2022.04.24 Santa Messa della Divina Misericordia (Vatican Media) |
Hôm nay Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Họ là những người đã bỏ rơi Người. Người đã tỏ lòng thương xót khi cho họ thấy những vết thương của Người. Người mở lời với họ bằng một câu chào được xuất hiện ba lần trong bài Tin Mừng hôm nay: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19.21.26). “Bình an cho anh em!” Đó là lời chào của Đấng Phục Sinh, Đấng đến để gặp gỡ mọi yếu đuối và lầm lỗi của con người. Chúng ta hãy suy gẫm về lời “bình an cho anh em!” của Chúa Giêsu: chúng ta sẽ khám phá ra ba hành động của lòng thương xót Chúa trong chúng ta. Trước hết, nó mang lại niềm vui; sau đó, khơi dậy sự tha thứ; và cuối cùng là an ủi trong khi mỏi mệt.
1. Trước hết, lòng thương xót của Thiên Chúa ban niềm vui, một niềm vui đặc biệt, niềm vui cảm nhận được tha thứ một cách nhưng không. Vào chiều ngày Phục Sinh, các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu và lần đầu tiên nghe thấy “bình an cho anh em!”, họ đã vui mừng (x. Ga 20,20). Họ nhốt mình trong nhà vì sợ hãi; nhưng họ cũng tự thu mình lại, ngập tràn trong cảm giác thất bại. Họ là những môn đệ đã bỏ Thầy: vào lúc Người bị bắt, họ đã bỏ trốn. Ông Phêrô thậm chí đã chối Người ba lần và chối mình thuộc về nhóm – thuộc một trong số họ! – Ông đã từng là kẻ phản bội. Có những lý do khiến họ cảm thấy không chỉ sợ hãi mà còn là những kẻ thất bại, vô giá trị. Dĩ nhiên trong quá khứ, họ đã có những lựa chọn can đảm, họ đã nhiệt tình đi theo Thầy, dấn thân và quảng đại, nhưng cuối cùng tất cả đều tan vỡ; nỗi sợ hãi đã chiếm ưu thế và họ đã phạm phải tội lỗi lớn: bỏ mặc Chúa Giêsu trong giờ phút bi thảm nhất. Trước ngày Phục Sinh, họ nghĩ rằng mình được dựng nên để làm những điều lớn lao, họ tranh cãi xem trong số họ, ai là người lớn nhất... Giờ thì họ thấy mình đang chạm đáy.
Trong bầu khí này, Chúa nói lời chào “bình an cho anh em” đầu tiên. Các môn đệ lẽ ra phải cảm thấy xấu hổ, nhưng thay vào đó, họ vui mừng. Ai hiểu họ… Tại sao thế? Bởi vì khuôn mặt đó, lời chào đó, những lời nói đó chuyển sự chú ý từ họ sang Chúa Giêsu . Thật vậy, bản văn nói rõ: “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa ”(x. Ga 20,20). Họ ra khỏi chính mình và khỏi những thất bại của mình và bị thu hút bởi ánh mắt của Người, nơi không có sự nghiêm khắc, nhưng có lòng thương xót. Chúa Kitô không phàn nàn về quá khứ, nhưng ban cho họ lòng nhân từ. Và điều này làm họ hồi sinh, mang lại sự bình an đã mất trong trái tim họ, khiến họ trở thành những con người mới, được thanh tẩy bởi sự tha thứ được tặng ban cách không tính toán và một sự tha thứ không cần xứng đáng.
Đây là niềm vui của Chúa Giêsu, niềm vui mà chúng ta cũng cảm nhận được khi cảm nghiệm được sự tha thứ của Người. Chúng ta giống như các môn đệ của buổi chiều Phục Sinh: sau một lần vấp ngã, một tội lỗi, một lần thất bại. Trong những khoảnh khắc đó dường như không thể làm được gì hơn được. Nhưng ngay tại đó, Chúa làm mọi việc để ban cho chúng ta sự bình an của Người: qua lần đi Xưng Tội, lời nói của một người bên cạnh, sự an ủi nội tâm của Thánh Thần, hay sự kiện bất ngờ và đáng ngạc nhiên... Bằng nhiều cách khác nhau, Chúa ân cần khiến chúng ta cảm nhận được vòng tay thương xót của Người, một niềm vui khi nhận được “sự tha thứ và bình an”. Đúng vậy, niềm vui của Chúa là niềm vui đến từ sự tha thứ và mang lại bình an. Thật vậy, nó đến từ sự tha thứ và mang lại bình an; một niềm vui nâng dậy chứ không làm hạ giá, giống như thể Chúa Giêsu không biết việc gì đang diễn ra. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhớ đến sự tha thứ và sự bình an đã nhận được từ Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng ta đã nhận được nó, mỗi người trong chúng ta đều kinh nghiệm về nó. Chúng ta hãy nhớ lại đôi chút, nó thật hữu ích! Chúng ta hãy đặt vòng tay yêu thương và sự quan tâm của Thiên Chúa trước những lỗi lầm và vấp ngã của chúng ta. Như vậy, chúng ta sẽ nuôi dưỡng niềm vui. Bởi vì mọi sự sẽ nên đổi mới đối với những ai cảm nghiệm được niềm vui của Thiên Chúa! Niềm vui này sẽ biến đổi chúng ta.
2. “Bình an cho anh em!” Chúa nói lần thứ hai và thêm: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (x. Ga 20,21). Và Người ban Thánh Thần cho các môn đệ, để làm cho họ trở thành tác viên hòa giải: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (x. Ga 20,23). Họ không chỉ nhận được lòng thương xót, mà còn trở thành người phân phát chính lòng thương xót mà họ đã nhận được. Họ nhận được quyền năng này, nhưng không dựa trên công trạng của họ, không dựa trên nỗ lực của họ, không: đó là một món quà thuần túy của ân sủng. Tuy nhiên, điều này đặt nền trên kinh nghiệm của họ, là những người được tha thứ.
Tôi hướng đến anh em, là những nhà rao truyền Lòng Thương Xót: nếu mỗi người trong anh em không cảm nhận được tha thứ, hãy dừng lại và đừng trở thành một nhà rao truyền Lòng Thương Xót, cho đến giây phút cảm thấy được tha thứ. Và khi anh em cảm thấy mình nhận được lòng thương xót, thì anh em sẽ có thể cho đi rất nhiều lòng thương xót, cho đi rất nhiều sự tha thứ. Và ngày nay và luôn luôn trong Giáo Hội, sự tha thứ phải đến với chúng ta theo cách này, qua lòng nhân hậu khiêm nhường của một vị giải tội giàu lòng thương xót, người biết rằng mình không phải là người nắm giữ quyền lực nào đó, nhưng là kênh chuyển trao lòng thương xót, mang sự tha thứ đến cho người khác và vị giải tội ấy trước hết là người đã lãnh nhận ơn tha thứ. Và từ đây, sự tha thứ cho tất cả nảy sinh, bởi vì Chúa luôn tha thứ tất cả và luôn luôn. Chúng ta là những người cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ, nhưng Người luôn tha thứ. Và anh em sẽ phải trở thành kênh truyền của sự tha thứ này, nhờ kinh nghiệm của anh em về việc được tha thứ. Không cần phải dằn vặt những tín hữu đến với chúng ta với các tội lỗi của họ, nhưng chúng ta hãy hiểu điều gì đang xảy ra, lắng nghe và tha thứ và đưa ra lời khuyên tốt để giúp họ tiến lên phía trước. Chúa tha thứ mọi thứ: chúng ta không được đóng cánh cửa đó...
“Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.” Những lời này là nguồn gốc của Bí tích Hòa giải, nhưng không phải chỉ có thế. Toàn thể Giáo hội đã được Chúa Giêsu biến thành một cộng đoàn phân phát lòng thương xót, một dấu chỉ và một khí cụ hòa giải cho nhân loại. Anh chị em thân mến, mỗi người chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội để trở thành người nam và người nữ của sự hòa giải. Khi chúng ta cảm nhận được niềm vui được giải thoát khỏi sức nặng của tội lỗi, của những thất bại. Khi chúng ta kinh nghiệm trong con người cũ về sự tái sinh có nghĩa là gì, sau một trải nghiệm tưởng như không có lối thoát, thì chúng ta phải chia sẻ tấm bánh của lòng thương xót với những người xung quanh. Chúng ta hãy để chính mình cảm nhận được lời kêu gọi này. Và chúng ta hãy tự hỏi: Tôi, nơi tôi sống, tôi, trong gia đình tôi, tôi, nơi làm việc, trong cộng đoàn của tôi, tôi có cổ võ sự hiệp thông, tôi có phải là người dệt nên sự hòa giải không? Tôi có dấn thân xoa dịu những xung đột, để mang lại sự tha thứ ở nơi có hận thù, hòa bình ở nơi có oán hận không? Hay tôi lao mình vào những hội nhiều chuyện, vốn là thứ luôn gây ra sự chết chóc? Chúa Giêsu tìm kiếm trong chúng ta những nhân chứng cho thế giới về những lời này của Người: Bình an cho anh em! Tôi đã nhận được bình an và tôi trao bình an ấy cho người khác.
3. “Bình an cho anh em!” Chúa lặp lại lần thứ ba khi Ngài hiện ra vào tám ngày sau đó với các môn đệ, để xác chuẩn đức tin cứng cỏi của Tôma. Ông Tôma muốn nhìn thấy và chạm vào. Và Chúa không ngạc nhiên vì sự cứng lòng tin của ông, nhưng Người đến gặp ông: “Hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy” (x. Ga 20,27). Đây không phải là những lời thách thức, mà là lòng thương xót. Chúa Giêsu hiểu rõ sự khó khăn của ông Tôma: Người không đối xử cứng rắn với ông và vị tông đồ này đã rung động trước lòng nhân từ vô biên của Chúa. Và đây là cách từ một người không tin Chúa trở thành một người tin Chúa, và thực hiện một lời tuyên xưng đức tin đơn giản và đẹp đẽ nhất: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (x. Ga 20,28). Đó là một lời tuyên xưng tuyệt đẹp, chúng ta có thể biến nó thành của riêng mình và lặp lại nó suốt cả ngày, đặc biệt là khi chúng ta trải qua những nghi ngờ và tăm tối, giống như Tôma.
Bởi vì nơi Tôma, có câu chuyện của mọi tín hữu, của mỗi người trong chúng ta, của từng người tín hữu: có những khoảnh khắc khó khăn, nơi đó dường như cuộc sống phủ nhận đức tin, lúc đó, chúng ta đang gặp khủng hoảng và chúng ta cần chạm vào và nhìn thấy. Giống như ông Tôma, chính tại đây, chúng ta tái khám phá trái tim của Chúa, lòng thương xót của Người. Trong những tình huống này, Chúa Giêsu không đến với chúng ta qua một cách thức chiến thắng đầy kiêu hãnh và với những bằng chứng choáng ngợp, Người không thực hiện những phép lạ khoa trương, nhưng mang đến những dấu hiệu ấm áp của lòng thương xót. Người an ủi chúng ta với cùng một thể thức của bài Tin Mừng hôm nay: cho chúng ta thấy những vết thương của Người. Chúng ta đừng quên điều này: khi đối mặt với tội lỗi, tội nặng nhất, của chúng ta hay của người khác, luôn có sự hiện diện của Chúa, Đấng trao ban vết thương của mình. Xin đừng quên. Và trong chức vụ của chúng ta với tư cách là vị giải tội, chúng ta phải cho mọi người thấy rằng trước tội lỗi của họ là những vết thương của Chúa, là vết thương mạnh hơn tội lỗi.
Và Người cũng làm cho chúng ta khám phá ra những vết thương của anh chị em. Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa, qua những khủng hoảng và những mệt mỏi của chúng ta, thường giúp chúng ta gặp gỡ với những đau khổ của người lân cận. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang ở chóp đỉnh của đau khổ, ở tột cùng của hoàn cảnh khó khăn, và trong thinh lặng, chúng ta mới nhận ra tại lúc này có những người đang phải trải qua những thời điểm tồi tệ nhất. Và, nếu chúng ta chăm sóc vết thương của người lân cận và đổ đầy lòng thương xót nơi họ, thì một niềm hy vọng mới sẽ tái sinh nơi chúng ta. Điều này an ủi chúng ta trong lúc mỏi mệt. Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình, trong thời gian gần đây, chúng ta có chạm vào những vết thương của một người đau khổ nào đó về thể xác hoặc tinh thần không; hay chúng ta có mang lại sự bình an cho một ai đó bị thương tích hay suy sụp tinh thần không; hay chúng ta có dành thời gian lắng nghe, đồng hành, và an ủi không. Khi chúng ta làm điều này, chúng ta gặp Chúa Giêsu. Từ đôi mắt của những người đang bị thử thách trong cuộc sống, Người nhìn chúng ta với lòng thương xót và nói với chúng ta: Bình an cho anh em! Và tôi thích nghĩ đến sự hiện diện của Đức Mẹ giữa các Tông đồ, Mẹ ở đó, và cũng như sau Lễ Ngũ Tuần, chúng ta nghĩ về Mẹ như Mẹ Giáo Hội: Tôi rất thích nghĩ về Mẹ vào thứ Hai, sau Chúa Nhật Lòng Thương Xót, như là Mẹ của Lòng Thương Xót: Mẹ có thể giúp chúng ta tiến lên trong sứ mạng tốt đẹp của chúng ta.