Suy niệm 1
“Sự nhẫn nại của Thiên Chúa” ---------------------- Nước trời không phải là dành riêng cho một số người được đặc tuyển, cho riêng những người kitô chúng ta. Nước trời là cho tất cả những ai trở nên người phục vụ công trình của Chúa Kitô, chứ không phải là những ông chủ.
Isaia, vị tiên tri sống vào thế kỷ VIII trước Chúa Giêsu. Ông là một nhân vật quan trọng của triều đình. Khi thấy dân tộc ông suy đồi, ông tiên báo dân tộc ông sẽ bị tiêu diệt bằng cách so sánh dân tộc ông như một vườn nho không sinh hoa trái. Thiên Chúa chờ đợi dân Ngài thực hành điều chính trực, nhưng chỉ thấy toàn sự gian ác. Thiên Chúa chờ đợi dân thực hiện đức công bình, nhưng chỉ thấy toàn là tiếng kêu oan.
Tác giả Thánh Vịnh đáp ca kêu cầu Thiên Chúa đừng phá hủy vườn nho. Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và viếng thăm khóm nho này..
Thánh Phaolo mô tả điều mà cộng đoàn kito hữu phải trả lời cho lòng mong đời của Thiên Chúa là: Hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, và sống trong hoạt động của ơn thánh và sự bình an của Người. Hãy tìm kiếm những gì là danh thơm tiếng tốt. Như thế là mang lại hoa trái như lòng Chúa mong ước.
Tại quê hương Chúa Giêsu, người ta rất thạo việc trồng nho. Vì thế Chúa dùng hình ảnh này để làm sáng tỏ một số chân lý mà Ngài muốn đề cập đến.
Vườn nho trong dụ ngôn hôm nay buộc phải sinh hoa trái, ám chỉ tất cả những gì mà Thiên Chúa đã đặt vào trong chúng ta, để cuộc sống chúng ta đừng trở nên vô ích trên trái đất này. Chúng ta sẽ mang lại hoa trái mà Thiên Chúa đã chờ đợi trong môi trường sống của chúng ta. Người đã gieo trồng biết bao điều tốt đẹp vào trong chúng ta để chúng ta sinh lời gấp trăm.
Ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa đã gieo Đức Tin vào trong chúng ta như một món quà quý giá mà chúng ta phải phát triển trong suốt cuộc đời. Người ban cho chúng ta tài năng và đặc sủng để chúng ta phải làm giàu cho người khác nữa.
Cụ thể như lời chủ chăn của Giáo phận Hưng Hóa trong tháng 10 này, là: “Nhiều giáo xứ vững mạnh do biết bao công lao của các vị thừa sai truyền giáo tiền bối gầy dựng nên, nay trở thành ‘vùng đất tiện nghi’, trên có cha xứ, dưới có ban hành giáo, giáo lý viên, các hội đoàn, cộng tác viên đề huề; có đủ cơ sở vật chất: nhà thờ hoành tráng, nhà xứ, nhà giáo lý khang trang. Đã đến lúc phải lên đường đến với những giáo xứ đàn em ở các vùng ngoại vi xa xôi miền Tây-Bắc, yểm trợ nâng đỡ cho những giáo họ, giáo điểm mới gầy dựng còn yếu kém thiếu thốn nhiều mặt. Chúng tôi thiết nghĩ ngay trong tháng 10 này Giáo phận ta nên bắt đầu tiến trình kết nghĩa chị em cụ thể giữa một giáo xứ giáo họ miền xuôi với một giáo họ giáo điểm miền rừng núi, như Hội nghị Mục vụ toàn Giáo phận cuối năm 2016 đã nêu lên. Với con số 116 giáo xứ và gần 500 giáo họ giáo điểm trong toàn Giáo phận, ta được thách thức đạt tới chỉ tiêu bước đầu là 20% số giáo xứ kết nghĩa chị em, tức là 120 cặp đôi giáo xứ giáo họ tiến tới ký kết vào dịp Hội nghị Mục vụ toàn Giáo phận cuối năm 2017 này. Mỗi giáo xứ giáo họ nề nếp ngày nay, nhớ lại xưa kia mình cũng chỉ bắt đầu là một giáo điểm èo ọt dăm ba gia đình đạo mới, được các giáo xứ vững mạnh nâng đỡ vun đắp mới nên trưởng thành. Do đó lòng biết ơn tiền nhân thúc đẩy họ đến lượt mình tiếp nối linh đạo lên đường như lời Đức Phanxicô chỉ dạy (x. số 6, SĐ 2017).”
Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Dụ ngôn vườn nho hôm nay có thể được gọi là “Dụ ngôn về Tình yêu bị trao nộp” được lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời chúng ta, nếu chúng ta muốn cùng làm việc với chương trình của Thiên Chúa trên mỗi người chúng ta.
Tin mừng hôm nay muốn chúng ta nhận ra những quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta không phải là để chúng ta phân tán những quà tặng đó mà không sinh hiệu quả gì, nhưng là để sinh lời gấp trăm. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ chúng ta.
Đối với mỗi người chúng ta, Thiên Chúa phó thác cho một sứ mệnh trên trái đất để vườn nho rộng lớn trái đất này sinh nhiều hoa trái theo kế hoạch của Ngài.
Cần phải thường xuyên xin Ngài cho chúng ta biết trung thành với lời mời gọi của Ngài, ngay tại gia đình chúng ta hoặc trong môi trường làm việc cũng như trong học tập của chúng ta.
Ngài gửi đến cho chúng ta những người giúp việc hoặc để giúp chúng ta hoặc cho chúng ta biết ý muốn của Ngài. Chúng ta sẽ tiếp nhận họ thế nào? Hạt giống mà họ gieo trên mảnh đất nào có sinh sôi nảy nở không?
Mỗi người kitô đích thực phải là một nhà truyền giáo và gánh vác một trách nhiệm bên cạnh người anh em nhân loại của mình. Người kitô sẽ chu toàn sứ mệnh này bằng sự khéo léo, hoặc bằng sự phục vụ nhiệt tình, hoặc bằng sự cởi mở của con tim. Chúng ta đã làm được gì và sẽ làm gì?
Tất cả những quà tặng mà chúng ta đã lãnh nhận từ lúc sinh ra có thể được phát triển, nếu chúng ta đặt những quà tặng đó vào khí hậu thuận tiện…
Hãy tạ ơn Chúa vì những gì Người đã ban cho chúng ta!
Chúa Giêsu tóm tắt toàn bộ lịch sự cứu độ dưới cái nhìn của Thiên Chúa qua một số hình ảnh. Thiên Chúa muốn cứu độ nhân loại bằng mọi giá và Ngài sẵn sàng trả giá đó bằng cả cái chết của con Ngài trên Thập giá.
Nhưng Thiên Chúa cũng không làm được gì trước sự tự do mà Ngài đã ban cho con người. Tình yêu bị sai khiến hoặc để sai khiến thì không còn gọi là tình yêu nữa. Nhiều cha mẹ rất có kinh nghiệm này vì có khi con cái sử dụng tự do của nó mà chối bỏ tình yêu cha mẹ.
Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Tình yêu thì luôn luôn sáng tạo. Khi không sử dụng sức mạnh, thì Thiên Chúa lại chọn trở nên người nhẫn nại.
Thế nhưng, lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con quá nhiều rồi! Giờ đây, chúng con chỉ xin Chúa một điều nữa là: đừng bao giờ chúng con lạm dụng sự nhẫn nại của Chúa. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Chúa Là Đấng Trung Tín
(Mt 21, 33 - 43)
Hôm nay chúng ta quan sát điều gọi là mầu nhiệm khước từ Thiên Chúa nói chung và cụ thể là Chúa Giêsu Kitô. Ngạc nhiên thay cho sự cứng đầu cứng cổ của con người trước tình yêu bao dung của Thiên Chúa.
Điều ấy ngụ ý nói, dụ ngôn này liên quan đến việc người Do Thái khước từ Chúa Giêsu: “Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: 'Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó'. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết.” (Mt 21, 37-39) Thật không thể hiểu nổi: Chúa Giêsu Kitô “Đấng Mêsia”, Đấng mà người Do thái mong đợi đến cứu dộ trần gian. Vậy mà khi Người đến, họ lại khước từ.
Khi tôi ở Đất Thánh, người ta có phát cho tôi một tờ hướng dẫn du lịch, trong đó có in thông tin về những người Do Thái nổi tiếng nhất trong lịch sử Do thái: từ Maisen, Giêđêôn và Giôsuê đến Ben Guriôn, người sáng lập Nhà nước Israel. Tuy nhiên, lại không có một chút thông tin nào về Chúa Giêsu.
Theo dòng thời gian những bậc vĩ nhân ấy luôn được tôn trọng nhưng không còn được yêu nữa. Ngày nay, người ta không thích Cervantê hay Michel Angelô. Trái lại, Chúa Giêsu là người được yêu thích nhất trong lịch sử. Trên thế giới có hàng ngàn người nam cũng như nữ đã hiến dâng mình cho Chúa. Có những người đã đổ máu đào vì Chúa, một số khác sống từng ngày cho Chúa.
Chúa Giêsu là người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Các giá trị đạo đức có hiệu lực ở mọi nơi đều có nguồn gốc Kitô giáo. Không chỉ vậy, mà còn hơn thế nữa, ngày nay Chúa Giêsu rất gần với thời đại chúng ta, ngay cả những người Do Thái, (“người anh cả của chúng ta trong đức tin”, nói theo kiểu Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II). Chúng ta hãy cầu xin Chúa cách riêng cho người Do Thái đã hoán cải theo Chúa Kitô, những nhân vật vĩ đại này sẽ có lợi cho toàn thể thế giới.
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với người Do thái, đồng thời phác họa lịch sử tương quan của Thiên Chúa với toàn thể nhân loại chúng ta. Chúng ta có thể trách cứ dân Israel hay cha ông họ là những tá điền sát nhân, vì chẳng những từ chối tình yêu thương của Thiên Chúa mà còn giết hại chính Con Một Ngài. Coi chừng câu nói : “Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó” (Mt 21,38) lại là của chính chúng ta. Bởi lẽ, ngày hôm nay chúng ta phải nói rằng Chúa Giêsu đã “bị quăng ra ngoài vườn nho,” bị quăng ra ngoài bởi những người xưng mình là Kitô hữu. Những lời nói của những tá điền vườn nho dội lên không bằng lời thì cũng ít nhất bằng những việc làm trong xã hội tục hóa ngày nay. Nhân loại tục hóa muốn làm người thừa tự, làm ông chủ.
Chúng ta tự hỏi: Tôi đã chuẩn bị thế nào để Chúa Kitô sống trong tôi? Tôi đáp trả tình yêu vô biên của Chúa dành cho tôi bằng cách nào? Tôi đã tình cờ quăng Người ra ngoài nhà tôi, ngoài sự sống của tôi; nghĩa là tôi đã quên và không biết Chúa Kitô chăng?
Thiên Chúa vẫn một lòng trung tín. Tình yêu của Ngài mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung của con người. Ngài tiếp tục sai chính Con Một Ngài đến trao nộp vì chúng ta để bảo đảm cho tới cùng tình yêu trao ban cứu độ thế gian.
Lịch sử nhân loại được hoàn tất nhờ cái chết trên Thập giá. Nhờ cái chết, Chúa Giêsu đã tiêu diệt sự dữ. Nhờ phục sinh, Thiên Chúa đã nâng con người lên bằng sức mạnh của tình yêu, Người đã tiêu diệt hận thù. “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc ” (Mt 21, 42), đền thờ Thiên Chúa được phục hồi. Vườn nho trở nên Vương Quốc của Giao Ước Mới, vì Nước Trời không bị phá hủy, từ nay “Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái” (Mt 21, 43).
Ông chủ vườn nho nói: “Chúng sẽ nễ con Ta” (Mt 21, 37). Giờ đây, Cha trên trời sắp sai Con của Người đến với chúng ta trong Bí tích Mình và Máu Người. Ta có hiểu sự cao trọng lúc này không? Ta có sẵn sàng đón tiếp Người với sự sùng kính mà Chúa Cha mong đợi không?
Hôm nay chúng ta đọc lại lịch sử Dân Chúa chọn để lên án sự loại bỏ Đức Kitô do Chúa Cha sai đến. Nhưng cũng ý thức về sự khốn cùng của chúng ta khi loại bỏ “viên đá góc”, lúc chúng ta có ý xây dựng thế giới này theo tiêu chí của chúng ta, tự coi mình là những ông chủ vườn nho của Chúa.
“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắn rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ” (Lời nguyện Nhập lễ). Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ