Trong bài diễn văn ứng khẩu 45 phút trước các sinh viên nhiệt thành và chăm chú nghe ngài ở Đại học “Roma Tre”, Đức Phanxicô nói: “Khi mình ngồi vào bàn mà mình vẫn tiếp tục nói chuyện với một người khác trên điện thoại, thì đó là khởi đầu chiến tranh, vì không có đối thoại!”.
Ngài lấy làm tiếc, “bao nhiêu lần chúng ta quên chào cho đàng hoàng ở nhà, chỉ nói những lời chào bâng quơ “ciao ciao”, còn ngoài đường thì không còn lễ độ, xem “lăng nhục” với người không quen ngoài đường như một chuyện thường.
Đức Phanxicô khuyên: “Chúng ta nên hạ giọng xuống, ít nói hơn và lắng nghe nhiều hơn; đối thoại làm các tâm hồn gần nhau hơn, và đối thoại là phương thuốc để chống bạo lực”.
Ngài phát biểu tiếp: “Chúng ta cũng thấy hiện tượng này trong các kỳ tranh cử, trước khi người kia nói xong thì câu trả lời đã có!”.
Ngài nhấn mạnh: “Khi tôi không mở lòng ra với người khác, không tôn trọng người khác, không đối thoại với người khác thì chiến tranh bắt đầu”.
Theo Đức Phanxicô, đại học là nơi tiêu biểu nhất để đối thoại, “các bạn cùng đi một con đường chung, không la hét, không lăng nhục, các bạn luôn đi tìm chân, thiện, mỹ”.
Trước các sinh viên, Đức Phanxicô chỉ trích “kinh tế tuền mặt”, dựa nhiều trên các chuyển khoản mạng hơn là với các nhân viên thật. Ngài ghi nhận: “Người trẻ không thể làm việc, họ không biết làm gì, các hệ quả khủng khiếp của nạn thất nghiệp: sự tùy thuộc, tự tử, thậm chí xem hành động khủng bố là “để làm một cái gì mang ý nghĩa đến cho đời mình”.
Đức Phanxicô được các sinh viên vỗ tay và đón tiếp nồng hậu. Tháng 1 năm 2008, Đức Bênêđictô XVI đã phải hủy chuyến thăm Đại học La Sapienza ở Rôma vì có sự tranh cãi của 67 giáo sư và các nhóm nhỏ sinh viên bài giáo quyền. Sự tranh cải phát sinh từ các giáo sư phân khoa vật lý, họ cho rằng quyết định mời Giáo hoàng là “không đúng phép” nhân danh tính cách thế tục. Gần như hầu hết tầng lớp chính trị Ý ủng hộ Đức Giáo hoàng và lên án sự “không khoan dung” của các người chống đối.