Chúa nhật, 24/11/2024

Bài giảng lễ phong chức Phó tế của Đức cha Anphong tại nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc, ngày 17.03.2016

Cập nhật lúc 07:22 21/03/2016
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Chức Phó tế là chức thánh đã được thiết lập từ thời các thánh Tông đồ, nhằm phục vụ bàn thờ và việc bác ái như Bài đọc II sách Công Vụ cho thấy. Lễ phong chức Phó Tế cho 11 thầy hôm nay nằm trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, vì thế tôi xin chia sẻ đôi điều về việc phục vụ của thầy Phó Tế, đặc biệt trong mối tương quan với Lòng Thương Xót.
Phục vụ là chuyện bình thường trong cuộc sống. Mọi người đều phục vụ lẫn nhau. Ai cũng biết câu nói của Alexandre Dumas Cha, mà nay trở thành một châm ngôn : “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Gần đây, người ta nhận thấy nhân viên thu phí ở các trạm cầu đường thường tỏ ra lạnh lùng, thiếu lịch sự trong việc phục vụ của họ, nên phải gắn tấm bảng nhắc nhở  các nhân viên phải thực hiện “Bốn Xin, Bốn Luôn” như sau : Xin chào, Xin lỗi, Xin phép và Xin cám ơn ; Luôn mỉm cười, Luôn nhẹ nhàng, Luôn thấu hiểu và Luôn giúp đỡ. Phục vụ như thế có thể có nhiều cách khác nhau đưa lại những kết quả khác nhau. Trong Hội Thánh Chúa, tinh thần và cung cách phục vụ mà một thừa tác viên của Giáo Hội phải có là thế nào ?
1. PHỤC VỤ NHƯNG KHÔNG. Trong gia đình, giữa vợ-chồng, cha mẹ-con cái, anh-chị-em, mọi người đều phục vụ lẫn nhau mà không tính toán. Ngoài xã hội thì không như thế, mọi dịch vụ đều phải được trả công, đó là sự công bằng. Vd. tôi đi xe buýt thì được tài xế và nhân viên phục vụ; tôi vào quán ăn gọi tô phở thì được người bán hàng phục vụ. Đáp lại, tôi phải trả một món tiền. Càng phục vụ lịch sự, đứng đắn, niềm nở… càng làm hài lòng khách hàng như câu châm ngôn : “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Bên Tây phương, người ta còn thưởng công cho người phục vụ tốt bằng cách cho một chút tiền thưởng gọi là “pourboire” hay “tip”. Dường như trong xã hội hiện nay càng ngày càng ít có sự phục vụ nhưng không. Trong Giáo Hội thì không như thế, ân sủng Chúa ban là nhưng không. Việc phục vụ các bí tích cũng hoàn toàn nhưng không. Chúa Giêsu dạy : “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10,8b). Ân sủng và bí tích không được mua bán, nếu vi phạm là phạm sự thánh.
Vậy quý thầy phó tế thân mến, hôm nay các thầy được lãnh nhận chức thánh phó tế nhưng không, các thầy hãy phục vụ nhưng không.
2. ĐỂ PHỤC VỤ. Chúa Giêsu khẳng định Ngài không đến để được phục vụ, mà để phục vụ (Non veni ministrari, sed ministrare). Đây là nét độc đáo của Chúa Giêsu, ngược lại với tinh thần của thế gian. Người ta, nhất là người Việt Nam, rất thích được ăn trên ngồi trước, được trọng vọng, coi “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Một người Pháp viết rằng : “Trong lòng mỗi người Việt Nam đều có một ông quan”. Chúa Giêsu thì khác, “Tuy là thân phận Thiên Chúa, Người không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người hủy bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình…” (Pl 2,6-8). “Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ (Lc 22,27).
Hạ mình để phục vụ. Cả cuộc đời của Chúa là phục vụ : phục vụ qua lời rao giảng, qua phép lạ, qua tiếp xúc, qua việc rửa chân cho các môn đệ, lấy Thịt Máu mình làm bí tích Thánh Thể, cái chết trên thánh giá cũng là hành vi phục vụ. Ngài phục vụ mọi người, nhất là người nghèo, cô thế cô thân, bệnh hoạn tật nguyền, người tội lỗi, trẻ em. Ngài không đòi sự đền đáp, sự biết ơn. Để phục vụ, Chúa Giêsu đã quên mình, rong ruổi mọi nẻo đường, sống nghèo không hòn đá gối đầu.
Các thầy phó tế thân mến, các thầy hãy thi hành chức phó tế trong tinh thần phục vụ, khiêm tốn, không nghĩ đến cái tôi, nhưng theo gương quên mình của Chúa Giêsu. Làm Phó tế không phải để hưởng thụ, cầu an, dễ dãi, tính toán hơn thiệt ! Thánh Inhaxiô giúp chúng ta có tinh thần phục vụ qua lời kinh Quảng Đại như sau : “Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự. Biết cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không tìm an nghỉ, biết xả thân mà không đòi một phần thưởng nào khác, ngoài sự nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa. Amen.”
3. PHỤC VỤ VỚI TÌNH YÊU, LÒNG THƯƠNG XÓT, là điều nổi bật trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Có khi người ta phục vụ một cách miễn cưỡng, khó chịu, chẳng đặng đừng, với nét mặt khó đăm đăm. Như thế thì việc phục vụ chẳng có giá trị gì cả. Chúng ta xem Chúa Giêsu phục vụ với tinh thần yêu thương như thế nào. Khi thấy đám đông hàng ngàn người đi vào hoang địa nghe giảng quên cả ăn uống, Ngài thương họ, không muốn để họ ra về bụng đói, kẻo họ xỉu dọc đường, nên đã hóa bánh ra nhiều. Tại tiệc cưới Cana, khi được Đức Mẹ cho biết “Họ hết rượu rồi”, Chúa đã làm cho nước thành rượu. Khi gặp người bại liệt 38 năm ở hồ Bêzatha, chẳng cần người khốn khổ ấy xin, Chúa cũng chữa lành.
Không chỉ thương xác, mà Chúa Giêsu còn thương linh hồn. Người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình không chỉ được bênh vực cho khỏi chết, mà còn được tha tội : “Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Người bại liệt được Chúa chữa lành cả xác lẫn hồn : “Này anh, hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà. Tội anh đã được tha” (Mc 2,1-12). Phục vụ vì thương xót phần hồn người ta, không muốn người ta bị hư mất đời đời, đó là mục tiêu chủ yếu của đạo công giáo, nhưng không quên phục vụ vì thương xót phần xác những người bị đói khổ, thiếu thốn, tật nguyền…
Các thầy phó tế thân mến, các thầy hãy phục vụ mọi người với lòng thương xót, được diễn tả trong kinh “Thương người có mười bốn mối”. Các thầy sẽ nhân danh Chúa và Hội Thánh để lo cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới ăn mặc, để thăm viếng kẻ đau yếu, tù đày, để giúp người lỡ độ đường, để an táng người qua đời. Các thầy cũng hãy lấy lời lành mà dạy dỗ kẻ mê muội, mà an ủi người khổ đau, khuyên bảo kẻ có tội… Các thầy sẽ phục vụ với tình yêu và lòng thương xót theo gương của Chúa Giêsu.
 4. HIỆN THÂN CỦA CHÚA GIÊSU PHỤC VỤ. Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót giúp chúng ta phấn khởi mà phục vụ, khi ý thức rằng chính Chúa Giêsu đang hiện thân nơi người mà chúng ta phục vụ, và cũng hiện thân nơi chúng ta, người phục vụ :  “Xin làm cho Hội Thánh phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này… Xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài – tức là các thừa tác viên của Chúa – đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha”. Chúa đã dạy rằng những gì chúng ta làm hay không làm cho một trong những anh em bé mọn nhất, là làm hay không làm cho chính Chúa (x. Mt 25,31-46).
 Khi phục vụ, chúng ta còn mang vào mình sự khốn khổ đáng thương của những người đang cần được phục vụ : “Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng mặc lấy sự yếu đuối để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc”. Trên logo Năm Thánh, chúng ta thấy vẽ Chúa Giêsu và Ađam có ba con mắt, ngụ ý hãy nhìn người với mắt của Chúa, và nhìn Chúa với mắt của người.
Ước gì Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ, hiện diện nơi các thầy Phó tế hôm nay và Linh mục ngày mai. Muốn thế, xin các thầy hãy ghi khắc lời Chúa nói với các tông đồ trong đêm Tiệc Ly mà chúng ta sắp tưởng niệm trong Tuần Thánh tới : “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Amen.   
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Gp Hưng Hóa        
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log