Thứ tư, 25/12/2024

Sắc Lệnh và giải thích về nghi thức Rửa Chân thứ Năm Tuần Thánh

Cập nhật lúc 07:51 24/03/2016

Kính gửi Hiền Đệ

Đức Hồng Y Robert Sarah

Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Kính thưa Đức Hồng Y

Như có lần tôi đã nói chuyện với Đức Hồng Y, tôi đang suy nghĩ về nghi thức  rửa chân được cử hành trong Thánh Lễ Tiệc Ly, với ý định tìm kiếm cách thức thích ứng tốt nhất, để nghi thức này diễn tả trọn vẹn cử chỉ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong Bữa Tiệc Ly, Ngài đã “yêu thương đến cùng” để cứu độ nhân loại, tình yêu của Ngài không có giới hạn.

Sau khi suy nghĩ chín chắn, tôi quyết định du nhập một sự thay đổi trong qui luật của Sách Lễ Roma. Tôi thay đổi quy định, theo quy định đó những người được chọn để được rửa chân phải là đàn ông hoặc trẻ nam. Kể từ nay, các vị mục tử của Giáo Hội có thể chọn những người được tham dự vào nghi thức rửa chân trong số tất cả các thành phần dân Chúa. Ngoài ra, nên giải thích ý nghĩa thích đáng cho những người được chọn về ý nghĩa nghi thức rửa chân.

Tôi chân thành biết ơn sự phục vụ của Đức Hồng Y đối với Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Tôi đoan hứa, trong lời cầu nguyện, tôi sẽ luôn nhớ tới Đức Hồng Y, Đức Cha thư ký và tất cả các thành viên trong Bộ. Tôi gửi lời cầu chúc Giáng Sinh và Phép Lành Tông Tòa tới từng người.

Vatican, ngày 20 tháng 12 năm 2014

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

http://w2.vatican.va/content/francesco/it/letters/2014/documents/papa-francesco_20141220_lettera-lavanda-piedi.html


Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

SẮC LỆNH

Về Thánh Lễ Tiệc Ly (In Missa in Cena Domini)

Việc canh tân Phụng Vụ Tuần Thánh, với Sắc Lệnh Các Mầu nhiệm quan trọng nhất của ơn cứu chuộc chúng ta, ngày 30-11-1955, cho phép rửa chân cho 12 người đàn ông trong Thánh Lễ Tiệc Ly, sau bài Tin Mừng Gioan, cử chỉ này bày tỏ sự khiêm hạ và tình yêu của Chúa Kitô dành cho các môn đệ của Ngài.

Trong phụng vụ Roma, nghi thức này được lưu lại với danh xưng Mandatum (điều răn, giới luật) của Chúa Giêsu về đức ái huynh đệ theo chính lời Ngài (xem Ga 13,34), được diễn tả trong điệp ca lúc rửa chân. Khi cử hành nghi thức này, các giám mục và các linh mục được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu, “Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28), và được tình yêu ‘đến cùng’ (Ga 13,1) thúc đẩy, hiến thân cho phần rỗi của toàn thể nhân loại. Để diễn tả ý nghĩa tròn đầy của nghi thức này đối với những ai tham dự vào, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định luật phụng vụ được ghi trong Sách Lễ Roma: “Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người đàn ông đã được tuyển chọn …”1 phải được được thay đổi như sau: “Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người được tuyển chọn trong Dân Chúa…” (và cũng liên hệ đến Nghi Thức Giám Mục, số 301 và số 299 b : “các ghế dành cho các người được chọn”). Như vậy, các mục tử có thể chọn một nhóm nhỏ các tín hữu đại diện các thành phần dân Chúa. Nhóm nhỏ ấy có thể gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ, người trẻ, người già, người lành mạnh và bệnh nhân, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

Do năng quyền Đức Thánh Cha ban, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích áp dụng sự thay đổi này vào các sách phụng vụ và nhắc nhớ các vị mục tử về nghĩa vụ giáo huấn thích hợp cho các tín hữu được chọn (rửa chân) cũng như cho những người khác, để họ tham dự vào nghi thức này một cách ý thức, tích cực và hiệu quả. Bất chấp những quy định trái ngược. 

Ngày 06/01/2016, Lễ trọng Hiển Linh

Làm tại Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Đức Hồng Y Robert Sarah

Tổng Trưởng

Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche

Thư Ký


 

1 Xem Sách Lễ Rôma, bản dịch tiếng Việt của Ủy ban phung tự, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 1992, số 6, trang 255.

2 Xem Sách Lễ Rôma, bản dịch tiếng Việt của Ủy Ban Phung Tự, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 1992, số 5-6, trang 255 (lời người dịch).


Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

GIẢI THÍCH SẮC LỆNH IN MISSA IN CENA DOMINI

Thày đã nêu gương cho anh em (Ga 13,15. )Sắc Lệnh In Missa in cena Domini (Thánh Lễ Tiệc Ly) của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, liên quan tới việc Đức Thánh Cha Phanxicô sửa lại luật phụng vụ trong  Sách Lễ Roma về nghi thức rửa chân2. Từ nhiều thế kỷ, nghi thức này gắn liền với thứ năm tuần thánh, và từ cuộc canh tân phụng vụ tuần thánh năm 1955, nghi thức này được đưa vào Thánh Lễ chiều thứ năm tuần thánh, thời điểm khởi đầu tam nhật thánh.

Được Tin Mừng Gioan soi sáng, nghi thức có tính cách truyền thống này mang ý nghĩa kép: bắt chước việc rửa chân mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly, và diễn tả việc tự trao ban chính mình Ngài qua việc phục vụ. Tên gọi của nghi thức này là Mandatum (điều răn, giới luật) được lấy từ điệp ca được đọc hay hát trong lúc rửa chân (“Mandatum novum do vobis, ut diligatis invicem, sicut dilexi vos, dicit Dominus” – “Thày ban cho anh em một điều răn mới là anh em phải yêu thương nhau, như Thày đã yêu thương anh em” [Ga 13,13]). Thật vậy, giới răn yêu thương thôi thúc tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu, không phân biệt, loại trừ ai. Sách phụng vụ thế kỷ VII viết: “Đức Giáo Hoàng rửa chân cho các cận vệ của ngài và cho hàng giáo sỹ trong dinh thự của ngài”. Sách Phụng Vụ Roma (Pontificale Romano) thế kỷ XII ghi lại nhiều hình thức rửa chân khác được thực hiện trong các giáo phận và các đan viện vào thời điểm sau Kinh chiều thứ năm tuần thánh. Sang thế kỷ XIII, việc rửa chân được thực hiện trong Giáo triều Roma (Rửa chân cho 12 phó tế). Việc rửa chân cũng được ghi lại trong Sách Lễ Roma của Đức Giáo Hoàng Piô V (1570): “Sau khi lột khăn bàn thờ, vào thời điểm thích hợp, theo quyết định của những người hữu trách, các giáo sỹ thực hiện việc rửa chân. Người có địa vị cao rửa chân cho người có địa vị thấp, lau chân và hôn chân”. Khi rửa chân hát điệp ca, điệp ca cuối là “Đâu có tình yêu thương” (Ubi caritas), nghi thức kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện liên kết với mệnh lệnh phục vụ và việc thanh tẩy tội lỗi: “Lạy Chúa, xin lắng nghe lời khẩn và sự phục vụ của chúng con…”. Như vậy, việc rửa chân dành riêng cho hàng giáo sỹ. Ý nghĩa cử chỉ này được soi sáng bởi đoạn Tin Mừng được đọc trong Thánh Lễ ban sáng. Không ấn định con số 12, dường như điều đó cho thấy rằng, vấn đề không chỉ là bắt chước những gì Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly, nhưng hơn thế nữa là sống theo mẫu gương mà Ngài đã để lại luôn thích hợp và cần thiết cho tất cả các môn đệ của Ngài.

Việc rửa chân “De Mandato seu lotione pedum” (Mandato – giới răn, hoặc việc rửa chân) cũng được ghi lại rất rõ ràng trong Nghi thức giám mục (Caeremoniale Episcoporum) năm 1600. Sách này cho biết, việc rửa chân được thực hiện sau Kinh Chiều, hoặc sau bữa ăn trưa, trong nhà thờ hoặc trong phòng hội hoặc nơi nào đó phù  hợp, giám mục rửa chân, lau và hôn chân 13 người nghèo, sau khi cho họ áo mặc, thức ăn và giúp đỡ họ. Hoặc giám mục, thay vì rửa chân cho 13 người nghèo, ngài rửa chân cho 13 kinh sĩ, theo thói quen địa phương, hoặc theo ý muốn của ngài, có thể ngài thích rửa chân cho người nghèo hơn là rửa chân cho các kinh sĩ, ngay cả ở những nơi có thói quen rửa chân cho các kinh sĩ, vì: “Khi rửa chân cho người nghèo, giám mục bày tỏ sự khiêm hạ và đức ái hơn khi rửa chân cho các kinh sĩ”. Như vậy, việc rửa chân dành cho hàng giáo sỹ, không loại trừ thói quen địa phương coi trọng người nghèo và trẻ em nam (Ví dụ Sách Lễ Paris), việc rửa chân là cử chỉ mang ý nghĩa, nhưng không có sự hiện diện của dân Chúa. Nghi thức giám mục quy định rõ ràng việc rửa chân tại các nhà thờ chính tòa và tại các trường học.

Phụng vụ canh tân được thực hiện dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XII (1955) đã chuyển Thánh Lễ Tiệc Ly “Missa in cena Domini” vào buổi chiều thứ năm tuần thánh, việc rửa chân được đưa vào Thánh Lễ này, diễn ra sau bài giảng, dành cho “12 người đàn ông được chọn”. Vị chủ sự rửa và lau chân cho các người được chọn. Không nói tới việc hôn chân. Như vậy, quy định mới về việc rửa chân không chỉ còn liên hệ với hàng giáo sỹ và không còn tính cách riêng tư nữa, nhưng có sự hiện diện của cộng đoàn. Ấn định con số “12 người đàn ông” rõ ràng là một cử chỉ bắt chước, như là một đại diện thánh, những yếu tố đó gợi lên trong tâm trí cử chỉ Chúa Giêsu đã thực hiện vào chiều thứ năm tuần thánh đầu tiên.

Sách Lễ Roma năm 1970 lấy lại nghi thức này, nhưng sửa đổi đôi chút, làm đơn giản hóa một vài chi tiết: Không ấn định con số 12. Chỉ cử hành nghi thức rửa chân nếu lý do mục vụ khuyên làm. Bỏ đi một điệp ca và thay các điệp ca khác vào đó. Điệp ca Đâu có tình bác ái “Ubi caritas” được rời vào lúc dâng của lễ. Bỏ phần kết thúc gồm Kinh Lạy Cha, và lời nguyện. Phần này gắn liền với nghi thức rửa chân vốn được cử hành ngoài Thánh Lễ. Tuy nhiên, Sách Lễ Roma 1970 duy trì những người được rửa chân là “các người đàn ông”.Thay đổi hiện nay dự trù, những người được rửa chân là những người được tuyển chọn trong các thành phần của dân Chúa. Ý nghĩa việc rửa chân không chỉ còn là bắt chước cử chỉ bên ngoài mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho bằng ý nghĩa cử chỉ mà Ngài đã thực hiện, với ý nghĩa rộng lớn hơn, nghĩa là Ngài đã trao ban chính mình đến cùng vì phần rỗi của nhân loại. Tình yêu của Ngài ôm ấp hết thảy mọi người. Tất cả mọi người được mời gọi sống theo mẫu gương của Ngài. Tất cả hãy làm như Ngài đã làm cho chúng ta (x. Ga 13,14-15). Và vượt lên trên việc rửa chân hữu hình cho người khác, để hiểu trọn vẹn ý nghĩa mà cử chỉ này diễn tả trong việc phục vụ và yêu mến anh chị em mình. Trong Thánh Lễ, tất cả các điệp ca, được đề nghị lúc rửa chân nhắc nhớ và diễn tả ý nghĩa của cử chỉ này, cho những ai cử hành và những ai lãnh nhận, cho những ai chiêm ngắm và suy niệm trong tâm trí cử chỉ này bằng các bài hát.

Trong Thánh Lễ Tiệc Ly không bó buộc phải rửa chân. Các mục tử cân nhắc sự thích hợp tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu mục vụ, để không thực hiện việc rửa chân một cách máy móc, làm giảm và mất đi ý nghĩa của cử chỉ này. Hơn nữa, không làm cho cử chỉ này thành quan trọng đối với toàn thể Thánh Lễ Tiệc Ly, được cử hành trong “ngày cực thánh, ngày Chúa Giêsu tự phó nộp vì chúng ta”. Trong chỉ dẫn về bài giảng lưu ý tới đặc tính căn bản của Thánh Lễ này, thiết lập bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn mới về tình bác ái huynh đệ, đây là điều răn quan trọng nhất đối với tất cả mọi người và dành cho tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội.

Các mục tử nên chọn một nhóm nhỏ tín hữu đại diện cho các thành phần dân Chúa: giáo dân, những người có chức thánh, những người đã kết hôn, những người độc thân, các tu sĩ, những người khỏe mạnh và những người đau yếu, trẻ em, thanh niên và những người già. Không nên chọn chỉ một nhóm, một thành phần nào đó (Vídụ: Chỉ chọn một nhóm thiếu niên, hoặc chỉ chọn một nhóm người già – giải thích của người dịch). Cần thiết, người được chọn là người sẵn sàng đón nhận sự chọn lựa trong sự chân thành. Những ai thu xếp việc cử hành phụng vụ, cần chuẩn bị và sắp xếp mọi sự để giúp tất cả và từng người tham dự cách sốt sáng vào cử hành này: vì đời sống của mỗi môn đệ của Chúa Giêsu là tưởng niệm “điều răn mới” được lắng nghe trong Tin Mừng.

Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche

Thư Ký Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/document/rc_con_ccdds_doc_20160106_commento-decreto-lavanda-piedi_it.html


Nghi thức rửa chân trong Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh

Ngày 21.01.2016, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Trong thư, Đức Thánh Cha quyết định thay đổi thành phần những người được rửa chân trong Thánh Lễ Tiệc Ly chiều thứ năm tuần thánh, thay vì “các người đàn ông”  thành “những người trong số tất cả các thành phần dân Chúa”.

Thể theo quyết định của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, ngày 06.01.2016 đã ban hành Sắc Lệnh In Missa in Cena Domini áp dụng thay đổi nêu trên. Ngoài Sắc Lệnh này, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích còn ban hành Văn bản giải thích Sắc lệnh In Missa in Cena Domini. Văn bản này được Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, thư ký Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích ký tên. Lịch sử, ý nghĩa thần học và những áp dụng mục vụ liên quan tới nghi thức rửa chân được trình bày rất rõ trong văn bản này.

Ba bản văn nêu trên được đăng trên website chính thức của Tòa Thánh (vatican.va). Để tiện cho việc tìm hiểu, xin chuyển ngữ sang tiếng Việt cả ba bản văn này. Xin cũng trìnhbày một vài điểm chính yếu và một số gợi ý áp dụng mục vụ liên quan tới nghi thức rửa chân.

1. Ý nghĩa thần học:

Diễn tả sự khiêm hạ, yêu thương và phục vụ. Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu bày tỏ sự khiêm hạ dành cho các môn đệ của Ngài5 và ‘tình yêu đến cùng’ để cứu độ nhân loại6. “Tình yêu của Ngài ôm ấp hết thảy mọi người. Tất cả mọi người được mời gọi sống theo mẫu gương của Ngài. Hãy làm như Ngài đã làm cho chúng ta” (x. Ga 13,14-15)7. Cách riêng, đối với hàng giáo sỹ, “khi cử hành nghi thức này, các giám mục và các linh mục được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu, ‘Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ’ (Mt 20,28), và được tình yêu ‘đến cùng’ (Ga 13,1) thúc đẩy, hiến thân cho phần rỗi của toàn thể nhân loại”.

2. Lịch sử:

Việc rửa chân đã được thực hiện từ rất xa xưa trong lịch sử Giáo Hội với nhiều hình thức khác nhau. Nhưng tóm lại có hai hình thức chính sau đây: Cử hành ngoài Thánh Lễ và trong Thánh Lễ, ngoài Thánh Lễ từ thế kỷ VII đến năm 1955, và trong Thánh Lễ từ năm 1955 đến nay.

3. Tính bó buộc:

Trước hết, nghi lễ rửa chân không có tính cách bắt buộc. Liên quan tới Thánh Lễ Tiệc Ly, luật phụng vụ viết như sau: “Sau bài giảng, sẽ cử hành ghi thức rửa chân, nếu lý do mục vụ khuyên nên làm”10. Đức Thánh Cha Phanxicô không thay đổi quy định này. Theo quy định này, các mục tử, nếu thấy việc rửa chân phù hợp với hoàn cảnh thực tế cộng đoàn.

Xem Sách Lễ Rôma, bản dịch tiếng Việt của Ủy ban phung tự, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 1992, số 6, trang 255.

Xem Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Đức Hồng Y Robert Sarah Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí của mình, và nếu việc rửa chân mang lại những giá trị thiêng liêng diễn tả được ý nghĩa thần học của việc rửa chân, thì các ngài nên thực hiện nghi lễ này.

5 Sắc lệnh In Missa in cena Domini.

6 Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Đức Hồng Y Robert Sarah.

7 Bản giải thích Sắc lệnh In Missa in cena Domini.

8 Sắc lệnh In Missa in cena Domini.

9 Xem Bản giải thích Sắc lệnh In Missa in cena Domini.

10. Xem Sách Lễ Rôma, số 5, trang 255.

4. Người được rửa chân

Về giới tính. Nên biết, con số “12 người đàn ông”  là những người được rửa chân, mới được đưa vào quy định từ năm 1955, thời Đức Giáo Hoàng Piô XII. Sách lễ Rôma 1970 tiếp tục duy trì giới tính nam cho những người được rửa chân: “Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người đàn ông đã được tuyển chọn …”. Theo quyết định mới của Đức Thánh Cha Phanxicô và của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, những người được rửa chân không còn giới hạn trong giới tính nam nữa. Trong Thư gửi Đức Hồng Y Robert Sarah, Đức Thánh Cha viết: “Kể từ nay, các vị mục tử của Giáo Hội có thể chọn những người được tham dự vào nghi thức rửa chân trong số tất cả các thành phần dân Chúa”. Thể theo quyết định của Đức Thánh Cha trong Sắc Lệnh In Missa in Cena Domini, Đức Hồng Y Robert  Sarah triển khai quyết định của Đức Thánh Cha cách rõ ràng: “Các mục tử có thể chọn một nhóm nhỏ các tín hữu đại diện các thành phần dân Chúa. Nhóm nhỏ ấy có thể gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ, người trẻ, người già, người lành mạnh và bệnh nhân, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân”.

Khi áp dụng quy định mới, nên biết, mặc dù nữ giới có thể được chọn để rửa chân, nhưng Tòa Thánh không bắt buộc phải chọn nữ giới, vì bản văn nói “các mục tử có thể chọn….” chứ không nói, các mục tử phải chọn. Cho nên, các người được chọn (giới tính, số lượng, thành phần…) phải làm sao phù hợp với hoàn cảnh thực tế của cộng đoàn, và việc rửa chân phải thực sự mang lại hoa trái thiêng liêng cho đời sống đức tin của cộng đoàn, thay vì gây xáo trộn, chia rẽ, bàn tán, gương xấu…

Về con số 12. Như đã nên trên, con số 12 người được rửa chân cũng mới được đưa vào quy định từ năm 1955, thời Đức Giáo Hoàng Piô XII. Trước năm 1955, số người được rửa chân không được xác định. Sách lễ Rôma 1970 tiếp tục duy trì giới tính nam cho những người được rửa chân, theo quy định của Đức Piô XII, nhưng không duy trì số lượng 12 người. Theo quy định hiện hành, số lượng người cũng không được xác định, chỉ nói “một nhóm nhỏ”. “Một nhóm nhỏ”, như vậy không có chuyện rửa chân cho tất cả những ai tham dự Thánh Lễ Tiệc Ly hay rửa chân cho cả trăm người. Một nhóm từ dăm bảy người tới dưới hai chục người vốn được coi là nhóm nhỏ. Về con số, có thể chọn một vài con số có ý nghĩa biểu tượng Kitô giáo, như số 7 – biểu thị sự viên mãn, 12 – các chi tộc dân Israel hoặc 12 Tông Đồ, 14 – hai lần con số 7…

   Giuse Đào Hữu Thọ chuyển dịch

 
http://hddmvn.net/sac-lenh-va-giai-thich-ve-nghi-thuc-rua-chan-thu-nam-tuan-thanh/
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo họ Cầu Cải: Cung nghinh Chúa Hài Đồng, Thánh lễ vọng và hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo họ Cầu Cải: Cung nghinh Chúa Hài Đồng, Thánh lễ vọng và hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm hân hoan mừng ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người, tối ngày 23.12.2024, giáo họ Cầu Cải thuộc giáo xứ Cát Ngòi, long trọng tổ chức cung nghinh Chúa Hài đồng, dâng Thánh lễ vọng và tổ chức hoan ca mừng Chúa Giáng sinh 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log