Mt 25, 1-13
-----------------------------------
Sống trong thế giới hôm nay, phải chăng tất cả chúng ta đang xếp hàng lên toa tầu của cuộc đời mà không biết mình đi đâu ư? Trong các chủ nhật cuối của năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta nên khôn ngoan đặt cho mình những câu hỏi nền tảng và thực tế:
- Chúng ta đi đâu và toàn thể nhân loại đang đi về đâu?
- Ý nghĩa cuộc đời của chúng ta là gì?
- Cái gì là ưư tiên số một cho chúng ta?
- Điểm cuối cùng của con người là gì?”.
1- Cuộc sống, đó là chết
Sự khôn ngoan đích thực, đó là đừng bao giờ chúng ta quên rằng cuộc sống hôm nay không phải là cuộc sống đích thực, nhưng là một cuộc hành trình không thể tránh khỏi để hướng về cái chết. Chiếc nôi mà khi chúng ta mới sinh ra đặt vào đó, sẽ báo hiệu cái quan tài mà chúng ta sẽ phải nằm xuống.
Thế giới hiện đại hôm nay tìm cách tẩy cái chết đi, nguỵ trang cái chết đằng sau những bức tường mà không muốn cho ai biết đến tại các bệnh viện và không muốn để nổi những ngôi mộ trong các nghĩa địa hoặc thiêu xác đi. Người ta làm như vậy liệu có thể tránh được cái chết chăng?
Chúng ta sẽ chết nếu đánh mất ý thức về cái chết của mình. Chúng ta sẽ sống mù quáng vì hy vọng hão huyền cái chết không đến với chúng ta và chỉ đến với người khác mà thôi.
Tuy vậy, chúng ta có thể gặp cái chết vào bất cứ lúc nào. Mỗi một ngày chúng ta nghe, đọc về cái chết của một người nào đó, nhất là chính mắt chúng ta cũng đã từng chứng kiến cái chết của biết bao người, cái chết do tai tạn, bão lụt, động đất và cả khủng bố. Chúng ta tránh cái chết nhưng cái chết cứ tiến lại gần…Nếu thế, chúng ta cứ hãy nói về cái chết! Đừng ngần ngại nhìn cái chết trước mặt: và rồi chúng ta sẽ không chết!
Chúng ta đừng bị đánh lừa nữa, vào một ngày nào đó chúng ta sẽ không còn! Khi nào? Ngày mai, ngày kia, năm nay, sang năm, hoặc vào bất cứ lúc nào? Điều đó không quan trọng. Cuộc sống ngắn ngủi và cái chết cứ khắc khoải chờ đợi chúng ta. Tất cả chúng ta đều bị án treo. Ai trong chúng ta đây sẽ đi trước?
Không báo trước và cũng không mời gọi, cái chết sẽ đến giữa ban đêm. Chết luôn luôn là một bất ngờ, một tiếng kêu xé rách màn đêm: “Cái chết đến”. Chết luôn luôn đến sớm hơn dự đoán. Chết đến đúng giờ, giờ của Chúa: “Anh em không biết ngày nào và giờ nào”.
2-Nhưng cái chết, đó là đi vào tiệc cưới
Thánh Phaolo nói: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng”. Chúng ta đừng hốt hoảng mặc dù cái chết đến bất ngờ. Chỉ có tình yêu mới có thể giải thích được sự tồn tại và dấu chấm hết của con người.
Cái chết hàm chứa ý nghĩa tiêu cực, nhưng nhờ cái chết của Chúa Giêsu, cái chết lại được thăng hoa và trở nên tích cực gấp bội. Dụ ngôn 5 cô khôn ngoan và 5 cô khờ dại hôm nay cho chúng ta biết thế nào là sống và thế nào là chết.
Vào thời Chúa Giêsu, cô gái trẻ chờ đợi thiện chí của người mình yêu để ấn định ngày cưới. Chàng rể đến gây bất ngờ cho cô dâu, xem cô dâu có chuẩn bị để xứng đáng làm vợ mình chăng. Vô phúc cho cô gái trẻ nào không chuẩn bị dầu đèn đến nơi đến chốn! Dụ ngôn này cho chúng ta chìa khoá ý nghĩa cuộc sống trần gian: ngày mà chúng ta chịu phép Rửa, chúng ta đã đính hôn với Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói rất rõ điều này: “Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết”.
Ngày chịu phép Rửa tội, chúng ta nhận một cây nến, dấu hiệu ánh sáng đức tin được đặt vào con tim chúng ta. Từ đó, cuộc sống của chúng ta là thời gian chờ đợi, chờ đợi Chúa Giêsu đến và Ngài đến mỗi khi chúng ta tham dự Bí tích Thánh Thể. Ngài đến để kiểm tra ngọn nến đức tin của chúng ta và Ngài đến để nuôi dưỡng ngọn nến đó. Và lần cuối cùng Ngài đến chính là cái chết của chúng ta. Và cái chết của chúng ta sẽ hoàn toàn trở thành lối vào để tham dự tiệc cưới, nếu chúng ta vẫn thắp sáng ngọn nến đức tin của chúng ta.
Chương trình diệu kỳ của Thiên Chúa là nhân loại phải trở nên tình yêu như chính Ngài là Tình Yêu. Để thực hiện chương trình này, Ngài đã sai Con của Ngài làm người để nhân loại chúng ta trở nên Thiên Chúa. Con Thiên Chúa làm người lôi kéo đoàn người nhân loại chúng ta theo để tiến về nhà Cha. Nói đúng hơn, Đức Kitô đã cưới nhân loại chúng ta trên Thập giá. Như thế, chương trình của Thiên Chúa là những bữa tiệc cưới muôn thuở của Con Ngài với nhân loại. Những bữa tiệc đó được bắt đầu ngay từ ở trần gian này và sẽ hoàn toàn vinh quang ở cuộc sống mai sau.
Vậy thì ngay từ bây giờ, chúng ta hãy chuẩn bị những bữa tiệc đó đi! Cô dâu sốt ruột ngong ngóng chàng rể đến như thế nào, thì người tín hữu chúng ta cũng đợi Chúa Kitô đến như vậy. Hãy hát lên bài Thánh Vịnh: “Linh hồn tôi khát Chúa”.
- Cuộc sống chúng ta có giống người con gái sắp cưới hăng hái đi đón gặp người mình yêu không?
- Chúng ta có khát khao nồng cháy một cuộc hẹn gặp tình yêu cao cả vào chiều tà của cuộc đời chúng ta không?
Vì biết chàng rể là Chúa Kitô sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm, người kitô hữu chúng ta hãy cố gắng giữ cho ngọn nến đức tin và đức mến luôn cháy sáng. Mỗi một ngày sống, chúng ta hãy chuẩn bị gặp Ngài. Nhà văn Dubay nói: “Nếu bạn muốn sống, thì trước hết bạn phải học chết”.
Trong suốt cuộc đời, người kitô hữu mặc lấy con tim mình cho ngày cưới, để khi giờ gặp gỡ chàng rể đến, đó là giờ của tình yêu đến cùng, chúng ta sẽ vào dự tiệc cưới muôn thuở trong nhà Cha chúng ta.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa