- Đức giáo hoàng đã làm gì để tỏ ra sự quan tâm đặc biệt đến gia đình công giáo ?
T- Ngài đã triệu tập Thượng Hội đồng giám mục (10-2015) để bàn về gia đình. Ngài đã ban tông huấn Niềm vui của tình yêu hướng dẫn chăm sóc mục vụ gia đình.
- Hội đồng GMVN đã làm gì để tỏ ra sự quan tâm đến gia đình công giáo ?
T- Hội đồng GMVN đã đề ra lộ trình 3 năm về mục vụ gia đình, với 3 khía cạnh. Hội đồng cũng gửi Tâm thư để chia sẻ và đồng hành với gia đình công giáo.
- Hôn nhân công giáo cao trọng vì sao ?
T- Cao trọng vì:
- Đó là chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, liên kết cả 2 nên một.
- Tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa: sinh con cái
- Diễn tả (phản ánh) sự kết hợp giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh
- Nhờ Bí tích Hôn phối, họ xây dựng Hội thánh tại gia.
- Chúa Giê-su đã làm gì để đề cao tầm quan trọng của gia đình?
T- Người đã xuống thế làm người trong một gia đình ở Na-da-rét.
- Người đã làm phép lạ đầu tiên ở tiệc cưới Ca-na.
- Người đã chia sẻ tình bạn với gia đình ba chị em Mát-ta, Ma-ri-a và La-da-rô.
- Người đã chia sẻ niềm vui nỗi buồn của gia đình ông Giai-rô, bà góa ở Na-im.
- Tình trạng các gia đình công giáo hiện nay thế nào ?
T- Gia phong lễ giáo của các gia đình xuống cấp nhiều, cụ thể:
- Nạn li thân, li dị gia tăng
- Bạo lực còn nhiều
- Giới trẻ buông thả về tình dục: sống chung, sống thử, phá thai...
- Đâu là nguyên nhân của sự đổ vỡ ấy ?
T- Theo Đức giáo hoàng Phan-xi-cô, có 2 nguyên nhân chính:
- Một là khó khăn về kinh tế và xã hội dẫn đến: thất nghiệp, di dân, vợ chồng xa nhau, con cái xa cha mẹ không được dạy dỗ...
- Hai là nền văn hóa thời đại: văn hóa đề cao cá nhân, văn hóa đề cao lối sống hưởng thụ, văn hóa chủ chương sống nhanh sống gấp.
- Đứng trước tình trạng đó, ta phải làm gì ?
T- Theo Đức giáo hoàng Phan-xi-cô, mục vụ quan trọng nhất đối với gia đình là:
- Củng cố tình yêu đôi bạn
- Giúp họ chữa lành những vết thương trong đời sống gia đình.
- Ước mong của HĐGMVN là gì ?
T- Là xây dựng gia đình thành Giáo hội tại gia, nghĩa là thành: ngôi nhà thờ phượng, mái ấm tình yêu, một trường giáo dục.
- Là ngôi nhà thờ phượng nên gia đình cần có những gì?
T- Lập bàn thờ và cầu nguyện chung trong gia đình, là điều rất quan trọng đối với gia đình công giáo.
- Giờ cầu nguyện chung sẽ liên kết mọi người trong Chúa, giúp nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của gia đình.
- Đức giáo hoàng Phan-xi-cô đánh giá việc cầu nguyện chung trong gia đình như thế nào?
T. Ngài nói: “cầu nguyện chung trong gia đình là một phương thế ưu việt diễn tả và củng cố đức tin Phục sinh”.
- Tại sao gọi gia đình là mái ấm tình yêu và lòng thương xót ?
T- Vì bác ái thì ôn hòa, nhẫn nhục, chịu đựng và tha thứ tất cả, nên gia đình là nơi mỗi chúng ta cảm nghiệm học tập và vun đắp tình yêu chân thật.
- Là mái ấm tình yêu và lòng thương xót, gia đình phải thế nào ?
T- Sự sống là độc quyền của Thiên Chúa: Con cái là hoa trái và sự phong phú của tình yêu, nên gia đình phải đón nhận và trân trọng sự sống, không được biện minh lí do gì để tước đoạt sự sống của thai nhi. (phá thai)
- Là mái ấm của tình yêu và lòng thương xót, gia đình phải thế nào?
T- Nơi gia đình phải thể hiện được lòng hiếu thảo với cha mẹ, tổ tiên bằng việc vâng phục và giúp đỡ các ngài về tinh thần cũng như vật chất.
- Một gia đình không biết trân trọng tuổi già thì gia đình đó đang trên đà suy thoái.
- Tại sao gọi gia đình là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản?
T- Vì giáo dục là bổn phận đầu tiên và cao cả nhất, cũng là quyền ưu tiên của gia đình;
- Vì con người được sinh ra và lớn lên từ gia đình, chịu ảnh hưởng sâu đậm của gia đình, nên có câu: “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.
- Tại sao bảo gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy giá trị nhân bản?
T- Vì tại gia đình năm tháng tuổi thơ sẽ hình thành những khuynh hướng căn bản, tập sống mối liên hệ với người khác, lắng nghe và tôn trọng tha nhân.
- Tại sao gia đình phải giáo dục về đạo đức và bằng cách nào?
T- Ngày nay nền gia phong lễ giáo xuống cấp trầm trọng, nên cha mẹ phải tập cho con cái những thói quen tốt, những nguyên tắc, luật lệ trong đời sống, sử dụng tự do cách khôn ngoan và đúng đắn, đặc biệt làm gương sáng hàng ngày cho con cái.
- Cha mẹ phải yù thức về việc sửa dạy con cái thế nào?
T- Cha mẹ phải yù thức sửa dạy phát xuất từ yêu thương chứ không phải vì giận dữ. Phân tích cho con biết cái lỗi cái xấu dẫn đến hậu quả nào, đồng thời phải biết khích lệ cái tốt của các em.
- Với cha mẹ công giáo, bổn phận giáo dục lãnh vực nào cần thiết hơn?
T- Lãnh vực đức tin. Cha mẹ là khí cụ Chúa dùng để làm mầm sống đức tin lớn lên và phát triển nơi con cái.
- Cha mẹ hãy tập cho con cái ngôn ngữ đức tin từ những việc nhỏ bé như làm dấu, cúi chào, lời nguyện tắt…
- Cần nhớ: với các em thì biểu tượng, hành động, chuyện kể có giá trị hơn những bài giáo lí trừu tượng.
- Các gia đình công giáo chỉ lo cho gia đình nên tốt thôi, đủ chưa?
T- Chưa đủ. Chính Chúa Giê-su cũng bày tỏ sự cảm thông và gần gũi trước những yếu đuối của con người, nên các gia đình công giáo cũng phải chăm sóc mục vụ cho các gia đình khác nữa.
- Với các gia đình di dân, gia đình công giáo phải thế nào ?
T- Các gia đình công giáo phải mở rộng bàn tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, để họ vui sống về vật chất cũng như tinh thần.
- Với những gia đình hôn nhân khác đạo, gia đình công giáo phải làm thế nào ?
T- Chúng ta cần đồng hành với họ, để nâng đỡ người công giáo trong đời sống Đức tin, hầu họ có thể làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa Giê-su cho mọi người trong gia đình.
- Với những gia đình đổ vỡ, gia đình công giáo phải làm gì ?
T- Chúng ta cần cảm thông và đồng hành với họ, chứ không được loại trừ, cách riêng trong việc nuôi dạy con cái. “Chính trong sự chăm sóc ấy mà cộng đoàn thể hiện đức ái của mình.”
- Đức Giáo hoàng nói thế nào về sự không thực hiện lòng thương xót ?
T- Ngài dạy: “Dựa vào lời thánh Gia-cô-bê chúng ta có thể nói: “thương xót mà không có việc làm thì coi như đã chết”.
- Đâu là những việc làm của lòng thương xót?
T- Theo truyền thống lâu đời của Hội thánh, những việc làm cụ thể của lòng thương xót được tóm trong kinh Thương người có 14 mối.
- Làm thế nào để biến đổi gia đình ta thành “ngôi nhà của lòng thương xót”?
T- Chính cha mẹ phải thực hiên những việc thương xót và tập cho con cái làm những việc của lòng thương xót. Nhờ đó sẽ huấn luyện chúng ta trở thành những con người thương xót và giới thiệu dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
- Tại sao “trái đất phải kêu khóc”?
T. Vì những tổn hại to lớn con người gây ra do việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng những tài nguyên Thiên Chúa ban tặng.
- Người Việt Nam chúng ta đang phải gánh chịu những hậu quả nào do ô nhiễm môi sinh?
T. Đang gánh chịu nhiều hậu quả, nổi bật như: cá chết nhiều dọc bờ biển Miền Trung, hạn hán kéo dài ở miền Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, ngập tràn nước mặn ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long,… chứng bệnh ung thư cũng tràn khắp đó đây.
- Các gia đình chúng ta có thể đóng góp gì cho việc bảo vệ ngôi nhà chung là trái đất không?
T. Các gia đình có thế đóng góp hữu hiệu vào việc chăm sóc môi trường sống bằng những việc nhỏ bé hàng ngày như tiết kiệm nước, điện, không đốt lá và rác thải, không xả rác bừa bãi, giữ vệ sinh công cộng…
Biên soạn: Lm. Jos. Nguyễn Thái Hà
Chúc ông bà anh chị em sống năm gia đình
được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa Tình Yêu.