Thứ sáu, 24/01/2025

Tìm hiểu tổ chức Giáo xứ Công giáo

Cập nhật lúc 10:58 28/05/2016
Tìm hiểu tổ chức Giáo xứ Công giáo
(Tham khảo Kinh Thánh, Bộ Giáo Luật 1983 và tài liệu Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
 
1/- Khái niệm giáo xứ
Theo Bộ Giáo luật hiện hành của Giáo hội Công giáo (ban hành năm 1983), giáo xứ (tiếng Latinh: paroecia) là một cộng đoàn tín hữu giáo dân, mà việc chăm sóc mục vụ được giao phó cho một linh mục, trực thuộc thẩm quyền của Giám mục của một giáo phận. Chỉ có Giám mục giáo phận có quyền thành lập, phân chia, giải tán, hoặc thay đổi địa giới các giáo xứ. Một khi đã được thành lập hợp lệ, giáo xứ đương nhiên được hưởng tính cách pháp nhân theo luật (x. GL đ.515).
Mỗi giáo xứ có phân định địa hạt rõ ràng với số lượng tín hữu cư trú trong đó (x. GL đ.518). Giáo xứđơn vị cơ bản cấu tạo thành Giáo hội Công giáo. Nhiều giáo xứ được tổ chức thành một giáo phận dưới quyền một Giám mục. Tất cả các giáo phận trên thế giới làm nên Giáo Hội toàn cầu dưới quyền Đức Giáo Hoàng, là Giám mục Roma. Ngài là vị Thủ Trưởng của Giám mục đoàn.
Linh mục được trao trách nhiệm coi sóc giáo xứ gọi là Cha xứ, là người đứng đầu, đóng vai trò lãnh đạo giáo xứ như một người cha trong gia đình thiêng liêng của các con cái Chúa. Cha xứ là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó, và thi hành việc săn sóc mục vụ phục vụ cộng đoàn được ủy thác dưới quyền của Giám mục giáo phận, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóaquản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục khác hoặc với các phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo quy tắc luật định (x. GL đ.519).
2/- Giáo xứ trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo      
Đức Giêsu, Đấng sáng lập Đạo Công Giáo, là Thiên Chúa giáng thế làm người trong dân tộc Do Thái vùng Tiểu Á. Năm sinh của Ngài được cả thế giới lấy làm năm 01 khởi đầu để tính niên lịch, tới nay là năm 2016. Ngài chỉ sống ở trần thế hơn 30 năm, lấy gương sống và lời giảng dạy mà giáo dục loài người sống theo chân lý Ngài mạc khải để đạt tới hạnh phúc đích thực và trường tồn. Năm 33 Ngài tự hiến thân chịu tử nạn trên Thánh giá để lập công cứu chuộc đền tội thay cho cả nhân loại. Sau khi chết, Ngài được an táng trong mồ. Nhưng ngày thứ ba Ngài tự tác phép sống lại ra khỏi mồ rồi vinh hiển trở về thiên giới. Sinh thời tại thế Ngài tuyển chọn và huấn luyện 12 vị Tông đồ và 72 môn đệ để tiếp tục sự nghiệp cứu thế mà Ngài đã khởi sự. Trước khi từ biệt các ông mà về trời, Đức Giêsu truyền dạy các vị đó: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28, 19-20).
Vâng lệnh Thầy Giêsu truyền dạy và với ơn sức Chúa Thánh Thần trợ lực, các Tông đồ và môn đệ nhiệt tâm loan báo Tin Mừng Đạo Chúa. Thâp niên 30-40 đã có nhiều người tin theo đạo liên kết với nhau thành cộng đoàn tín hữu đầu tiên tại Giêrusalem thủ đô nước Do Thái. Thế là giáo xứ tiên khởi được hình thành. Sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu tiên khởi này gồm có việc chuyên cần đến nghe các Tông đồ giảng dạy, hằng ngày cầu nguyện chung với nhau, tham dự Thánh lễ các ngày Chủ Nhật, và tích cực làm các việc bác ái thương yêu giúp đỡ nhau trong tình hiệp thông (x. Cv 2, 42 tt). Địa điểm họ qui tụ cùng nhau sinh hoạt là các cư xá tư gia có nhà cửa rộng rãi, vì lúc đó chưa có điều kiện làm nhà thờ.
Tin Mừng mau chóng được loan đi các thành thị làng mạc khác trong nước Do thái. Số các cộng đoàn tín hữu thêm nhiều. Các Tông đồ lãnh đạo Giáo Hội phải phân chia địa hạt cho các cộng đoàn thành các giáo xứ, mỗi cộng đoàn giáo xứ được giao phó cho một vị phụ trách. Vị này chính là Cha xứ lãnh đạo và phục vụ cộng đoàn, dưới quyền Tông đồ đoàn.
Dân chúng tin theo Tin Mừng đạo Chúa mau chóng trở thành phong trào lớn mạnh. Các nhà cầm quyền trong dân Do Thái ra tay cấm cản bắt bớ bằng bạo lực. Các tín hữu buộc phải trốn tránh di dân sang các nước lân cận vùng Tiểu Á, và đi đến đâu họ loan Tin Mừng đạo Chúa đến đó (x. Cv 8, 1-8). Họ truyền giảng cho đồng bào Do Thái và cho cả dân ngoại nữa, và có rất đông người tin theo (x. Cv 11, 19-24). Các cộng đoàn tín hữu mới bên ngoài nước Do Thái gia tăng theo cấp số nhân nơi các sắc tộc khác nhau. Các Tông đồ phải phân chia nhau đi khắp các nước mỗi vị phụ trách một miền thuộc địa đế quốc La Mã. Mỗi miền đó hình thành một giáo phận dưới quyền một vị Tông đồ. Vị này lo việc loan báo Tin Mừng trong giáo phận mình và cắt đặt những vị phụ trách cấp dưới điều hành các cộng đoàn tín hữu mới theo đạo được thiết lập thành các giáo xứ mới. Tín hữu của các giáo xứ này lại loan báo Tin Mừng cho những miền lân cận. Tin Mừng đạo Chúa truyền bá tới đâu cũng bị cấm cản bách hại, dầu vậy Tin Mừng như vết dầu loang chỉ trong 3 thế kỷ đã loan truyền khắp các nước thuộc quyền đế quốc La Mã đương thời (tức là bao gồm các nước Âu châu, Tiểu Á, Trung đông và Bắc Phi ngày nay). Các vị Tông đồ hầu hết bị giết trong các cơn bách hại đạo. Nhưng các ngài lại truyền chức cho các người kế vị, đó là các Giám mục. Các Giám mục lại truyền chức cho những người cộng tác cấp dưới, đó là các linh mục, và cắt đặt họ phụ trách các giáo xứ được hình thành khắp nơi. Tiến trình loan báo Tin Mừng theo lệnh của Đức Giêsu cứ như thế tiếp tục qua các thế kỷ, tới nay đã bao trùm khắp các nước trên thế giới.
3/- Những nhân tố cốt yếu của một giáo xứ
Điểm qua thực tế lịch sử Giáo Hội và căn cứ vào những qui định của bộ Giáo luật hiện hành, thì có 2 nhân tố cốt yếu làm nên một giáo xứ : Đó là sự hiện diện một cộng đoàn tín hữu trong một địa bàn xác định, và một vị linh mục được Giám mục giáo phận bổ nhiệm làm cha xứ phụ trách điều hành cộng đoàn tín hữu ấy. Tương quan giữa hai nhân tố cốt yếu này với nhau lại phụ thuộc vào khả năng phục vụ của cha xứ.
Vậy muốn thành lập một giáo xứ phải căn cứ vào 3 tiêu chí liên quan tương ứng với nhau:1- số lượng các tín hữu trong một giáo xứ, 2- diện tích địa lý của giáo xứ, 3- khả năng phục vụ của cha xứ. Thực tế mục vụ cho thấy một linh mục thông thường chỉ phục vụ các nhu cầu tâm linh cơ bản cho khoảng từ 500 đến 1000 người giáo dân trong một giáo xứ, tùy theo hoàn cảnh địa lý và giao thông của khu vực: Cụ thể mật độ dân số càng ít thì diện tích giáo xứ càng rộng; diện tích giáo xứ càng rộng và đi lại giao thông càng khó khăn, thì số lượng giáo dân mà khả năng cha xứ phục vụ được càng ít.
Để lượng định khả năng phục vụ của một cha xứ cho cộng đoàn giáo dân, ta phải biết được sức nặng mục vụ mà Giáo luật qui định cho cha xứ phải gánh vác, cụ thể như sau:
Ðiều 528: (1) Cha xứ có bổn phận dự liệu để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho mọi người đang cư ngụ trong giáo xứ; vì thế phải lo giảng dạy các giáo dân về các chân lý Ðức Tin, nhất là nhờ việc giảng lễ trong các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc, và nhờ việc dạy đạo lý; ủng hộ giúp đỡ những chương trình nhằm cổ động tinh thần Phúc Âm kể cả trong lãnh vực công bình xã hội; cần phải để ý cách riêng tới việc giáo dục công giáo cho thiếu nhi và thanh niên; cố gắng, bằng mọi phương tiện có thể, cùng với sự hợp tác của các tín hữu, để sứ điệp Phúc Âm được đạt đến với cả những người đã lơ là việc giữ đạo hoặc không tuyên xưng Ðức Tin chân thật nữa.
(2) Cha xứ cố gắng để Bí Tích Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ; làm sao cho mọi tín hữu được nuôi sống nhờ việc cử hành sốt sắng các bí tích, cách riêng là thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Thánh ThểBí Tích Thống Hối; ngoài ra, hãy cố gắng hướng dẫn các tín hữu biết cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong các gia đình, và biết tham dự cách có ý thức và tích cực vào việc phụng vụ, mà chính Cha xứ phải là người lo điều hành trong giáo xứ mình, dưới quyền của Giám Mục giáo phận, và phải canh chừng đừng để xẩy ra những lạm dụng.
Ðiều 529: (1) Ðể siêng năng chu toàn chức vụ chủ chăn, Cha xứ hãy tìm cách hiểu biết mọi tín hữu đã ủy thác cho mình săn sóc; vì thế cần đi thăm viếng các gia đình, san sẻ những lo lắng, ưu tư nhất là tang tóc của các tín hữu, và để an ủi họ trong Chúa; nếu họ có lỗi lầm gì, thì phải sửa bảo họ cách khôn khéo; đối với những bệnh nhân nhất là những người gần chết, hãy dốc hết tình bác ái với họ, tăng cường sức lực cho họ bằng các Bí Tích và phó thác linh hồn họ cho Thiên Chúa; hãy đặc biệt ân cần theo sát những người nghèo khổ, bệnh tật, những người cô đơn, những người bị lưu đầy và tất cả những người đang trải qua những sự khó khăn đặc biệt; cũng phải để ý lo cho các đôi vợ chồng và những người làm cha mẹ được nâng đỡ trong sự chu tất mọi phận sự riêng của họ và cổ võ sự tăng trưởng đời sống Kitô giáo trong gia đình.
(2) Cha xứ hãy nhận biết và thúc giục mọi tín hữu giáo dân góp phần riêng của họ vào sứ mệnh của Giáo Hội, bằng cách cổ động các Hiệp Hội nhằm các mục tiêu tôn giáo. Hãy cộng tác với Giám Mục của mình và với Linh Mục đoàn của giáo phận, và làm sao cho các tín hữu duy trì sự hiệp thông trong giáo xứ và chính họ tự cảm thấy họ vừa là phần tử của giáo phận vừa là phần tử của Giáo Hội phổ quát, và để họ dự phần cũng như nâng đỡ mọi hoạt động nhằm làm gia tăng sự thông hiệp ấy.
Ðiều 530: Những trách vụ đã được ủy thác đặc biệt cho Cha xứ là:
1. ban Bí Tích Rửa Tội;
2. ban Bí Tích Thêm Sức cho những người đang trong lúc nguy tử, theo quy tắc của điều 883 số 3;
  3. ban của Ăn Ðàng và Bí Tích Xức Dầu, tuy vẫn tôn trọng quy tắc của điều 1003 triệt 2 và 3; và ban Phép Lành Tòa Thánh cho các bệnh nhân;
4. chứng giám Hôn Phối và làm phép cưới;
5. cử hành lễ nghi an táng;
6. làm phép Giếng Rửa Tội trong mùa Phục Sinh, chủ sự các cuộc rước ngoài thánh đường, và việc ban phép lành trọng thể ngoài thánh đường;
7. cử hành thánh lễ cách trọng thể hơn trong các ngày Chúa Nhật và trong các ngày Lễ Buộc.
Ðiều 533: (1) Cha Sở có bổn phận phải cư trú trong nhà xứ gần thánh đường.
Qua đó ta thấy nhiệm vụ của cha xứ rất nặng nề vất vả. Vì thế khi chia tách và thành lập các giáo xứ mới phải biên chế số lượng giáo dân và diện tích địa lý của mỗi giáo xứ cho phù hợp với khả năng phục vụ của một cha xứ. Nếu số lượng giáo dân của giáo xứ nào lên tới hơn 1000 thì phải bổ nhiệm thêm một cha phó xứ cộng tác phục vụ (x. GL đ. 545). Nếu số giáo dân lên tới gần 2000 thì phải liệu chia tách ra giáo xứ mới.
Giáo luật đ. 528, s1 cũng yêu cầu sự hợp tác của các tín hữu với cha xứ trong công tác điều hành giáo xứ. Do đó trong giáo xứ còn có tổ chức Hội Đồng Giáo xứ, Ban Hành giáo, Giáo lý viên, Thừa tác viên chia sẻ trách nhiệm với cha xứ. Các thành viên của các tổ chức này gồm các tu sĩ và giáo dân thiện nguyện được cộng đoàn tín hữu trong giáo xứ tín nhiệm bầu cử vào chức vụ theo nhiệm kỳ.
Trong hoàn cảnh còn thiếu linh mục, thì cha xứ của một giáo xứ phải kiêm nhiệm phục vụ cho giáo dân các giáo xứ lân cận nữa (x. GL đ. 516, 526), làm sao để không một giáo dân nào bị bỏ rơi không được qui trách về một cha xứ phục vụ họ dù ở xa xôi hẻo lánh, không một làng bản nào dù ở vùng sâu vùng xa mà không được biên chế vào địa bàn một giáo xứ. Như thế Giáo Hội mới thực hiện đúng lệnh truyền của Đức Giêsu loan báo và làm chứng cho Tin Mừng đạo Chúa trong khắp mọi miền và “cho đến tận cùng trái đất” (x Cv 1, 8).
 4/- Những điều kiện thuận lợi để một giáo xứ hoạt động
Khi đã có đủ 2 nhân tố cốt yếu ‘cộng đoàn tín hữu và cha xứ’, Giám mục quyết định thành lập giáo xứ và khởi động đi vào sinh hoạt ngay. Tùy theo hoàn cảnh thực tế, cha xứ cùng với cộng đoàn tự lực tạo các điều kiện cần thiết cho giáo xứ của mình đi vào các sinh hoạt cộng đoàn chính yếu như các tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem thời Giáo Hội sơ khai (x. Cv 2, 42): cộng đoàn thường xuyên đến nghe lời giảng dạy của cha xứ, cùng nhau cử hành Thánh lễ tất cả các ngày Chủ Nhật, siêng năng qui tụ cầu nguyện chung mỗi ngày, theo định kỳ họp nhau bàn định các việc liên hệ tới công tác bác ái, cộng tác với các người thiện chí trong xã hội giúp đỡ lẫn nhau thăng tiến đời sống ‘tốt đời đẹp đạo’. Để sinh hoạt chung như vậy, điều kiện cần thiết là cộng đoàn phải thống nhất tìm một địa điểm làm nơi qui tụ. Tại địa điểm đó cần có phương tiện cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt tập thể. Cơ sở vật chất quan trọng nhất là nhà thờ giáo xứ (x. GL đ. 1214-1215). Nhà thờ này phải đáp ứng được quy mô sức chứa phù hợp với số lượng giáo dân của giáo xứ. Nhà thờ giáo xứ là trung tâm của đời sống thiêng liêng nhất của người Công giáo, vì nó là nơi mà họ tham gia cử hành Thánh lễ thờ phượng Thiên Chúa, lãnh nhận các bí tích, thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ khi họ có tư cách là giáo dân thuộc giáo xứ đó. Bên cạnh nhà thờ cần có những công trình phụ trợ như: nhà ở cho cha xứ cha phó, phòng thường trực của Hội Đồng Giáo xứ, nhà học giáo lý, nhà hội trường hội họp giao lưu, tu viện cho các tu sĩ giúp việc phục vụ giáo xứ, quảng trường tập họp ngoài trời và sân chơi cho giới trẻ, v.v…, ngay trong khu đất của nhà thờ giáo xứ hoặc khu đất liền kề với nhà thờ. Thông thường khuôn viên nhà thờ giáo xứ cần có diện tích đủ rộng (khoảng 10 000m2 đến 15 000m2) để xây dựng các công trình phụ trợ.
Nếu vì lý do địa bàn giáo xứ quá rộng, các nhóm cộng đoàn xa cách nhau, thì xây dựng cho mỗi nhóm cộng đoàn một nhà thờ giáo họ (hoặc một nhà nguyện cho những nhóm nhỏ còn gồm ít gia đình ở các giáo điểm) để giáo dân có thể đến cầu nguyện kinh lễ chung với nhau hằng ngày (x. GL đ.1223).
Những giáo xứ trưởng thành, hoạt động đa năng, còn có những cơ sở giáo dục, văn hóay tế như: trường lớp các cấp học văn hóa phổ thông, mẫu giáo, lớp học tình thương miễn phí, trường dạy nghề cho giới trẻ, câu lạc bộ văn hóa thể thao, bệnh xá, nhà phát thuốc, nhà dưỡng lão, cô nhi viện.v.v…để phục vụ rộng rãi cho toàn dân không phân biệt lương giáo.
 5/- Thích ứng với mọi hoàn cảnh, hướng tới tạo điều kiện tối ưu
Một tính năng đặc biệt của giáo xứ công giáo là thích ứng với mọi hoàn cảnh để tồn tại và hoạt động. Bước khởi đầu của một giáo xứ, cũng giống như thời Giáo Hội sơ khai, khi đã được thành lập với 2 nhân tố cốt yếu nói trên là khởi động sinh hoạt ngay, không nhất thiết phải có trước những điều kiện cần thiết. Cộng đoàn giáo xứ tìm cách khắc phục khó khăn tạo lấy điều kiện tối thiểu bước đầu để làm việc, và trong quá trình hoạt động càng ngày càng lo liệu cho có những điều kiện thuận lợi hơn.
Lịch sử Giáo Hội đã từng trải qua những giai đoạn bị bách hại, trong đó các cộng đoàn tín hữu phải bí mật trốn ẩn tụ họp nhau nghe giảng đạo trên những chiếc thuyền buồm lênh đênh ngoài biển khơi hoặc trôi dạt trên sông nước. Có những lúc phải lén lút rủ nhau tham dự Thánh lễ trong hang hầm toại đạo. Có khi cả ngàn người hẹn hò nhau họp đại hội dưới ánh đuốc ban đêm trong khu rừng sâu heo hút. Khi cơn bách hại gay gắt qua đi, nhưng khung cảnh xã hội còn chưa thuận lợi, tín hữu còn nghèo khó về kinh tế, các cộng đoàn phải mượn địa điểm tư gia có nhà cửa rộng rãi để qui tụ với nhau cầu nguyện, cử hành thánh lễ, hội họp và học hỏi giáo lý. Suốt hơn 300 năm đầu Giáo Hội, đạo Chúa bị bách hại khi ngặt khi khoan, chưa có giáo xứ nào xây dựng được nhà thờ, nhưng các cộng đoàn vẫn khắc phục nhiệt thành sống đạo, Tin Mừng vẫn được loan báo rất hiệu quả khắp lãnh thổ đế quốc La Mã. Khi hoàng đế Constantin ban hành sắc chỉ cho thần dân được tự do theo đạo năm 313, thì đã có tới 70% dân số theo đạo rồi. Bấy giờ trong giai đoạn xã hội thuận lợi, các cộng đoàn giáo xứ mới cùng nhau hợp lực xây dựng cơ sở vật chất. Hằng ngàn vạn nhà thờ nguy nga, nhà xứ khang trang rộng rãi được xây cất. Giáo xứ càng trưởng thành, hoạt động của các cộng đoàn càng phong phú đa dạng, thì các công trình phụ trợ bên cạnh nhà thờ giáo xứ ngày càng đầy đủ, để tạo điều kiện tối ưu cho Giáo Hội thi hành sứ mệnh mà Đức Giêsu đã trao phó.
 Sứ mệnh của Giáo Hội gồm có: loan báo Tin Mừng đạo Chúa “khắp nơi cho đến tận cùng trái đất”; giảng dạy và hướng dẫn mọi tầng lớp xã hội sống theo tinh thần Phúc Âm mà Đức Giêsu đã mạc khải để đạt tới hạnh phúc đích thực; từng bước góp phần tích cực cùng với những người thiện chí trong đất nước bài trừ tệ nạn, xây dựng một xã hội lành mạnh tốt đẹp, gia đình hạnh phúc, quốc gia phồn vinh, thế giới hòa bình thịnh vượng.
                                                                                               
                                                                                               
Ban Mục vụ Giáo xứ lược thảo
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log