Thứ bảy, 23/11/2024

Thứ Sáu Tuần Thánh: Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự nghi thức tưởng niệm Chúa chịu chết và Đàng Thánh giá

Cập nhật lúc 15:58 26/03/2016
Chiều thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức kính nhớ cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Chiều thứ Sáu Tuần Thánh 25-03, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để kính nhớ cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu.
Theo truyền thống, vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng sẽ giảng sau bài Thương khó.
Cha Raniero Cantalamessa mở đầu bài giảng có chủ đề “Hãy làm hoà với Thiên Chúa” với đoạn trích thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô (5,18; 6,1-2): “Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. ... Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ”.
 
Cha Cantalamessa nói, lòng thương xót của Thiên Chúa là cách đối xử của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi: đầyyêu thương và quảng đại, phù hợp với Công lý của Thiên Chúa - theo bản tính của Ngài. “Tình yêu của Thiên Chúachạm đến con người ở nơi xa nhất mà họ bị đẩy đến khi rời xa Thiên Chúa, đó là sự chết. Cái chết của Chúa Kitô là cần thiết để chứng tỏ cho mọi người thấy bằng chứng cao cả nhất của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân”.
Cha Cantalamessa giải thích rằng lòng thương xót của Thiên Chúa không đối nghịch với công lý của Ngài, nhưng là một biểu hiện của công lý. Đối nghịch với lòng thương xót là sự báo thù. Khi tha thứ cho tội nhân, Thiên Chúa không chối bỏ công lý mà là sự báo thù. Ngài không muốn kẻ có tội phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống (x. Ed 18,23). Trên Thánh giá Chúa Giêsu cũng không xin Chúa Cha báo thù.
Trong phần kết luận cha Cantalamessa dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha: “Nhờ công ơn Con Chúa chịu chết trên Thánh Giá, Đấng đã trở thành hiện thân của tội lỗi vì chúng con, xin loại bỏ mọi mong muốn báo thù nơi con tim của các cá nhân, các gia đình, và các quốc gia, và xin làm cho chúng con yêu chuộng lòng thương xót: xin cho chúng con biết đáp lại ý nguyện của Đức Thánh Cha khi ngài công bố Năm Thánh Lòng Thương xót một cách cụ thể trong đời sống chúng con, và cho mọi người cảm nghiệm niềm vui được hoà giải với Chúa nơi sâu thẳm lòng mình”.
*******
Buổi tối, lúc 9 giờ, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đi đàng Thánh giá trọng thể tại Colosseum ở Roma với sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu. Phần suy niệm do Đức hồng y Gualtiero Bassetti, Tổng giám mục Perugia-Citta della Pieve hướng dẫn theo chủ đề: nỗi khổ đau của con người hôm nay, của gia đình và các cuộc bách hại, với sợi chỉ xuyên suốt là tình thương yêu và lòng tha thứ.
Khi kết thúc 14 chặng đàng Thánh giá, Đức Thánh Cha đã dâng lời cầu nguyện tha thiết, nêu bật sự hiện diện của Thánh giá trong những đau khổ của thế giới hôm nay.
Đặc biệt Đức Thánh Cha gợi lên tình trạng của các nhóm thiểu số bị đàn áp ở phương Đông (“những anh chị em của chúng ta bị giết, bị thiêu sống, bị cắt cổ và chặt đầu bằng kiếm cách man rợ trong sự im lặng hèn nhát”), những nạn nhân của chiến tranh (“trẻ em, phụ nữ và nhiều người, đang kiệt sức và sợ hãi trốn chạy khỏi cuộc chiến và bạo lực và thường chỉ gặp cái chết và biết bao Philatô rửa tay”), và cả vấn đề nhức nhối lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ(“các thừa tác viên bất trung thay vì từ bỏ tham vọng hão huyền của mình lại tước đi phẩm giá của những người vô tội”).

 
Trong lời cầu nguyện với cung giọng đầy xúc động về tình hình thời sự nóng bỏng trên thế giới, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến thảm kịch của những di dân chết trên biển: “ngày nay chúng con vẫn còn nhìn thấy Thánh giá ở Địa Trung Hải và ở vùng biển Aegea - vốn đã trở thành một nghĩa trang chẳng bao giờ kín chỗ, đó là hình ảnh của lương tâm vô cảm và mê ngủ của chúng con” hay nạn khủng bố Hồi giáo: “những chủ nghĩa quá khích và khủng bố của các môn đồ một số tôn giáo đã xúc phạm Danh Chúa và lợi dụng Danh ấy để biện minh cho chủ trương bạo lực cực đoan của họ”.
Trong một đoạn khác, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những lệch lạc của các phong trào giáo dân ở châu Âu: “nhữngkẻ muốn dẹp bỏ Thánh giá ở những nơi công cộng và loại trừ Thánh giá ra khỏi đời sống chung, nhân danh chủ nghĩa thế tục hoặc ngay cả nhân danh sự bình đẳng mà chính Thánh giá đã dạy cho chúng con”.
Nhưng Đức Thánh Cha cũng xin Thánh giá Chúa Kitô chỉ cho mọi người ngày hôm nay thấy rằng “chiến thắng bề ngoài của cái ác sẽ tiêu tan trước ngôi mộ trống và trước niềm xác tín về sự Phục sinh và tình yêu của Thiên Chúa mà không có gì có thể khuất phục, làm lu mờ hay suy yếu được”.
 WHĐ
Minh Đức chuyển ngữ
hdgmvietnam.org
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log