Thứ sáu, 27/12/2024

Tóm tắt Tông huấn mới của ĐTC về Thánh Têrêsa Hài Đồng "Chính sự tin tưởng"

Cập nhật lúc 09:01 17/10/2023

Ngày 15/10/2023, Đức Thánh Cha đã công bố một Tông huấn mới với tựa đề "Chính sự tin tưởng", nói về Thánh Têrêsa thành Lisieux. Trong Tông huấn, Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Têrêsa Lisieux chỉ cho chúng ta điều cốt yếu trong Giáo hội, đó là tình yêu và sự tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. "Con đường bé nhỏ" của thánh nhân mời gọi chúng ta tin tưởng vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa và sống cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong sự cởi mở với tha nhân.

Tông huấn, được công bố nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của thánh nhân tại Alençon, nước Pháp, gồm 5 phần với 53 số, dài gần 16 trang A4, theo bản tiếng Anh. 

Đức Thánh Cha mở đầu Tông huấn với những lời Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã viết vào tháng 9/1896, và cũng là những lời gợi ý cho tựa đề của Tông huấn mới: “Chính sự tin tưởng và không có gì khác ngoài sự tin tưởng sẽ dẫn chúng ta đến Tình yêu”. Theo Đức Thánh Cha, những lời này “tổng hợp sức mạnh của sự khôn ngoan trong linh đạo của thánh thân và sẽ đủ để chứng minh rằng việc ngài được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh là đúng đắn và hợp lý” (2).

Một thông điệp thuộc về kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội

Đức Thánh Cha đã giải thích việc ngài chọn công bố Tông huấn vào ngày 15/10, chứ không phải vào một ngày liên quan đến cuộc đời của vị thánh được cả thế giới biết đến và yêu mến, ngay cả những người không có đức tin. Lý do là vì ngài mong muốn “sứ điệp vượt xa những ngày kỷ niệm và được coi là một phần kho tàng thiêng liêng của Giáo hội” (4). Ngược lại, công bố tài liệu vào ngày lễ Thánh Têrêsa Avila là để cho thấy vị Thánh trẻ Têrêsa là “kết quả chín mùi” của linh đạo của vị Thánh vĩ đại người Tây Ban Nha (Thánh Têrêsa Avila).

Sự công nhận của các Giáo hoàng

Đức Thánh Cha Phanxicô lượt lại các giai đoạn nhìn nhận giá trị nổi bật của chứng tá thiêng liêng của Thánh trẻ Têrêsa qua các thời các Đức Giáo Hoàng: bắt đầu từ Đức Giáo Hoàng Leo XIII, người đã cho phép thánh nữ vào đan viện lúc 15 tuổi, đến Đức Piô XI, người đã phong thánh cho ngài vào năm 1925 và vào năm 1927 đã chọn ngài là bổn mạng của các xứ truyền giáo; cho đến Thánh Gioan Phaolô II, người đã tuyên bố ngài là Tiến sĩ Giáo hội vào năm 1997. “Cuối cùng - Đức Phanxicô nhắc lại -, tôi đã vui mừng được phong thánh cho cha mẹ của ngài là ông bà Luigi và Zelia, vào năm 2015, trong Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình, và gần đây tôi đã dành một bài giáo lý nói về ngài” (6).

Tình yêu Chúa Giêsu của một tâm hồn truyền giáo

Trong căn phòng của mình, Thánh Têrêsa đã viết: “Chúa Giêsu là tình yêu duy nhất của tôi” (8) và khi phân tích kinh nghiệm thiêng liêng của thánh nữ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu “đã mời gọi ngài đi truyền giáo”, đến nỗi ngài không thể nghĩ rằng “mình thánh hiến cho Thiên Chúa mà lại không tìm kiếm thiện ích cho các anh chị em”. Thực ra, thánh nữ đã vào dòng Cát Minh “để cứu các linh hồn” (9). Vị thánh trẻ Têrêsa đã diễn tả tâm hồn truyền giáo của mình như thế này: “Tôi cảm thấy rằng ngọn lửa tình yêu càng đốt cháy trái tim tôi (…) thì càng có nhiều linh hồn đến gần tôi (mảnh sắt nhỏ bé đáng thương, vô dụng nếu tôi rời xa lò than là Thiên Chúa), các linh hồn này càng chạy nhanh đến với hương thơm của Đấng Yêu dấu của họ, bởi vì một tâm hồn đang cháy bỏng tình yêu không thể cứ đứng yên” (12).

Con đường của niềm tin và tình yêu

Tiếp tục Tông huấn, Đức Thánh Cha đi vào trọng tâm linh đạo của Thánh Têrêsa Hài Đồng, “con đường bé nhỏ” đó còn được gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã viết: “Lạy Chúa Giêsu, chiếc thang máy nâng con lên Thiên Đàng chính là đôi tay của Chúa! Vì thế, con không cần phải lớn lên, trái lại con cần tiếp tục bé nhỏ, ngày càng trở nên nhỏ bé” (16). Điều quan trọng đối với thánh nữ là hoạt động, ân sủng của Thiên Chúa, chứ không phải công trạng cá nhân, bởi vì chính Chúa là Đấng Thánh hóa. Đức Thánh Cha viết: “Vì vậy, thái độ thích hợp nhất là đặt lòng tin tưởng tín thác chân thành không phải nơi bản thân chúng ta nhưng vào lòng thương xót vô biên của một Thiên Chúa yêu thương không điều kiện và đã trao ban cho chúng ta mọi sự trên Thánh Giá của Chúa Giêsu. Vì thế, Thánh Têrêsa không bao giờ sử dụng câu nói thường thấy vào thời của ngài, "Tôi sẽ trở thành một vị thánh" (20).

Phó thác trong tay Chúa Cha

Đức Thánh Cha nói rằng trong cuộc sống của chúng ta, nơi mà chúng ta thường “bị tấn công bởi những nỗi sợ hãi, ước muốn về an ninh con người, nhu cầu kiểm soát mọi thứ” (23), sự tin tưởng và do đó sự tín thác vào Thiên Chúa mà Thánh Têrêsa khuyến khích “giải phóng chúng ta khỏi những tính toán ám ảnh, thường xuyên lo lắng về tương lai và những nỗi sợ hãi lấy đi sự bình an của chúng ta.”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Nếu chúng ta ở trong tay của một người Cha yêu thương chúng ta vô hạn, điều này sẽ đúng dù hoàn cảnh nào xảy ra; chúng ta sẽ có thể vượt qua bất cứ điều gì có thể xảy ra với chúng ta và, bằng cách này hay cách khác, kế hoạch yêu thương và viên mãn của Người sẽ hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta” (24).

“Cuộc thử thách chống đức tin” và sự tin tưởng vào lòng thương xót

Đời sống thiêng liêng của vị thánh trẻ dòng Cát Minh không phải là không có thử thách và đấu tranh. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối đời, ngài đã trải qua “cuộc thử thách chống đức tin” dữ dội (25). Vào thời điểm đó, chủ nghĩa vô thần đang phát triển mạnh mẽ, và ngài “cảm thấy mình là chị em của những người vô thần” (26), khẩn cầu và hiến dâng cuộc sống cho họ, bằng cách canh tân đời sống đức tin của ngài. Ngài tin vào lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa và vào chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu trên sự dữ: lòng tín thác của ngài đã giúp một kẻ giết người nhiều lần nhận được ân sủng hoán cải khi trên giá treo cổ.

Mọi thứ trong Chúa đều là tình yêu, kể cả Công lý. Đức Thánh Cha nói: “Đây là một trong những hiểu biết sâu sắc nhất của Thánh Têrêsa, một trong những đóng góp quan trọng của ngài cho toàn thể Dân Chúa. Một cách phi thường, ngài đã thăm dò chiều sâu của lòng thương xót Chúa và rút ra từ đó ánh sáng của niềm hy vọng vô hạn của ngài” (27).

Lòng bác ái vĩ đại nhất trong sự đơn giản lớn lao nhất

Thánh Têrêsa muốn “làm vui lòng” Chúa, ngài muốn xứng hợp với tình yêu của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Thánh nữ hoàn toàn chắc chắn rằng Chúa Giêsu yêu thương ngài và biết rõ ngài khi Chúa chịu khổ nạn; ngài đã chiêm ngưỡng tình yêu của Chúa Giêsu đối với toàn thể nhân loại và đối với mỗi cá nhân, như thể họ là người duy nhất trong thế giới" (33).

Đức Thánh Cha còn khẳng định: “Thánh Têrêsa thực hành bác ái trong sự nhỏ bé, trong những điều đơn giản nhất của cuộc sống hàng ngày, và ngài đã làm điều này cùng với Đức Trinh Nữ Maria, người mà ngài đã học được rằng 'yêu là cho đi tất cả. Đó là cho đi chính mình.'” (36).

“Trong con tim Giáo hội, Mẹ của tôi, tôi sẽ là Tình yêu!"

Tông huấn viết rằng từ Thánh Têrêsa Avila, Thánh Têrêsa Hài Đồng thừa hưởng “một tình yêu lớn lao dành cho Giáo hội và có thể đào sâu mầu nhiệm này” (38). Ngài viết trong Truyện Một Tâm Hồn: "Tôi hiểu rằng Giáo Hội có một Trái Tim, và Trái Tim này đang cháy bỏng tình yêu. Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu mới khiến các thành viên của Giáo Hội hành động". Và ngài nói thêm: "Vâng, tôi đã tìm thấy vị trí của mình trong Giáo hội: trong con tim Giáo hội, Mẹ của tôi, tôi sẽ là Tình yêu!" (39).

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Trái tim này không phải là con tim của một Giáo hội chiến thắng, mà là một Giáo hội yêu thương, khiêm tốn và nhân hậu” (40). Đức Thánh Cha nói thêm: “Việc khám phá đó về con tim của Giáo hội cũng là một nguồn ánh sáng lớn lao cho chúng ta ngày nay để không bị sốc và vấp ngã bởi những hạn chế và yếu đuối của tổ chức Giáo hội với những bóng tối và tội lỗi, và giúp chúng ta bước vào trái tim cháy bỏng tình yêu của Giáo hội bùng cháy vào Lễ Hiện Xuống nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần” (41).

Trao tặng hoàn toàn cho tha nhân

Những thử thách nội tâm mà Thánh Têrêsa trải qua, điều mà đôi khi đã thúc đẩy thánh nữ đến mức phải tự hỏi “liệu có Thiên Đàng hay không” (42), đã khiến thánh nhân “chuyển từ lòng nhiệt thành khao khát thiên đàng sang lòng khao khát thường xuyên, cháy bỏng về thiện ích của tất cả" (43), và đi đến quyết tâm tiếp tục sứ mạng của mình ngay cả sau khi qua đời.

Tông huấn viết: “Bằng cách này ngài đã đạt đến sự tổng hợp cuối cùng của cá nhân về Tin Mừng, một sự tổng hợp bắt đầu bằng sự tin tưởng hoàn toàn và đạt đến cao điểm bằng sự trao tặng toàn thể chính mình cho tha nhân” (44).

Đức Thánh Cha viết: “Chính sự tin tưởng đưa chúng ta đến với tình yêu và do đó giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi. Chính sự tin tưởng giúp chúng ta không còn nhìn vào chính mình và giúp chúng ta có thể phó thác vào tay Thiên Chúa những gì chỉ có Người mới có thể hoàn thành được. Điều này mang lại cho chúng ta một nguồn tình yêu và năng lượng bao la để tìm kiếm thiện ích cho anh chị em chúng ta.” (45).

Cuối cùng chỉ có tình yêu là có giá trị

Trong chương cuối cùng, Đức Thánh Cha giải thích rằng Tông huấn này là cơ hội để ngài nhắc lại rằng, như đã viết trong Evangelii gaudium, trong một Giáo hội truyền giáo, “việc rao giảng phải tập trung vào những điều cốt yếu, vào những gì đẹp nhất, vĩ đại nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất" (47).

“Cuối cùng,” Đức Thánh Cha viết, “chỉ có tình yêu mới có giá trị” (48). Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, “sự đóng góp cụ thể mà Thánh Têrêsa cống hiến cho chúng ta, như là một vị thánh và một Tiến sĩ của Giáo hội" là "dẫn chúng ta đến trọng tâm, đến điều cốt yếu và không thể thiếu được”. (49).

Đức Thánh Cha nói với các nhà thần học, các nhà luân lý và các học giả về tu đức: “Chúng ta vẫn cần hiểu trực giác tuyệt vời này của Thánh Têrêsa và từ đó rút ra những hệ quả về mặt lý thuyết và thực tiễn, giáo lý và mục vụ, cá nhân và cộng đồng. Chúng ta cần sự táo bạo và sự tự do nội tâm để có thể làm được điều đó.” (50).

Tính thực tế của “con đường bé nhỏ”

Kết thúc Tông huấn, Đức Thánh Cha nhắc lại những khía cạnh chính trong “con đường bé nhỏ” của Thánh Têrêsa và tính thực tế của chúng.

Trong một thời đại được đánh dấu bởi việc tập trung vào lợi ích riêng, chủ nghĩa cá nhân và nỗi ám ảnh về quyền lực, thánh nhân cho chúng ta thấy vẻ đẹp của việc biến cuộc sống thành một quà tặng, cho thấy giá trị của sự đơn giản và nhỏ bé cũng như tính ưu việt tuyệt đối của tình yêu, vượt qua “một não trạng nệ luật hoặc đạo đức lấp đầy đời sống Kitô hữu bằng những luật lệ và quy định, và làm cho niềm vui Tin Mừng trở nên nguội lạnh.” (52).

Tông huấn kết thúc bằng một lời cầu nguyện ngắn, trong đó, Đức Thánh Cha cầu nguyện: “Lạy Thánh Têrêsa yêu dấu, xin giúp chúng con, giống như ngài, luôn tin tưởng vào tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho chúng con, để chúng con có thể bắt chước mỗi ngày “con đường bé nhỏ” thánh thiện của Ngài” (53).

Nguồn: Vatican News

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log