Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXII TN A

Cập nhật lúc 13:04 31/08/2017
Suy niệm 1
Phêrô, con chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người!
----------------------
Lần đầu tiên khi Chúa Giêsu dạy cho tông đồ Phêrô biết Ngài sẽ phải lên Giêrusalem và bị nộp vào tay những kẻ muốn giết Ngài. Phêrô thực sự không thể chấp nhận tình trạng sẽ xẩy ra như vậy. Phêrô rất khó chịu về việc Thầy mình phải chết như thế. Rồi Phêrô dám can ngăn Chúa: “Chúng con không muốn như vậy. Thầy là Đấng Me-si-a. Chính Thầy là người uy lực nhất. Chúng con yêu mến Thầy và không được phép để Thầy phải như vậy. Nếu Thầy làm như vậy thì người ta sẽ nghĩ thế nào về Thầy? Xin Thầy nghĩ cả đến chúng con nữa! Thiên hạ sẽ nói gì với chúng con? Có thể họ nói: Đấng Me-si-a của tụi mày thế à? Ngài không có khả năng tự vệ: thế thì Ngài làm sao có thể bảo vệ được dân tộc Israel chúng ta? Thầy chỉ cần nói một tiếng thôi là Thiên Chúa sẽ làm cho các kẻ thù của Thầy ngã lăn quay ra hết”.
Nghe vậy, Chúa Giêsu bực mình và nói với Phêrô: “Này anh Phêrô, anh nói như quỷ. Thay vì cầm đèn chạy trước ôtô và ngăn cản Thầy đừng làm như vậy, tốt hơn hết là anh hãy theo sau Thầy và chỉ có con đường đó mới xứng đáng cho Đấng Me-si-a đích thực”.
Bài học Chúa dạy như vậy bó buộc các tông đồ phải tiến hành một cuộc trở về đích thực để có một tư tưởng đúng đắn về vai trò của Đấng Me-si-a. Chỉ có một Đấng Me-si-a đau khổ tự nguyện hiến dâng mạng sống, tha thứ cho các đao phủ của Ngài, mới có thể cho các ông một tư tưởng chính xác về bản tính Thiên Chúa: Thiên Chúa trước hết không phải là Thiên Chúa toàn năng như các tông đồ vẫn mường tưởng, nhưng là Thiên Chúa toàn yêu. Vì thế Ngài cũng là Thiên Chúa yếu đuối, Thiên Chúa bị tước đoạt vũ khí, Thiên Chúa bị tổn thương. Thập giá Chúa Kitô không phải là một sự nhục nhã cho Thiên Chúa, nhưng là dấu chỉ tuyệt vời về lòng quảng đại vô biên của Ngài.
Cha Paul Debains nói: “Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi Ngôi vị Thiên Chúa đều vui mừng sống một sự trần trụi vô hạn, vì chỉ sống cho các Ngôi vị khác mà thôi. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mặc khải cho chúng ta sự trần trụi muôn thuở và tuyệt đối của Con Thiên Chúa trong lòng Ba Ngôi”.
Thập giá Chúa Giêsu là đỉnh cao thể hiện bản tính Thiên Chúa một cách tốt nhất. Thiên Chúa vĩ đại nhất khi Ngài thực hiện một sự hạ mình tuyệt đối. Vì thế, Thánh Phaolô rất tự hào vì được là người rao giảng một Thiên Chúa bị đóng đinh: “Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hilạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận được, và dân ngoại cho là điên rồ”.
Đối với chúng ta, chúng ta hình dung thế nào về Chúa Kitô và về Thiên Chúa?
- Phải chăng chúng ta muốn một Đấng Me-si-a hữu hình thỉnh thoảng làm phép lạ ấn tượng để những ai khinh dể Chúa phải câm họng?
- Phải chăng chúng ta muốn một Đấng Me-si-a luôn bảo vệ những kitô hữu yêu mến Ngài và nghiêm khắc đối với những người khác?
- Phải chăng muốn một Đấng Me-si-a chữa bệnh cho biết bao bệnh nhân đang cầu khẩn Ngài?
- Tại sao Đấng Me-si-a lại không chứng tỏ Ngài có quyền một cách tích cực hơn? Nếu Ngài làm như vậy, có thể nhiều người sẽ hiểu biết và tin theo Ngài?
Nhưng nếu chúng ta tin như thế, liệu có phải vì lợi nhuận hay là vì yêu Ngài?
Trên cây thập giá cũng vậy, người ta đã ước mơ Ngài chứng tỏ có khả năng xuống khỏi cây Thập giá. Tuy nhiên để trả lời cho ước mơ ấy, Ngài vẫn cứ ở trên Thập giá để chịu đóng đinh. Ngài không có thể làm gì khác, vì Ngài muốn cho chúng ta biết bản chất đích thực của Chúa Cha, Đấng là tình Yêu, không bạo lực, tôn trọng tự do và không gia trưởng.
Đó là ý tưởng đúng đắn về một Đấng Me-s-ia đích thực. Tuy nhiên người môn đệ đích thực có một ý tưởng đúng đắn thôi chưa đủ, mà còn phải trả lời cho điều mà Đấng Me-si-a chờ đợi nơi mình, đó là “Hãy đến và theo Tôi”. Theo Tôi có nghĩa là đi theo những bước chân của Chúa, bắt chước cách Chúa sống, theo Chúa trên con đường của thế giới mà Chúa phải loan báo tin mừng. Theo tôi cũng có nghĩa là theo Chúa trên độ dốc cam go của đồi Canvê.
Đối với Phêrô và các tông đồ, họ sẵn sàng theo Chúa, nhưng chỉ theo khi Chúa được vẻ vang. Khi được đặt vào những chỗ ưu tiên, họ đóng vai trò vệ sỹ cho thân xác Chúa Giêsu: họ dồn đám đông về một hướng và loại trừ những người họ không thích, và cả những đứa trẻ đến quấy rầy Chúa. Chắc hẳn họ yêu mến Ngài và trong những lúc cao hứng, họ khẳng định mạnh mẽ rằng sẽ sẵn sàng chết vì Thầy. Đối với họ, lúc nào cũng phải gươm cầm sẵn trong tay!
Tông đồ đích thực phải là người như Thầy mình chấp nhận một Thiên Chúa bị đóng đinh. Thánh Phaolo hiểu rõ điều này: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh vào Thập giá”.
Tông đồ đích thực là người phải chấp nhận làm việc vì một người Thầy bị loại trừ, âm thầm và bị quên lãng. Sự yên lặng của Thiên Chúa giúp con người càng tìm kiếm Ngài. Người tông đồ đích thực cũng phải là người vác thập giá riêng của mình để theo Chúa. Thánh Gioan nói: “Ai nói rằng mình ở trong Thiên Chúa thì phải bước đi vào con đường mà chính Chúa Giêsu đã bước”. Marthe Robin cảm nhận: “Chúa Giêsu nhận ra những bạn bè đích thực của Ngài trên thập giá”. Người tông đồ đích thực phải là người chấp nhận mất mạng sống vì Chúa Kitô.
Bài Tin Mừng hôm nay đặt ra cho chúng ta những câu hỏi:
- Chúng ta có thờ lạy một Thiên Chúa đích thực, một Đấng Me-si-a đích thực trong Chúa Kitô bị đóng đinh không?
- Chúng ta có là những môn đệ đích thực của Chúa Kitô bị đóng đinh đó không?
Kitô giáo không phải là một thứ tôn giáo có mục đích sắp xếp có các thành viên của mình trong những ghế sang trọng, cũng không phải là có mục đích sản xuất ra những nơi an nghĩ vĩnh viễn.
Nếu vậy tôn giáo mà Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay là một thứ tôn giáo cho những người thích đau khổ sao?
Không phải vậy! Thiên Chúa làm người đến trần gian để làm cho chúng ta được sống, chứ không phải để chúng ta phải chết: “Ai đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sống, một cuộc sống hạnh phúc vĩnh viễn. Một thứ hạnh phúc của kitô giáo chỉ được khám phá ra khi chúng ta tin tưởng trèo lên đỉnh núi Everest của sự trao ban với đôi mắt được soi chiếu nhờ ánh sáng của đồi Canvê.

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

 ===========================
Suy niệm 2
TỪ BỎ MÌNH ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO THI HÀNH SỨ VỤ
(Gr 20,7- 9; Rm 12,1- 2; Mt 16,21- 27)
Được sinh ra làm người là một hồng ân. Được làm con Chúa là một hạnh phúc. Nhưng, khi lớn lên, hồng ân và hạnh phúc đó phải được triển nở không ngừng trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, để hoàn thiện, cần phải có những chọn lựa khôn ngoan.
Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ theo mình để được hạnh phúc trọn vẹn. Con đường mà Ngài mời gọi lại không phải là con đường dễ dãi, thênh thang, mà là con đường hẹp. Con đường đó là  "... từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16,24).
1. Từ bỏ mình, có mất tự do không?
Tin Mừng kể lại: sau khi Đức Giêsu tỏ cho các môn đệ biết về sứ mạng Thiên Sai của Ngài là phải chết để cứu chuộc con người. Song song với việc tiên báo đó, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ cũng đi vào con đường của Ngài để cùng chung chia sứ mạng mà Ngài đang thực hiện. Tuy nhiên, điều kiện rất quan trọng mang tính quyết định, đó là: "... từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16, 24).
Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy buồn cười và có sự mâu thuẫn! Vì tại sao Đức Giêsu lại muốn các môn đệ đánh mất sự tự do, từ bỏ cái tôi, tức là hủy mình ra không!!! Điều đáng nói là chính Thiên Chúa đã trao ban cho con người tự do, và Ngài chấp nhận con người dùng tự do theo ý hướng của họ. Vậy thì đòi hỏi này của Đức Giêsu có nghịch lý chăng?
Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta cùng nhau khám phá ý nghĩa đích thực của nó dựa trên mặc khải của Thánh Kinh.
Theo lối hiểu của Kinh Thánh và ý muốn của Đức Giêsu thì sự đòi hỏi này mang tính tích cực cho người đón nhận chứ không phải vì ép buộc.
Khởi đi từ câu hỏi rất thân tình: “Ai muốn theo Thầy?”. Khi hỏi các môn đệ như thế, Đức Giêsu muốn các ông bước đi trong tinh thần thanh thoát, nhẹ nhàng chứ không phải vì nặng nề, mất tự do. Một lời mời gọi rất thân tình, làm cho người được mời gọi cảm thấy an vui, bình an và hạnh phúc khi tự mình quyết định lựa chọn lối sống mới theo tinh thần Tin Mừng.
Khi mời gọi như thế, Đức Giêsu muốn người môn đệ tự nguyện từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, thích ăn trên ngồi trước, thích được người khác phục vụ..., để lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi cho phần rỗi của mình và niềm vui, hạnh phúc của kẻ khác.
Trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu muốn các môn đệ ra khỏi sự ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo, để ý Chúa rợp bóng trên cái tôi của mình, và chính từ đó, tôi được trở thành tôi đúng nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
2. “Từ bỏ mình vác thập giá mà theo” có ý nghĩa gì?
"... từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16, 24), tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi.
Từ bỏ chính mình là một điều khó. Khó vì nhiều lý do: ai sinh ra trên trần gian này cũng đều là một cá thể riêng biệt, độc đáo, không ai giống ai. Ai cũng muốn khẳng định tôi là tôi chứ không phải ai khác. Khi khẳng định như thế, chủ thể tôi cũng muốn xác định lập trường của mình rằng: không ai có quyền lấy đi hay bắt buộc tôi phải từ bỏ những ý định riêng tư mang tính cá biệt của chính tôi.
Xét theo tâm lý học hay triết học thì đây phải chăng là một đòi hỏi vô lý và một lựa chọn tiêu cực. Nhưng với người môn đệ của Đức Giêsu thì khác! Theo Chúa và từ bỏ ý riêng không có nghĩa là đánh mất mình; nhưng còn được tất cả. Hay nói cách khác, từ bỏ mình để kết hợp hay tháp nhập vào với Chúa là trở về với chính mình cách trọn vẹn nhất. Bởi vì ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nay ta tháp nhập với Ngài, thì ta trở về với chính nguồn cội nơi ta phát xuất ra. Được như thế là ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. 
Từ bỏ chính mình cũng là thể hiện một sự dấn thân cách trọn vẹn. Thật vậy: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3).
Từ bỏ chính mình là thể hiện sự quyết tâm, sự hy sinh để sống triệt để cho đức vâng lời. 
Từ bỏ chính mình là một cách minh nhiên cho thấy ta sẽ ưu tiên cho việc đi theo Chúa hơn là công việc của Chúa.
Nếu không từ bỏ chính mình, thì hẳn ơn gọi và sứ vụ của người môn đệ không thể hướng tha, mà chỉ là quy về mình và sống trong sự ích kỷ, vụ lợi mà thôi.
Nếu theo Chúa mà cồng kềnh thì khó lòng vượt qua những khó khăn thử thách, và cái tôi của mình là một rào cản lớn có tầm ảnh hướng đến việc được hay mất.
Đức Giêsu không muốn các môn đệ đi theo mình với những nỗi niềm chờ mong sai lạc, nhưng Đức Giêsu  muốn họ vui chọn cuộc sống thiếu thốn và cực khổ vì hạnh phúc của kẻ khác, biết từ bỏ cái tôi xác thịt, ham muốn hưởng thụ riêng mình mà chọn lấy niềm vui khi chia sẻ với người khác.
3. Người Kitô hữu là người được gọi và bước theo Đức Giêsu
Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu và được mời gọi đi theo Ngài trên con đường mà chính Ngài đã đi.
Muốn đi theo Chúa, chúng ta cũng không thể nào mang trên mình và trong tâm trí những thứ cồng kềnh như: quyền lực; tiền bạc; danh lợi; ý riêng; tự kiêu; bảo thủ… Bao lâu ta còn luyến tiếc những thứ đó, thì bấy lâu ta đặt ý ta hơn ý Thiên Chúa, và ta không thể nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa để thi hành.
Mặc lấy Đức Giêsu tức là ta trở nên giống Ngài. Nên giống Ngài là gì nếu không phải là từ bỏ ý riêng của mình để thay vào đó là ý Chúa như Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Mặc lấy Đức Giêsu cũng là lúc phải ra khỏi những định kiến riêng tư để biết cảm thông và có tinh thần phục vụ như Đức Giêsu khi xưa bằng một tình yêu hy hiến trong tình huynh đệ.  
Nếu từ bỏ chính mình là thể hiện một sự quyết tâm, sẵn sàng lên đường với Đức Giêsu, thì vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chính là đón nhận mọi thử thách, chết cho thế gian, để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Vác thập giá hằng ngày chính là chu toàn chính bổn phận của mình cách trung thành và hợp lý. 
Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi chúng ta xác định thật rõ căn tính của mình là thuộc về Đức Giêsu, một Đức Giêsu đã từ bỏ ý riêng, để sống cho Thiên Chúa và yêu thương con người cách trọn vẹn qua cái chết và phục sinh của Ngài.
Đến lượt chúng ta là những người mang trong mình hình ảnh, tâm tư của Đức Giêsu, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường từ bỏ, tự huỷ để đón nhận thập giá hằng ngày và chu toàn cách trung thành, ngõ hầu chỉ sống cho Thiên Chúa cách trọn vẹn và yêu thương anh chị em đồng loại bằng một tình yêu của Chúa và như Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết tìm thánh ý Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống. Xin cũng cho chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.

 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
========================= 
Suy niệm 3
Theo Chúa Phải Từ Bỏ Mình Và Vác Thập Giá
(Mt 16, 21 - 27)
Hôm nay, chúng ta nhìn ngắm một chứng nhân vĩ đại và là thầy dạy Đức tin có tên là Phêrô. Chúng ta phải cám ơn các tác giả Tin Mừng đã mô tả cách chân thực về con người môn đệ Chúa Giêsu. Thực sự, Phêrô không phải là nhân vật lý tưởng tuyệt vời, hay là thần thánh gì hết, ông là con người bằng xương bằng thịt với những đức tính, khuyết điểm và yếu đuối như chúng ta. Có thế, ông mới gần gũi chúng ta, và giúp chúng ta nhận ra rằng, tất cả chúng ta cần phải hoàn thiện mỗi ngày, bởi không ai là hoàn hảo ngay từ khi mới sinh.
Nếu như trong đoạn Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, ông được khen là người "có phúc" (Mt 16, 16),kèm theo lời hứa : "Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời". Thì hôm nay, ông bị khiển trách nặng nề: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người " (Mt 16, 22-23), lý do vì ông can gián Chúa và bày tỏ ý tưởng sai lạc của con người về Đấng Cứu Thế.
Quả thật, một thụ tạo sao hiểu được ý Đấng Sáng Tạo, một con người sao biết được Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa qua miệng Isaia đã quả quyết : "Ý nghĩ của Ta không phải là ý nghĩ của các ngươi, và đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi" (Is 55, 8).
Học suy nghĩ và hành động theo ý Chúa?
Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu rằng Người phải "đi Giêrusalem và chịu đau khổ nhiều vì các bô lão, các thủ lãnh các tư tế và các ký lục, bị giết chết và sống lại ngày thứ ba" (Mt 16, 21). Tất cả xem ra bị đảo lộn trong con tim của các môn đệ. Làm sao "Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16) lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Tông đồ Phêrô nổi loạn, không chấp nhận con đường ấy, nên mới lên tiếng: "Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp chuyện ấy" (Mt 16, 22). Ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận Thánh giá. Vì Thánh giá là biểu tượng cao nhất của tình yêu.
Đúng là : "Trời cao hơn đất bao nhiêu, cũng vậy, đường lối của Ta vượt hơn đường lối của các ngươi, và ý nghĩ của Ta vượt hơn ý nghĩ của các ngươi" (Is 55, 9). Xem ra sự khác biệt giữa chương trình tình yêu của Chúa Cha và dự án, ước muốn của các môn đệ là điều hiển nhiên. Không chấp nhận thập giá là phủ nhận chương trình tình yêu của Chúa Giêsu, và hầu như ngăn cản Người thi hành ý muốn của Chúa Cha.  Vì thế Chúa Giêsu mới nặng lời với Phêrô.
Khi con người thực hiện cuộc đời mình chỉ hướng tới chỗ thành công xã hội, giầu sang vật chất và kinh tế, con người gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, không lý luận theo Thiên Chúa nữa, mà theo con người. Và khi nào chúng ta để cho những suy nghĩ, tình cảm hay lý luận nhân loại chiếm ưu thế, không để cho đức tin, hay Thiên Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, lúc ấy chúng ta sẽ trở nên những tảng đá cản trở chương trình tình yêu của Chúa.
Học từ bỏ
Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?
Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu đòi hỏi là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng.
Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không bắt chúng ta từ bỏ “điều chúng ta là”, nhưng điều “chúng ta đã trở nên”. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31). Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng là điều chúng ta lạm dụng quyền tự do làm, cụ thể như: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng … là những khuynh hướng xấu, tội lỗi, phủ trên hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là “ảnh dưới đất”, ngược với “ảnh trên trời”, giống như Chúa Kitô. Do đó “từ bỏ chính chúng ta”, là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, hợp và giống Chúa hơn.
Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác biệt yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói thứ ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói thứ ngôn ngữ thần khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.
Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để chúng ta có thể giao tiếp với Chúa. Chúa đã từ bỏ chính mình trước … trở nên giống chúng ta. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không có khả năng nói “không” với chúng ta.
Vác thập giá để theo Chúa
Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình” là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Nếu ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16, 24). Chúa Giêsu không muốn thập giá, Người muốn tình yêu, yêu đến tận cùng. Theo Chúa là chấp nhận thập giá của mình với lòng mến. Dưới con mắt người đời, chịu mất mạng sống là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận … chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Chúa nhật niềm vui 9/5/1975).
Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói: “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình, vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Chuẩn xứ Hương Tran hành hương Năm Thánh 2025 tại nhà thờ Yên Tập
Chuẩn xứ Hương Tran hành hương Năm Thánh 2025 tại nhà thờ Yên Tập
Thứ Tư, ngày 08.01.2025, tại nhà thờ Yên Tập, phiên hành hương thứ ba của Giáo hạt Tây Bắc Phú Thọ đã diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và chan hòa ơn thánh. Hơn 130 tín hữu thuộc chuẩn xứ Hương Tran, cùng quý cha, quý thầy, và quý dì, đã quy tụ để hiệp dâng Thánh lễ và cử hành nghi thức hành hương Năm Thánh 2025.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log