Bài giảng của Đức giáo hoàng Phanxicô trong giờ hát Kinh Chiều tại nhà thờ “Các Thánh” của Anh giáo ở Roma
Như tin đã đưa, Chúa nhật 26 tháng Hai 2017, Đức giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm Nhà thờ “Các Thánh” của Anh giáo ở Roma để dự lễ kỷ niệm 200 năm ngày Giáo hội Anh giáo cử hành phụng vụ lần đầu tiên ở Roma (27 tháng Mười 1816).
Trong dịp này, Đức giáo hoàng đã tham dự giờ Kinh Chiều theo phụng vụ Anh giáo; và tại buổi hát Kinh Chiều này, Đức giáo hoàng đã có bài giảng như sau:
***
Anh Chị Em thân mến,
Tôi muốn cảm ơn Anh Chị Em đã có nhã ý mời tôi tham dự lễ kỷ niệm này của giáo xứ cùng với Anh Chị Em. Hơn hai trăm năm đã qua kể từ khi buổi phụng vụ Anh giáo công khai đầu tiên được tổ chức tại Roma dành cho một nhóm cư dân người Anh ở thành phố này. Từ đó đã có bao thay đổi ở Roma và trên thế giới. Trong hai thế kỷ qua, cũng đã có nhiều đổi thay giữa Anh giáo và Công giáo, là những người trong quá khứ đã từng nhìn nhau với ánh mắt nghi ngờ và thù địch. Ngày nay, với tâm tình tạ ơn Chúa, chúng ta nhận ra nhau như chúng ta thật sự là thế: anh chị em trong Chúa Kitô, qua phép rửa chung của chúng ta. Như những người bạn và những người hành hương, chúng ta muốn cùng nhau tiến bước, cùng nhau đi theo Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Anh Chị Em đã mời tôi làm phép cho bức icôn Chúa Kitô Cứu Thế. Chúa Kitô nhìn chúng ta, và ánh mắt của Chúa là ánh mắt của sự cứu rỗi, của tình yêu và lòng thương xót. Cũng chính ánh mắt đầy thương xót ấy đã đâm thấu con tim của các Tông đồ, là những người bỏ lại quá khứ sau lưng để bắt đầu một hành trình đời sống mới, để đi theo và loan báo Chúa. Trong bức icôn này, khi Chúa Giêsu đoái nhìn chúng ta, Người như cũng mời gọi chúng ta: “Con có sẵn sàng từ bỏ mọi sự của quá khứ của con để theo Thầy không? Con có muốn làm sứ giả tình yêu và lòng thương xót của Thầy không?”
Ánh mắt xót thương của Thiên Chúa là khởi nguồn của toàn bộ thừa tác vụ Kitô giáo. Tông đồ Phaolô nói với chúng ta điều ấy, qua những lời ngài viết cho các tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe. Ngài viết: “Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí” (2 Cr 4, 1). Thừa tác vụ của chúng ta xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót ấy nâng đỡ tác vụ của chúng ta và giữ cho nó luôn có sức sống.
Thực tế, không phải lúc nào Thánh Phaolô cũng có mối tương quan dễ chịu với cộng đoàn ở Côrintô, như những bức thư của ngài đã cho thấy. Đã từng có một chuyến viếng thăm đau xót đến cộng đoàn này, với những lời lẽ mạnh mẽ trong thư viết. Nhưng đoạn này cho thấy Phaolô đã vượt qua những bất đồng trong quá khứ. Khi sống sứ vụ của mình trong ánh sáng của lòng thương xót đã đón nhận, ngài không đầu hàng những chia rẽ, nhưng ra sức hoà giải. Khi chúng ta, cộng đoàn những Kitô hữu được rửa tội, thấy mình đứng trước những bất đồng và quay về với dung mạo đầy thương xót của Chúa Kitô để vượt qua những bất đồng ấy, chúng ta sẽ yên tâm biết rằng mình đang làm như Thánh Phaolô đã làm nơi một trong những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên.
Thánh Phaolô đã xoay xở với công việc này như thế nào, đã bắt đầu từ chỗ nào? Bằng lòng khiêm tốn, vốn không chỉ là một đức tính đẹp, nhưng còn là một vấn đề về căn tính. Phaolô tự nhận mình là một người tôi tớ, ngài không rao giảng chính mình, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa (c. 5). Và ngài thi hành sứ vụ này theo lòng thương xót được bày tỏ cho ngài (c. 1.): không dựa vào khả năng hay sức mạnh của chính mình, nhưng tin tưởng rằng Thiên Chúa đang dõi nhìn và lấy lòng thương xót nâng đỡ sự yếu đuối của mình. Trở nên khiêm tốn có nghĩa là ra khỏi mình, nhìn nhận mình phụ thuộc vào Thiên Chúa như một người ăn xin lòng thương xót: đây là điểm khởi đầu để Thiên Chúa có thể hoạt động trong chúng ta. Một vị cựu chủ tịch Hội đồng Thế giới các Giáo hội đã mô tả việc truyền giáo của Kitô giáo là “một người ăn xin bảo một người ăn xin khác biết có thể xin bánh ở đâu”. Tôi tin là Thánh Phaolô cũng đồng ý như thế. Ngài cảm nhận mình đã “được nuôi dưỡng bằng lòng thương xót” và ưu tiên của ngài là chia sẻ bánh cho những người khác: đó là niềm vui được Chúa yêu và yêu Chúa.
Đó là điều quý giá nhất của chúng ta, là kho tàng của chúng ta, và chính trong bối cảnh này mà Phaolô trình bày một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của ngài, hình ảnh mà mọi người chúng ta có thể áp dụng cho chính mình: “chúng tôi chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành” (c. 7). Chúng ta chỉ là những chiếc bình sành, nhưng chúng ta lại mang trong mình những kho tàng vĩ đại nhất của thế gian. Các tín hữu Corintô biết rõ rằng thật là ngu ngốc khi đựng đồ quý giá trong bình sành, tuy rẻ tiền nhưng dễ vỡ. Đựng đồ giá trị trong đó sẽ có nguy cơ bị mất. Phaolô, một tội nhân được tha thứ, đã khiêm tốn nhận ra mình mong manh như chiếc bình sành. Nhưng ngài cảm nghiệm và biết rằng chính ở nơi đó mà đau khổ của con người mở ra cho hành động thương xót của Thiên Chúa; Chúa thực hiện những điều kỳ diệu. Đó là cách thức “quyền năng phi thường” của Thiên Chúa hoạt động (c. 7).
Tin tưởng vào sức mạnh khiêm tốn này, Phaolô phục vụ Tin Mừng. Nói về mấy kẻ chống đối ngài ở Corintô, Phaolô gọi họ là những “Tông đồ siêu đẳng” (2 Cr 12,11), có lẽ có chút mỉa mai, vì họ đã phê bình ngài là yếu đuối còn họ thì không. Trái lại, Phaolô dạy rằng chỉ khi nào chúng ta nhận mình là những bình sành yếu đuối, là những tội nhân luôn cần đến lòng thương xót, thì kho tàng của Thiên Chúa mới được tuôn đổ vào chúng ta và qua chúng ta, cho những người khác. Bằng không, chúng ta sẽ chỉ chất đầy các kho báu của mình, vốn hư thối trong những chiếc bình ra vẻ xinh đẹp. Nếu chúng ta nhận ra yếu đuối của mình và xin ơn tha thứ, thì lòng thương xót chữa lành của Thiên Chúa sẽ tỏa sáng ở trong chúng ta và sẽ tỏ lộ ra bên ngoài; qua chúng ta, một cách nào đó những người khác sẽ nhận thấy vẻ đẹp khả ái của dung mạo Chúa Kitô.
Một lúc nào đó, có lẽ vào lúc khó khăn nhất của cộng đoàn ở Côrintô, Tông đồ Phaolô đã huỷ chuyến viếng thămCorintô mà ngài đã dự định, cũng như không nhận những quà tặng của họ mà lẽ ra ngài sẽ nhận (2 Cr 1,15-24). Mặc dù những căng thẳng vẫn tồn tại trong tình bạn giữa hai bên, nhưng những căng thẳng ấy không phải là tiếng nói cuối cùng. Mối tương quan đã được phục hồi và Phaolô lại đón nhận những tặng phẩm để giúp đỡ Giáo hội tại Giêrusalem. Các tín hữu ở Corintô lại tiếp tục cộng tác với các cộng đoàn khác đã được Phaolô đến thăm, để nâng đỡ những ai túng thiếu. Đây là một dấu hiệu mạnh mẽ của sự hiệp thông được đổi mới. Công việc mà cộng đoàn của Anh Chị Em đang thực hiện cùng với các cộng đoàn nói tiếng Anh khác ở Roma có thể được nhìn trong ánh sáng này. Thật vậy, sự hiệp thông vững chắc đang phát triển và được xây dựng khi mọi người cùng nhau làm việc để giúp đỡ những ai túng thiếu. Nhờ chứng tá chung trong công việc bác ái, khuôn mặt đầy thương xót của Chúa Giêsu trở nên hữu hình trong thành phố của chúng ta.
Là người Công giáo và người Anh giáo, chúng ta khiêm tốn tạ ơn vì, sau nhiều thế kỷ nghi kỵ lẫn nhau, giờ đây chúng ta nhận ra được rằng ân sủng hiệu quả của Chúa Kitô cũng đang hoạt động nơi người khác. Chúng ta tạ ơn Chúa vì mong muốn xích lại gần nhau hơn giữa các Kitô hữu đang gia tăng, biểu lộ trong việc cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng, nhất là nơi nhiều hình thức phục vụ của chúng ta. Đôi khi, tiến độ trong hành trình hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn của chúng ta dường như chậm lại và bấp bênh, nhưng hôm nay chúng ta lại được khích lệ qua cuộc gặp gỡ này. Lần đầu tiên, một Giám mục Roma đến thăm cộng đoàn của Anh Chị Em. Đó là một hồng ân và cũng là một trách nhiệm: trách nhiệm củng cố mối quan hệ của chúng ta, để ca ngợi Chúa Kitô, trong việc phục vụ Tin Mừng và phục vụ thành phố này.
Chúng ta hãy khích lệ nhau trở nên những người môn đệ của Chúa Giêsu càng ngày càng trung tín, càng ngày càng thoát khỏi những thành kiến của mình trong quá khứ và càng ngày càng mong muốn cầu nguyện cho người khác và với người khác. Một dấu hiệu tốt đẹp của mong muốn này là hôm nay diễn ra “lễ kết nghĩa” giữa giáo xứ Các Thánh của Anh Chị Em và giáo xứ Các Thánh Công Giáo. Nguyện xin các thánh của mỗi hệ phái Kitô giáo, đang hiệp thông trọn vẹn trên Giêrusalem thiên quốc, mở ra cho chúng ta dưới trần thế này con đường có thể dẫn đến một hành trình Kitô giáo huynh đệ chung. Nơi nào chúng ta hiệp nhất trong Danh Chúa Giêsu, nơi đó có Chúa (x. Mt 18,20), và Ngài đưa mắt xót thương nhìn đến chúng ta, kêu gọi chúng ta hiến thân trọn vẹn cho hiệp nhất và tình yêu. Xin tôn nhan Chúa chiếu soi Anh Chị Em, gia đình của Anh Chị Em và toàn thể cộng đoàn này!
Minh Đức chuyển ngữ