Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B

Cập nhật lúc 21:17 30/11/2017
Suy niệm 1
Hãy tỉnh thức và cầu nguyện
---------------------------   
Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm qua các bài đọc của phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Qua đó, Chúa muốn nói gì khi chúng ta bước vào MÙA VỌNG:
Bài đọc I nói về việc dân Do-thái trở về quê hương, sau một thời gian dài lưu đày ở Babilon. Nhiều công việc trọng đại đang chờ đợi họ: Thành Giêrusalem cần phải xây dựng lại. Sau một thời gian sảng khoái vì được giải phóng, sự chán nản lại rình chờ họ. Cuộc sống của dân ngoại chung quanh xem ra là quá dễ dãi cho họ. Tiên tri Isaia an ủi họ bằng cách nhắc nhớ rằng Thiên Chúa không bỏ rơi họ, nhưng điều quan trọng là Thiên Chúa giải thoát họ khỏi tội tỗi và nuôi dưỡng niềm hy vọng của họ.
Bài đọc II, Thánh Phaolô cũng đã dùng lời Tiên tri Isaia để nhắc nhớ tín hữu Corinto, ngài nói: Thiên Chúa đã đổ đầy ơn huệ và sự giàu có của Người cho chúng ta. Nếu chúng ta vâng nghe Chúa Kitô, thì đó là một sự giải phóng đích thực.
Vâng theo Chúa Kitô là thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta câu trả lời.
Trước hết Chúa Kitô yêu cầu chúng ta hãy luôn sống tỉnh thức. Nhìn chung, trong một thế giới hôm nay đầy dẫy những hưởng thụ, chúng ta thường chỉ nghĩ đến hiện tại, nhìn cái rất gần miễn làm sao được thỏa mãn, mà không lo nghĩ đến ngày trọng đại Chúa Kitô đến lần thứ hai.
Vâng theo Chúa Kitô, là luôn đứng vững vào bất cứ thời gian nào: “Các con hãy tỉnh thức vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về tình lình, bắt gặp chúng con đang ngủ.”
Như vậy, Chúa Kitô mời gọi chúng ta ĐỢI CHỜ. Chúng ta biết rằng hôm nay chúng ta bước vào MÙA VỌNG, mùa ĐỢI CHỜ.
- Đợi chờ cái gì? Đợi chờ chúng ta chết ư?
- Đợi chờ ngày tận thế sao? Và đợi chờ ai?
- Đợi chờ Chúa lần thứ hai trong vinh quang của Ngài ư?
Tất cả những đợi chờ như thế đều ám chỉ Chúa Kitô sẽ đến. Chúng ta không nghĩ tới một ngày nào đó chúng ta sẽ phải bỏ tất cả những gì thuộc trái đất này để đi vào một cuộc sống khác, một cuộc sống kéo dài vĩnh viễn sao?
Chúng ta lo lắng, bực mình và kiệt sức vì công việc để chuẩn bị cho tuổi già nhàn nhã và tiện nghi… Nhưng bỗng chốc, có thể Chúa gọi chúng ta đó. Hãy sống đúng cái hiện tại mà chúng ta là! Đó là cách thế ĐỢI CHỜ tốt nhất và bình an nhất.
Sống đúng cái hiện tại của chúng ta là sống theo tiếng lương tâm. Ngủ về đời sống thiêng liêng, là khi chúng ta mất dần phản xạ mình là một kitô hữu. Điều mà chúng ta phải làm, chúng ta lại nhìn nhận cách hời hợt, rên rẩm và tùy tiện… Dần dần ánh sáng của Tin Mừng trở nên yếu ớt và tắt dần… Nói đúng hơn, chúng ta đã đánh mất niềm vui của Tin mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Niềm vui tin mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Đức Kitô”      
Chúng ta hãy ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính chúng ta và không ngừng thổ lộ tâm tình với Ngài. Ngài yêu chúng ta. Ngài quan tâm đến chúng ta và Ngài muốn chúng ta quan tâm đến Ngài.
Vì thế, điều quan trọng là chúng ta hãy không ngừng tỉnh thức. MÙA VỌNG là thời gian chúng ta cử hành việc Chúa Kitô đến nhiều cách khác nhau trong đời sống chúng ta và trên thế giới: từ việc Chúa đến lần thứ nhất là ngày Chúa sinh ra tại Belem tới ngày chúng ta sẽ thấy Ngài đến trong vinh quang trên các tầng mây, ngày tận thế. Đó là chuỗi dài của thời gian: Ngài đã đến, Ngài sẽ trở lại và Ngài đang đến.
Lúc này, Ngài đang đến với tôi, lúc tôi đang là, lúc tôi đang làm, nếu trái tim tôi sẵn sàng để Ngài đến với tôi bằng mọi cách.
- Người kitô đích thực là người sẵn sàng để Chúa đến viếng thăm và chú tâm đến những dấu chỉ của thời gian, sự tiến triển của thế giới hướng về ngày Chúa đến trong vinh quang.
- Người kitô đích thực là người sống tốt điều mình đang sống.
Bài Tin Mừng hôm nay nói tới từ NỬA ĐÊM… Theo Kinh Thánh, nửa đêm ám chỉ thế giới trần gian này trái ngược với thế giới mai: thế giới trần gian này vẫn còn u tối, thế giới mai sau, mới  là một thế giới đầy ánh sáng. Tin Mừng nói rằng chúng ta phải tỉnh thức trong đêm, điều đó muốn nói rằng tất cả mọi cái tồn tại của chúng ta ở trái đất này luôn phải giãi bày ra trong tỉnh thức. Chúa Kitô là ánh sáng và Ngài đã đến để chúng ta bước đi trong ánh sáng. Chúa Kitô đã nói: “Ai theo Tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối”. Chúa Giêsu kéo chúng ta ra khỏi bóng tối nếu chúng ta bước đi theo Ngài.
Theo Chúa kitô là chúng ta phải luôn sống theo Tin mừng của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta giúp đỡ và chiến đấu vì công lý. Qua phần phụng vụ hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta bồi dưỡng đức tin mình để sống tốt hơn và chuyển tải đức tin tốt đó cho người khác.
Chúa Giêsu đang đến giúp chúng ta mang gánh nặng do công việc và tật bệnh của mỗi người, làm cho đời sống chúng ta và cả tuổi già chúng ta thành một cuộc sống đi lên.
Lạy Chúa Giêsu, vào một ngày nào đó Chúa đến với chúng con. Nếu lúc đó, chúng con nhiệt tình trả lời cho Tin mừng Nước Chúa, thì thật hạnh phúc cho chúng con!.
Nhưng qua dòng thời gian, thói quen hằng ngày làm suy yếu lòng nhiệt thành của chúng con và chúng con không gìn giữ tình yêu Chúa trong con tim chúng con…
Ôi Giêsu, xin thức tỉnh trong chúng con niềm khát khao trở về với Chúa, giũ bỏ gánh nặng hèn nhát, lười biếng của chúng con để chúng con sẵn sàng canh tân nhờ ngọn lửa tình yêu Chúa trong tinh thần chờ đợi Chúa đến.
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con chính Chúa để chúng con được sống. Trong Chúa, chúng con được mạnh sức, nhưng xa Chúa, chúng con trở nên yếu đuối.
Ước gì Thần Khí Chúa luôn khơi lại ngọn lửa và lòng nhiệt thành trong chúng con hướng về nhà Chúa. Ước gì Mùa Vọng mới này làm cho chúng con thành người trung thành tỉnh thức để khi Chúa đến, Chúa vui mừng vì chúng con đang tỉnh thức.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
=======================
Suy niệm 2
CHỜ ĐỢI NHƯNG PHẢI TỈNH THỨC
(Is 63, 16b-17.19b. 64, 2-7; 1 Cr 1, 3-9; Mc 13, 33-37)
Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên Viên Phủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp đậy mở được.
Khách  đến  chơi trông thấy cười và nói rằng:
-“Ngài chế ra cái này dùng để làm gì?”.
Vị sư trả lời:
- “Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ: người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời chẳng biết cái chết là gì!
Như ta đây, mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong lòng được yên ổn, mà muôn nghìn sự tư lự đều biến tan đi” (trích trong sách Lẽ Sống).      
Nhà sư Viên Phủ Trung quả là một con người biết đón chờ cái chết trong sự tỉnh thức:
1. Mùa Vọng là gì?
Hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta bước vào Mùa Vọng.
Nói đến Mùa Vọng, người ta nghĩ ngay đến sự chờ đợi. Nhưng là chờ đợi trong hy vọng.
Nơi cuộc đời của mỗi người, chúng ta cũng đã trải qua rất nhiều lần chờ đợi, hay chính bây giờ, vẫn đang chờ một cái gì đó!
Sự chờ đợi có thể là tích cực, và cũng có thể là tiêu cực.
Nếu sự chờ đợi mà biết chắc nó sẽ đến, thì trong lòng luôn háo hức, mong ngóng và đợi trông giây phút đó sớm đến. Khi đến, nó sẽ đem lại niềm vui mừng khôn xiết.
Nếu sự chờ đợi mà biết chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra thì đây là một sự chờ đợi trong thất vọng.
Với người Công Giáo, Giáo hội mời gọi con cái mình sống tinh thần Mùa Vọng trong niềm vui vì chúng ta có niềm hy vọng nơi sự chờ đợi.
Niềm hy vọng ấy là: ngoài việc sống lại tinh thần của dân Dothái khi xưa đón đợi Chúa Cứu Thế, chúng ta còn được mời gọi sống tinh thần đón đợi Ngài đến với mỗi người cũng như nhân loại qua ngày cánh chung lần thứ hai trong vinh quang, oai hùng, khải hoàn với tư cách là vị Vua quyền năng, chí công và xót thương để phán xét và thưởng công mỗi người.
Như vậy, sống tinh thần Mùa Vọng không chỉ dừng lại nơi quá khứ để hoài niệm về một biến cố! Nhưng nó còn đi xa hơn, đó là giúp chúng ta đi vào trọng tâm của sứ điệp yêu thương mà Thiên Chúa ban tặng cho con người nơi Mầu Nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Từ đó, chúng ta được mời gọi chuẩn bị tâm hồn thật tương xứng với hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng cho con người.
2. Chờ đợi nhưng phải thức
Như đã trình bày ở trên, Mùa Vọng là mùa chờ đợi, nhưng sự chờ đợi của chúng ta phải luôn gắn liền với tinh thần tỉnh thức.
Tuy nhiên, tỉnh thức như thế nào cho xứng hợp với tinh thần của Mùa Vọng?
Thưa, trước hết: cần loại bỏ những thứ đam mê của tội lỗi. Nếu mải mê và chạy theo cám dỗ và ngủ lỳ trong tội, thì con người sẽ trở nên bạc nhược. Bởi vì, tội lỗi được ví như bức màn che lấp con mắt tâm linh; như hòn đá cản lối bước đi; như đám bèo cản dòng sông chảy….
Thứ đến: cần loại bỏ danh vọng. Danh vọng là thứ rất hấp dẫn con người. Nó làm cho con người nhiều khi mất cả nhân cách để đi tìm cho được danh vọng. Vì thế, đã không ít người tìm đủ mọi cách như nói xấu, vu vạ người khác, hay mua chuộc, kéo bè kéo cánh…, để miễn sao đạt được danh vọng. Tuy nhiên, có những thứ danh vọng hão huyền, nhưng con người lại cứ mê mẩn chạy theo. Chính vì vậy nên họ đi hoài, đi mãi mà không tới đích, đến khi hết giờ mới chợt nhận ra mình đã đi theo ảo vọng.
Tiếp theo: cần loại bỏ những bóng đêm của ham mê xác thịt. Hấp lực của giới tính nó có thể làm thăng hoa con người, để mỗi người sống hài hòa với nhau và cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng. Tuy nhiên, nó cũng là con dao hai lưỡi cho những ai thượng tôn nó! Khi đã ưu tiên cho nó ở vị trí đặc biệt, thường nó sẽ làm cho chúng ta nhu nhược và sa đà vào những con đường ăn chơi sa đọa, làm mất đi ý nghĩa nguyên thủy khi lý trí đã bị thuần hóa….
Hơn nữa: cần loại bỏ thói ích kỷ. Ích kỷ là chỉ biết nghĩ cho mình, không biết quan tâm đến người khác. Người sống trong sự ích kỷ được ví như con ốc thu mình trong cái vỏ bọc dầy cộm của mình, nên họ thường hay rơi vào tình trạng bảo thủ, kiêu ngạo và thiếu sự liên đới, quan tâm đến anh chị em. Sự ích kỷ được ví như con đường cụt, hay ao tù. Nó sẽ làm cho con người bị cùng đường không lối thoát hay phải sống chung với những xú uế nhơ nhớp….
Cuối cùng: loại bỏ những tham lam về tiền của cách thái quá. Người ta thường nói: đồng tiền liền với ruột. Vì thế, con người thường chạy đua trong cuộc chiến kiếm tiền. Vì tiền, nhiều người đã bất chấp tất cả, ngay cả khi phải cướp đi mạng sống của người vô tội; hay buôn gian bán lận; lừa đảo…. Chính vì thế, đồng tiền nó đã làm lu mờ lương tâm, và lẽ tất yếu, không còn nhạy bén với ơn Chúa nữa.
Như vậy, chúng ta có thể nói, Mùa Vọng là mùa tỉnh thức. Tuy nhiên, tỉnh thức là phải biết phân định để chọn cho mình những gì phù hợp với giá trị Tin Mừng.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Trong đời sống thực tế hôm nay nơi con cái của Giáo Hội cũng như của nhân loại nói chung, người ta quá dửng dưng với tinh thần tỉnh thức. Người ta rất ngại nói hay bàn tới những chuyện đạo đức! Như vậy, đồng nghĩa với việc con người ít quan tâm đến chuyện đời sau!
Nhiều người có suy nghĩ rằng: đời còn dài, chưa đi đâu mà vội! Vì thế, họ thường viện đủ mọi lý do để “đáo hạn” với Chúa.
Tuy nhiên, sự thật đã chứng minh cho thấy: đã có biết bao cuộc ra đi quá bất ngờ! Mới tối qua còn chung mâm, đêm chung giường, thế mà sáng dậy, một người đã ra đi vĩnh viễn. Hay cũng có những trường hợp vừa mới tay bắt mặt mừng vì những thành công, chiến thắng…, nhưng chỉ trong chốc lát, tin tử nạn đã được báo về. Hoặc có biết bao người khỏe mạnh, béo tốt, nhưng chỉ một cơn gió thoảng qua cũng đã làm cho họ trở nên bất động. Rồi biết bao người làm lớn, lắm tiền, nhiều bạc, ăn uống sung túc, cuộc sống giàu sang…, nhưng chỉ tích tắc đã để lại tất cả và ra đi với hai bàn tay trắng!
Từ những thực tế ấy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay gửi đến cho mỗi chúng ta, đó là: “Hãy tỉnh thức”; “hãy sẵn sàng”.
Tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Ngày đó đến như kẻ trộm lúc đêm khua; như câu chuyện lụt hồng thủy thời ông Noe; thình lình như chuyện hai người đàn ông đang làm ruộng hay hai người đàn bà đang kéo cối xay, một người được đem đi và người kia bị bỏ lại.
Nếu không tỉnh thức, chắc chắn chúng ta sẽ không thể là người được cứu sống như những người được ở trong tàu ông Noe. Không tỉnh thức, căn nhà tâm hồn của chúng ta cũng sẽ bị đào ngạch, khoét vách để kẻ trộm lấy đi những giá trị tâm linh của mình. Và, nếu không tỉnh thức, chúng ta cũng sẽ bị để lại như những người bất hạnh....
Mong sao trong Mùa Vọng này, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để thức tỉnh lương tâm, biết nhạy bén với những dấu chỉ để ăn năn sám hối, ngõ hầu không bị vướng mắc vào cạm bẫy của ma quỷ khi chủ trương cho rằng: đời còn dài, cứ ăn chơi trác táng, đến đâu lo đến đó. Nghĩ như thế, ấy là chúng ta đã mắc câu của Satan, và lẽ tất yếu, mỗi người sẽ phải lãnh bản án mà Thiên Chúa cũng đã dành cho thế giới của chúng khi xưa, đó là bị ném vào nơi khóc lóc và nghiến răng.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết tỉnh thức để đón đợi ngày Chúa đến với chúng con trong vinh quang của ngày cánh chung với tâm hồn trong sạch và tinh thần sẵn sàng. Amen.
 
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP.
 
======================
Suy niệm 3
Mong Mùa Vọng, Mùa Của Chờ
(Mc 13, 33 - 37) 
Kính thưa cộng đoàn,
Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latinh là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.
Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do chữ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : “Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi”, và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van: “Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống”.
Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mang tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.
Mùa Vọng trong Kinh Thánh
Các bài đọc Thánh lễ trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Ðức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Ðức Chúa. Lòng kính sợ Ðức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở...” (Is 11, 1-10).
Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng cũng nhắc lại việc Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế: thiên thần Gabriel hiện ra với Đức Maria và báo cho Mẹ biết rằng : “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (...) Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1, 26-38)
Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28).
Như thế, Mùa Vọng kêu gọi người kitô hữu cải hóa nội tâm. Những việc cử hành thánh thường xuyên nhắc nhở chúng ta canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở nên men giữa lòng thế giới.
Mùa Vọng 
Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi Chúa nhật với tên gọi truyền thống đặc thù của nó gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu:
- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )
- Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus Sion... (= Này hỡi Dân Sion…)
- Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)
Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng
Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Con Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Người tái lâm là chiều kích thứ hai (Mc 13, 33-37).
Lời Chúa nói với các môn đệ: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào” (Mc 13, 33), cũng nói với chúng ta: “Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13 37). Chúa mách bảo chúng ta phải luôn trong tư thế của người đợi chủ: “đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành … và căn dặn …lo tỉnh thức” (Mc 13, 34). Vì chủ về bất ngờ nên “coi chừng và tỉnh thức” là thượng sách.
Chẳng nói đâu xa, năm 2012, người ta đang dự kiến ngày tận thế là ngày 23 tháng 12 tính theo lịch của dân Maya, nhiều người trên thế giới đã lo lắng vì lời đồn đoán ấy, họ đi mua nến, mua dầu, mua mì tôm... Người ta sợ phải lìa bỏ cái thế giới thân yêu này, cho dù nó vẫn còn nhiều khổ não. Trong thời đại của chúng ta không thiếu các thiên tai, chiến tranh, bạo lực. Phải chăng đó là dấu hiệu của ngày tận thế?
Chúa Giêsu xác nhận sẽ có ngày tận thế, nhưng không phải để tan biến thành hư vô. Sẽ có những dấu hiệu làm nhiều người hoang mang sợ hãi, nhưng đối với các tín hữu, đó là dấu hiệu vui mừng vì mình sắp được cứu độ. Chúa mời gọi chúng ta : Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ (Mc 13, 35-36).
Chuẩn bị lễ Giáng Sinh, mỗi chúng ta tự hỏi: mình đang chờ đợi điều gì? Trong lúc này của đời ta, con tim ta đang hướng về đâu? Ta có tỉnh thức không? Hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Đức Giêsu ngự đến lần thứ hai, Người thấy chúng ta đang tỉnh thức vì đã không uổng công trông đợi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ “đầy ân sủng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, xin giúp chúng con sẵn sàng đón Chúa Giêsu Con Mẹ.
Lạy Chúa, “xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống” (Is 63, 19). Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log