Thứ bảy, 16/11/2024

Đúc Kết Thảo Luận Của Các Nhóm Tu Sĩ Về Việc Chuẩn Bị Hôn Nhân Cho Bạn Trẻ(09.02.2017)

Cập nhật lúc 09:25 16/02/2017
Nhận định về Mục vụ Chuẩn Bị Hôn nhân cho bạn trẻ
  1. Thuận lợi
Hầu hết các giáo xứ đều tổ chức giáo lý có hệ thống, có Hội đồng Mục vụ, có kế hoạch hoạt động, giảng dạy giáo lý dự tòng – hôn nhân theo từng năm. Các linh mục, tu sĩ là những người có cảm nghiệm về Thiên Chúa nên dễ thuyết phục và thu hút các bạn trẻ. Họ dễ cởi mở, chia sẻ tâm tình, và chấp nhận sự đồng hành của các linh mục, tu sĩ. Do đó, các linh mục, tu sĩ nên mạnh dạn dấn thân đồng hành với bạn trẻ để giúp họ. Ngoài ra, khi được các linh mục, tu sĩ trực tiếp giảng dạy hay thăm hỏi, khích lệ, động viên thì các bạn trẻ cảm nhận được quan tâm, và nhận ra tầm quan trọng của việc học giáo lý trước hôn nhân.
  1. Khó khăn
  • Giới trẻ ngày nay chú trọng đến học văn hóa nhiều hơn học giáo lý.
  • Giới trẻ bị ảnh hưởng bởi lối sống hưởng thụ, sống thử trước hôn nhân, có bầu rồi hối thúc cha mẹ, cha xứ và những người dạy giáo lý rút ngắn thời gian học giáo lý, học cấp tốc, học cho có lệ, học không có chất lượng.
  • Thời gian tiếp xúc, gặp gỡ, chia sẻ, ít hoặc không có.
  • Nếu phải đi làm ăn xa, các bạn trẻ không được sống trong môi trường nuôi dưỡng đức tin, ít tham gia những sinh hoạt tôn giáo.
  • Nhiều khi do lệ thuộc về thời gian, công việc tại các công ty, xí nghiệp, nên không có thời giờ học giáo lý, chuẩn bị hôn nhân cho tốt.
  • Người đỡ đầu không đồng hành với họ.
  • Tại nhiều giáo xứ, nhất là nơi vùng cao, bạn trẻ ở quá xa, khó quy tụ.
  • Tỷ lệ kết hôn với người lương dân hoặc người khác tôn giáo cao, phía những người này hay xem ngày, xem giờ, sau đó thúc ép cha xứ, người dạy giáo lý phải nhanh chóng dạy sao cho phù hợp ngày của họ, xin giảm miễn thời gian trình diện, thời gian học giáo lý…Khi ép không được, họ cưới trước, rồi sửa hôn nhân sau.
  • Chỉ mới dạy giáo lý cho người dự tòng, chứ chưa có kế hoạch chăm sóc mục vụ, giúp họ lớn lên trong đức tin sau khi lãnh nhận bí tích.
  • Cũng chưa có kế hoạch chăm sóc mục vụ, đồng hành để nuôi dưỡng đức tin cho những người khô khan nguội lạnh mới trở lại.
  • Tình trạng ly dị ngày càng nhiều.
  • Trình độ hiểu biết giáo lý và sư phạm của người dạy ở nhiều nơi còn hạn chế.
  1. Giải pháp được đề ra
  • Chuẩn bị xa cho các bạn trẻ như: dạy giáo lý cộng đồng trước Thánh lễ; mở các khóa giáo lý tiền hôn nhân; mời chuyên viên hướng dẫn về đề tài hôn nhân – gia đình, tâm lý, sức khỏe sinh sản… chia sẻ trong các buổi sinh hoạt giới trẻ; tạo điều kiện cho các bạn trẻ chuẩn bị bước vào hôn nhân được tiếp cận với thực tế để có cái nhìn đúng đắn; tổ chức giờ kinh tối trong các gia đình.
  • Cần làm thế nào để việc học giáo lý dự tòng và hôn nhân sống động, hấp dẫn; giúp các bạn trẻ hiểu và ý thức học giáo lý để biết-tin-yêu Chúa, nhờ đó sống tốt hôn nhân Công giáo, chứ không phải học cho có học, học để tuân theo thủ tục hôn nhân.
  • Nâng cấp việc dạy và học giáo lý dự tòng, hôn nhân. Nên linh động và sáng tạo trong cách dạy và học giáo lý. Có thể học trên mạng, trao đổi qua điện thoại, qua gặp gỡ trực tiếp, có sự đối thoại, giải đáp thắc mắc… Nên vận dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại trong việc giảng dạy giúp người học dễ tiếp thu hơn và đạt kết quả cao.
  • Các linh mục, tu sĩ cần đồng hành, chia sẻ, kiên nhẫn lắng nghe và cảm thông với bậc phụ huynh và bạn trẻ; đặc biệt, phải kiên trì tiếp cận, gặp gỡ đồng hành sát sao với những bạn trẻ không sống đức tin, sống phóng túng dẫn đến phá thai…
  • Cần có sự mềm dẻo, uyển chuyển trong mục vụ trước kết hôn, có kế hoạch chăm sóc mục vụ, đồng hành trong hôn nhân, nhất là đồng hành với các đôi bạn trẻ, các đôi bạn tân tòng, các đôi bạn gặp khó khăn hay đứng trước nguy cơ tan vỡ.
  • Tổ chức ngày gặp gỡ các gia đình trẻ, nhất là các tân tòng, để họ có dịp gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và nâng đỡ nhau trong đời sống. Tìm cách giúp các bạn trẻ mới kết hôn được hiểu biết thêm và vun đắp hạnh phúc gia đình.
  • Đi bước trước trong việc gặp gỡ người khô khan, không sống đạo lâu năm, nhất là vào Mùa Chay; thăm viếng, gặp gỡ, quan tâm đến họ, giúp họ trở về với Chúa, khích lệ họ sống đạo, và nêu gương cho con cái.
  • Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Ngài hướng dẫn, thánh hóa trước và trong khi cử hành bí tích; cũng như dẫn dắt họ sau khi đã lãnh nhận bí tích.
  • Cần bình tĩnh và lạc quan để tìm cách giải quyết những vấn nạn trong mục vụ hôn nhân.
  • Cần có thiện chí và sự dấn thân mới mong có kết quả tốt.
  • Giáo dục mọi người biết tôn trọng con người, tôn trọng sự sống.
Kết luận
Trên đây là một số nhận định và đề nghị được đưa ra liên quan đến Mục vụ Hôn nhân – Gia đình. Ước mong những người có trách nhiệm và sứ mạng trong công tác này lưu tâm và áp dụng những giải pháp thích hợp, để công tác này ngày càng tốt đẹp hơn, giúp các gia đình trẻ tìm được hạnh phúc thực sự và trở thành chứng nhân cho Chúa trong ơn gọi Hôn nhân Công giáo.
BBT Giáo Phận Hưng Hóa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log