Thứ hai, 23/12/2024

CHỦ NHẬT 25 TNA - “Hay mắt bạn ganh tị vì tôi nhân lành chăng”

Cập nhật lúc 22:17 20/09/2014
Người công nhân làm việc từ giờ đầu tiên cũng lãnh được số lương giống như người công nhân làm việc vào giờ cuối cùng.
Người mẹ đi chợ hoặc đi xa về thường mua bánh kẹo và chia cho con cái. Sau khi chia xong, có đứa thì ăn ngay, nhưng cũng có đứa lủng bủng và ghen tỵ: “Mẹ ơi, sao mẹ chỉ cho con có một chiếc như cho đứa em con? Đáng nhẽ con lớn hơn thì mẹ phải cho con 2 chiếc mới phải”.  Cũng thế, nhiều người trong chúng ta cũng có thể bực mình vì dụ ngôn hôm nay mà trong đó người công nhân chỉ làm có một giờ thôi mà cũng được hưởng lương như những người công nhân khác làm cả ngày.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý dụ ngôn này không nhằm mục đích khích lệ những người lười không chịu làm ăn, không chịu đi lễ đọc kinh, vì nghĩ rằng cuối cùng thế nào Chúa cũng thưởng công và được cứu độ. Dụ ngôn này không phải là một bài học quản lý kinh tế và cũng không phải là giải pháp để giải quyết nan thất nghiệp. Dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn ưu tiên gửi đến những người Biệt Phái, vì họ thường khinh chê những người khác tôn giáo và ngoại giáo. Và qua đó, Chúa muốn nói với chúng ta điều gì?
Tất cả chúng ta đều được mời gọi để nhận ra những ơn lành mà chúng ta đang có và niềm vui của nước trời mai sau… Người Công giáo hoặc không Công giáo, người sống đạo hoặc người không đặt chân đến nhà thờ, người nghèo cũng như người giàu, người thánh thiện cũng như người tội lỗi…. Tất cả những người này, Nước Trời không hề đóng lại đối với họ.
Nước Trời là vườn nho yêu quí của Thiên Chúa mà Ngài luôn giữ gìn trông nom như lời tiên tri Isaia nói: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm”? Nước Thiên Chúa mở ra cho tất cả mọi người. Nước Trời là chính Thiên Chúa và phần thưởng của Thiên Chúa cũng là chính Ngài. Nước Trời cũng là và đã là nước Tình Yêu được bắt đầu ngay ở trần gian này. Trong tất cả các con tim mà tình yêu nở hoa, Thiên Chúa ở đó , đồng thời đổ tràn ân huệ và niềm vui của Ngài. Đành rằng Thiên Chúa hoạt động mạnh mẽ nhất nơi các bí tích, nhưng chúng ta đừng giới hạn hoạt động của Ngài chỉ có ở đó. Chúa Thánh Thần không thụ động trong tim của 2 tỉ người không kitô trên thế giới và những người thiện chí!
Nước Trời, chính là nước của tất cả những ai say đắm Đức Kitô, Đấng mà vào một ngày nào đó đột nhập vào trong đời sống của họ. Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”. Nước trời chính là nước của tất cả những ai sẵn sàng trở nên con Thiên Chúa.
Nước Trời không hề có chuyện loại trừ đối với bất cứ ai, vì “Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”. Ngài có thể đón nhận vào bất cứ giờ nào. Anh trộm lành trên thập giá đã biết phần nào về điều đó. Dù chỉ một cử chỉ nho nhỏ của tình yêu, anh trộm lành cũng đã được về trời: “Ngay hôm nay, Ta cho anh được ở trên thiên đàng với Ta”. Không phải chỉ có người công nhân làm việc giờ cuối cùng, mà còn có cả người công nhân làm việc vào phút cuối cùng trong đời.
Nước Trời không hề có chuyện thất nghiệp. Tất cả chúng ta đều được Chuá Giêsu thôi thúc mời gọi đi làm vườn nho cho Ngài: “Cả anh em nữa, hãy đi làm vườn nho cho tôi”. ĐGH Gioan Phaolô II đã nói: “Anh chi em tín hữu giáo dân, vì là thành phần của Giáo Hội, họ đều có ơn gọi và sứ mệnh loan báo Tin Mừng”.
Người công nhân làm việc từ giờ đầu tiên cũng lãnh được số lương giống như người công nhân làm việc vào giờ cuối cùng. Nếu thế, Thiên Chúa không công bằng ư?
Bài đọc I đã trả lời cho chúng ta câu thác mắc đó: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi”. Thiên Chúa không nhìn tất cả các sự việc như chúng ta nhìn. Vì chưng ân ban của Thiên Chúa là vô hạn không thể so sánh với công việc của chúng ta làm. Chúng ta có đủ ý thức rằng phần thưởng đời đời mà Thiên Chúa hứa ban phải chăng là món quà không xứng đáng?
Phần thưởng đời đời là chính Thiên Chúa. Bánh kẹo hoặc quà mà người mẹ đi chợ về cho con không phải chỉ là bánh kẹo, mà là tất cả tình yêu của người mẹ dành cho con. Trên đời này ngay cả người thánh thiện nhất cũng chưa thể có một của lễ thật xứng đáng dâng lên Thiên Chúa được. Thiên Chúa không giữ chúng ta ở một căn phòng nhỏ hẹp có điều hoà nhiệt độ, nhưng Ngài muốn chúng ta ở trong ngôi nhà Ba Ngôi Thiên Chúa của Ngài.
Dù không ai trong chúng ta đáng được hưởng phần thưởng như thế. Nhưng Thiên Chúa cũng không phải là Đấng không công bằng. Vì chưng Ngài ban cho mỗi người chúng ta ai ai cũng có một món quà tình yêu. Chúng ta đừng quên có rất nhiều bài Kinh Thánh nói về sự công bằng của Thiên Chúa. Đúng thế, Ngài đếm tất cả những công phúc của mỗi người và mỗi người sẽ được mời vào những chỗ khác nhau trong nhà Cha: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”… “Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh”... “ Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ  được thù lao theo công khó của mình”.
Không có công bằng nếu không có tình yêu và không có tình yêu nếu không có công bằng. Trong đời sống thường ngày của chúng ta, chúng ta khó có thể bắt chước thái độ của Thiên Chúa, vừa công bằng lại vừa nhân lành. Tình yêu luôn luôn tôn trọng sự công bằng đích thực: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”. Ông Zachée đã thưa với Chúa: “Thưa ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi có chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Thi sĩ công giáo Jean Rodhain viết: “Sự công bằng chỉ nở hoa trên một mảnh đất được tình yêu cày cuốc kỹ lưỡng”.
Công bằng mà chỉ là công bằng thôi, phải chăng nó có thể trở nên một hình thức có đôi chút không công bằng chăng? Thánh Phaolô nói: “Giao ước tình yêu không căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống”. Bức tường Berlin đã được xây lên  vì công bằng để phân cách sự chia rẽ ý thức hệ của hai miền nước Đức, nhưng nó cũng đã bị phá huỷ vì sự chia rẽ đó không còn nữa. Hãy sống với nhau vì yêu thương chứ đừng vì lý luận!

 
 
 
 
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log