Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm CN 34 - Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

Cập nhật lúc 16:45 23/11/2017
Suy niệm 1
“Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn. Ta khát các ngươi đã cho Ta uống” 
-----------------------
Khi một chính thể hay một người lãnh đạo nào vừa mới được bầu hoặc được xếp sắp trước, nhiều người đua nhau chứng tỏ khả năng của mình, nịnh hót chính thể mới và người lãnh đạo mới đó để được vào một vị trí nào đó quan trọng… Trong Nước Trời, hoàn toàn không phải là như vậy. Tôn vinh Chúa Kitô Vua trong vương quốc của Ngài phải được thể hiện bằng sự thật của con tim… Để vào trong vương quốc này, chỉ một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: Chúng ta đã thấy Chúa Kitô khi Ngài tương quan đối với người khác như thế nào? Chúng ta có giống Ngài trong mối tương quan đó không? Nói tóm lại, chúng ta sẽ bị phán xét về TÌNH YÊU.
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay:
Bài đọc I: Tiên tri Ezekiel, khi lưu đầy ở Babylon, loan báo rằng một ngày nào đó Vị mục tử nhân lành sẽ đến, Đấng chăn chiên đích thực sẽ hướng dẫn nhân loại trên con đường tốt đẹp của Ngài… Ngài sẽ là một người phục vụ quan tâm đến mọi nhu cầu của đoàn chiên, phục vụ những con chiên yếu ớt nhất, yêu mến chăm chú đến những con chiên khỏe mạnh và tìm kiếm những con chiên lạc mất.
Bài đáp ca: Ca ngợi vị Mục tử về cách dẫn dắt đoàn chiên. Ngài giúp đoàn chiên vượt qua mọi cản trở và đảm bảo mọi nhu cầu cần thiết cho đoàn chiên.
Bài đọc II: Thánh Phaolo nói về ngày tận thế và sự sống lại của những người đã chết. Chính nhờ vào sự sống lại của Chúa Giêsu, Chúa dẫn tất cả những ai đã theo Ngài đi vào nhà Cha trên trời. Bấy giờ vương quyền Ngài xuất hiện trong một thế giới không còn chết chóc, Thiên Chúa là tất cả trong mọi người.
Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ của Ngài hướng tới những biến cố vĩ đại sẽ hiện ra ở xa xa. Khi các ông vẫn còn nuôi hy vọng Đấng Mesia sẽ là một vua thế tục. Chúa Giêsu báo cho họ biết Ngài sẽ trở lại lần thứ hai trong huy hoàng có các đạo binh Thiên thần hầu cận và Ngài sẽ tách con người thành hai loại: những người bên phải là chiên thì được vào vinh quang muôn thuở, còn những ai bên trái là dê thì phải luận phạt vĩnh viễn.
Ngày đó, chúng ta sẽ có thể vẫn mang danh con chiên, nhưng thực chất là con dê,
- Nếu chúng ta khinh chê người nghèo hèn và yếu đuối.
- Nếu chúng ta gây chia rẽ giữa người này và người kia.
- Nếu chúng ta chỉ vì đồng tiền mà quên đi tất cả mối quan hệ gia đình và cộng đoàn.
- Nếu chúng ta chỉ vì quyền bính: không nâng đỡ người tội lỗi mà chỉ tìm cách trù dập.
Ngày mà chúng ta vĩnh biệt cõi thế cũng là ngày Chúa Kitô trở lại với mỗi người chúng ta. Ngài sẽ đến đón chúng ta đi vào đời sống vĩnh cửu. Cái chết là một trạm nghỉ để vượt qua. Cái chết là cửa của sự sống. Nhưng chúng ta phải biết rằng không phải là Thiên Chúa sẽ xếp chỗ cho chúng ta... Khi đối diện với Thiên Chúa, Đấng Tinh Tuyền Muôn Thuở, chúng ta không dám đến với Ngài ngay, mà chỉ muốn đền tội, muốn tinh tuyền… Chính chúng ta, chúng ta sẽ bị phán xét về tình trạng của chúng ta. Liệu lúc đó chúng ta sẽ ở giữa những con chiên bên phải hay là giữa những con chiên bên trái. Chúng ta hãy sẵn sàng ngay từ bây giờ!
Chúa Kitô đã nhập thể, Ngài cũng là một người như chúng ta. Ngài sẽ đến trong vinh quang của Ngài để phán xét những ai đã không nhận ra Ngài nơi người nghèo và người nhỏ bé.
- Chúng ta đã sẵn sàng đón nhận Ngài chưa?
- Ngọn đèn của chúng ta luôn có đầy dầu không?
- Chúng ta có thành thật sinh lời những khả năng và tài trí mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta không?
- Chúng ta đã sẵn sàng đón nghe lời Chúa để nhận ra Ngài không?
Chúa Kitô đồng hóa Ngài với người nghèo và người bé nhỏ. Tin Mừng cống hiến cho chúng ta sự tương phản kỳ diệu này để giới thiệu cho chúng ta một Vị Vua đến trong không trung có cơ binh thiên thần hầu cậnmột vị vua công bố rằng Ngài ở trong những người đói khát, ốm đau… và tù đầy.
Chúng ta có một thân thể nhiệm mầu, mà Chúa Kitô là Đầu và chúng ta là những chi thể. Các môn đệ rất muốn biết chính xác về ngày phán xét. Chúa Giêsu nói rõ cho họ biết ngày phán xét đó sẽ hoàn tất như thế nào, còn ngày phán xét vào ngày nào, thì Ngài trả lời cho họ: “Ngày và giờ xẩy ra biến cố này, không ai biết cả, các thiên thần trên trời và Con Người cũng không biết, ngoại trừ Chúa Cha”.
Ngày phán xét đích thực, đó là NGÀY HÔM NAY. Vì chưng Chúa Kitô  được nối dài trong những người nhỏ bé nhất, và đau khổ nhất. Nơi những người này, chúng ta gặp thấy Chúa Kitô, vì triều đại của Ngài được liên kết với công bằng và bác ái.., Sự công bằng và bác ái mà chúng ta thực hiện hằng ngày đối với người nghèo, người đau khổ, là cho Chúa Kitô. Thế giới chúng ta đang sống, có biết bao người đã là chứng nhân nổi tiếng trong việc phục vụ Chúa Kitô nơi những con người nhỏ bé và nghèo khó như Jean Vanier, và đặc biêt là mẹ Maria Calcuta.
Lạy Chúa Giêsu, Thiên Chúa của con! Con nhận biết Chúa làm Vua của con! Mặc dù Triều Đại Chúa chưa đến, chúng con vẫn công bố và loan báo. Nước Chúa là triều đại công chính và bình an. Triều đại Chúa không phải là sự chiến thắng của những ai quyền lực. Triều đại Chúa đặt sự thật của con tim và tính xác thực của hành động trong ánh sáng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa ẩn mình trong dáng vẻ nơi anh em những người nghèo khổ nhất và Chúa thử thách tình bác ái của chúng con.
Lạy Chúa, xin hãy đến giúp con! Xin hãy mở con tim con để con biết thương cảm trước những khuôn mặt biến dạng nhất và bị bỏ rơi nhất. Lạy Chúa Giêsu, VUA TÌNH YÊU, xin dạy con biết YÊU như Chúa YÊU!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

======================== 
Suy niệm 2
NƯỚC CỦA ĐỨC GIÊSU Ở CHỐN NÀO?
(Ed 34,l1- 12.15- 17; 1 Cr 15,20- 26a.28; Mt 25, 31- 46)
Ngày nay trên thế giới, rất ít nước còn chế độ quân chủ, vì thế, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Ấy vậy mà đạo Công Giáo hằng năm lại mừng lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ! Tại sao vậy? Và, Đức Giêsu làm Vua như thế nào? Chúng ta có thuộc về dân trong đất nước của Ngài không?
1. Vị Vua Lạ Lùng
Mỗi khi mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu như là điểm quy chiếu, như cái tâm trong vòng tròn; như cùng đích của con người. Bởi vì Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa. Ngài là khởi đầu và cùng đích, là Anpha và Ômêga. Là Chủ Vũ Trụ; là Vua các vua, Chúa các chúa. Ngài làm Vua trong sự toàn thiện, hoàn mỹ.
Tuy nhiên, khi nói đến Đức Giêsu là Vua, chúng ta thấy Ngài là một vị Vua không như các vua chúa trần gian! Ngài là Vua, nhưng là một vị lạ lùng!
Lạ lùng lúc sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Rong ruổi bôn ba khắp ngả đường. Đến nỗi: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20). Không thành quách, cung điện ngọc ngà.
Khi tổ chức vương triều thì lại không binh lính, cũng chẳng có kẻ hầu người hạ, lại càng không dùng vũ khí, sử dụng quyền lực, binh đao.
Ngược lại, cung điện lại được đặt trong lòng mỗi con dân. Thành quách là sự liên đới. Lãnh đạo bằng tình yêu và tha thứ. Luôn phục vụ người khác thay vì được người khác phục vụ mình.
Nhưng có lẽ điều làm cho người ta chú ý nhất đến Vị Vua hy hữu có một không hai này chính là: khi được mọi người tôn vinh làm vua thì không muốn, nên tìm cách trốn tránh. Đến khi mọi người thù ghét, bôi nhọ, bêu riếu, chẳng ai bênh vực, đỡ nâng và không ai muốn trao Vương Quốc cho mình thì lại khẳng khái tuyên bố mình là Vua và đến thế gian này chỉ vì một mục đích là làm chứng cho sự thật (x. Ga 18, 36).
Tuy nhiên, ngược đời ở chỗ: Nước của Vị Vua ấy lại “không bao giờ cùng” “vô biên cương”, “không ranh giới” “không thuộc thế gian này”.
Trong nước ấy, chỉ có sự thật, công lý, bình an và tình yêu ngự trị. Thần dân là tất cả những ai thuộc về đặc tính trên (x. Ga 18, 36).
Tất cả những điều lạ lùng đó, Đức Giêsu muốn mặc khải cho chúng ta biết: Ngài là Vua sự thật; đồng thời, Ngài mời gọi chúng ta đứng về phía sự thật để được gia nhập đoàn dân của những người yêu mến công lý.
2. Vua Sự Thật
Sự thật mà Đức Giêsu mang đến và mời gọi là gì? Thưa, đó là: mặc khải cho nhân loại biết sự thật, một sự thật được xây dựng trên tình yêu. Vì thế, Ngài đã chấp nhận đánh đổi ngay cả mạng sống của mình để biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.
Thật vậy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Khi Ngài đến, Ngài đã yêu thương họ đến cùng và chấp nhận đánh đổi chính cái chết trên thập giá để làm chứng cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi, nghèo khó, bị áp bức, bóc lột... Vì tình yêu không giới hạn và vô biên, nên Đức Giêsu đã gọi những người đó là bạn hữu và chấp nhận chết cho bạn hữu của mình được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,7-10; 15, 9-15). Quả thật: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13)
Sự thật ấy nhằm diễn tả đặc tính của tình yêu trong một Vương Quốc khác chứ không phải nơi trần gian.
Điều này đã được Đức Giêsu nói trước quan Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Dothái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này" (Ga 18, 36).
Vì thế, vinh hoa, phú quý, sung túc, sang giàu, quyền lực và ngay cả sự sống trần gian này chẳng đáng gì đối với sự sống vĩnh cửu trong Nước của Chúa.
Và, như một sự tất yếu, muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Trong thời đại hôm nay, việc sống chứng nhân cho sự thật không phải là chuyện dễ! Lại càng khó hơn nữa khi trong một xã hội tình yêu luôn bị đánh cắp, nghi ngờ và bị lợi dụng!
Bởi vì: người ngay thẳng, trung thực thì thường thua thiệt, và bị coi là ngu dốt, còn kẻ gian dối lại được coi là khôn ngoan... Sống man trá mà thành công thì được tưởng thưởng, còn vì sự thật mà bị thất bại thì bị khiển trách...
Đứng trước một xã hội như thế, hẳn sống đời chứng nhân cho Chúa quả là khó! Tuy nhiên, dù khó, chúng ta vẫn phải thi hành vì đây là hành vi mang tính quyết định thuộc về hay khước từ... Khi sống vì chân lý, ấy là lúc chúng ta chấp nhận lội ngược dòng để làm chứng cho sự thật và tình yêu của Thiên Chúa trong bối cảnh hiện nay.
Thật vậy, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người được trở thành thần dân của Đức Giêsu và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, đồng thời được mời gọi sống đặc tính của Nước ấy trong cuộc sống đời thường của mình. Vì thế, hẳn chúng ta phải mặc lấy Ngài và những tâm tình của Ngài như: từ bi, nhân hậu, hiền lành, nhẫn nại, bao dung, chết đi cho tính xác thịt, ý riêng và ra khỏi chính mình, từ bỏ tính kiêu ngạo, hống hách để cúi xuống rửa chân cho cả kẻ thù. Sẵn sàng yêu thương, làm phúc cho kẻ đói ăn, khát uống. Nâng đỡ những người thấp cổ bé họng, chân yếu tay mềm, nhân phẩm bị trà đạp...
Quyết tâm đứng lên để bảo vệ những người không có tiếng nói... Chấp nhận vì sự thật mà bị bách hại, vu khống đủ điều xấu xa.
Nếu thế gian chống đối lại sự thật, vì sự thật làm cho họ thua thiệt, thì chúng ta, không bao giờ được thỏa hiệp với bất công dù dưới bất kỳ hình thức hay nhãn giới nào...
Khi làm chứng cho Đức Giêsu trong sự thật như thế, hẳn chúng ta sẽ không thể thoát được số phận phải chết như Thầy của mình, tuy nhiên: "... can đảm lênThầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33). Thật thế, chỉ trong sự thật, chúng ta mới được vào Nước Trời và được Đức Giêsu tuyên bố nhận chúng ta trước mặt Chúa Cha và Triều Thần Thiên Quốc: "Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta" (Mt 25, 34-37).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Vua Vũ Trụ, xin cho con được yêu mến và ham thích đường lối sự thật và tình yêu của Chúa, đồng thời biết chia cơm sẻ bánh cho người nghèo khổ.
Ước gì khi làm những điều đó trong lòng mến, chúng con sẽ được vào Vương Quốc của Vua tình yêu và sự thật để được sống đời đời. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển 
 
==========================
Suy niệm 3
GIÊSU VUA TÌNH YÊU
(Mt 25, 31- 46) 
Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội long trọng cử hành lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ với niềm vui khôn tả và quả quyết rằng Người là Vua Tình Yêu và là Chúa chúng ta. Vua của Vương Quốc Yêu Thương và An Bình. Hôm nay, Vị Vua ấy nói với chúng ta về cuộc phán xét tình yêu. Khi sử dụng ẩn dụ chiên - dê, Người cho chúng ta thấy rằng đây sẽ là cuộc phán xét về tình yêu.
Chỉ có tình yêu là điều đáng kể, nên thánh Ignatiô Loyola chiêm niệm để đạt được tình yêu, và ngài khuyên chúng ta cần phải đặt tình yêu vào trong lời nói và việc làm của mỗi người. Tin Mừng chỉ rõ, mỗi việc bác ái chúng ta làm, là làm cho chính Chúa: " Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với" (Mt 25,34-36). Hơn nữa, "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,40).
Cuộc phán xét tình yêu, đưa chúng ta trở về với thực tại chân đặt trên đất, đầu ngẩng lên nghe Chúa Kitô phán xét. Vương triều của Chúa Kitô rất khác với chuyên quyền trần thế, bởi tình yêu là tiếng nói cuối cùng còn tồn tại.
Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ý nghĩa của vương quốc hay quyền lực là để phục vụ người khác. Người khẳng định rằng Người là Chúa, là Thầy (Ga 13,13), và là Vua (Ga18,37), nhưng Người đã thi hành chức năng Thầy của mình bằng cách rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,4 ), và trao ban mạng sống mình. Chúa là Vua cai trị bằng sự khiêm nhường nằm trong (máng cỏ!) và bước lên ngai vàng là Cây Thập Giá.
Trên Thánh Giá có một bảng chữ viết rằng: "Giêsu Nagiarét, Vua dân Do Thái" (Ga 19,19), cái bên ngoài khẳng định mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu cai trị trên cây Thánh Giá và phán xét chúng ta bằng tình yêu, như thánh Gioan Thánh Giá đã nói:  "Anh chị em sẽ bị xét xử về tình Yêu".
Câu hỏi được đặt ra : Vua Tình Yêu phán xét thế nào ? Khi Chúa Giêsu giáng lâm, tất cả mọi người tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hảo hay ác độc, đều có mặt để Người xét xử. Tiêu chuẩn là tất cả những gì chúng ta thực hiện cho anh em. Chính người tuyên án: "Mỗi lần các ngươi đã làm (hay các ngươi đã không làm) cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm (hay các ngươi đã không làm) cho chính Ta" (Mt 25, 40.45). Vì thế, cái gì sẽ xảy ra cho những kẻ không những không cho kẻ đói ăn, mà còn cướp lương thực khỏi họ; không những không tiếp rước khách lạ, mà còn là nguyên nhân làm cho người khác trở nên khách lạ.
Chúng ta không thể chiếm lấy gia nghiệp nước trời đã chuẩn bị từ tạo tiên lập địa cho những ai phục vụ trong yêu thương. Chỉ người sống yêu thương mới có chỗ trong triều đại sự sống và chân lý, ân sủng và thánh thiện, công chính, yêu thương và an bình.
Ai trong chúng ta cũng muốn vào Vương Quốc ấy. Lời cầu nguyện Ca hiệp lễ kết thúc bằng lời cầu xin: "cho hết mọi loài thọ sinh (…) biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng".
Để được vào, chúng ta phải phấn đấu. Nếu Đức Kitô Vua đã chiến đấu cho đến chết, thì các thần dân cũng phải chiến đấu. Vì thể chế xã hội loài người không muốn Đức Kitô cai trị trên họ nên họ chiến đấu chống lại Đức Kitô.
Nếu chúng ta là thần dân của Đức Kitô, chúng ta phải cầm vũ khí tốt để chiến đấu, vũ khí ấy là: tình yêu, chuyên cần cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các bí tích, sự chúc lành của Thiên Chúa chỉ cho chúng ta trước cuộc chiến đấu, biết chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa và của Đức Kitô trên mọi sức mạnh của sự dữ.
Chúng ta chỉ còn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Vua Kitô, sống trung thành với Người như những tôi tớ, can trường trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến, để một ngày kia, chúng ta có thể nghe Vua Kitô nói với chúng ta rằng: "Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ" (Mt 25, 34).
Chắc một điều là Chúa đến phán xét mọi người. Nhưng "đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến" (2Tim 4,8), thì Người sẽ là Ðấng Cứu độ và là vinh quang. Còn khi chúng ta từ chối lẫn nhau và quay lưng trước những bất hạnh tinh thần và thể xác của anh em đồng loại thì cũng là lúc chúng ta rời xa Chúa Giêsu, rời xa Thiên Chúa trong ngày sau hết.   
Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, là Vua trên hết các vua, Chúa các chúa, Vua của vũ hoàn. Chúng con cùng với muôn loại thụ tạo cung chúc tôn thờ và cảm tạ. Xin cho đời chúng con thành lời ca ngợi, luôn làm theo ý Vua vũ hoàn với cả tình yêu, nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân. Lạy Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, xin dâng Chúa quyền lực, vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa Cha đến muôn đời. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log