Trong bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa nhật 30/06, ĐTC nói với các tín hữu ĐTC mời gọi các tín hữu, là những môn đệ của Chúa Kitô, hãy biến tình yêu và đam mê dành cho Chúa và Tin Mừng thành hành động cụ thể, đến gần và ở bên những anh chị em khốn khổ cần được ủi an và chăm sóc.
Bài huấn dụ của ĐTC
Trong bài Tin Mừng hôm nay, (x. Lc 9,51-62), thánh Luca bắt đầu tường thuật chuyến đi cuối cùng của Chúa Giêsu lên Giêrusalem; chuyến đi được kết thúc ở chương 19. Đây là một hành trình dài không chỉ về địa lý và không gian, nhưng cả về chiều kích thiêng liêng và thần học, hướng tới sự viên mãn trong sứ vụ của Đấng Mêsia. Quyết định của Chúa Giêsu rất triệt để và hoàn toàn, và tất cả những ai theo Ngài được mời gọi đánh giá mình theo thước đo của quyết định này. Thánh sử Luca trình bày với chúng ta 3 nhân vật mà chúng ta có thể gọi là 3 ơn gọi; những nhân vật này làm nổi bật yêu cầu đối với những người muốn theo Chúa Giêsu cho đến cùng.
Yêu cầu thứ nhất: di động chứ không an thân trong vỏ bọc
Nhân vật thứ nhất hứa với Chúa Giêsu: “Con sẽ theo Thầy đến bất cứ nơi đâu Thầy đi” (c. 57). Nhưng Chúa Giêsu trả lời rằng Con Người, không giống như sói có hang và chim trời có tổ, “Ngài không có chỗ gối đầu” (c. 58). Thật sự Chúa Giêsu đã rời bỏ nhà cửa của cha mẹ và từ chối mọi thứ an toàn, để loan báo Vương quốc của Thiên Chúa cho những con chiên lạc của dân Ngài. Bằng cách đó, Ngài chỉ cho chúng ta, là những môn đệ của Ngài, biết rằng sứ vụ của chúng ta trong thế giới không thể ở yên một chỗ, nhưng là di động. Giáo Hội, bởi bản chất, là di động, không bất động và an thân trong vỏ bọc của mình. Giáo Hội mở ra với những chân trời rộng lớn khác nhau, được mời gọi mang Tin Mừng trên các nẻo đường và đến với các vùng ngoại biên của con người và của cuộc sống.
Yêu cầu thứ hai: sẵn sàng với sứ vụ
Nhân vật thứ hai mà Chúa Giêsu gặp đã nhận được lời mời gọi trực tiếp từ Ngài, nhưng anh ta trả lời: “Thưa Thầy, xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã” (c. 59). Đây là lời yêu cầu hợp lý, dựa trên điều răn thảo kính cha mẹ (x. Xh 20,12). Tuy nhiên, Chúa Giêsu trả lời: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” (c. 60). Với những lời khiêu khích có chủ ý này, Chúa muốn khẳng định tính ưu việt của việc đi theo Ngài và việc loan báo Nước Thiên Chúa, ngay cả trên những thực tại quan trọng nhất, như gia đình. Sự khẩn cấp để truyền rao Tin Mừng, điều bẻ gãy xiềng xích sự chết và xây dựng cuộc sống vĩnh cửu, không chấp nhận sự chậm trễ, nhưng đòi hỏi sự sẵn sàng và hoàn toàn cho sứ vụ.
Yêu cầu thứ ba: dứt khoát, quyết định
Nhân vật thứ ba cũng muốn đi theo Chúa Giêsu, nhưng chỉ sau khi đã chia tay thân quyến, thì Thầy Giêsu nói với anh: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (c. 62). Theo Chúa Giêsu thì không được hối tiếc và ngoái lại đàng sau, nhưng đòi có đức tính quyết định.
Lựa chọn tự do và ý thức, xuất phát từ tình yêu
Giá trị của những đòi hỏi mà Chúa Giêsu đưa ra – di động, sẵn sàng và quyết định – thì không nằm ở những tiếng trả lời “không” trước những điều tốt và quan trọng của cuộc sống. Thay vào đó, nó nhấn mạnh đến mục tiêu chính: trở thành môn đệ của Chúa Kitô! Một lựa chọn tự do và ý thức, được đưa ra bởi tình yêu, để đáp lại ân sủng vô giá của Thiên Chúa, và không phải là một cách để mình được tiến thân. Chúa Giêsu muốn chúng ta là những người say mê Chúa và Tin Mừng. Một đam mê từ trái tim được biến thành các hành động cụ thể, gần gũi với anh em nghèo khổ cần được đón tiếp và chăm sóc. Đó chính là cách thế mà Chúa đã sống.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của Giáo Hội lữ hành, giúp chúng ta hân hoan theo Chúa Giêsu và loan báo Tin Mừng cho các anh chị em và với tình yêu được canh tân, loan báo Tin Vui ơn cứu độ.
Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC nhắc đến cuộc gặp gỡ sáng nay tại biên giới hai miền Nam Bắc Triều Tiên, giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn. ĐTC nói: "Trong những giờ gần đây, chúng ta đã chứng kiến một ví dụ tốt về văn hóa gặp gỡ tại Triều Tiên. Tôi chào các nhân vật chính và cầu nguyện để cử chỉ ý nghĩa này kiến tạo thêm một bước trên con đường hòa bình, không chỉ trên bán đảo đó mà còn ủng hộ toàn thế giới.