Đó là chủ đề của hội thảo bàn tròn giữa các nhà báo người Công giáo tại Á Châu, diễn ra hai ngày (10 – 11/3/2017) tại Kuala Lumpur Malaysia.
Tham dự viên tại buổi hội thảo đến từ các nước trong khu vực: Malaysia, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, Campuchia, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.
Ngày đầu tiên hội thảo (10/3) được mở đầu với lời nguyện ngắn do cha Joseph Anucha, chủ tịch Truyền thông Công giáo tại Thái Lan, chủ sự. Tiếp đó, Ông ElJay giới thiệu về tổ chức phi chính phủ Signis. Signis là một Hiệp hội Truyền thông Công giáo quốc tế với các thành viên đến từ 100 nước. Bốn lĩnh vực chính mà Signis đang hoạt động là phát thanh, điện ảnh, báo chí, giáo dục truyền thông.
Chương trình hai ngày được chia ra làm 8 hoạt động chính. Trước tiên, tham dự viên chia sẻ về những thách thức và cơ hội trong hoạt động báo chí của mình. Thêm vào đó, những nhà báo đến từ Bangladesh, Malaysia và Pakistan nói về hạn chế của báo chí Công giáo về số lượng, việc tiếp cận đến công chúng cũng như mục đích tài chính.
Xen kẽ vào những chia sẻ là hoạt động trò chơi mang tính chất truyền thông như gửi thông điệp, tìm kiếm thông tin với những kỹ năng nghiệp vụ có được.
Ngày đầu tiên kết thúc với chuyên đề về Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho ngày quốc tế truyền thông lần thứ 51 (năm 2017) và sự tác động của sứ điệp trong khu vực.
Ngày thứ hai của hội thảo, thành viên được chia ra thành các nhóm nhỏ để hội ý về vấn nạn truyền thông hiện nay đó là tin vịt (fake news) và cách truyền thông sự thật. Chia sẻ trước tiên về đề tài này là ông Alan John, giám đốc AJF – Hỗ trợ các nhà báo Châu Á với các khóa học chuyên nghiệp ngắn hạn.
Câu hỏi lớn mà các nhà báo ngày nay phải đối mặt là: Ai đáng tin và dạng thông tin đang biến chuyển ra sao? Thêm đó là cách thức tiếp cận của người đọc, thông tin nhanh thì đang dần thế chỗ nhưng tin tức chính xác. Sau bài tập Doing journalism (làm báo) thì kết luận rằng, giờ là thời điểm để giành lại, giữ lấy và vun trồng sự thật.
Sau hội thảo, các nhóm đưa ra những cách mà người làm truyền thông có thể thực hiện được để tránh những tin giả. Đầu tiên là kiểm tra nguồn kỹ càng, ai là tác giả đầu tiên của bài viết và sự đáng tin cậy của người viết. Không chỉ đọc dòng tít mà đọc kỹ càng nội dung, kiểm tra ngày đăng tải, trung lập và không nên thiên vị. Sau đó, soát lại thông tin bằng cách tra lại trên google. Nếu câu chuyện vừa đọc chỉ có ở một nguồn, nhiều khả năng đó là tin vịt.
Nhà báo điều tra Terence chia sẻ với mọi người về việc giải quyết vấn nạn tin giả mạo khi lợi nhuận là điều được đề cao với từ khóa “Feelings vs Facts” (Cảm giác với Sự thật). Sau những chia sẻ về nghiệp vụ báo chí tại Malay với những vụ việc như tham nhũng, bầu cử…, nhà báo Terence nhấn mạnh rằng: “Đã đến lúc chúng ta thay đổi cách thức tác nghiệp của mình bằng cách lắng nghe tiếng nói nội tại và giá trị Ki-tô giáo”.
Giữa trưa ngày thứ hai của hội thảo, Giám mục Kuala Lumpur cũng đến chia sẻ với anh chị em làm báo trong khu vực Châu Á rằng những điều cần làm của một người làm truyền thông thế tục có đức tin. Đầu tiên là hãy đăng tải sự thật, truyền tải đức tin của mình trước những điều khác, Đức cha nói.
Vào buổi chiều cuối ngày, mọi người lược lại và tóm gọn những gì đã chia sẻ trong hai ngày qua và cùng đưa ra những đường hướng, ý tưởng kết nối các nhà báo Công giáo tại Châu Á bằng cách tạo mạng lưới, liên lạc qua facebook và viết blog chia sẻ.
Chương trình kết thúc vào chiều tối ngày 11/3/2017.