Thứ hai, 23/12/2024

Bài Thuyết Trình Của Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long Trong Ngày Họp Mặt Liên Tu Sĩ Giáo Phận Hưng Hóa Lần Thứ Ba

Cập nhật lúc 09:24 16/02/2017

Lời BBT: Tại cuộc họp mặt liên Tu Sĩ vừa qua, Đức cha Phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long đã có bài thuyết trình mang tính mục vụ liên quan đến việc Đồng hành và Loan báo Tin Mừng tại giáo phận trong năm Mục vụ Gia đình. Nhận thấy bài thuyết trình có thể giúp ích cho giới trẻ và các gia đình trong các buổi sinh hoạt, họp mặt, cũng như giúp ích cho các linh mục giáo phận và Ban Hành giáo, Hội đoàn Công giáo Tiến Hành…, chúng tôi xin phép đăng bài thuyết trình này.  
Xin hân hoan chào mừng quý cha, quý tu sĩ nam nữ đang tham gia mục vụ tại giáo phận về dự cuộc họp mặt nhân ngày dành cho những người sống đời thánh hiến.
Được mời chia sẻ, tôi xin trình bày hai vấn đề có liên quan mật thiết đến mục vụ trong Năm dành cho Gia đình, đó là Đồng HànhLoan Báo Tin Mừng. Bài nói của tôi vận dụng “Thư gửi các Gia đình Công giáo” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới đây.
I. ĐỒNG HÀNH (Concomitance, Companion):
a. Đồng hành là từ được đề cập nhiều, ngày nay, trong mọi lãnh vực: tại học đường, cần có người trợ giáo, tư vấn (tuteur, consulteur), bên Mỹ các học sinh trung học có người đồng hành được gọi là counselor giúp định hướng, hướng nghiệp hay chuyên ngành một khi mãn trung học; trong chủng viện, mỗi lớp có một cha đồng hành, mỗi chủng sinh có cha linh hướng (père spirituel) cũng được gọi là cha đồng hành thiêng liêng (accompagnateur spirituel) giúp biện phân ơn gọi và thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. Các linh mục cũng cần có linh mục đồng hành, ở tòa ngoài cũng như tòa trong (vd: ở Pháp, các giáo phận đặt 1 linh mục để đồng hành với các linh mục trẻ chịu chức 5 năm trở lại). Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức, thụ nhân có người đỡ đầu (parrain, marraine) chính là người đồng hành. Trong lãnh vực tâm lý, có các nhà tư vấn là người đồng hành. Trong lãnh vực sức khỏe, có bác sĩ gia đình…
Bộ giáo luật 1983 nói đến việc đồng hành qua kiểu nói “săn sóc mục vụ”. Vd: khi chuẩn bị cho thụ nhân lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hôn nhân, Xức dầu Bệnh nhân (c. 872; 892; 1063-1064).
b. Mọi người đều có trách nhiệm giúp đỡ, đồng hành với người cần đến. Các linh mục, tu sĩ, vì được học cao hiểu rộng, lại là người ở ngoài cuộc nên tỉnh táo, sáng suốt, khách quan hơn (“Đương cuộc giả mê, bàng quan giả tỉnh”) nên dễ được giáo dân đến bàn hỏi. Có những việc mà linh mục, tu sĩ không thể ủy thác, khoán trắng cho người khác, mà chính mình phải nhập cuộc, phải đích thân làm. Vd: các cha không được trao phó hoàn toàn việc dạy giáo lý dự tòng, hôn nhân cho giáo lý viên, mà phải đích thân dạy, qua đó đồng hành, tiếp xúc, giúp học viên chuẩn bị lãnh bí tích cách xứng hợp.
Việc đồng hành phải trải dài trước, trong và sau khi lãnh nhận bí tích. Trong mục vụ, cần vận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc, đồng hành với giáo dân. Mọi biến cố vui buồn, hạnh phúc, đau khổ, thành công, thất bại…của mỗi người đều là cơ hội để đồng hành, nhất là khi gặp những hoàn cảnh éo le, thất bại, đau khổ, lúc ấy người ta cần sự đồng hành, nâng đỡ hơn cả.
Linh mục, tu sĩ vì là “người của Chúa”, sẽ dễ được người ta lắng nghe, cởi mở tâm hồn, và chấp nhận hơn người khác. Một linh mục, tu sĩ mà người ta sợ, không dám lại gần, tiếp xúc, không dám cởi mở tâm hồn hay giấu diếm này kia… thì phải xem lại tư cách và cách sống của mình, như thế là thất bại.
Đồng hành bằng việc thăm viếng, gặp gỡ, tiếp xúc. Bây giờ, có nhiều phương tiện hiện đại như: điện thoại, email, các mạng xã hội facebook, zalo… nhưng không gì tốt bằng gặp gỡ trực tiếp, diện đối diện. Nên tìm dịp thuận tiện nhất, tìm nơi chốn thích hợp. Trong một dịp Thường Huấn gần đây, các cha đã được lưu ý đến việc thăm viếng giáo dân lẫn lương dân trong vùng, mỗi ngày dành ít là một tiếng đồng hồ, có thể gộp lại mỗi tuần một ngày.
Cần biết các phương pháp tâm lý, kỹ năng giúp người ta cởi mở cõi lòng: nghe nhiều hơn nói, có khi bằng ánh mắt, cử chỉ, để cảm thông, hiểu biết: “khóc với người khóc, vui với người vui” (Ro 12,15). Dĩ nhiên cần khôn ngoan, thận trọng, kẻo “vấp ngã” (“Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã” - 1 Cr 10,12). Gặp gỡ, tiếp xúc một lần thường không đủ, mà phải gặp gỡ nhiều lần mới có hiệu quả. Không nên nôn nóng muốn đạt kết quả ngay, mà phải kiên nhẫn, đừng đốt cháy giai đoạn hay vội ngã lòng, buông xuôi.
c. Năm nay, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi “Thư Chung” cho toàn Giáo Hội Việt Nam đề ra phương hướng mục vụ gia đình trong ba năm (2016-2019), và soạn “Thư gửi các Gia đình Công giáo” với nhiều chỉ dẫn liên quan đến việc đồng hành. Chúng ta cần đọc đi đọc lại, giúp các cộng đoàn dân Chúa học hỏi và thực hành.
- Trước hết, trong Tin Mừng, ta học nơi Chúa Giêsu tấm gương quan tâm và đồng hành với mọi người và trong mọi trường hợp: tại Cana; với gia đình Bêthania, đặc biệt khi Lazarô chết; thăm mẹ vợ ông Phêrô bị bệnh; đến nhà ông Zairô để phục sinh con gái của ông; an ủi bà góa thành Naim trong đám tang con trai độc nhất của bà…
- “Thư gửi các Gia đình Công giáo” liệt kê những tình huống cần sự đồng hành, đó là những gia đình đang trên đà đổ vỡ, ly dị, ly thân; gia đình có bạo hành; giới trẻ sống chung, sống thử; phá thai; những gia đình thiếu tình thương giữa cha mẹ-con cái, giữa anh chị em với nhau; những gia đình gặp khó khăn về kinh tế và xã hội khiến phải nghèo khổ, thất nghiệp, không có nhà ở, những người vì nghèo nên không dám kết hôn, những gia đình mà chồng hay vợ phải đi làm ăn xa, để các con ở nhà, hoặc sống chen chúc trong các phòng trọ chật hẹp; những người nghiện ngập ma túy, rượu chè, cờ bạc; những gia đình lục đục bất hòa; não trạng hưởng thụ, tiêu xài, không dám chịu trách nhiệm; những người sống phóng túng trong tình dục, không kết hôn mà chỉ sống bất hợp pháp. Nạn ly dị “là một điều xấu và số lượng các vụ ly dị ngày càng gia tăng là điều rất đáng lo ngại. Vì thế, không nghi ngờ gì nữa, nhiệm vụ mục vụ quan trọng nhất của chúng ta đối với gia đình là phải củng cố tình yêu của đôi bạn, giúp họ chữa lành những vết thương, để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại chúng ta” (Niềm vui của Tình yêu, 246). Đồng hành sẽ giúp chấn chỉnh, sửa đổi những điều xấu nơi cá nhân và gia đình Công giáo.
- Không chỉ trong những tình huống tiêu cực, mà linh mục, tu sĩ còn được mời gọi đồng hành trong những gì tích cực, tức là nhằm giúp các gia đình và cá nhân kitô hữu sống thánh thiện, đạo đức, sống tốt đẹp và hạnh phúc cuộc sống của họ. Một việc đồng hành rất ý nghĩa đó là cùng cầu nguyện với gia đình (số 7). Nhớ lại hồi làm quản xứ Trà Kiệu, tôi hô hào các gia đình tái lập giờ kinh tối đã bị bỏ mất. Mỗi tối vào lúc 8g00 đúng, các nhà thờ sẽ đổ chuông; khi nghe tiếng chuông, mọi nhà tạm ngưng các hoạt động để tập trung cầu nguyện. Mỗi tối, tôi, thầy xứ và các sơ của hai dòng Mến Thánh Giá và Phaolô chia nhau đến các gia đình để thăm hỏi và nhất là cùng cầu nguyện với họ. Việc đồng hành này đã đem lại kết quả tốt đẹp, giáo xứ đạo đức hơn, sống tốt hơn.
Thư gửi các Gia đình nói trên còn cho thấy có vô số hoàn cảnh có thể đồng hành để giúp gia đình công giáo sống tốt ơn gọi và sứ mạng:
- Đồng hành trong việc khích lệ các gia đình sống tình yêu, lòng thương xót với nhau trong gia đình, và với mọi người chung quanh (số 8); mời gọi họ biết tôn trọng và đón nhận sự sống, không phá thai (số 9); khuyến khích con cái thảo hiếu cha mẹ, chăm sóc người cao tuổi; nhắc nhở các gia đình trở nên ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản (số 10) qua việc giáo dục nhân bản, đạo đức và đức tin tôn giáo cho con cái…
- Đồng hành để giúp các gia đình sống tốt đẹp hôn nhân, cảm thông những yếu đuối vấp ngã, và gần gũi chứ không xa lánh tội nhân (gương Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria, với người phụ nữ ngoại tình), giúp gia đình nêu chứng tá đời sống.
- Đồng hành với các gia đình di dân trong cuộc sống khó khăn vật chất, sinh hoạt gia đình, dạy dỗ con cái, giữ đời sống đạo, hội nhập vào giáo xứ mới, mời gọi mọi người mở rộng vòng tay với họ.
- Đồng hành với những cặp hôn nhân khác đạo, nhất là người công giáo để họ giữ đức tin, giáo dục đức tin cho con cái, làm chứng cho Chúa trong gia đình họ.
- Đồng hành với những gia đình bị đổ vỡ: cảm thông, nâng đỡ, hòa giải, không loại trừ, giúp đỡ họ giáo dục con cái, trẻ thơ,
- Đồng hành để giúp mọi người công giáo sống lòng thương xót trong việc thực thi 14 mối thương người.
- Đồng hành để giúp mọi người quan tâm đến ngôi nhà chung, biết bảo vệ môi trường.
- Đồng hành với các bạn trẻ, nhất là những người sắp bước vào hôn nhân, là đối tượng được đặc biệt lưu ý trong năm 2017 này, để họ chuẩn bị hành trang bước vào đời sống hôn nhân; đồng hành với các bạn trẻ khác đang bị chao đảo đức tin, sống cô đơn, mất phương hướng, sống buông thả… để giúp đỡ họ.
 
II. THỰC HIỆN SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG
Trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, ĐTC Phanxicô xác định: mọi tín hữu đều phải là những “môn đệ truyền giáo” (disciple-missionnaire), huống gì các tu sĩ.
Cuộc sống hoạt động và cầu nguyện của tu sĩ phải qui hướng về Loan báo Tin Mừng: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ điều gì, anh em hãy làm để tôn vinh Chúa” (1 Cr 10,31).
Tại Giáo Hội Việt Nam, công cuộc loan báo Tin Mừng xem ra bị chững lại, không tiến. Hô khẩu hiệu thì nhiều, thực chất thì không.
Tu sĩ không đi tu cho mình mà cho Chúa, không tìm vinh danh mình mà vinh danh Chúa như tôn chỉ của dòng Tên: “Ad majorem Dei gloriam” (Để làm vinh danh Chúa). Nếu một tu sĩ cả đời tu trì không dẫn đưa về được một linh hồn cho Chúa thì phải chăng đời tu của họ không sinh hoa trái!
Việc đồng hành với các gia đình cũng là Loan báo Tin Mừng. Có khi chỉ một lời nói, một việc làm nhỏ bé cũng đem lại hiệu quả lớn lao nhất cho vinh danh Chúa.
Tâm thư Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam gửi các anh chị em sống đời thánh hiến ngày 06.11.2015 nhân dịp Đại hội V tại Xuân Lộc có nhắn nhủ như sau:
“Ra đi làm chứng cho thực tại Nước Trời: Mỗi người, mỗi cộng đoàn phải trở thành chứng tá cho niềm vui Nước Trời, niềm vui trọn vẹn của Thiên Chúa mà chúng ta đang nhận lãnh và muốn chia sẻ. Hơn nữa, trong một thế giới vẫn còn nghèo đói, hận thù và bất công, người tu sĩ chúng ta phải làm chứng cho Nước Trời đang đến với niềm tin và hy vọng hướng về một thế giới mới “không thuộc về thế gian này”. Vì thế, chúng ta phải ra khỏi chính mình, sẵn sàng để cho Hội Dòng sai đi tới bất cứ nơi nào để loan báo Tin Mừng, ưu tiên phục vụ người nghèo, dấn thân vào việc phát triển con người toàn diện, bảo vệ nhân phẩm và những quyền cơ bản của con người” (số 4).
III. Kết luận: Xin khen ngợi và cám ơn các cha, các tu sĩ đã miệt mài nỗ lực âm thầm từng ngày để đồng hành mục vụ với các giáo hữu. Mỗi người đừng để nhiệt huyết tông đồ và mục vụ của mình bị nguội đi theo năm tháng hoặc bị những thất bại làm chùn bước. Tôi xin mách một bí quyết: Hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn các bạn. Cha J.J. Olier, vị sáng lập Hội Linh Mục Xuân Bích đã đề ra châm ngôn: “Buông mình cho Chúa Thánh Thần” (S’abandonner à l’Esprit-Saint. Se laisser conduire par l’Esprit-Saint”). Ngài là Bạn đồng hành chí thân chí thiết của chúng ta. Ngài là Đấng thúc đẩy chúng ta thi hành sứ vụ mục tử và loan báo Tin Mừng. Không có Ngài, chúng ta không làm được gì.
Ngày 14.08.2016, trong buổi đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô nói: “Giáo Hội cần các tín hữu kitô để Chúa Thánh Thần đốt nóng… Lúc này, hơn bao giờ hết, cần có các linh mục, các nam nữ thánh hiến, và giáo dân trên khắp thế giới, tận hiến cho việc loan báo Tin Mừng với tình yêu lớn lao và lòng trung thành, thậm chí phải hy sinh cuộc sống của mình”. “Bằng chứng gương mẫu của họ nhắc nhở chúng ta rằng: Giáo Hội không cần những viên chức quan liêu hoặc quá cần mẫn; thay vào đó, Giáo Hội cần những nhà truyền giáo nhiệt huyết, được đốt cháy bởi lòng nhiệt thành để mang Lời an ủi của Chúa Giêsu và ân sủng của Người đến tất cả mọi người.”
Trong phần thảo luận sau đây, xin quý cha, quý tu sĩ trao đổi kinh nghiệm về việc đồng hành với các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, trong ý thức nối kết việc đồng hành với việc loan báo Tin Mừng. Chắc chắn có những người lương theo đạo nhờ kết hôn, và những bạn trẻ công giáo cần được loan báo hoặc tái loan báo Tin Mừng nhân việc hôn nhân của họ, chúng ta đã và sẽ làm gì để vừa đồng hành với họ, vừa loan báo Tin Mừng cho họ?
Anphong Nguyễn Hữu Long - Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log