Chúa nhật, 22/12/2024

Giờ Chầu Thánh Thể: 24 giờ cho Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Cập nhật lúc 09:09 26/02/2016
Để sống tốt Mùa Chay Năm Thánh, đặc biệt cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa và thực thi lòng thương xót đối với tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta dành ​​"24 giờ cho Chúa" để cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, đón nhận ý Chúa, và quyết tâm xóa bỏ thái độ thờ ơ lãnh đạm.
I.  KHAI MẠC :
* Lời dẫn nhập (Người dẫn đọc)
Kính thưa cộng đoàn,
Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta nghe văng vẳng bên tai lời Chúa mời gọi: "Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van" (Joel 2,12). Giờ đây, chúng ta đang ở trung tâm của Mùa Chay 2016 trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Lễ Tro, với nghi thức truyền thống bỏ Tro lên đầu, khai mạc Mùa Chay Thánh, đồng thời nhắc chúng ta nhớ ba việc phải làm là : ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Đây là ba chiều kích diễn tả ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa, với anh em và với chính mình. Với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu.
Để sống tốt Mùa Chay Năm Thánh, đặc biệt cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa và thực thi lòng thương xót đối với tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta dành ​​"24 giờ cho Chúa" để cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, đón nhận ý Chúa, và quyết tâm thực hành ước muốn của Đức Thánh Cha là xóa bỏ sự thờ ơ, ngài viết: “Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm … đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc…” (x.Misericordiae Vultus số 15).
Đức Thánh Cha nhắc nhớ các chúng ta : “Mùa chay là thời điểm thuận tiện để cắt tỉa sự giả dối, tinh thần trần tục và dửng dưng; cần thanh tẩy tâm hồn và cuộc sống để tìm lại căn tính Kitô, nghĩa là tình yêu thương phục vụ, không phải tính ích kỷ lạm dụng” (Trích Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Tro 2016).
Vì thế, này là thời gian thuận tiện để thay đổi hướng đi, lấy lại khả năng phản ứng trước thực tại sự dữ luôn thách thức chúng ta. Đây là thời gian hoán, cải trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, canh tân cá nhân và cộng đoàn, sống lòng thương xót của Chúa.
Thật là ý nghĩa trong giờ phút này đây, trước Thánh Thể Chúa, hiệp cùng với Mẹ Maria, thánh Giuse, Các Thánh Nam Nữ, các Tổng Thần, Quyền Thần và toàn thể đạo binh thiên quốc, cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, với anh chị em trên toàn thế giới, chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Chúa, chúc tụng và tung hô quyền năng Chúa, chiêm ngắm Chúa, tuyên xưng Chúa ngự thật trong phép Mình Thánh. Chúng ta thờ lạy, phủ phục và tôn thờ Chúa Giêsu ẩn mình dưới hình bánh. Chúng ta hãy cám ơn Chúa Giêsu đã trao ban chính mình cho chúng ta. Và sau hết xin Chúa xót thương, chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Giờ đây chúng ta khẩn cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm Giờ Thánh này cho nên.
* Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần
* Đặt Mình Thánh Chúa
* Hát : Thờ Lạy Chúa Giêsu 
(Vị Chủ sự quì trước Thánh Thể xông hương, hát xong và đọc lời nguyện sau)
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng sáng tạo trời đất muôn vật, Ngôi Con, Đấng cứu chuộc nhân loại, Ngôi Ba, Đấng thánh hóa trần gian.
Lạy Chúa Giêsu, hiện thân của Chúa Cha, Đấng Giầu Lòng Thương Xót, Chúa đang ở đây với chúng con, và giờ phút này, Chúa thấy chúng con đang ở đây với Chúa, trước sự hiện diện của Chúa.
Đã gần hai ngàn năm, Chúa đã sẵn lòng bước lên Thánh Giá ô nhục để rồi sau đó phục sinh và ở lại mãi với chúng con là những người anh chị em của Chúa. Chúng con chiêm ngắm Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.
Hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, vì xót thương, Chúa đã ban Mình và Máu cho các môn đệ, để ở với họ "mãi mãi, cho đến tận thế" (Mt 8,20). Chúa là nguồn gốc và cùng đích của đời sống đức tin của chúng con, chúng con thờ lạy Chúa. Vì không có Chúa chúng con không có ở đây giờ phút này, không có Chúa chúng con sẽ không hiện hữu, không có Chúa sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì.
Chúa là Đấng "vạn vật được tạo thành" (Ga 1, 3). Chúa là Đấng, nhờ Chúa mà chúng con được tạo thành. Cũng vì thương xót, Chúa đã ban cho chúng con chính Mình và Máu Chúa, ở đây giờ phút này, giữa chúng con, cho chúng con được chiêm ngắm Chúa.
Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng Giầu Lòng Thương Xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung (x.Tv 103, 8 ), xin lấy tình xót thương mà ôm tất cả nhân loại chúng con giờ đây đang thờ lạy Chúa, trong tình yêu vô biên của Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa.
Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng con cho Chúa Cha.
Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, Mẹ của Lòng Thương Xót, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người.
* Hát : Misericordes sicut Pater (Lời Việt) Nhạc sỹ: P. Kim
Misericordes sicut pater. Hãy biết xót thương như Cha trên trời
Hãy tạ ơn Chúa là Đức Chúa Cha. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp. Hãy tạ ơn Chúa là Đức Chúa Con. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp. Hãy tạ ơn Chúa là Chúa Thánh Thần. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp.
Chúa là bình an cho khắp nhân gian. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Chúa đã dựng nên trời đất muôn loài. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Chúa là ánh sáng soi chiếu muôn dân. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Suối nguồn tình yêu ân phúc chan hoà. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Chúa là niềm vui tha thứ lỗi lầm. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời.
Chúa hằng đưa dẫn thánh của Ngài. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp. Hỡi người đói khát hãy đến với Ngài. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp. Chúa hằng an ủi sưởi ấm tâm can. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp. Tin Mừng Nước Chúa đổi mới đất trời. Vì Lòng Thương Xót muôn đời muôn kiếp.
Chúa hằng tha thứ chờ đón con về. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Với tình thương mến từ trái tim Người. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Con hằng cậy trông và mãi hy vọng. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời. Ôi tình thương Chúa không bến không bờ. Vì Lòng Thương Xót muôn kiếp muôn đời.
Misericordes sicut pater. Hãy biết xót thương như Cha trên trời.

Vị chủ sự xướng :
Lạy Cha, chúng con tôn vinh Cha là Đấng thứ tha các lỗi lầm và chữa lành những yếu đuối của chúng con
Cộng đoàn đáp : Lòng thương xót của Cha tồn tại đến muôn đời !
Lạy Cha, chúng con tôn  vinh Cha là Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và đầy lòng xót thương.
Đáp : Lòng thương xót của Cha tồn tại đến muôn đời !
Lạy Cha, chúng con tôn vinh Cha là Đấng người Cha dịu hiền đối với con cái Cha.
Đáp : Lòng thương xót của Cha tồn tại đến muôn đời !
Lạy Cha, chúng con chúc tụng Cha là Đấng duy nhất đã làm cho chúng con những điều trọng đại.
Đáp : Lòng thương xót của Cha tồn tại đến muôn đời !
Lạy Con Một Thiên Chúa, chúc tụng Chúa đã đổ máu mình ra mà giải thoát chúng con khỏi tội lỗi chúng con đã phạm.
Đáp : Lòng thương xót của Cha tồn tại đến muôn đời !
Lạy Chúa Thánh Thần, chúc tụng Chúa là Đấng an ủi các tâm hồn và xoa dịu mọi nỗi khổ đau.
Đáp : Lòng thương xót của Cha tồn tại đến muôn đời !
(Vị Chủ sự cùng giúp lễ đi vào)

II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM :
* Hát : Xin cho con biết lắng nghe
* Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13, 1-9)  
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".
Đó là lời Chúa.

* Gợi ý suy niệm 1 (Người dẫn mời mọi người ngồi)
Chủ đề : Nhận Ra Lòng Chúa Xót Thương Và Hoán Cải
Kính thưa cộng đoàn,
Tin vào lòng Chúa thương xót không phải là dễ, vì khi có biết bao chuyện buồn đẫm lệ trước mắt chúng ta : các thảm kịch về tai nạn hàng không, những vụ khủng bố người giết người giã man hơn do bọn IS gây ra cho đồng loại, cách riêng những người công giáo … Chúng ta vẫn hát với niềm tin rằng : "Chúa nhân từ và thương xót". Có người hỏi, lòng nhân từ và tình thương xót của Chúa ở đâu, khi trái tim con người bị tan nát bởi những cái chết đau thương của người thân, của anh em đồng loại... thật khó để chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương và muốn điều tốt cho nhân loại.
Vấn nạn giả thiết rằng, sự bất hạnh xảy đến với con người là đáng. Vì vậy, khi chúng ta chứng kiến những người mắc bệnh nan y hoặc chết đột ngột, người đời hỏi : "Họ đã làm gì sai chăng?" Hay có sự trừng phạt tức khắc mà họ phải hứng chịu? Đây không phải là điều Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng.
Vậy, làm thế nào để có thể chấp nhận và sống sự khác biệt giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự bất hạnh của con người? Chúng ta còn nhớ việc Thiên Chúa giải thoát dân Ngài ra khỏi Ai Cập và cho họ đi qua Biển Đỏ ráo chân không? Liệu còn nhớ Thiên Chúa dẫn dắt dân Ngài qua sa mạc, nuôi dân bằng bánh bởi trời, và uống nước từ tảng đá vọt lên để dân đi đến tận Đất Hứa không? Chỉ cần nhớ lại những hành động Thiên Chúa trợ giúp con người, ta đã hiểu được. Nhưng làm thế nào để chúng ta tin vào lòng trung thành của Thiên Chúa và giúp chúng ta tin vào tình yêu Chúa khi bất hạnh tấn công con người?
Thánh Luca kể lại cho chúng ta bình luận của Chúa Giêsu về hai biến cố thời sự lúc đó. Biến cố thứ nhất là cuộc nổi loạn của vài người Galilê bị quan Philatô đàn áp giết chết; biến cố thứ hai là ngọn tháp tại Giêrusalem bị sụp đổ làm cho 18 người thiệt mạng; hai biến cố bi thảm này khác nhau, một do con người tạo ra, và một do tai nạn. Người đương thời Chúa Giêsu thường có tâm thức nghĩ rằng, tai nạn đã đổ xuống trên các nạn nhân, bởi vì họ đã phạm lỗi trầm trọng. Trái lại, Chúa Giêsu nói : "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? ... Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư?" (Lc 13,2.4). Thay vì kết luận đơn giản coi sự dữ như là hình phạt của Thiên Chúa, Chúa Giêsu hồi phục lại hình ảnh chân thực của Thiên Chúa là Ðấng tốt lành, không muốn sự dữ; Người còn yêu cầu đừng coi những tai hoạ đó như là kết quả trực tiếp của tội lỗi cá nhân. Và Chúa Giêsu kết luận cho cả hai trường hợp như sau: " Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy " (Lc 13,3.5). Chúa Giêsu muốn dẫn những kẻ lắng nghe Người đến kết luận về sự cần thiết phải ăn năn trở lại.
Khi cái chết tấn công chúng ta, đức tin không cho chúng ta những lời giải thích hoặc an ủi chúng ta yên tâm, nhưng đức tin hỏi chúng ta: chúng ta đã làm gì trong cuộc đời khi đang phải đối diện với cái chết vây quanh ta, bất hạnh và đau khổ tấn công và chạm đến ta?
Để làm rõ lời kêu gọi hoán cải, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả. Đã ba năm nay, cây không sinh quả. Như chúng ta, những người đã được hưởng lợi quá lâu từ ân sủng của Thiên Chúa mà không đáp trả cách hào phóng. Chủ vườn nói với chúng ta rằng, điều này đã quá đủ. Và bây giờ người làm vườn chưa ưng nhận sự phán xét của Thầy nên trả lời: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi" (Lc 13, 9), đúng là năm án treo, một năm hồng ân. Trong hội đường Nazareth, chính Chúa Giêsu với sứ mạng được ủy thác đến công bố năm hồng ân. Năm chúng ta đang sống đây là Năm Thánh Lòng Thương Xót Mỗi, một năm chúng ta được Chúa xót thương. Sự chết không tấn công một cách mù quáng, nhưng là lời mời gọi chúng ta hoán cải đời sống.
Vâng, lạy Chúa, khi con nhìn thấy những gì xảy ra trên thế giới, các tai nạn gây đau đớn cho nhân loại và đau khổ đến anh em của con, con nghe thấy giọng nói của Chúa nói với con: "Hãy sám hối ngay ngày hôm nay. Tận dụng Năm Thánh này, Năm Hồng Ân, năm Ta xót thương và chăm sóc con để con có thể sinh trái". Amen.
(Mọi người thinh lặng trong giây phút và suy gẫm)
* Hát : Hãy Trở Về - Ngọc Kôn
* Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 15, 1-3. 11-3)
Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: 'Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha" '. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó'. Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy' ".
Đó là lời Chúa.

* Gợi ý suy niệm 2 (Người dẫn mời mọi người ngồi)
Chủ đề : Vui Mừng vì được Chúa xót thương và tha thứ
Làm sao chúng ta không thể tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha, Đấng giầu lòng thương xót, Ngài rất mực yêu thương chúng ta, đến hy sinh chính Con Một vì chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân được.
Thánh Luca đã làm nổi bật dung mạo của Một Vì Thiên Chúa là Cha, Đấng giầu lòng thương xót thể hiện qua các dụ ngôn, cụ thể như dụ ngôn "Con chiên lạc" : Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng …kêu bạn hữu …mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi …: "Trên trời sẽ vui mừng …" (x. Lc 15, 4-7). Hay dụ ngôn " Đồng bạc đánh mất" : "Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em …đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng với tôi … ". Cũng vậy… : Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng …"(x. Lc 15, 8-10). Nhưng cụ thể hơn cả vẫn là dụ ngôn "Tình phụ tử " : Người cha bảo: … phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy" (x. Lc 15, 11-32). Nếu như hai dụ ngôn trước nói về sự vui mừng hay chung vui, thì dụ ngôn "Tình phụ tử là phải ăn tiệc và vui mừng". Thiên Chúa là Cha mở khao tiệc ăn mừng con người tội lỗi chúng ta trở về với Chúa. Chúng ta không thể vui mừng sao được. Chúng ta đặt mình vào cương vị của người con thứ và tự sự, để khám phá ra tình yên của Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta biết chứng nào, để rồi vui mừng mà đáp trả.
"Từ bỏ cha tôi là người hết mực thương tôi, tôi thật đã làm điều sai trái ; tôi đã phung phí hết tiền của vào cuộc đời trác táng, thân tôi tan nát và dơ bẩn, làm thế nào cha tôi có thể nhận ra tôi là con trai mình?  Tôi sẽ sấp mình xuống dưới chân cha tôi, lấy nước mắt lau chân cha tôi và khẩn xin cha tôi coi tôi như người làm công của cha"... Người cha, từ ngày con bỏ nhà ra đi, ông đã khóc suốt, và ngày ngày ra ngóng bóng con trở về, nên khi ông thấy nó từ đàng xa, ông quên cả tuổi già và quên luôn cuộc sống phóng đãng của con trai ông, ông chạy tới ôm choàng lấy cổ nó và hôn lấy lấy hôn để. Thằng con trai ông hết sức kinh ngạc về tình yêu mà cha nó dành cho nó, nó kêu lên… : "Con không còn xứng đáng được gọi là con cha nữa, xin cha coi con như người làm công của cha""(Lc 15, ).  Không, không, con trai của cha, người cha nó kêu lên…, tiếng kêu đã xóa sạch tất cả lỗi lầm của con, và tình cha tuôn trào xuống người con bằng hành động : "phải ăn tiệc và vui mừng "(Lc 15, 32). "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy" (Lc 15, 22-24).
Khi quan sát hình ảnh người cha ôm người con, nghe người cha nói với người con và liên tưởng tới Vì Thiên Chúa là Cha xử với chúng ta là tội nhân như thế, thánh Gioan Maria Vianney cha sở họ Ars đã thốt lên rằng : Đây hình ảnh tuyệt đẹp về sự vĩ đại của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân khốn khổ nhất! ... Ôi Thiên Chúa của con, rằng tội lỗi là một cái gì đó thật khủng khiếp! Làm thế nào chúng con có thể phạm tội được ? Nhưng tất cả chúng con là những kẻ khốn nạn, ngay khi chúng con còn là tội nhân, thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng con trước.
Lòng thương xót của Thiên Chúa cộng với lòng trắc ẩn. Tình yêu của Đấng Cứu Thế thật bất ngờ bởi ân sủng của Ngài trước các tội nhân, Ngài ôm hôn tội nhân, trao ban cho họ sự an ủi tuyệt vời…Ôi khoảnh khắc tuyệt với ! Chúng ta mà hiểu được thì chúng ta sẽ rất hạnh phúc ! Nhưng than ôi, chúng ta không phù hợp với ơn thánh, nên những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời ấy biến mất. Chúa Giêsu Kitô nói với người tội nhân qua miệng của các thừa tác viên của Ngài : "Vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô, thì đã được mặc lấy Ðức Kitô"(x. Gal 3,27). Đó là điều Thiên Chúa đối xử với chúng ta, khi chúng ta bỏ đàng tội lỗi để đi theo Ngài, chúng ta sẽ hạnh phúc. Chao ôi, đâu là điều mà tội nhân tin tưởng, cho dù tội lỗi đến đâu đi chăng nữa, thì hãy biết và tin rằng lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô hạn! (Trích bài giảng thứ Chúa nhật III Mùa Chay của thánh Gioan Maria Vianney).
Người cha mất con, nên ngày ngày ngóng chờ con trở về là hình ảnh của Thiên Chúa là Cha luôn cháy lửa tình yêu đối với nhân loại, cha ôm con vào lòng, không đơn giản chỉ là tội nhân, nhưng là kẻ có tội biết ăn năn, đó là một con người biết đọc lại các biến cố của đời mình, hiểu được những gì đã xảy đến với mình để sửa chữa, tái lập trật tự trong đời sống và quyết tâm : "Tôi sẽ trỗi dậy và trở về với cha tôi" (Lc 15,18), nhưng thực tế, ai trỗi dậy và ai trở về với cha mình. Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa người cha và người con, khơi dậy sự trở về trong ân sủng của người con, đơn giản không chỉ là ơn tha tội nhưng không do Thiên Chúa ban, và không có gì thay đổi nơi lòng của người con. Đây là cuộc gặp gỡ của niềm tin mà người con tội lỗi đã đặt để vào lòng thương xót của người cha đầy lòng thương xót ấy, cuộc gặp gỡ này mang dấu ấn của vòng tay cha và con tìm thấy được tình cảm trìu mến. Vâng, Chúa Giêsu đồng bàn với quân tội lỗi, nhưng Người không đến để hợp thức hóa tội lỗi, làm cho những kẻ lầm lỗi cứng lòng, hay ngày càng tội tề hơn. Người đến để loan báo rằng họ có thể sống khác để chứng tỏ rằng tình yêu của Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ, không nản vì sự thờ ơ, hay khác biệt của những con người, và mở ra một cuộc sống mới như thánh Phaolô nói với chúng ta : "Một thế giới mới đã đến".
Cuộc hòa giải mà Giáo hội có sứ mạng làm trung gian, là hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau, một vài tuần trước lễ Phục Sinh. Đây là cơ hội để hân hoan vui mừng, vì con người trở về với Thiên Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, cậy nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Thương Xót, dẫn dắt con người tới bàn tiệc như người cha đã chuẩn bị cho con mình. Đúng như thế, tội nhân được tha thứ là con người của niềm vui và tác động của ân sủng. Vâng, ai trở về thì được tham dự vào niềm vui muôn đời của Thiên Chúa, kẻ mất nay lại tìm thấy trở nên thành viên dự tiệc vui muôn đời của Thiên Chúa, chứng nhân của niềm vui là chính Chúa 
Vì vậy, khi Giáo hội mời gọi chúng ta chuẩn bị lễ Phục Sinh, trở về với Chúa, thừa nhận những lỗi lầm và những khuyết điểm trong đời sống chúng ta, chúng ta đứng dậy, trở về với Chúa là Cha. Lễ Phục Sinh không mời gọi chúng ta bước vào con đường sầu khổ. Trái lại, cứu chuộc chúng ta khỏi đắng cay buồn phiền, nghèo đói và chết chóc, lễ Phục Sinh mang lại cho chúng ta niềm vui ngày Đại lễ. Hòa giải được với Thiên Chúa và hòa giải với nhau, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui thiêng thánh.
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)
* Hát : Con Nay Trở Vê – Hùng Lân
* Công bố lời Chúa  ((Người dẫn mời mọi người đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh (Ga, 1-11)
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".
Đó là lời Chúa.

* Gợi ý suy niệm 3 (Người dẫn mời mọi người ngồi)
Chủ đề : Lòng Thương Xót ấp ủ tội nhân
Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót, khi mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương. Thánh Gioan viết: "Thiên Chúa, không ai đã thấy bao giờ", Gioan đưa ra dẫn chứng đầy sức thuyết phục "Con Một, Ðấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri" (Ga 1,18). Chân lý về Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu Kitô "Cha đầy tình thương xót" (2Cr 1,3). Thiên Chúa ghét tội và yêu thương kẻ có tội. Thiên Chúa không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân. Vì Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống (x. Ez 33,11).
Đoạn Tin Mừng (Ga, 1-11) là một bằng chứng hùng hồn về lòng xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa Giêsu không kết án người phụ nữ này, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội, nhưng nói : "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" ( Ga 8,11). Thật vậy, chỉ có một mình Chúa Giêsu Kitô mới có thể cứu rỗi con người, vì chính Người mang lấy tội lỗi thế nhân và cho con người cơ hội để thay đổi đời sống. Ðoạn Tin Mừng này cho thấy rõ, sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với một sự dung túng thường tình, tha thứ có kèm theo điều kiện. Không có nghĩa là bỏ qua sự dữ, hay tệ hơn nữa, là chối bỏ sự dữ. Thiên Chúa không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho con người, và dạy người ta biết phân biệt giữa một bên là hành động xấu đáng bị kết án, và bên kia là con người cụ thể phạm lấy lỗi lầm đó, và là người mà Chúa muốn ban cho cơ may để thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời. Trong khi con người chúng ta có khuynh hướng đồng nhất hóa người phạm tội với tội lỗi, và như thế là đẩy người có tội vào ngõ cụt, không có lối thoát. Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, Thiên Chúa Cha lại hành động cách khác, Ngài đã sai Con Một mình xuống trần gian, để mở ra cho cả và nhân loại con đường cứu thoát. Chúa Giêsu Kitô chính là con đường này: khi chết trên thập giá, Người đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu lặp lại với con người ở mọi nơi, mọi thời đại rằng: "Ta cũng thế, Ta không kết tội. Vậy hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".
Khi nghe những lời trên trong đoạn Tin Mừng hôm nay, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được một niềm tín thác trào dâng trong tâm hồn chúng ta? Sao không nhìn thấy nơi đó một "Tin Vui Mừng" cho cả và nhân loại ở thời đại chúng ta, những con người đang mong ước khám phá lại ý nghĩa đích thật của lòng nhân từ và sự tha thứ? Thời đại chúng ta đang cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ làm phát sinh niềm hy vọng và phó thác, mà không làm yếu đi cuộc chiến chống lại sự dữ. Cần trao ban và lãnh nhận sự tha thứ. Nhưng con người chúng ta không trở nên có khả năng tha thứ, nếu trước đó chúng ta không để cho mình được Thiên Chúa thứ tha, vừa nhìn nhận mình là đối tượng của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ trở nên kẻ sẵn sàng tha nợ cho người khác, chỉ khi nào chúng ta ý thức về mòn nợ to lớn mà chúng ta đã được tha cho. Chúng ta hãy cố khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải, và hãy tỏ ra nghiêm khắc đối với tội lỗi nhưng khoan nhượng đối với con người tội lỗi.
Chúng ta hãy nhìn lên Ðức Trinh Nữ Maria và khẩn cầu Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót. Nơi Mẹ, Tình thương nhân từ của Thiên Chúa được nhập thể, và tâm hồn vô nhiễm của Mẹ là nơi trú ẩn an toàn cho người tội lỗi. Ðược Đức Mẹ dẫn lối chỉ đường, chúng ta hăng hái tiến bước, và nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình, nay Người nói với mỗi người chúng ta rằng: "Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa". (Ga 8,11). Xin Mẹ Maria giúp chúng ta tiếp nhận với niềm vui đã được canh tân, (tiếp nhận) hồng ân cứu rỗi, ngõ hầu chúng ta gặp lại được sự tin tưởng và niềm hy vọng để bước đi trên con đường mới. Amen.
* Hát : Hãy có lòng thương xót. Tác giả: Sr Clara Chu Linh, OP
ĐK: Hãy có Lòng Thương Xót như Chúa Cha. Hãy có Lòng Thương Xót như Chúa Cha. Hãy đem Lòng Thương Xót đến muôn nơi và hãy có lòng tín thác nơi Người.
PK1 & PK2: Đừng xét đoán anh em sẽ không bị Chúa xét đoán. Đừng lên án anh em sẽ không bị án luận phạt. Hãy tha thứ anh em sẽ được Chúa thứ tha. Hãy cho đi anh em sẽ được Chúa cho lại. Đong bằng đấu nào Thiên Chúa đong lại bằng đấu ấy.
(Vị Chủ sự và giúp lễ với bình hương, nến nghi ngút đi ra quì trước Thánh Thể)

III. CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ (Mời cộng đoàn quì)
Chủ sự :
Anh chị em thân mến,
Hiệp cùng Đức giáo hoàng Phanxicô và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới, trong giờ phút linh thiêng này, trước Đức Giêsu Thánh Thể, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin.
Ý cầu nguyện
(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con)

1. Lạy Chúa Giêsu, hiện thân của Lòng Thương Xót, chúng con thờ lạy, chúc tụng và tôn vinh Chúa, vì Chúa đã hiến dâng chính mình lên Thiên Chúa Cha làm của ăn nuôi sống chúng con. Xin cho Đức giáo hoàng Phanxicô, các giám mục, linh mục và các thừa tác viên trong Hội Thánh, trở nên cánh tay nối dài của lòng thương xót Chúa, và nhất là trở nên những tấm bánh được bẻ ra cho muôn người.
2. Lạy Chúa Giêsu đang hiện trong Bí tích Thánh Thể, chúng con yêu mến Chúa. Xin ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa. Có Chúa trong cuộc đời, chúng con có thể trở nên những hòn đảo của lòng xót thương giữa đại dương thờ ơ vô cảm với mọi người.
3. Lạy Chúa Giêsu là tấm Bánh Cha trên trời ban xuống để nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết tận hưởng nguồn lương thực thiêng liêng cao quí này với lòng trong sạch, để ngày càng lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến,nhờ thế chúng con mới tránh được sự cám dỗ dửng dưng, thấy người khổ đau thì đưa tay giúp đỡ, để mai ngày chúng con được được cùng nhau tham dự vào sự sống viên mãn trên trời.
4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì những gì chúng con xúc phạm đến Mình Thánh Chúa và tha nhân, khi chúng con dửng dưng với đồng loại và với Thiên Chúa.  Xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con, để Ngài giúp chúng con thêm hiểu biết về sự hiến mình của Chúa nơi Bí tích Thánh Thể, ngõ hầu chúng con biến hiến thân vì nhau.
5.  Chủ sự :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hiệp cùng Đức Giáo hoàng Phanxicô dâng lên Chúa những ý nguyện của người, cùng với ý của chúng con vừa nói lên, với bao ý nguyện của anh chị em chúng con trên toàn thế giới, và của nhiều người chưa thể nói ra, Chúa đều biết cả, Chúa thấu hiểu lòng chúng con, xin Chúa thương đón nhận, thánh hóa và ban ơn theo thánh ý Chúa. Amen.

IV. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA
•        Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.
•        Hát : Ca Thánh Thể.
•        Lời nguyện.
•        Phép Lành Mình Thánh Chúa.

V. BẾ MẠC
•        Hát kết thúc
 
 
 
 

 
 
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log