lớp này đến lớp khác đi mời, dù khách được mời không thèm đến, lại còn giết các sứ giả được sai đến với họ.
Dung mạo vị Vua càng hiền hậu bao nhiêu thì càng làm nổi bật sự vô ơn bất xứng của khách được mời bấy nhiêu. Họ tỏ ra khinh mạn, hỗn xược với tấm lòng quảng đại của nhà Vua.
2. Thái độ của chúng ta trước lời mời gọi của Chúa
Trong đời sống Đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi không khác gì những người Dothái, nên vẫn còn đó tình trạng: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”; hay không quan tâm đến việc sống đạo, mà chỉ quan tâm đến chuyện bề ngoài; hoặc không muốn nghe những lời giáo huấn của Chúa qua các đấng bậc trong Giáo Hội. 
Tất cả đều khởi đi từ sự kiêu ngạo và ích kỷ. Họ để cho cái tôi quá lớn và coi mình đã đạo đức đủ nên không cần nghe và cũng chẳng có gì phải sửa!
Vì kiêu ngạo, nên không thể chấp nhận sửa sai, dù đó là Lời Chúa dạy.
Vì ích kỷ nên khó lòng chấp nhận ngồi lại với nhau để làm việc... bởi nghĩ rằng người anh chị em chúng ta không xứng tầm với mình, nên chẳng cần quan tâm.
Những người như vậy, họ như ly nước đã đầy, nên không thể tiếp thêm cho dù chỉ một giọt nước. Hay như mảnh đất quá khô cằn, nhưng khi mưa xuống thì họ lại che đậy lại, khiến nước mưa không thể tiếp xúc...
Sự hóng hách, khinh thường, chê bai, chỉ trích, bè phái... luôn luôn thường trực trong trái tim vốn đã hóa đá của họ, vì thế, nơi họ, không ai lấy đi được khỏi mắt họ cặp kính râm, vì thế họ nhìn mọi sự trước mắt đều là màu đen... tiêu cực.
Quả thật, họ đâu nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mình, nên việc khước từ ơn Chúa đến như những người được mời dự tiệc mà không hề để ý đến thiện tình của ông chủ là lẽ đương nhiên nơi những con người này.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đến tham dự bàn tiệc Nước Trời. Một cách cụ thể, đó là chúng ta được mời đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Chúa hằng ngày nơi Thánh lễ. Tuy nhiên, chúng ta đã đáp trả như thế nào? Thờ ơ lãnh đạm như dân Dothái xưa không đi dự tiệc vì quá nhiều bận rộn, hay chúng ta đi dự tiệc mà không mặc y phục lễ cưới là phẩm hạnh của bàn tiệc mà Đức Giêsu đòi hỏi như: y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa; y phục của tình yêu thương, liên đới và chia sẻ với người nghèo!
Mỗi khi chúng ta hiệp dâng Thánh lễ, ấy là lúc chúng ta được Thiên Chúa mời gọi vào dự bữa tiệc của tình yêu, chia sẻ, hiệp nhất. Khi được mời gọi như thế, hẳn chúng ta phải có một tâm hồn trong sạch để xứng đáng với hồng ân cao trọng này.
Đồng thời mỗi người chúng ta khi tham dự tiệc Thánh Thể, cần mặc lấy tinh thần tự hủy, liên đới vì tha thân để noi gương Đức Giêsu yêu thương hết mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa thì cũng được biến đổi, để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa và đủ điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển 

========================
Suy niệm 3
Cửa Nước Trời luôn mở, nhưng y phục phải xứng hợp
(Mt 22, 1 - 14)
Lại một dụ ngôn khác về Nước Trời được trình bày cho chúng ta với chủ đề sâu xa tương tự như các Chúa nhật trước. Thiên Chúa luôn đi bước trước, “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ” (Tv 22) “đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon” (Is 25, 6) ; “Đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa” (x. Tv 22) “theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô” (Pl 4, 12). Nước Trời luôn rộng mở cho hết thảy mọi người, bất luận tốt xấu, miễn là phải có y phục xứng hợp: “Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới” (Mt 22, 9).
Lời mời gọi phổ quát
Qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã mời gọi dân Ngài đi vào trong giao ước, chia sẻ tình yêu với Ngài. Nhưng tiếc thay, con người luôn đáp lại một cách khác, ngược đãi, xua đuổi các tiên tri. Giao ước không được đáp trả. Nhưng Thiên Chúa vẫn một mực trung thành, tiếp tục mở tiệc mời con người tới dự tiệc giao ước mới và đó chính là niềm vui cho mỗi người chúng ta.
Những người đầu tiên được đức vua mời đến dự tiệc cưới, nhưng viện cớ lấy lý do “như đi thăm trại…đi buôn bán” để từ chối (Mt 22, 5-6). Vì họ từ chối, nên những người khác được mời vào chia sẻ niềm vui với gia đình hai bên và đôi bạn trẻ.
Khác với những người được mời trước, những người được mời sau chẳng có công gì cũng được mời dự tiệc cưới. Họ chỉ có cơ may là được các người đầy tớ gặp ở ngã ba đường. Họ thuộc đủ mọi thành phần, bình thường không ai để ý tới.
Chúng ta tự hỏi : Liệu họ có hy vọng, có trông đợi mình được mời dự tiệc cưới kia không ? Isaia trả lời. Mọi người đều sống niềm hy vọng vì trong con người có một sự chờ đợi vô song. “Này đây Chúa chúng ta…nơi Người, chúng ta đã tin tưởng…vì ơn Người cứu độ” (Is 25). Họ hy vọng và chờ đợi chứ.
Hy vọng vào lời mời gọi phổ quát này, giả thiết không có một điều kiện tiên quyết nào, cũng không phải là lời mời của những người có liên hệ với nhà vua : “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ…”, cho hết mọi người (Tv 22). Thật khó có thể tưởng tượng, hoặc tin rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ nhưng không cho hết mọi người. Đây chính là Tin Mừng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta.
Hạnh phúc vì được mời
Tiệc cưới Con Chiên” được sách Khải Huyền mô tả (19, 7-9) hàm chứa một ý nghĩa sâu xa : “Phúc cho những ai được mời dự tiệc cưới của Chiên Con! ” Thật hạnh phúc cho chúng ta, phúc này vượt quá những gì chúng ta có thể nếm hưởng trên trần gian, đây là yến tiệc Chúa Giêsu ban cho chúng ta.
Sau Chiên Thiên Chúa linh mục mời gọi: “Đây Chiên Thiên Chúaphúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” (Thánh lễ). Lời này gửi đến tất cả những ai sẽ tham dự vào tiệc cưới Con Chiên. Mỗi Thánh lễ là một lời loan báo và tham dự trước vào yến tiệc Nước Trời, tiệc của Hoàng Tử, Con yếu dấu của Chúa Cha, tiệc của Đức Kitô kết ước với nhân loại. Thánh Têrêsa Avila nói : “Lạy Chúa vị Hôn Thê của con, giờ đã đến, giờ con hằng mong đợi, giờ chúng ta gặp nhau. Ôi lạy Thiên Chúa là tình yêu duy nhất của con! Này là giờ con ao ước từ lâu, tâm hồn con vui sướng khi được kết hợp với Chúa! ” Chúng ta không thể gần Chúa mà không mặc lấy tâm tình của Chúa.
Nhưng phải có y phục lễ cưới
Có một điều khiến người đọc không khỏi thắc mắc và tìm lời giải đáp cho người được mời không mặc y phục lễ cưới, họ vào và bị đức vua ra lệnh: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! " (Mt 22, 13). Họ đang ở ngã ba đường, đầy tớ đức vua tình cờ gặp họ, mời họ vào bất luận họ là ai, sao lại đòi họ phải có y phục lễ cưới ? 
Áo cưới mà Tin Mừng nói tới ở đây là áo nào ? Có phải các bí tích không ? Hay là Phép Rửa tội ? Vì không chịu phép Rửa tội, không ai có thể đạt tới Thiên Chúa được, nhưng có một số người lãnh nhận phép Rửa tội, không đến cùng Thiên Chúa... Có thể là bàn thờ hay điều người ta lãnh nhận từ bàn thờ không ? “Vì kẻ ăn và uống, mà không phân biệt được Thân mình, tức là ăn và uống án phạt cho mình” (1Cr 11, 29). Vậy thì là cái gì ? Ăn chay ư ? Những kẻ gian ác cũng làm thế. Đi nhà thờ ư? Những kẻ gian ác cũng đi nhà thờ như bao người khác … Vậy áo cưới này là áo nào?
Ở đây, người vào dự tiệc cưới không thụ động, chấp nhận vào thì phải tìm cách thể hiện mình xứng đáng, và đó là áo cưới. Ơn cứu độ là phổ quát, đồng ý để được cứu độ là chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Nước Trời, áo cưới vừa thể hiện sự đồng ý, vừa chứng tỏ trách nhiệm của chúng ta.
Đời sống luân lý không phải là điều kiện duy nhất để được cứu độ, Maria Mađalêna, Giakêu và nhiều người khác được mời, họ đã hoán cải để trở nên xứng đáng với Chúa hơn. Áo cưới là những điều tốt, người dự tiệc phải có. Thánh Phaolô nói: “Ðiều lời truyền dạy phải nhằm đưa tới đức mến, phát tự tấm lòng trong sạch, lương tâm thiện hảo, và đức tin không giả hình” (1Tm 1, 5). Đây là y phục lễ cưới.
Người được mời đến dự tiệc cưới không đơn giản chỉ ăn, nhưng chia sẻ niềm vui với họ hàng hai bên, mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, nên phải có y phục xứng đáng. 
Chúng ta là những tội nhân được Thiên Chúa mời dự tiệc Nước Trời. Chắc chắn ai cũng muốn mặc chiếc áo cưới tinh tuyền, không vương tội lỗi. Giáo hội Chúa không phải là một xã hội hoàn hảo, gồm có tội nhân, nhưng ý thức được tội lỗi của mình và mong muốn được tha thứ. Áo cưới được hiểu là biểu tượng của sự hoán cải. Sách Khải Huyền nói đến sự thánh và việc lành là chiếc áo bao phủ chúng ta (Kh 19,8). Thánh Giêrônimô thì nói : “Áo cưới, là những thánh chỉ của Chúa, và việc làm được thực hiện theo luật của Tin Mừng là chiếc áo cưới mới”. Chúng ta không thể tham dự vào tiệc cưới con chiên mà không tìm kiếm mặc lấy lòng trắc ẩn, lòng tốt, khiêm nhường trong lòng, từ bi. Áo cưới chính là “Đức Kitô Vị Hôn Phu” thánh Phaolô khuyên: “anh em hãy mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3, 27), chấp nhận hoán cải, thanh tẩy chính mình “để sao cho xứng với Chúa, mà làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự” (Cl 3, 10). Giờ đây chúng ta hãy nghe lời Chúa: “Mọi sự đã sẵn sàng hãy đến !
Lạy Chúa, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cần Kiệm mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Giáo xứ Cần Kiệm mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Hòa trong niềm vui với Giáo hội hoàn vũ, cách riêng với Giáo hội Việt Nam, mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – những chứng nhân anh dũng đã hiến dâng mạng sống để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Trong tâm tình tạ ơn và tôn kính, tối ngày 25/11/2024, Giáo xứ Cần Kiệm đã long trọng tổ chức rước kiệu tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và xương thánh Neron Bắc.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log