Chúa nhật, 17/11/2024

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016

Cập nhật lúc 16:13 01/12/2015
“Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36).
Năm Thánh Lòng Thương Xót của Hội Thánh Công Giáo khai mạc ngày 8-12-2015, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, và sẽ kết thúc vào ngày 20-11-2016, lễ Chúa Kitô Vua. “Mục đích của Năm Thánh là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống”[1]. Tại Việt Nam, Năm Thánh Lòng Thương Xót trùng với Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội (2016), sau khi đã tập trung vào gia đình (2014) và cộng đoàn giáo xứ, dòng tu (2015). “Sự trùng hợp này giúp chúng ta hiểu và sống cách cụ thể định hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam. Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội chính là sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho lòng thương xót ngay trong đời sống xã hội”[2]. Dẫu vậy, công cuộc Tân-Phúc-Âm-hóa bao giờ cũng bắt đầu từ mỗi cá nhân sống trong gia đình rồi đến xã hội: “tu thân, tề gia, trị quốc”. Trước hoàn cảnh khủng hoảng hôn nhân gia đình hiện nay, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XIV vừa qua một lần nữa bàn thảo về Mục vụ gia đình và nhấn mạnh đến tính chủ thể mục vụ của gia đình trong chủ đề: “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và thế giới ngày nay”. Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng lễ kết thúc đã nói bổn phận đầu tiên của Hội Thánh không phải là «đưa ra những lời kết án hay vạ tuyệt thông» nhưng là «công bố lòng thương xót của Thiên Chúa».
Chuẩn bị mở Năm Thánh về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thời đại ngày nay, khi Hội Thánh đang thực thi công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và đổi mới các hoạt động mục vụ. Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha”[3]. Vì thế, trong năm mới đang tới này, các đức Giám mục Việt Nam kêu gọi “mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống. […] Đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, anh chị em hãy tích cực thực thi lòng thương xót”[4].
Để xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống, người Công giáo có tấm bảng chỉ đường cụ thể là Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Giáo huấn này được trình bày trong tài liệu “Tóm lược Học thuyết xã hội Công Giáo” do Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình phát hành. “Đây là tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực xã hội. Chúng ta không thể Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội mà lại không biết gì về Giáo huấn xã hội của Giáo hội”[5]. “Học thuyết xã hội là một phần thiết yếu cho tác vụ Phúc-âm-hóa của Giáo hội nên trọn vẹn”[6]. Vì thế, cách đặc biệt trong năm mục vụ sắp tới này, mọi thành phần Dân Chúa được khuyến khích học hỏi, thảo luận và giúp nhau sống những giáo huấn này. Trong học thuyết xã hội của Giáo hội người Kitô hữu có thể tìm thấy những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động. Đó là bước đầu để đẩy mạnh nền nhân bản toàn diện và liên đới. “Giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội”[7]. Trong số những vấn đề xã hội, người Kitô hữu hiện nay được mời gọi lưu ý đặc biệt đến vấn đề môi sinh và người nghèo trong xã hội, lắng nghe và đáp lại “cả tiếng khóc của Trái đất, và tiếng khóc  của người nghèo” [8].
Trong hướng mục vụ đó, để giúp các cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam suy tư, sống, cảm nghiệm , chia sẻ và loan báo Lòng Thương Xót qua việc Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội, chúng tôi gợi ý nơi đây các chủ đề tương ứng với mỗi tháng trong năm 2016 này. Mỗi chủ đề cho thấy chiều dọc của Lòng Thương xót được “nhập thể” trong chiều ngang, tức là chiều kích nhân học xã hội, trong các lãnh vực khác nhau. Những chủ đề phản chiếu qua các từ khóa: truyền giáo (sứ vụ), di dân, phẩm giá con người, gia đình, việc làm (lao động), đối thoại (truyền thông), công ích, hòa bình, người nghèo, môi sinh.
 
Số TT Chủ đề trong tháng
 (từ tháng 12.2015 đến hết tháng 11.2016)
Sự kiện ý nghĩa trong tháng
1. “Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia” 8-12-2015 khai mạc Năm Thánh LTX
2. Lời giải đáp của Tin Mừng Lòng Thương Xót cho chất vấn về người di dân và tị nạn 17-01-2016 ngày cho người Di dân và Tị nạn
3. Phẩm giá con người do Lòng Thương Xót 10.02 vào Mùa Chay
4. Giữa lòng xã hội Gia đình phản chiếu dung mạo Lòng Thương Xót 4.5-03-2016 “24 giờ dành cho Chúa”
5. Lao động : thể hiện phẩm giá thụ tạo theo hình ảnh của Đấng Hay Thương Xót 3-04 CN II PS: CN Lòng Thương Xót
6. Đối thoại xã hội: truyền thông lòng thương xót 15-05 CN Lễ Hiện Xuống
7. Công ích và Hòa bình trong xã hội: khởi đầu cho lòng thương xót 3-06 Lễ TTCG
8. Tân Phúc-Âm-hóa để môi sinh văn hóa thấm đâm tình yêu - lòng thương xót  
9. Lòng từ bi hay thương xót: động lực của tân Phúc-Âm-hóa nền kinh tế - chính trị  
10. Lòng thương xót hay tha thứ và “món nợ sinh thái” không thể được dung tha 1-09  TG cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên
11. Lòng Thương Xót trong sứ mạng của Hội Thánh 23-10 CN Truyền giáo
12. TC hằng thương xót những người nghèo và những người dễ bị tổn thương trong xã hội 20-11 CN CK Vua. Kết thúc Năm Thánh LTX.
 
     

[1] HĐGMVN, Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa 17-09-2015, 2.
[2] Ibid. 3.
[3] ĐGH Phanxicô, tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), 12.
[4] HĐGMVN, Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa 17-09-2015, 3.
[5] Ibid. 4.
[6] Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo (HTXHCG), 66.
[7] Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41.
[8] Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ 49.

 
Đề tài 1:

“Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia”

“Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36).
Trong khi cử hành Năm Thánh ngoại lệ để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Vatican II, đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta nhớ lời của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII phát biểu vào ngày khai mạc Công Đồng, để xác định hướng đi của Công Đồng: “Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc… Hội Thánh Công giáo muốn thể hiện chính mình như một người mẹ đầy yêu thương của tất cả mọi người, một người mẹ từ ái, nhẫn nại, luôn được thôi thúc bởi lòng thương xót và nhân hậu đối với những người con đang xa rời mẹ”[1]. Muốn thế, Hội Thánh Hiền Thê phải chiêm ngắm và kết hợp thường xuyên với Đấng Phu Quân, là Dung mạo hữu hình của Thiên Chúa Toàn năng Giàu lòng Thương xót.

1. Thiên Chúa Toàn năng và hay Thương xót

“Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136).
Thiên Chúa tỏ lộ sự toàn năng của Ngài qua lòng thương xót. “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài”[2]. Thiên Chúa là Đấng trung thành (hesed) giàu nhân nghĩa. “Ngài thứ tha mọi lỗi lầm của ngươi, Ngài chữa lành tất cả các bệnh tật của ngươi, Ngài cứu chuộc sự sống ngươi khỏi huyệt sâu. Ngài vinh thăng ngươi với lòng thương xót và lòng trắc ẩn” (Tv 103,3-4). “Ngài chữa lành những người bị dập nát tâm can và băng bó các thương tích của họ… Chúa nâng dậy những kẻ bị chà đạp, hạ kẻ gian ác xuống đến sát đất” (Tv 147,3.6). Lòng thương xót làm cho lịch sử của Thiên Chúa nơi dân Israel Cựu ước trở thành lịch sử cứu độ. Không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến đời đời, con người vẫn luôn sống dưới ánh mắt thương xót của Chúa Cha: “vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136). Không phải ngẫu nhiên mà dân Israel đưa thánh vịnh này, được gọi là “Bản trường ca Hallel”, vào những ngày lễ quan trọn nhất. Trước khi chịu Khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng Thánh vịnh lòng thương xót này.[3]

2. Dung mạo hữu hình của Lòng Thương Xót

“Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).
Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, để muôn đời tưởng nhớ đến Người và cuộc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã đặt hành động tối thượng này của Mạc khải dưới ánh sáng của Lòng thương xót. Cũng trong chính bối cảnh lòng thương xót ấy, Chúa Giêsu đã trải qua Khổ Nạn và Cái Chết, ý thức mầu nhiệm Tình yêu cao cả sẽ diễn ra trên Thập Giá.[4] “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16). Tình Yêu ấy giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ lộ trong hiến tế Thập giá và cả cuộc đời của Chúa Giêsu. “Khi chăm chú ngắm nhìn Chúa Giêsu và dung mạo lòng thương xót của Người, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Giêsu đã lãnh nhận sứ vụ mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa”[5]. Bản thân Người là Tình Yêu ban tặng cách vô điều kiện. “Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Không có gì nơi Người thiếu vắng lòng thương xót.”[6]
Chúa chạnh lòng thương (x. Mt 9,36) và nuôi ăn, cả bánh vật chất và bánh tinh thần, đám đông dân chúng đi theo Người đói khát, mệt mỏi và kiệt sức, không người chăn dắt. Chúa cảm thương và hiểu thấu tâm tư những kẻ đến tìm gặp Người (như Giakêu, chị phụ nữ Samaria, Nicôđêmô, người thu thuế Lêvi - Matthêu, người mẹ góa mất con thành Nain, những bệnh nhân, những người bị quỉ ám,…) và đáp ứng những nhu cầu chân thực nhất của họ.

3. Lòng thương xót là tiêu chuẩn nhận biết con cái thật của Thiên Chúa

“Tại sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi?” (Mt 18,33).
“Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xứ với các con như vậy, nếu mỗi người trong các con không thật lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta: “Chúa Giêsu khẳng định lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nhưng còn là tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái thật của Ngài. Tóm lại, chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua”.[7]
Để có thể sống, tuyên xưng lòng thương xót đó, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lưu ý chúng ta “liên tục suy niệm Lời Chúa, nhất là tham dự cách ý thức và có suy nghĩ bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải, mang một ý nghĩa rất lớn. Thánh Thể luôn đưa chúng ta lại gần tình thương mạnh hơn sự chết này”[8].
Trong năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội này, các đức Giám mục Việt Nam kêu gọi “mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống. […] Đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, anh chị em hãy tích cực thực thi lòng thương xót”[9].

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

  1. Cá nhân, gia đình của anh chị có một quyết tâm cụ thể đổi mới gì trong cuộc sống để chiêm ngắm, sống, chia sẻ lòng thương xót cúa Chúa?
  2. Phúc-âm-hóa xã hội trong Năm Lòng Thương xót này có thể được thể hiện ở lãnh vực, hay đối tượng nào cấp thiết nhất ở địa phương của anh chị? Trong vùng, đất nước của anh chị? Và trên thế giới?
 
Văn Phòng HĐGMVN
 
 
 
 
 
 
[1] Diễn từ khai mạc CĐ Vatican II, Gaudet Mater Ecclesia, 11.10.1962, 2-3.
[2] Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q.30, a.4.
[3] ĐGH Phanxicô, Misericordiae Vultus, 7.
[4] Ibid.
[5] Ibid. 8.
[6] Ibid.
[7] Ibid. 9.
[8] Dives in Misericordia, 13.
[9] HĐGMVN, Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa 17-09-2015, 3.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log