“Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bung, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20, 15)
Suy niệm 1
“Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của con người”
-------------------------------
- Nước trời là một vương quốc mà tất cả những luật lệ chợ búa của con người đều biến mất.
- Nước trời cũng không phải là chuyện: “làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu”.
- Nước trời cũng không phải là mỗi ngày phải làm đủ 8 giờ hoặc làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm.
Thật vậy, Chúa Giêsu khẳng định điều đó qua bài Tin Mừng hôm nay. Ngài muốn tỏ bày Tình Yêu biếu không của Thiên Chúa cho toàn thể thế giới. Ngài sửa đổi tận căn cái nhìn của con người.
Tiên tri Isaia nhắc nhở chúng ta rằng: tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư rưởng của chúng ta. Khuynh hướng tai hại muốn thu hẹp Thiên Chúa vào giới hạn của chúng ta làm mất đi cái nhìn về lòng thương xót vô bờ của Ngài.
Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rõ ơn cứu độ là cho hết mọi người không loại trừ ai. Mặc dù chúng ta có làm đến đâu, chúng ta cũng không đáng đón nhận ơn này. Sự sống đời đời là cho hết mọi người, chỉ có một vấn đề là đón nhận hay không đón nhận mà thôi.
Người làm công cho nước trời được tuyển dụng vào bất cứ giờ nào trong ngày. Thông thường giờ của Thiên Chúa không phù hợp với tính toán của con người. Chúng ta nên nhớ rằng người làm công vào giờ cuối cùng có thể vượt năng suất hơn người làm công vào giờ đầu tiên, nhờ vào cường độ tình yêu của họ. Tình yêu, đó là cách thế duy nhất để đánh giá. Thiên Chúa là tình yêu. Điều quan trọng là chỉ mình Thiên Chúa có thể đánh giá được điều này.
Những suy đoán nghèo nàn của con người rất hiếm khi phù hợp với chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta cũng thấy rằng Thiên Chúa không nản lòng tuyển dụng người làm công cho vườn nho của Ngài, là Giáo hội.
Nếu ơn gọi linh mục và tu sĩ xem ra hiếm hoi, chúng ta đừng kêu trách Thiên Chúa. Giáo Hội vẫn luôn mời gọi, nhưng sự giáo dục giới trẻ của chúng ta xem ra bị chững lại. Liệu chúng ta có là tín hữu biết trả lời cho lời mời gọi mà Thiên Chúa gửi đến chúng ta không?
Vì ngay từ lúc lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi sống thánh thiện như Thiên Chúa. Ngoài ơn gọi chung cho mọi tín hữu, còn có những lời mời gọi hằng ngày giúp chúng ta trả lời cho ơn gọi ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta không ngừng linh hứng cho chúng ta điều mà Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta.
Phần kết luận của dụ ngôn hôm nay có vẻ rất xa lạ với khái niệm của chúng ta về sự công bằng. Khái niệm về tình yêu của Thiên Chúa không liên hệ gì đến những nguyên tắc về sự công bằng của nhân loại chúng ta.
- Đối với Thiên Chúa, tất cả đều là hiện tại.
- Đối với Thiên Chúa, nhiệt tình làm việc vào giờ cuối cùng trong ngày cũng có giá trị như làm việc suốt cả ngày. Điều đáng tính toán ở đây chính là sự nhiệt tình và tình yêu mà người ta đặt vào đó.
- Đối với Thiên Chúa, tất cả chúng ta là con cái. So sánh là kiểu cách thuộc con người, chẳng qua chỉ nhìn vẻ bên ngoài thôi. Còn Thiên Chúa, Đấng nhìn tận con tim chúng ta.
Trong vườn nho của Thiên Chúa, có những công việc khác nhau và có chỗ cho tất cả mọi người. Mỗi người là một hòn đá sống động trong việc xây dựng Nước Chúa. Sức mạnh để thực hiện công việc này chính là bí tích Thánh Thể hằng ngày. Càng đi vào tương quan với Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể, chúng ta càng trở nên thánh và càng có khả năng thực hiện được những chương trình của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, là Thiên Chúa của con, lại một lần nữa Chúa lật nhào những tư tưởng mà chúng con cho là đúng, cho là chính xác. Chúng con không còn ở dưới lề luật nữa nhưng là sống xứng đáng với Tin Mừng của Chúa bằng cách mở rộng con tim chúng con ra theo chiều kích của Chúa.
Xin hãy làm cho chúng con đi vào cái nhìn thần linh Cứu độ cao vời hơn nhiều so với cái nhìn nhân loại của chúng con. Chúa đã ban cho chúng con quá nhiều, hơn cả cái mà mỗi người chúng con trông đợi.
Xin dạy chúng con biết tạ ơn Chúa vì tình yêu biếu không của Chúa. Chúng con không đáng để được sự sống đời đời nhưng Chúa vẫn ban cho chúng con.
Xin ban cho chúng con ơn biết say mê các linh hồn và ước mong tất cả mọi người được nếm hưởng trọn vẹn tình yêu Chúa. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
==========================
Suy niệm 2
PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA QUÁ BẤT CÔNG???
(Is 55, 6 - 9; Pl 1, 20.24 - 27; Mt 20, 1 - 16a)
Tại Việt Nam chúng ta không có những cánh đồng nho như bên Dothái. Có chăng thì ở khu vực Cam Ranh - Nha Trang, nhưng cũng không nhiều. Còn đại đa số là những cánh đồng lúa; hoặc những khu rừng cao su, tiêu, cà phê hay điều... Vì thế, hình ảnh vườn nho có vẻ hơi xa lạ trong tâm thức đối với đại đa số người dân Việt.
Nhưng dù biết hay không thì cách thức chi trả lương cho những người làm thuê cũng có nhiều điểm tương đồng với những người làm công trong vườn nho của người Dothái.
Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một nghịch lý khi Đức Giêsu kể dụ ngôn ông chủ vườn nho trả lương cho những người làm công: ông chủ này không tính đến chuyện thợ làm thuê có chuyên môn hay nghiệp dư, cũng không kể đến chuyện giờ giấc của người làm. Vì thế, dù chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, kinh nghiệm hay mới vào nghề, và tham gia làm vườn giờ nào...! Nhưng chiều đến, khi lĩnh lương, tất cả họ đều giống nhau. Tại sao vậy? Ông chủ có bất công không?
Để hiểu được vấn đề này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân tại sao? Và Đức Giêsu có lý gì khi kể dụ ngôn này?
1. Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn thợ làm vườn nho?
Trước tiên, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của vườn nho mà Đức Giêsu muốn nói tới ở đây.
Vườn nho được Đức Giêsu kể trong dụ ngôn chính là hình ảnh của Giáo Hội. Vườn nho ấy đến mùa thu hoạch, chính là sứ mạng truyền giáo đang cấp bách, điều này được bổ túc thêm khi Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặp lại ít”.
Thứ đến, người mời gọi là chính Thiên Chúa. Người gọi hết mọi người, không phân biệt tốt xấu, giỏi hay dốt, thành phần nào, già hay trẻ... Nhưng Người gọi bất cứ ai Người muốn! Cách thức này Đức Giêsu muốn thay đổi quan niệm nơi người Dothái, họ chỉ coi là mình họ được cứu độ, còn những dân tộc khác thì không, họ tỏ ra khinh bỉ hay ghen tức với cách hành xử của Đức Giêsu với những người không thuộc Dothái, vì thế, Đức Giêsu mới nói: "Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao?"; “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”. Thật vậy, Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Dothái, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai. Hơn nữa, Người còn tỏ lòng thương xót đặc biệt hơn đối với những ai bị coi là hèn kém.
Tiếp theo, cách thức trả lương. Người không trả lương theo kết quả công việc. Cũng không trả lương theo kiểu làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Mà Người trả lương cách đồng đều theo sự thỏa thuận lúc ban đầu. Tức là một đồng cho tất cả mọi người. Người đến sớm cũng như kẻ đến muộn, người giỏi cũng như dốt, người già cũng như trẻ... Cách thức này cho thấy lòng nhân từ, thương xót và bao dung của Thiên Chúa dành cho hết mọi người chứ không phải chỉ dành cho một số người đặc tuyển. Mặt khác, cũng làm toát lên việc: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào công việc của vườn nho”.
2. Hiểu và thực hành sứ điệp Lời Chúa
Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Giáo Hội và đều có trách nhiệm tham gia vào sứ mạng truyền giáo. Thật vậy, tính phổ quát của ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho chúng ta là người Công Giáo, nhưng là cho muôn dân muôn nước, không trừ ai. Đồng thời, Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao dung, quảng đại và thương xót của Thiên Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Chúa dựa trên tình yêu. Vì thế:
Trước tiên, cần loại bỏ thái độ tự tôn, kiêu hãnh và coi thường người khác. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình thuộc thành phần đương nhiên được cứu độ, còn người khác, họ chỉ là đám dân thường, tội lỗi, dốt nát, nên không cần quan tâm. Cũng cần có sự cảm thông, cộng tác để cùng nhau làm việc thiện thay vì ganh đua, ghen tỵ khi thấy người khác tốt lành hơn mình, hoặc người ta làm được nhiều điều hữu ích hơn chúng ta.
Tốt hơn là hãy ý thức mình chỉ là đầy tớ bất tài, vô dụng, nhưng lại được Chúa thương chọn và gọi để đi làm vườn nho cho Người. Vì thế, hãy dâng lời tạ ơn Chúa và cố gắng với khả năng của mình, làm sinh lợi nén bạc Chúa trao trong sự yêu mến với lòng nhiệt huyết tông đồ.
Thứ đến, hãy kiên trung, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đừng thất vọng vì thấy mình không giỏi giang hay tội lỗi. Hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn để ý đến những người “đứng chót”. Phần còn lại là của chúng ta, nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa trong sự khiêm tốn, ắt Chúa sẽ trả công hậu hĩnh và Người sẽ làm những điều kỳ diệu khi: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.
Hiểu được tình thương của Thiên Chúa như thế, hẳn chúng ta thấy Thiên Chúa rất công bằng do lòng nhân từ của Người chứ không phải bất công như những người Dothái và ngay cả chúng ta đã lầm tưởng!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn và yêu mến Chúa tha thiết. Biết gắn bó với sứ mạng truyền giáo trong Giáo Hội. Luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với bổn phận của mình. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
======================== Suy niệm 3 Đồng Lương Xứng Đáng (Mt 20, 1 – 16a) Chúa nhật này, tác giả Tin Mừng muốn tiếp tục quảng diễn cho chúng ta giáo huấn của Chúa Giêsu về Nước Trời. Sứ điệp sâu xa chính là ý muốn cứu độ phổ quát cả và nhân loại của Chúa Cha, nên mọi người đều được mời đến làm vườn nho của Chúa.
Điểm nổi bật trong dụ ngôn này là cuộc nổi loại của những người đến làm việc trước. Những người (thợ làm vườn nho) sống và làm việc vì Nước Trời, nhưng coi đó như một trách nhiệm nặng nề ("chúng tôi chịu đựng nắng nôi khó nhọc suốt cả ngày" Mt 20,12) chứ không phải là hồng ân đến từ Thiên Chúa, tự coi mình như những tên đầy tớ xấu.
Bước vào trong sự thân tình của Chúa
Tất cả chúng ta đều được Chúa mời gọi đi làm vườn nho của Chúa. Trong Kinh Thánh, cây nho có một ý nghĩa sâu sắc. Nó là biểu tượng của giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài (Is 5, 1-7 ; Gr 2, 21 ; Ez 15, 4). Câu "hãy đi làm vườn nho ta" (Mt 20, 4) được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong ba dụ ngôn, theo truyền thống câu này muốn nói: "Hãy đi vào trong Giao ước…Hãy đến chia sẻ Giao ước với ta".
Đi làm vườn nho của Chúa, được sẻ chia công việc với Chúa, có ý nói, chúng ta dù sớm hay muộn cũng bước vào trong thân tình với Chúa, sống với Chúa. Chúa Giêsu tự khẳng định mình: "Thầy là cây nho thật" (Ga 15, 1-5). Nên câu "Hãy đi làm vườn nho ta" còn có nghĩa là "hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi" (Mt 25, 21). Từ đây chúng ta mới hiểu được một đồng mà ông chủ trả cho người đến trước cũng như người đến sau là đồng nào.
Đồng lương yêu thương
Dụ ngôn những người làm thuê được mướn làm việc trong vườn nho qua những giờ khác nhau, tất cả lãnh lương giống như nhau là một đồng bạc, đã gây nên một khó khăn cho những người đọc Tin Mừng. Chúa nói với những người làm công: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng" (Mt 20, 4). Có người hỏi : Xứng đáng ở đây là xứng với cái gì ? Khi có hai cái bằng nhau, hoặc cái này xứng với cái kia được coi là xứng đáng. Vậy đâu là tiêu chuẩn để Chúa Giêsu trả công xứng đáng? Nhiều người không khỏi ngạc nhiên, nhất là những người đến làm việc trước hết vì tiêu chuẩn trả công của ông chủ. Cách hành xử của ông chủ có chấp nhận được không? Không xúc phạm đến nguyên tắc đền bù xứng đáng sao ?
Khó khăn phát xuất từ một sự sai lầm. Vấn đề đền bù được qui chiếu về sự đời đời, Thiên Chúa "sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm" (Rm 2, 6). Thiên Chúa nhân lành, Ngài có cách tính không giống chúng ta: "Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta" (Is 55, 8). Thiên Chúa ban cho con người cái mà Ngài cho là tốt nhất. Tiêu chuẩn của Ngài là tấm lòng, tiêu chuẩn của chúng ta thường là lý trí, và dĩ nhiên không luôn luôn đúng.
Trong dụ ngôn, mức lương được trả là một đồng. Đây là đồng đracmơ; hay đồng đờ nhê, là thuế mà mỗi Người Do Thái phải nộp vào Đền Thờ Giêrusalem mỗi năm cho việc bảo trì, hoặc đồng "xtate" tiền cổ Hy lạp là đồng được thánh Phêrô dùng để nộp thuế Đền thờ, phần của ngài và của Chúa Giêsu. Mỗi người nhận được một đồng, có ý nói đến mức lương của một ngày làm việc, một cái gì đó để sống trong ngày như bánh mì chẳng hạn.
Để nhận ra "điểm chính" trong dụ ngôn, chúng ta phải để ý đến qui chiếu của Chúa Giêsu về một tình huống cụ thể. Đồng bạc duy nhất được trả cho tất cả là nước Chúa, Chúa Giêsu đã mang xuống thế vì yêu thương thế gian. Dụ ngôn bắt đầu: "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình" (Mt 20, 1). Như vậy, Nước Trời là chủ đề chính và là bối cảnh của dụ ngôn.
Đồng lương ơn cứu độ phổ quát
Một lần nữa, vấn đề về ơn cứu độ của người Do thái và dân ngoại, hay của kẻ lành và những người tội lỗi được đặt ra, trước ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu mang đến. Mặc dầu chỉ vì nghe huấn giáo của Chúa Giêsu mà người dân ngoại (những kẻ tội lỗi, những người thu thuế, những người đĩ điếm, v.v.) quyết định theo Chúa, trong khi trước lúc đó họ còn đứng đàng xa (nhàn rỗi). Vì ý định theo Chúa mà họ sẽ không có chỗ bậc hai trong vương quốc. Họ cũng sẽ ngồi cùng một bàn như những người khác và hưởng đầy đủ những của cải thời cứu thế.
Chúa Giêsu không cung cấp chúng ta một bài học về đạo đức xã hội, nhưng là bài học về tình yêu của Thiên Chúa với hết mọi người: "Từ sáng sớm, cho đến giờ thứ ba, giờ thứ sáu và thứ chín".
Không có ai là quá muộn để vào Nước Trời. Tất cả những ai chưa khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa vẫn được Ngài mời gọi mọi người nam nữ trong mọi giờ và ở mọi lứa tuổi đi làm vườn nho của Chúa! Đây là lời kêu gọi phổ quát. Đó là vấn đề kêu gọi hơn là vấn đề thưởng. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về ơn cứu độ đời đời của chúng ta.
Có nhiều người cần cù, chịu khó, luôn sẵn sàng làm việc nhưng "không ai thuê"; họ nhàn rỗi vì thiếu việc làm và không có người mướn, lòng nhiệt thành đang có sẵn, có tiếng gọi thuê, họ lên đường mà không có sự mặc cả giá tiền như những người trước. Ông chủ đánh giá công việc của họ cách khôn ngoan và trả công cho họ bằng những người khác. Ý muốn nói, dù hoán cải vào "buổi sáng, giờ thứ ba … và giờ thứ mười một" đi chăng nữa, thì hết thảy mọi người đều được đón nhận … anh trộm lành được lên Thiên đàng "vào giờ thứ mười một" anh thực sự là người được mời gọi vào giờ sau hết và trở thành người đầu tiên vào Nước Trời : "Thật hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng" (Lc 23, 43). Chúa không kết án kẻ trộm, Chúa bày tỏ lòng nhân lành của mình ; họ đi làm, nhưng "không ai thuê" (Mt 20, 7), nếu người ta không thuê anh, anh "hãy đi làm vườn nho ta" (Mt 20, 4).
Điều mà chúng ta gán cho Thiên Chúa là không xứng đáng với Thiên Chúa, và điều Thiên Chúa ban cho chúng ta vượt quá công trạng của chúng ta : "từ người đến sau hết tới người đến trước hết đều lãnh mỗi người một đồng". Chúng ta không thể trách lòng tốt của ông chủ, vì không thấy gì sai trái trong cách ông hành xử. Ông trả cho mỗi người theo như thỏa thuận và thể hiện lòng thương xót như ông muốn: "Nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao?"
Một huấn giáo khác có thể rút ra từ dụ ngôn. Ông chủ biết rằng những người làm thuê giờ cuối cũng có những nhu cầu như bao người khác, họ cũng có con cái phải nuôi ăn, như những nguời làm thuê giờ thứ nhất. Khi trả cho mọi người đồng lương y nhau, ông chủ chứng tỏ rằng ông không xét theo công trạng cho bằng theo nhu cầu. Ông chứng tỏ rằng ông không những công bằng, mà còn "tốt lành," quảng đại và nhân đạo.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ