II. Ngày 27-28/01/2017 (30 Tết và Mùng 1 Tết): Thăm giáo xứ Mông Sơn
Điểm đến thứ hai trong chuyến mục vụ lần này là giáo xứ Mông Sơn, nằm gọn trong xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Phong cảnh hữu tình, sơn thủy hài hòa như quyện vào nhau, nước mênh mông bao phủ chân núi. Người dân ở đây sinh sống bằng hai nghề chính: khai thác đá và đánh bắt thủy sản trong hồ Thác Bà. Tuy vậy, có một số khá đông thanh niên nam nữ đi làm ăn xa, từ Bắc vào Nam. Tết là dịp sum họp gia đình, nên bầu khí ở đây vào lúc này sôi động hẳn lên.
Nhiều người tưởng Mông Sơn là núi của dân tộc H'mông, trong khi ở đây chẳng thấy một
mống Mông nào. Có người còn tưởng tượng vẽ vời thế này thế khác ! Theo Hán tự, Mông là “lên”, như trong từ “Đức Mẹ Mông Triệu” là Đức Mẹ được mời lên trời. Tiếc rằng bổn mạng của Mông Sơn không phải là lễ Chúa Thăng Thiên hay Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời mà là lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Giáo xứ Mông Sơn hiện do cha Giuse Nguyễn Văn Thịnh quản nhiệm. Số giáo dân ở đây là 2.796 người thuộc 671 gia đình, chia thành 5 giáo họ:
Mông Sơn (132 gia đình, 595 giáo dân),
Kim Sơn (108 gia đình, 425 giáo dân),
Trung Sơn (147 gia đình, 651 giáo dân),
Thủy Sơn (121 gia đình, 549 giáo dân), và
Hồng Sơn (150 gia đình, 576 giáo dân). Các họ đạo ở gần nhau, nơi xa nhất cách nhà thờ xứ 5 cây số.
Lịch trình hai ngày tại đây như sau:
- Sáng 30: Thăm Kim Sơn.
- Chiều 30: Thăm Trung Sơn. Sau đó thăm và dâng lễ tại Thủy Sơn.
- Tối 30: Thánh lễ Giao Thừa tại Mông Sơn vào 10 giờ đêm.
- Sáng Mùng 1 Tết: Thánh lễ Minh Niên tại Mông Sơn vào 8 giờ sáng.
- Chiều Mùng 1 Tết: Thăm Hồng Sơn. Kết thúc.
Sáng 30 tết, từ Bảo Ái qua Mông Sơn, gần đến nơi, đã thấy sừng sững dáng đứng bề thế của ngôi nhà thờ. Nó quá vĩ đại và cũng quá đẹp, in bóng trên nền trời xanh, núi non, và sông nước. Từ ba năm qua, giáo dân hết lòng đóng góp sức người sức của để xây dựng ngôi nhà thờ mà vẫn chưa xong. Cuộc sống của họ còn nghèo, kiếm ăn từng bữa nhờ con tôm con cá trong lòng hồ, hay từng viên đá đục ra từ núi. Thế mà họ vẫn chắt chiu đóng góp cách quảng đại, thật đáng khen.
Trước hết, đức cha thăm họ Kim Sơn, cách nhà thờ xứ 2 cây số. Bà con mới có một mảnh đất đẹp, và đã sẵn sàng dựng một nếp nhà nguyện để mọi người, nhất là các cụ già, có chỗ đọc kinh hàng ngày. Giáo dân ở đây hồ hởi với cả hai việc: xây nhà thờ xứ và dựng nhà nguyện họ.
Ban chiều, đức cha thăm họ Trung Sơn. Nơi đây cũng chưa có nhà nguyện, nhưng đã có đất. Số giáo dân ở đây đông nhất xứ, và ngôi nhà mượn làm nhà nguyện tạm lại nhỏ nhất xứ. Mong cho bà con sớm có nhà nguyện, vì “
Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người” (Tv 149, 4a). Đức cha kể câu truyện vua Đavít khi được ở trong cung điện tráng lệ đã muốn xây một ngôi
nhà (viết thường), một đền thờ cho Hòm Bia Chúa ngự thay vì trong lều vải. Tiên tri Nathan đã bảo cho vua biết là chính Chúa sẽ xây cho Đavít một
Nhà (viết hoa), một triều đại chứ không phải Đavít xây nhà cho Chúa. Chúa không thua lòng quảng đại của con người đâu ! Vấn đề là mỗi người hãy lo xây dựng đền thờ tâm hồn của mình trước, đó là điều Chúa mong muốn nơi bà con lúc này.
5 giờ chiều, đức cha thăm họ Thủy Sơn, và làm phép ngôi nhà nguyện xinh xắn. Thánh lễ tất niên mang tâm tình tạ ơn Chúa vì năm cũ sắp qua và vì ngôi nhà nguyện mới hoàn thành. Giáo dân dự lễ đông, nhưng rước lễ ít. Thế là sau bữa cơm, đức cha và cha Thịnh ngồi tòa giải tội cho bà con đến 9 giờ tối mới hết.
Trở về nhà xứ, lại giải tội tiếp cho đến 10 giờ thì bắt đầu thánh lễ giao thừa. Giáo dân dự lễ đông kịt, ngồi ở ngoài nhiều hơn ở trong, vì nhà nguyện nhỏ quá. Chúng tôi ân hận vì sao bao năm qua vẫn để cảnh tượng này mà không làm cho giáo dân một ngôi nhà nguyện to hơn, dù là tạm thời, trong khi chờ đợi xây được ngôi nhà thờ mới. Nếu cứ dự lễ thế này thì trời lạnh hay nóng, mưa hay nắng, sẽ khó lòng cầm trí dự lễ cho nên. Người ta sẽ dễ bỏ lễ, viện cớ đau ốm, nhức đầu, sổ mũi…, chưa kể lòng đạo sẽ đi xuống, như tỷ lệ các người nguội lạnh, lơ là hiện nay trong cả xứ lên đến 35-40% !
Lễ vừa xong thì gần đến giao thừa của hai năm Bính Thân và Đinh Dậu. Trong bóng đêm mịt mùng của đêm trừ tịch và giữa cảnh thinh không của đất trời, vang vọng tiếng ầm của cốt mìn phá đá để chào mừng Năm Mới. Chúng tôi sốt sắng dâng kinh nguyện lên Thiên Chúa Ba Ngôi và Mẹ Maria, xin thánh hóa Năm Mới và cho giáo xứ Mông Sơn được hoàn thành việc xây dựng thánh đường trong năm nay.
Sáng Mùng Một Tết, bà con lại kéo đến nhà thờ dự lễ Minh Niên được cử hành trang trọng, ai nấy trong bộ áo quần đẹp nhất, nét mặt tươi tắn, trao nhau những cái bắt tay nồng ấm kèm lời chúc xuân an bình.
Đức cha phụ tá kêu mời giáo dân tin tưởng phó thác năm mới và việc xây dựng nhà thờ cho Chúa, dầu cho có nhiều khó khăn vất vả; ngài xin họ thay vì lo lắng tìm kiếm của cải vật chất thì hãy tìm của cải thiêng liêng; trong khi nỗ lực hoàn thành nhà thờ xứ thì đừng quên củng cố đời sống đức tin và đền thờ tâm hồn mỗi người. Trong giáo xứ vẫn còn nhiều tâm hồn nguội lạnh khô khan, hãy mời gọi họ trở về với Chúa và sống tốt bổn phận con Chúa. Đức cha cũng tặng Lộc Xuân và chuỗi Mân Côi, với lời nhắc nhở bà con thực thi lời Mẹ Fatima cách đây 100 năm (1917-2017): “
Hãy năng lần hạt Mân Côi”.
Trong buổi sáng, đức cha dành thời giờ đi thăm các cụ già bệnh tật và các vị trong Ban Hành Giáo. Họ sung sướng như thể được Chúa đến thăm ngày đầu năm thì sẽ “
hên” cả năm ! Đức cha cũng đến viếng Đồi Thánh Giá, nơi mà theo lời thuật lại của bà con, đã xảy ra hiện tượng can thiệp kỳ diệu của Chúa đối với hành vi vô đạo và xúc phạm của một số người, cách đây 14 năm (2003). Trên đỉnh đồi, một đền thờ nhỏ đã được dựng lên, bóng Thánh Giá phủ rợp toàn giáo xứ và phản chiếu trên mặt hồ. Hàng ngày, giáo dân vẫn đến đây cầu nguyện, chưa kể có những đoàn người từ xa đến hành hương. Hai tuần một lần, cha Thịnh đến dâng lễ ở đây. Chúng tôi thấy quang cảnh thật đẹp, nếu được qui hoạch và xây dựng qui mô, có thể sẽ là một điểm hành hương thu hút.
Buổi chiều, đức cha thăm họ Hồng Sơn, cách nhà thờ xứ 1 cây số. Ở đây đã có một nhà nguyện bé nhỏ, và mỗi tuần đều có thánh lễ để các cụ già có thể tham dự. Khu đất rộng và bằng phẳng, có thể xây lên một nhà nguyện lớn đẹp hơn. Ước nguyện của bà con là được giữ Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm để bà con đến viếng hàng ngày. Đức cha cho biết điều đó có thể được, nếu bảo đảm an toàn cho Mình Thánh Chúa, và hàng ngày có người đến cầu nguyện. Họ đã đồng thanh cam kết điều này.
Kết thúc chuyến thăm tại giáo xứ Mông Sơn, tôi cảm phục tinh thần quảng đại của giáo dân ở đây. Dù phải hy sinh đóng góp nhiều cho việc xây dựng Nhà Chúa, họ không quản ngại. Lòng đạo ở đây cao, dù số người thờ ơ cũng cao. Thật lạ, ai giữ đạo thì vẫn sốt sắng, ai hờ hững thì vẫn lơ là ! Và điều này xảy ra trong toàn giáo phận. Tôi nghĩ cần có một chiến lược trong mùa Chay sắp tới để hoán cải tình trạng này, là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “hoán cải mục vụ” trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng. Tôi cũng cảm mến sự dấn thân nhiệt thành của các vị thuộc Hội đồng Giáo xứ và Ban Hành Giáo, cộng tác với cha quản nhiệm để điều hành giáo xứ và giáo họ. Việc hoàn thành xây dựng ngôi nhà thờ xứ, biểu tượng đức tin của toàn giáo xứ Mông Sơn trong năm 2017 là điều khả thi, dù phải đổ vào đó hai, ba tỷ nữa.
Chia tay giáo xứ Mông Sơn chiều mùng Một Tết Đinh Dậu, tôi mường tượng ngày khánh thành và cung hiến ngôi thánh đường này sẽ là cơ hội thổi bùng ngọn lửa đức tin để giãi sáng vùng ven hồ Thác Bà mênh mông, khi nghĩ đến viễn tượng tươi sáng Isaia mô tả: “
Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại, đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Chúa Giêsu khi rao giảng Tin Mừng đã làm cho sấm ngôn ấy thành hiện thực (x. Mt 4,12-23). Điều ấy liệu ngày nay có thể tái diễn tại Mông Sơn và lan đến cả huyện Yên Bình quanh hồ Thác Bà không ?
Những hình ảnh trong chuyến mục vụ: