Câu chuyện truyền giáo – Tâm sự cùng cha mới
Cập nhật lúc 09:58 14/05/2022
Cha H mới được truyền chức linh mục hơn ba tháng. Thánh lễ truyền chức rất ít người tham dự. Không phải là không được mời mà vì Covid nên phải phòng ngừa cẩn thận. Lễ tạ ơn cũng vậy rất đơn giản. Có khoảng 100 người tham dự tại nhà thờ giáo xứ quê hương. Nhiều người thấy thương cha mới nhưng cũng có người thấy mừng vì để tân linh mục đi sâu vào căn tính của sứ vụ mà ngài vừa lãnh nhận.
Hơn ba tháng sau, tôi cũng mới có dịp đến gia đình để chúc mừng ngài và buổi tối hôm đó chúng tôi đã chia sẻ nhiều điều liên quan đến mục vụ. Tôi thấy ngài chững chạc với tuổi 36 và ý hướng dấn thân mục vụ khá rõ ràng. Tôi đã ngỏ lời:
- Chúc mừng cha đã được Chúa cất nhắc lên hàng tư tế của Chúa?
- Cám ơn cha. Xin cha cầu nguyện cho con!
- Cha đã được bổ nhiệm đi xứ nào chưa?
- Dạ. Đi xứ xa nhất giáo phận cha ạ. Nhưng đối với giáo phận chúng con chỉ nằm trong hai tỉnh. Không rộng như giáo phận cha đang phục vụ!
- Vâng. Giáo phận Hưng Hóa có cả thập tỉnh. Đòi hỏi các linh mục nhiệt thành và đi lại hăng say! Các cha giáo phận mình rất nhiệt thành và quan tâm đến truyền giáo! Nói như thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr9,16).
- Đó là giáo phận truyền giáo mà!.....Thưa cha, ngày nay, người giáo dân cũng đòi hỏi các linh mục năng nổ phải không cha.
- Đúng vậy. Không chỉ năng nổ mà còn gần gũi dân nữa. Tục ngữ có câu: “Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ đem phần tới cho”. Còn gần gũi sẽ đem lại sự tin tưởng. Truyền giáo rất cần sự tin tưởng của người khác.
- Sự gần gũi dân thì từ khi còn trong nhà trường đã được căn dặn nhưng năng nổ lại phải đi kèm với kinh nghiệm.
- Kinh nghiệm thì cần học hỏi những người đi trước, rồi vừa làm vừa học, nói cho vui như là “nghề dạy nghề”.
- Con được sai đến ở cùng với một cha xứ trung tuổi. Cuối tuần, con đi một giáo xứ xa. Giáo xứ đó có nhiều giáo họ nhỏ mà rất ít khi được lễ.
- Đó là cơ hội tốt để cha thực hành và mở rộng tầm quan sát để có cái nhìn thực tế về mục vụ. Hiện nay, mục vụ thăm viếng vẫn còn hiệu quả.
- Sự thường con đi khá sớm rồi đến thăm hỏi những người lớn tuổi, rồi những người khô khan, thậm chí cả người lương dân nữa.
- Hay đấy! Cha cứ phát huy!
- Có ông cụ nói: “Năm nay, tôi ngoài tám mươi tuổi rồi mà hôm nay mới được một linh mục đến thăm”. Con đã bào chữa: “Trước đây linh mục không có nhiều. Nay, linh mục có nhiều hơn. Các giáo xứ được chia ra nhỏ và các linh mục mới có nhiều thời gian đến làm mục vụ và thăm viếng, ông ạ.
- Cha nói đúng. Nhưng cũng phải nói ngày nay, cái nhìn của linh mục và về linh mục cũng khác. Cần phải có suy nghĩ hợp thời!
- Sau khi thăm họ, con mời họ đến nhà thờ và họ vui vẻ nhận lời.
- Tạ ơn Chúa! Nhưng cha cần chăm sóc họ vì họ đến nhà thờ mới chỉ là trọng lời mời của cha thôi còn họ chưa có đức tin.
- Vâng! Phải làm thế nào?
- Họ cần phải được đào tạo về mặt đức tin nữa, tức họ cần phải được thụ huấn giáo lý đức tin căn bản cần có.
- Nhưng làm sao để họ vui vẻ đến học hả cha?
- Đối với những người như thế này, dạy học mà như không dạy.
- Con chưa hiểu?
- Đối với những người lớn như vậy, mình chỉ cần nói chuyện và trong khi nói chuyện mình đưa những tư tưởng giáo lý căn bản. Mưa dần thấm lâu! Đúng như lời một linh mục nói: “Tôi trở nên một linh mục để cứu chuộc linh hồn tôi và giúp người khác gìn giữ linh hồn họ”.
- Vậy là khó! Con sẽ cố gắng!
- Đúng vậy! Truyền giáo đã khó, tái truyền giáo càng khó hơn. Đối với họ không nên phủ nhận những gì họ cho là đúng nhưng mình cứ dạy cho họ những chân lý đức tin rồi tự họ sẽ từ bỏ.
- Thôi khuya rồi, mời cha đi nghỉ. Cám ơn cha về buổi chia sẻ này!
- Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho anh em mình cơ hội gặp gỡ và tâm sự.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành