Suy niệm 1
“Khi Thiên Chúa tin tưởng con người” --------------------------------------- Dụ ngôn hôm nay chúng ta vừa nghe, không phải là để gửi đến những nhà quản lý kinh tế, tài chính, mà là gửi đến chính chúng ta. Tất nhiên, ông chủ của dụ ngôn hôm nay ám chỉ Thiên Chúa. Vậy thì Ngài làm gì?
1 - Thiên Chúa quá tin tưởng chúng ta
Ngài đi xa nhiều năm. Trên trái đất này, sự trống vắng lớn nhất được hiểu như là Thiên Chúa vắng mặt. Đấng mà đã dựng nên tất cả mọi sự, tô điểm nét đẹp cho các loài hoa, gieo hạt lúa, dấu kín hằng tỷ thùng dầu trong lòng đất và giữa biển khơi, thế mà Ngài lại tránh mặt đi, để mặc trái đất cho con người quản lý và sử dụng: “Hãy cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất”. Không những thế, Con của Ngài đến trần gian để gieo vào trần gian giá trị cao cả nhất của tình yêu. Thế mà Ngài lại rút lui trao phó việc xây dựng nước trời cho nhóm 12 nghèo nàn không văn hoá và không bằng cấp.
Ngài quá tin tưởng con người. Đó là sự đánh cuộc lạ lùng của Thiên Chúa.
- Ngài phó thác trái đất cho con người quản lý.
- Ngài để cho chúng ta lo việc trải rộng Tin mừng mà Con Ngài đã công bố.
- Cần phải làm như vậy để chúng ta trở thành người có trách nhiệm đối với thế giới và đối với công cuộc cứu độ.
- Thiên Chúa đánh giá đúng chúng ta.
- Ngài vắng mặt vì Ngài biết rằng với ơn thánh Ngài ban, chúng ta có khả năng tiếp tục công cuộc sáng taọ của Ngài và theo đuổi chương trình cứu độ nhân loại do con Ngài thực hiện.
- Ngài muốn con người, để vào thời sau hết, khi chương trình hoàn thành, lúc đó tất cả mọi sự xuất hiện như là sự nghiệp chung của Thiên Chúa và con người.
- Ngài không những trao cho chúng ta quản lý triệu triệu đôla, mà còn phó mặc chúng ta cái đắt giá hơn nhiều: Triều đại của Con Ngài, Triều đại của tình yêu, triều đại phải thực hiện việc thánh hoá toàn thể nhân loại.
2 - Thiên Chúa tin tưởng chúng ta vì Ngài biết khả năng của chúng ta.
Thiên Chúa biết những ân ban đặc biệt mà Ngài cống hiến cho con người. Nhờ đó, trí khôn con người có thể phát minh ra những điều bổ ích cho nhân loại: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.”
- Vậy chúng ta có khả năng kiểm kê những phẩm chất, ơn huệ và những đặc sủng của chúng ta không?
- Người kitô chúng ta có những tâm tình biết ơn thế nào đối với Thiên Chúa mà Ngài không thể làm gì khác cho con người được nữa?
Thực tế, những ơn ban và sự giàu sang mà chúng ta có được không phải là đến từ chúg ta: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh”. Nhận lãnh từ Thiên Chúa qua các ân nhân: linh mục, cha mẹ, thầy cô và bạn bè…. Những ơn huệ của Thiên Chúa ban cho chúng ta là những lời mời gọi chúng ta phục vụ tha nhân.
Vậy thì tại sao chúng ta lại ghen tương những đặc tính của người khác? Người khác có đặc tính tốt cũng là cho chúng ta. Chúng ta đều được hưởng sự tinh tế, tinh thần, nét đẹp thể lý và sự thánh thiện của người khác.
3 - Chúng ta sẽ làm gì để đáp lại lòng tin tưởng của Thiên Chúa đối với chúng ta?
- Vào lúc xế chiều của cuộc đời, chúng ta có nghĩ được rằng đường đi của mình trên trái đất này đã phục vụ được gì chưa?
- Thiên Chúa đã cho chúng ta tham dự trước vào triều Đại của Người: chúng ta đã làm được gì trong sứ mạng truyền giáo này?
- Chúng ta đã làm gì qua Bí tích Rửa tội mà chúng ta đoan hứa phục vụ Chúa Kitô?
- Chúng ta đã làm gì đối với Bí tích Thêm Sức mà CTT đã ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta làm việc cho mùa gặt của Chúa chưa?
- Chúng ta đã làm gì đối với Bí tích Thánh Thể, mạc khải cho chúng ta về tình yêu lớn lao của Thiên Chúa?
Georges Bernanos đã nói.: “Tôi có trách nhiệm về điều mà tôi đã không là”.
Chúng ta làm gì với đức tính và tài năng của chúng ta?
Tất cả chúng ta đều có những ơn thể lý:
- Như thân xác chúng ta, vẻ đẹp của chúng ta, bàn tay chúng ta… được làm nên để phục vụ.
- Chúng ta có một cái lưỡi để ngợi khen Thiên Chúa, để nói tình yêu của chúng ta đối với người xung quanh chúng ta và để bênh vực người vô tội.
- Chúng ta có một quả tim để bày tỏ tình yêu của chúng ta.
- Chúng ta có những ơn ban về tài năng nghệ thuật, chúng ta hãy khám phá và phục vụ hết mình.
Nhất là nếu chúng ta có những ân sủng thiêng liêng thì chúng ta hãy sốt sắng phục vụ Giáo Hội.
Thái độ thụ động, sự nhút nhát ngăn cản chúng ta không sinh lợi các tài năng của mình. Thái độ này người ta gọi là tội thiếu sót. Rào cản khó phá huỷ và quan trọng nhất chính lại là thái độ trung dung, tính ba phải.
Ông chủ cũng như Thiên Chúa khiển trách tên đầy tớ không chịu sinh lời tiền bạc vì nó sợ Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào tình yêu của Ngài.
Thiên Chúa tin tưởng con người, nhưng con người lại không tin tưởng vào Ngài.:
Thật đáng tiếc!
- Tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ tạo nên trong chính chúng ta một đảm bảo chắc chắn và mạnh dạn sử dụng các tài năng của chúng ta.
- Tin tưởng vào Thiên Chúa cũng làm cho chúng ta tin tưởng vào người khác, làm cho người khác có khả năng trở về và phát triển.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
========================
Suy niệm 2
Làm Gì Với Nén Bạc Chúa Trao ?
(Mt 25, 14 - 30)
Vào Chúa nhật áp chót của năm phụng vụ, chúng ta đang tiến gần tới Mùa Vọng, Chúa Giêsu kể cho chúng ta một dụ ngôn khác về ngày phán xét.
Câu chuyện ba người đầy tớ được ông chủ tin tưởng trao phó tài sản của mình trước khi ông bắt đầu một cuộc hành trình dài. Hai trong số họ đã làm rất tốt công việc của mình, vì họ đã làm sinh lợi gấp đôi cái nhận được. Nhưng người thứ ba thì không : “Người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình” (Mt 25,18). Anh đào lỗ chôn giấu, vì sợ ông chủ, không biết làm thế nào để sinh hoa lợi. Đây có lẽ là trung tâm của dụ ngôn.
Việc gì đến cũng sẽ đến, chủ trở về, ông gọi các đầy tớ lại để tính sổ những gì ông đã trao phó cho họ. Ông hoan nghênh hai người đầu tiên, và tỏ sự thất vọng đối với người thứ ba. Trong thực tế, người thứ ba đã sai lầm khi chôn kín số tiền nhận được, anh hành xử như thể chủ nhân của anh không quay trở lại, hoặc như thể sẽ không có ngày anh sẽ bị hỏi về những việc anh đã làm.
Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy những môn đệ, và qua các môn đệ, Chúa gửi đến mỗi người chúng ta lời khuyên về cách sử dụng tốt những gì chúng ta đã được ban tặng.
Ý nghĩa của dụ ngôn này thật rõ ràng. Ông chủ trong dụ ngôn này là Chúa Giêsu, những đầy tớ là chúng ta và những nén bạc là tài sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Khi thông ban cho chúng ta sự sống, Thiên Chúa cũng phú ban cho chúng ta những nén bạc, có thể là khả năng nhiều hay ít. Các nén bạc tượng trưng cho những ơn ban của Chúa để phát triển cá nhân, đạo đức và tôn giáo. Các nén bạc ấy, Ngài đã ủy thác để chúng ta làm cho chúng sinh lời. Cái hố được đào dưới đất bởi người “đầy tớ xấu xa và biếng nhác” (Mt 25, 26) diễn tả nỗi sợ sự rủi ro là thứ đã bóp nghẹt sự sáng tạo và sự phong nhiêu của tình yêu. Vì nỗi sợ rủi ro trong tình yêu sẽ bóp nghẹt chúng ta. Chúa không yêu cầu chúng ta phải bảo quản ân ban của Ngài trong két sắt! Nhưng mong muốn rằng, chúng ta sử dụng nó để sinh lợi cho tha nhân.
Những nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít. Nhiều hay ít, số lượng không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người xử dụng những nén bạc đó. Chúa không chú ý tới số lượng ơn ban, mà chú ý tới cố gắng của mỗi người. Bởi thế, người đã lãnh năm nén và người đã lãnh hai nén mà xử dụng tốt đều được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ” (x.Mt 25, 21.23). Cách xử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng sinh lời. Việc sinh lời không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ, người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.
Câu Chúa Giêsu nói : “Người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi” (Mt 25, 29), rõ ràng không phải là một câu châm ngôn về tiêu dùng. Nó chỉ có thể được hiểu ở mức độ của tình yêu và lòng quảng đại. Và quả thật, nếu chúng ta tương xứng với những món quà tin cậy của Thiên Chúa trong sự giúp đỡ của Ngài, thì chúng ta sẽ kinh nghiệm rằng, Ngài là Đấng ban phát nhiều hơn điều chúng ta ao ước cầu xin.
Chúng ta cũng có thể hiểu nén bạc là đức tin. Đức tin được ban cho chúng ta một cách nhưng không, nhưng không bởi vì chúng ta có được đức tin mà không do bất cứ công lao nào của chúng ta. Một niềm tin được chia sẻ là một niềm tin sống động, trái lại một niềm tin chôn cất sẽ là một niềm tin bị mai một và chết dần. Dụ ngôn này khuyến khích chúng ta không được che giấu niềm tin và sự thuộc về Chúa Kitô của chúng ta, không được chôn vùi Lời Chúa, nhưng phải để nó lan truyền trong đời sống của chúng ta. Phải làm như thế. Phải làm cho những tài năng, những món quà, những ân ban mà Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta, đến được với tha nhân, lớn lên, và kết trái, cùng với chứng tá của chúng ta.
Ông chủ nói với người đầy tớ: “Khá lắm! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25, 23).
Đừng nghĩ đơn giản rằng ơn Chúa ban chỉ là những tài năng, sức khoẻ và những điều kiện xem ra thuận lợi theo cái nhìn của con người. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng nói “Tất cả là hồng ân”. Như thế, nén bạc Chúa trao còn là: thời giờ; môi trường ta đang sống; những chung sống với ta v.v....
Chúng ta hãy cầu xin Chúa trợ giúp để mỗi người biết sinh lợi những nén bạc Chúa trao, trung thành với ơn Chúa qua những bổn phận hằng ngày với lòng yêu mến, với tất cả nhiệt tâm. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ