cath.ch, Maurice Page
Tông huấn Niềm vui Yêu thương của Đức Phanxicô công bố ngày 8 tháng 4-2016 được nhiệt tình đón nhận không những trong giới báo chí công giáo mà cả các báo chí thế tục. Ngoài một vài hiệp hội đồng tính, còn thì chung chung báo chí đón nhận một cách tích cực. Đa số các phản hồi nhấn mạnh đến tông giọng của tài liệu giáo huấn. Chúng tôi ghi lại một số bình luận tiêu biểu đây đó.
Ông Michel Danthe của báo Thời gian (Le Temps, Thụy Sĩ) bình luận: “Nếu cần phải có thêm một bằng chứng nữa, thì đây là một bằng chứng, nơi Đức Phanxicô, Giáo hội Công giáo đích thực đã chọn một Giáo hoàng Dòng Tên.
Một Giáo hoàng Dòng Tên
“Như các người kể chuyện dí dỏm, sự khéo léo của giáo hoàng trong lãnh vực này là đặt câu chữ lại cho cuộc thảo luận. Trong tông huấn này, một cuộc thảo luận giữa những người ‘sốt ruột muốn mọi sự thay đổi nhưng chưa suy nghĩ đủ’ – cứ xem đó là những người tiến bộ. Và giữa những người ‘nghĩ rằng sẽ giải quyết được hết mọi sự bằng cách áp dụng luật chung’ – cứ xem đó là những người bảo thủ. Người ta đã nói, Phanxicô là linh mục Dòng Tên. Ngài sẽ cho ai có lý? Không ai hết, nhưng nhìn vào nội dung”, bình luận gia nói tiếp.
“Trong một Giáo hội thống trị bởi sự tập trung vào giáo điều, qua Tông huấn Niềm vui Yêu thương, Đức Phanxicô hà hơi tiếp sức cho Giáo hội với việc đặt lên hàng đầu từng trường hợp một, mang dưỡng khí và tự do đến cho Giáo hội mà các người bảo thủ không muốn Giáo hội có. Nhưng Đức Phanxicô không rời kim chỉ nam, ngài vẫn cắm neo vào các nguyên tắc. Ngài dùng nội dung để chống cách mạng và chống chủ nghĩa bất động.”
Một tập sách đọc ngấu nghiến trong hai giờ
Ký giả Henri Tincq, cựu chủ bút chuyên mục tôn giáo của nhật báo Thế giới (Le Monde) không giấu niềm lý thú của mình trên trang mạng Slate.fr: “Nhưng ai là giáo hoàng này, mà trong một tài liệu trang trọng như một thông điệp, lại trích Jose-Luis Boégls, Octavio Paz, Martin Luther King hay một phim tình cảm như phim Bữa tiệc của Babette (Le Festin de Babette) không? Giáo hội thay đổi và bạn không biết điều này sao? Vậy để thuyết phục bạn, bạn đọc Tông huấn Niềm vui Yêu thương, một tập sách dày 260 trang, nhưng chỉ cần hai giờ là đọc xong.
“Về chủ đề tình yêu, dục tính, gia đình, Giáo hội Công giáo đi trở lại từ điểm khởi hành đã rất xa, bài báo viết tiếp. Từ rất lâu, Giáo hội đã gây ra những chuyện chế giễu, những cuộc bút chiến, những cuộc ra đi đột ngột hoặc nhón gót đi, kể cả trong chính hàng ngũ của mình! Một chủ đề nổi bật, mà chỉ một mình nó thôi cũng đã là đáng kể, đó là sự ly dị của Giáo hội Công giáo với xã hội hiện đại. Một Giáo hội đi nhưng lại bị kẹt đường trên vấn đề giới tính, mà những cấm đoán lập đi lập lại về việc ly dị, viên thuốc ngừa thai, ngưng ngang thai nghén, sống chung ngoài hôn nhân, thụ thai nhân tạo đã cắt đứt Giáo hội với các môi trường khoa học, nữ quyền, các người trẻ, các cặp và những người chủ trương tiến bộ.”
Và ngay lập tức, tông giọng thay đổi. Không còn những dứt phép thông công, những cấm đoán, những lên án. Giáo hoàng Argentina kêu gọi Giáo hội của mình có một “phản ứng tự phê lành mạnh”. (…) Ngài muốn đổi mới hoàn toàn ngôn ngữ của Giáo hội, mà, theo ngài phải ngưng “lập danh mục, lên án và loại trừ”. Giáo hội phải thực hành “nhận định” để giúp cho những ai ở trong tình trạng “bất bình thường” có phương tiện để tham dự vào sự sống. Cùng một lúc là ít nhưng … cũng đã rất nhiều”, ký giả Henri Tincq kết luận.
Cái mới ở trong hình thức
Một quan điểm mà sử gia Jean-Baptiste Noé, chuyên gia về lịch sử kitô giáo của trang mạng Atlantico cùng chia sẻ. “Cái mới không ở trong nội dung mà ở hình thức. Tông huấn có một cái nhìn hết mực tích cực và vui vẻ về gia đình, điều này rõ ràng qua cái tựa. Tông huấn nói đến niềm vui xây dựng một gia đình, giáo dục con cái, xây dựng để gia đình được bền vững và phong phú. Vấn đề của những người ly dị và tái hôn không phải là trọng tâm chính của tông huấn.”
Còn những người tiến bộ thì họ sẽ thất vọng vì tông huấn thiếu tham vọng thì sử gia gởi họ về với họ. “Các giáo sĩ thường ủng hộ các quan điểm khoan hòa hơn đối với giáo điều, những người này thường là người Đức và người Bắc Âu, gần như họ không có một ảnh hưởng nào trên phần còn lại của thế giới. Và thường đó là những người khá lớn tuổi, họ thuộc một thế hệ khác của Giáo hội. Và đó cũng là một trong các nghĩa lý của họ: họ muốn mình là người tiến bộ nhưng họ lại gắn chặt với trào lưu trí thức đã xưa và đã qua của những năm 1970-1980. Họ thuộc thế hệ xưa của Giáo hội và ảnh hưởng của họ đang đi xuống.”
Kiên nhẫn và bao dung
Bà Caroline Fux, nhà giới tính học của nhật báo Thụy Sĩ Boulevard Zurich Blick cho biết, nếu bà phải giữ giáo huấn công giáo, bà sẽ hoan nghênh lời kêu gọi kiên nhẫn của Đức Giáo hoàng, nhiều người sẽ bất mãn. “Nhà lãnh đạo Giáo hội khuyên đàn ông, đàn bà nên kiên nhẫn (Langmut). Một đòi hỏi bị gói trong một chữ xưa cũ nhưng lại ‘đứng-hàng đầu hiện nay’. Theo tự điển, chữ kiên nhẫn có nghĩa một thái độ chịu đựng, bình tĩnh, chế ngự và khoan dung chờ. (…) Đó là những chuyện mà tiếc thay các cặp ngày nay không còn giữ.”
Ký giả Tiziana Fabi của hãng tin AFP thì đưa ra, “Đức Giám mục địa phận Rôma khuyến khích nên dạy về tình dục cho trẻ em. Ngược lại, ngài cảnh báo chống việc ngừa thai, vì việc này xem trẻ con như kẻ thù mà đáng lý trẻ con phải được bảo vệ. Nhưng trước hết Tông huấn Niềm vui Yêu thương khuyến khích các cặp vợ chồng công giáo và Đức Giáo hoàng cảnh báo ngay từ đầu, không nên đọc vội bản văn rất dài này.”
Gương của Phi Châu
Theo trang mạng Phi Châu Voa Afrique, ký giả Albert Mianzoukouta của Đài Phát Thanh Vatican lấy làm vui sướng khi Phi Châu được đem ra làm gương. “Tông huấn nói đến kinh nghiệm đám cưới ở Phi Châu – vừa kỳ thú và vừa hứng khởi, bao gồm ba giai đoạn đặc biệt: đám cưới truyền thống, đám cưới dân sự và đám cưới nhà thờ, dù họ là người công giáo, tin lành hay tôn giáo khác.
Bản tông huấn ghi nhận, “trong một vài nước, đặc biệt ở những vùng đất khác nhau của Phi Châu, sự thế tục hóa đã không làm suy giảm được một vài giá trị truyền thống và trong mỗi đám cưới là sự kết hiệp sâu đậm giữa hai gia đình rộng mở, nơi người dân còn giữ một hệ thống đã được quy định để giải quyết các xung đột và các khó khăn.
Đức Giáo hoàng nói về tình dục
Trên trang Aleteia, ông Alex Lauriot Prévost, người lo mục vụ hôn nhân và gia đình ở địa phận Avignon, nhấn mạnh: “Đức Phanxicô đề cập đến vấn đề dục tính một cách không thể tưởng tượng được; chưa bao giờ thấy. Ngài ấn định rõ ràng một con đường hoán cải khi nhấn mạnh sự lợi ích về mặt tình dục của các cặp vợ chồng và tầm mức quan trọng là phải tìm một thế quân bằng đúng (câu số 74, 75, 151 và 152). Ngài nhấn mạnh đến đức tin kitô giúp chúng ta đặt lại trọng tâm của sự khiêu dâm thật; nó giúp tránh được hai hòn đá ngầm: hòn đá không bao giờ cho mà chỉ muốn lấy, nhất là tiêu thụ các sản phẩm khiêu dâm và hòn đá ngược lại, xem thường quan hệ tình dục trong đời sống vợ chồng. Điều này đưa lại con đường mà Thánh Gioan-Phaolô II đã đi: thêm một lần nữa, Đức Phanxicô đã dùng lại các phân tích này để làm cho nó gần hơn với phái nữ cũng như phái nam ngày nay.