III. Ngày 28-31/01/2017 (Mùng 1-4 Tết): Thăm giáo xứ Lục Yên
Rời Mông Sơn lúc 4 giờ chiều mùng 1 Tết, chúng tôi đi 70 cây số về phía Bắc Yên Bái để đến giáo xứ Lục Yên. Từ khi có đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, quốc lộ 70 ngang qua Yên Bái đi Lào Cai đã vắng xe, hôm nay lại vắng vẻ hơn. Có lẽ vì là ngày đầu năm, người ta thích quây quần bên nhau trong gia đình, nên ít người ra đường. Dù vậy, không nên phóng nhanh để đề phòng tai nạn vẫn hơn.
Đến nơi thì đã 6 giờ chiều. Giáo xứ Lục Yên rõ ràng ấm áp sinh động hơn từ khi có linh mục ở tại chỗ, như thể đứa con có cha, chứ không côi cút. Năm 2011, Lục Yên được tách khỏi Mông Sơn thành xứ, đến năm 2016 thì chính quyền công nhận. Hiện nay, giáo xứ Lục Yên do cha Giuse Nguyễn Văn Cường coi sóc, có 1.454 giáo dân trong 13 điểm sau:
Yên Thế (họ nhà xứ, 239 người),
Trúc Lâu (550 người),
Tân Lĩnh (102 người),
Minh Xuân (103 người),
Khánh Thiện (77 người),
Động Quan (48 người),
Tân Lập (São) (71 người),
Mai Sơn (51 người),
An Lạc (47 người),
Liễu Đô (36 người),
Tô Mậu (73 người),
Yên Thắng (32 người), và
Lâm Thượng (24 người). Chỗ xa nhất cách nhà xứ 30 cây số, chỗ gần nhất chỉ 3 cây. Như thế cũng biết cha Cường khá vất vả vì địa bàn rộng.
Thánh lễ Minh Niên ở đây được cử hành vào ban tối. Cũng không sai, bởi
Minh vừa có nghĩa là
sáng, vừa có nghĩa là
tối. Khuôn viên nhà thờ Lục Yên rực rỡ như ban ngày với những chùm đèn màu được thắp sáng từ lễ Giáng Sinh đến nay để đón chào Tết Đinh Dậu. Trông giáo dân ăn mặc sang đẹp thì biết đời sống ở đây khá, thị trấn mà ! Trước lễ, chúng tôi giải tội không hết người, phải tạm dừng để dâng lễ. Sau lễ, mọi người vui vẻ đón nhận Lộc Xuân và chuỗi Mân Côi.
Sáng mùng 2 tết, sau thánh lễ tại nhà thờ Lục Yên, chúng tôi đi thăm các giáo điểm. Đầu tiên là An Lạc, xa 30 cây số, cách giáo điểm Long Khánh thuộc giáo xứ Lào Cai, huyện Bảo Yên, do cha Nguyên coi sóc, chỉ một cây cầu nhỏ. Ở đây chưa có nhà nguyện, mỗi khi dâng lễ phải mượn nhà giáo dân. Hàng tuần, hai cha Nguyên và Cường đến làm mục vụ, hễ bên này có lễ thì bên kia kéo qua và ngược lại, thật là ấm cúng. Lời chúc xuân ở đây không khó, cứ lấy ngay tên An Lạc mà chúc (
Tân Xuân An Lạc) là mọi người đều mãn nguyện. Thánh lễ chiều nay trọng thể vì có đức cha, hai cha, các nữ tu và giáo dân Long Khánh cùng tham dự với giáo dân An Lạc.
Sau đó, chúng tôi đến thăm giáo điểm Động Quan. Ôi, thiếu gì tên mà đặt cho xã này cái tên nghe thót cả mình ! Thôi thì mạn phép đổi là Đông Quân như một lời ước nguyện cho tương lai, vì ở đây chỉ vỏn vẹn 48 người có đạo.
Giáo điểm thứ ba là Trúc Lâu, cách Lục Yên 30 cây số. Giáo dân ở đây đông nhất xứ, 550 người. Ngôi nhà nguyện xinh xắn bằng gỗ, nằm ở vị trí rất đẹp, dựa đầu vào ngọn đồi, khuôn viên rộng rãi, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ. Đức cha phụ tá dành thời giờ đi thăm 5 cụ già cao niên, cụ nào cũng U100. Mỗi cụ nhận được lời chúc “sống lâu trăm tuổi”. Nghe chúc thế, có cụ khóc, có cụ lại cười ! Thánh lễ được cử hành trang trọng, giáo dân ngồi tràn ra hai bên nhà thờ. Chỉ có dịp Tết mới đông thế, chứ quanh năm thì nhà thờ không chật, vì số người trẻ đi làm ăn xa nhiều, cộng với số người không đi lễ bằng một nửa số hôm nay ! Phải tính chuyện sớm gửi một cha đến ở đây thì mới mong có hiệu quả mục vụ được.
Ngày mùng 3 tết, chúng tôi thăm 4 giáo điểm. Trước hết là Tân Lĩnh và Tô Mậu, hai giáo điểm chưa có nhà nguyện, xa Lục Yên 10 và 12 cây số, cách nhau bởi cầu Tô Mậu, và thực trạng giữ đạo của hai nơi cũng khác nhau. Tô Mậu (73 người) xem ra kém hơn Tân Lĩnh (102 người) cả về lượng lẫn phẩm. Ở Tô Mậu có hiện tượng vừa thờ Chúa, vừa thờ linh tinh, và mọi người thấy điều đó trong căn nhà của ông trưởng giáo họ, ngoài bàn thờ Chúa còn có bàn thờ thần gì nữa như Long Thần hay Tiên Nữ ! Tôi không vội trách người mà trách mình trước, vì mình chưa giúp họ hiểu đạo lý cho đúng đắn và đầy đủ, khiến họ bị lệch lạc. Trước tình hình này, cần tăng cường mục vụ chiều sâu cho họ. Thánh lễ tại Tân Lĩnh được dâng trong căn nhà tân trang như một nhà nguyện.
Rời giáo điểm này, chúng tôi đi tiếp đến São thuộc xã Tân Lập, nơi có 17 hộ và 71 giáo dân, cách Lục Yên 15 cây số. Ở đây cũng phải mượn nhà dân làm nơi cầu nguyện. Mong sao bà con sớm có nhà nguyện cho xứng hợp, mượn nhà mãi cũng phiền toái cho sinh hoạt của gia đình họ. Thánh lễ trưa mùng 3 Tết vỏn vẹn chưa tới ba chục người tham dự, bằng nửa tổng số, cho thấy hiện trạng đi xuống về lòng đạo. Nếu có lễ tại chỗ, vào ngày nghỉ Tết như hôm nay mà họ còn không tha thiết, thì nói gì đến việc đi xa 15 cây số vào các Chúa nhật !
Chúng tôi đến Minh Xuân, nơi theo sổ sách có 27 hộ và 103 giáo dân, cách nhà thờ Lục Yên 3 cây số, gần nhưng lại xa, bởi sự dửng dưng với đức tin thấy rõ ! Mỗi tháng, cha Cường đến dâng lễ một lần, nhưng lần nào cũng chỉ dưới 10 người. Chúng tôi trao đổi vấn đề làm sao để khơi lên ngọn lửa đức tin đã leo lét, bà con mong có nhà nguyện, nhưng không thiết thực, vì Minh Xuân ở gần nhà thờ xứ, đường xá tốt, chỉ cần 5 phút là tới nơi, mà họ không muốn đi thì có nhà nguyện ở đây cũng thế thôi ! Chúng tôi lúng túng giữa hai định đề: “
Có bò rồi mới làm chuồng” hay “
Có chuồng thì bò mới về”, nếu không có chuồng thì chúng mãi lang thang ! Ôi chao, thật khó tìm ra đáp số. Nếu có đức tin thì chẳng đợi có nhà thờ nhà nguyện người ta vẫn giữ đạo được cơ mà. Tôi tự hỏi:
Minh Xuân ở đây là mùa Xuân tươi
sáng hay mùa Xuân tăm
tối ?
Sáng mùng 4 Tết, chúng tôi dự định thăm giáo điểm Lâm Thượng, cách Lục Yên 17 cây số với 24 giáo dân, nhưng thời gian không cho phép, đành để lần sau. Đến Khánh Thiện lúc 9 giờ sáng, chúng tôi gặp gỡ, giải tội, và dâng lễ với khoảng 50/128 giáo dân của hai họ Khánh Thiện (77) và Mai Sơn (51) cộng lại, vì hai giáo điểm cách nhau có một cây số. Tình trạng sống đạo ở đây cũng giống như các nơi khác trong Lục Yên. Thánh lễ được cử hành trong nhà của một bà mới qua đời năm ngoái, bà có một người con gái tật nguyền chết ít lâu trước bà. Bà trối lại đất đai và căn nhà cho giáo họ làm nơi cầu nguyện. Xin Chúa cấp cho hai mẹ con bà một mảnh đất đẹp trên Nước Trời. Bữa cơm trưa ở Mai Sơn kết thúc chuyến mục vụ Tết tại giáo xứ Lục Yên.
Giáo xứ này là miền đất hứa cho sứ vụ loan báo và tái loan báo Tin Mừng. Trong tổng số hơn 100.000 người sinh sống trên địa bàn huyện, chỉ có 1.454 người có đạo, mà trong số này, khoảng một nửa không sinh hoạt đạo. Còn nhớ lần thăm trước đây hai năm, một bà cụ nỉ non: “
Xin cha cầu nguyện cho gia đình con, các cháu con không đứa nào giữ đạo. Một mai con chết là hết luôn !” Ôi đau lòng làm sao ! Quá trình hơn sáu chục năm sống trong tình cảnh không linh mục, không nhà thờ, không bí tích, không cộng đoàn… đã dập tắt biết bao hòn than vung vãi rải rác, để hôm nay không dễ gì đốt nóng lại được ! Một hậu quả khác đi theo việc ngăn cản tôn giáo hoặc sống không niềm tin là tệ nạn xã hội gia tăng. Aitmatov, một nhà văn nổi tiếng của Liên Xô, viết trong tác phẩm Đoạn Đầu Đài rằng: “
Nếu đóng cửa nhà thờ thì phải mở cửa nhà tù” !
Như nhận định trong bài 1 trên đây, chúng ta không được bi quan yếm thế khi nhìn thấy một đám ruộng hoang, cỏ lùng chen lẫn và lấn lướt lúa, mà phải kiên trì trong những gì đang ở trong tầm tay để mở mang Nước Chúa. Ở huyện Lục Yên này, chỉ mới hai cây Thánh Giá nhỏ nhoi được dựng lên ở Yên Thế và Trúc Lâu, các nơi khác vẫn chưa. Hãy nỗ lực dựng tiếp 11 cây Thánh Giá nữa. Hiện tại có những tâm hồn không đành lòng ngồi
yên mà âm thầm cặm cụi nhổ cỏ lùng, dọn đất tốt, gieo hạt giống, chăm cây lúa, kể cả
lục lọi, kiếm tìm cho bằng được những cây lúa đang lây lất, còm cõi trong hốc đá bụi gai. Ta có thể nghĩ như thế về cái tên
LỤC YÊN dưới lăng kính kitô giáo.
Những hình ảnh trong chuyến mục vụ: