Thứ sáu, 03/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXI Thường niên - Năm C

Cập nhật lúc 16:37 18/08/2022
Suy niệm 1
Lc 13, 22 – 30
Bài Tin Mừng hôm nay được Chúa trình bày với dạng văn hóa của dân Do Thái, chúng ta nghe mà lòng khó rung động. Bởi vậy, chúng ta tạm để cho con tim khỏi phập phồng rồi vận động bộ não để may ra hiểu được ý của Chúa.
Có lẽ có một ông trí thức nào đó thấy số người tin theo Chúa thì quá ít so với số người chống đối và người vô tâm vô tình. Chúa đồng ý và cho biết ngay cái nguyên nhân của sự thành công nhỏ bé của Chúa là người ta ngại đi trên con đường hẹp. Họ thích rảo bước trên con đường rộng thênh thang. Nhưng Chúa lại cho biết ngay rằng: con đường rộng thênh thang đưa người ta đến chỗ hư vong; còn con đường hẹp lại đưa người ta đến chốn vinh quang. Người đi trên đường rộng thì ùn ùn. Người đi trên đường hẹp thì lác đác. Đành vậy thôi.
Nhưng điều đáng để chúng ta ngẫm nghĩ, đó là chúng ta đang đi trên con đường nào.
Báo chí kể chuyện. Có một chàng thanh niên thi vào đại học. Anh ta đậu thủ khoa toàn quốc. Nghe đài truyền thanh báo tin, bà con xóm giềng ùn ùn đến nhà anh ta để chia vui. Nhà vắng hoe. Thì ra anh ta đang giúp mẹ bán rau ở ngoài chợ. Ngoài việc học hành, anh ta dành trọn thời giờ để giúp mẹ bán rau như thế. Ngày hôm qua, ngày hôm nay… cứ như thế. Và ngày mai cũng sẽ như vậy. Đó là mẫu người chọn con đường hẹp. Xóm giềng ca tụng. Cha mẹ sung sướng và … Chúa hoan hỉ chúc lành. Ước chi mỗi người chúng ta đều đi vào con đường hẹp như thế.
Sau ít lời trao đổi với ông trí thức nào đó, Chúa chuyển sang một đề tài lớn hơn. Đề tài này gửi đến hết mọi người Do Thái từ thời Apraham cho đến mọi thế hệ. Cả lời lẫn ý của dụ ngôn đều nặng như búa bổ. Tại sao Chúa phải nặng lời như thế? Tại vì lịch sử dân tộc Do Thái phản bội với ơn gọi của Chúa. Chúa chọn Apraham làm tổ phụ dân Do Thái, để từ đó muôn dân được chúc phúc. Nói cách khác, Tin Mừng đến với dân Do Thái trước, rồi từ đó người Do Thái sẽ loan truyền cho muôn dân. Nhưng người Do Thía đã phản bội ơn gọi. Họ không đem Tin Mừng đến cho các dân tộc, mà còn khinh dể, nguyền rủa tất cả những người không thuộc dòng máu của Apraham. Luật Do Thái cấm dân mình quan hệ với người ngoại quốc mà họ gọi là chư dân. Ai quan hệ với chư dân thì mắc uế.
Ngay trong thời Công Vụ Tông Đồ, nhóm bảo thủ vẫn cố chấp đòi chư dân muốn trở lại đạo Ki-tô thì phải chịu phép cắt bì và giữ luật Mô-sê. Nhóm bảo thủ này ghê tởm người không cắt bì. Trong công đồng Giê-ru-sa-lem ông thánh Phê-rô đã nổi nóng và cho nổ một quả bom tấn. Quả bom tấn ấy là “chúng ta không có quyền quàng lên cổ anh em tín hữu cái ách mà cả ông cha chúng ta lẫn chúng ta không vác nổi”. Ông thánh Phao-lô còn nổi nóng hơn nữa khi ngài nói với nhóm bảo thủ cứ khăng khăng bắt chư dân phải cắt bì trước khi được rửa tội. Ngài nói y như nói tục rằng: “Những kẻ làm cho anh em bị rối loạn, phải chi họ tự thiến cho xong” (Gl 5, 12). Trong thư Phi-líp ngài còn nặng lời hơn nữa. Ngài viết: “Anh em hãy coi chừng quân chó má. Hãy coi chừng bọn thợ xấu. Hãy coi chừng bọn giả danh cắt bì”. (Pl 3, 2).
Cuối cùng thì Tin Mừng đến thẳng tới lương dân mà không còn qua trung gian Do Thái nữa. Chúa gọi sự kiện đó là “có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Cả tâm lẫn tư của Chúa đều dạy chúng ta phải tha thiết đem Tin Mừng đến cho muôn dân và trên đường loan báo Tin Mừng thì việc đầu tiên là phải yêu thương và kính trọng lương dân.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 2
Chọn đường nào?

Lc 13, 22-30
Nếu có hai con đường dẫn đến thủ đô, một đường cao tốc rộng thoáng và một đường chật hẹp khó đi, tất nhiên ai nấy đều muốn chạy trên đường cao tốc.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực tinh thần, muốn đạt tới quê trời, thì phải đi con đường chật hẹp, phải qua cửa hẹp mà vào. Vì thế, Chúa Giê-su dạy:
“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”
Chọn đường chật mà đi, chọn cửa hẹp mà vào như Chúa mời gọi thì thật là phiền toái, đòi hỏi nhiều hy sinh và theo lẽ tự nhiên, đó là điều không ai thích.
Tại sao không chọn đường rộng mà đi, không chọn cửa rộng mà vào cho thoải mái?
Chúa Giê-su cho ta câu trả lời:
“Vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”. (Mt 7,13-14).
Qua lời nầy, Chúa Giê-su lưu ý chúng ta hai điều quan trọng:
Thứ nhất, “Cửa rộng và đường thênh thang đưa đến diệt vong.”
Cuộc đời lão phú hộ được Chúa Giê-su nêu lên trong Tin mừng Lu-ca tiêu biểu cho hạng người chọn đi đường thênh thang rộng rãi. Hằng ngày ông chỉ biết hưởng thụ, ăn chơi, tiêu xài xa hoa phung phí… chẳng chút quan tâm đến anh La-da-rô khốn khổ đói khát đang ngồi ăn xin trước cổng nhà mình. Thế là sau khi từ giã đời nầy, ông phải trầm luân trong hỏa ngục (Lc 16,19-31).
Tương tự như thế, người đi đường rộng là người ham mê lạc thú đời nầy, mải mê ăn uống nhậu nhẹt vui chơi, bỏ quên những người nghèo khổ, là người mua sắm những đồ dùng sang trọng xa xỉ mắc tiền mà chẳng biết chia cơm xẻ áo cho người thiếu thốn…
Chúa Giê-su báo cho biết sống như thế là đi đường rộng, là đường đưa đến diệt vong.
Thứ hai, “Cửa hẹp và đường chật đưa đến sự sống.”
Trong cuộc sống đời thường,
Muốn đạt được bất cứ thành tích nào thì cũng phải kinh qua nhiều gian truân, khổ ải, phải kiên trì rèn luyện thường xuyên.
Muốn đoạt huy chương vàng hay bạc trong các cuộc thi đấu thể thao, các lực sĩ phải kiên trì luyện tập ngày đêm;
Muốn đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu, học sinh và nghiên cứu sinh phải miệt mài học hỏi không ngừng…
Nói chung, trong bất cứ lĩnh vực nào, phải “cố công mài sắt mới có ngày nên kim.”
Còn những kẻ ngồi chờ thời, không ra công luyện tập, hy sinh, phấn đấu… thì chẳng đạt được thành tích nào và những ai “nằm há miệng chờ sung” thì chẳng được gì.
Trong lĩnh vực thiêng liêng, đi cửa hẹp là hy sinh, quên mình để phục vụ: Thay vì yến tiệc linh đình thì giảm bớt chi tiêu, chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói; thay vì mua sắm những đồ tiêu dùng sang trọng xa xỉ mắc tiền thì biết tiết kiệm để giúp cho những người thiếu thốn. Đi đường hẹp là xoá bỏ cái tôi vị kỷ để sống vị tha sẵn sàng hy sinh phục vụ những người chung quanh mình.
Hôm nay, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” và Ngài khẳng định rằng những ai theo con đường chật hẹp nầy sẽ được cứu độ và hưởng phúc trường sinh.
Lạy Chúa Giê-su,
Mặc dù Ngài là Chúa tể quyền năng, nhưng khi hạ thân xuống thế làm người, Chúa đã chọn con đường hẹp, con đường hy sinh quên mình, con đường thập giá để cứu độ muôn dân.
Xin ban ơn giúp sức để chúng con biết nối gót chân Ngài, chọn theo con đường hẹp như Chúa để được hưởng phúc đời đời với Chúa trên thiên quốc. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
================
Suy niệm 3
‘CỬA HẸP’ CHẲNG PHẢI VÌ ‘NƯỚC TRỜI HẸP’
Một lần nọ, trong lớp học giáo lý. Sau khi được cô giáo lý viên trẻ chia sẻ về chủ đề “Qua cửa hẹp vào Nước Trời”, em Nô-bi-ta bèn đứng lên hỏi:
- Thưa cô, vậy trong Thiên Đàng, toàn là người Việt Nam và Á Châu đúng không cô?
Giáo lý viên sững sờ:
- Sao em có suy nghĩ thú vị vậy?
Nô-bi-ta trả lời không chút do dự:
- Dạ, vì cửa Thiên Đàng hẹp và nhỏ, nên người cao to, lực lưỡng như Mỹ Châu, Âu Châu thì làm sao đi qua được. Chỉ những người vóc dáng bé nhỏ, chiều cao khiêm tốn mới qua cửa hẹp đấy ạ!
Giáo lý viên: !!!!!!
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng ‘cửa hẹp không phải vì Nước Trời hẹp’. Nước Thiên Chúa rộng mênh mông, có thể đón tiếp hết thảy mọi người; nhưng chẳng phải ai cũng vào được, vì nếu không “cố gắng vào qua cửa hẹp” (x. Lc 13, 24).
Chắc hẳn, Đức Giê-su đề cập đến ‘cửa hẹp’ trên phương diện thiêng liêng, chứ không hệ tại nơi ý nghĩa vật lý hay thể lý. Tuy nhiên, chúng ta cần xác tín: Thiên Chúa “tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ngài” (x. Is 66, 18). Tất cả mọi dân nước đều được mời gọi thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời, nhưng phải hội đủ điều kiện ‘đi qua cửa hẹp’ như Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa đã tự nguyện bước trên con đường hẹp, con đường Thập giá, con đường Tử nạn-Phục sinh, con đường tự khiêm tự hạ sâu thẳm, và con đường vâng phục.
Noi gương Ngài, chúng ta cùng nhau lắng nghe, thực hành Lời Chúa và trung tín bước theo chân Đức Giê-su mỗi ngày, dám can đảm rèn luyện-đồng hành với nhau trên ‘con đường hẹp’ hoặc ‘bước qua cửa hẹp’. Con đường của sự từ bỏ mình, con đường hy sinh-chịu sửa dạy, con đường bác ái-tha thứ, và con đường vâng phục Thánh ý.
Trước hết, Con đường hẹp là con đường của sự từ bỏ mình. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng mà theo” (x. Lc 9, 23). Đi qua con đường hẹp hoặc cửa hẹp đồng nghĩa với việc từ bỏ cái tôi, sự kiêu ngạo, thái độ hóng hách, chèn ép, chà đạp người khác. Bước trên con đường hẹp cũng là hành vi từ bỏ tất cả những gì đi ngược lại với phẩm giá và lương tâm của con người dù nó mang lại lợi lộc nhiều đến mấy đi chăng nữa! Sống theo linh đạo ‘qua cửa hẹp’ cũng chính là việc từ bỏ những quyến luyến vật chất, tình cảm mộng mị, những thói quen xấu, hay tôn thờ ngẫu tượng lệch lạc như thần tài, bói toán, sắc dục, mê tín, dị đoan, v.v…
Thứ đến, Con đường hẹp là con đường của lối sống hy sinh. Hết thảy những ai bằng lòng bước qua cửa hẹp, đều sẵn sàng dành thời gian, tài năng, công sức, tiền của, vật chất của mình cho tha nhân, vì muốn mang lại niềm vui cho anh chị em. Hơn nữa, vui mừng khi được Chúa sửa dạy, không nản lòng khi Ngài khiển trách vì “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Ngài mới cho roi cho vọt” (x. Dt 12, 6). Theo thói thường, chẳng mấy ai lấy làm vui thích khi được sửa dạy, có chăng chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, “những ai chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công bình” (Dt 12, 11), bởi lẽ “Thiên Chúa răn dạy vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Ngài” (x. Dt 12, 10). Người bước qua ‘cửa hẹp’ biết cảm thông chứ không ganh tị, biết cảm thương chứ không ác cảm, biết đồng cảm chứ không đồng loã hoặc đồng minh làm những việc xấu xa, biết động viên-khuyến khích nhau chứ không dèm pha hay đặt điều, v.v…
Ngoài ra, Con đường hẹp là con đường của bác ái và tha thứ.Hễai khao khát vào Nước Trời, chắc hẳn phải gieo bước trên con đường yêu thương Giê-su. Ngài đã tự khiêm tự hạ, trở nên nhỏ bé, mặc lấy xác phàm, cúi xuống rửa chân cho môn đệ, “yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1), chịu khổ hình vác Thập giá, chịu tử nạn vì tội lỗi chúng ta, ngay lúc ‘thập tự nhất sinh’ trên Thập giá, Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ ra tay giết mình, trong bữa tiệc Ly, Ngài trao ban chính sự sống Ngài cho các Tông đồ, và sự sống này tiếp tục được hiến trao cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể - bí tích tình yêu, Ngài sống lại, lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha khẩn cầu cho chúng ta. Con đường Giê-su chính là nẻo đường tình yêu và tha thứ, là con đường tuyệt mỹ, nhưng đầy chông gai. Bởi lẽ, yêu thương vô vị lợi và sống bác ái vị tha chính là hạ mình xuống tận cùng,ngõ hầu nâng người khác lên; hơn thế, con đường yêu thương là nẻo đường của tâm hồn sẵn sàng đón nhận như Đức Giê-su đã chịu nhục nhã, bị chỉ trích, v.v…, nhưng Ngài vẫn một lòng thứ tha.
Sau cùng, Con đường hẹp là con đường vâng phục Thánh ý. Ở đời, ai ai cũng muốn phấn đấu vươn lên, hoàn tất ý muốn cá nhân, hoặc nỗ lực phấn đấu để thành đạt. Thế nhưng, vào Nước Trời thì ngược lại: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Lc 14,11). Lẽ dĩ nhiên, Thánh ý Chúa trong cuộc đời ta khác xa với ý ta muốn. Nhưng, khi chấp nhận Thánh ý Chúa trong đời chúng ta cũng là lúc biết chấp nhận bỏ mình, biến mình ra không để Chúa tự do hành động trong ta. Và rồi sẵn sàng bước theo Chúa trên những nẻo đường dẫu có mới lạ, gập ghềnh, chông gai và chẳng mấy ai đi. Nhờ vậy, Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta vào ‘xa lộ’ huyền nhiệm yêu thương và cho chúng ta dự phần vào sự sống vĩnh hằng.
Tóm lại, ‘đi qua cửa hẹp’ hoặc ‘gieo bước trên con đường hẹp’ chính là chấp nhận con đường Thập giá mà Đức Giê-su đã đi. Tuy vậy, con đường hẹp thế này chẳng mấy hấp dẫn đối với nhiều người trong thế giới hôm nay, khi cuộc sống đã quá đầy đủ, tiện lợi, tiện nghi và giàu sang! Theo lẽ thường, không ai không thích bước đi trên con đường rộng rãi, phẳng phiu và dễ dãi; nhưng con đường này khiến họ hưởng thụ bất chấp hậu quả, chứ chẳng phải con đường dẫn tới sự sống đời đời.
Lạy Chúa, xin thương giúp con
Sẵn sàng đi qua cửa hẹp
Theo chân Giê-su Ki-tô
Bước trên nẻo đường yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 4
Hãy cố gắng vào qua Cửa Hẹp
(Lc 13, 22-30)
Hãy cố gắng hẹp vào qua cửa hẹp” (Lc 13, 24) là lời khuyên của Chúa Giêsu gửi đến chúng ta ngày hôm nay. Ơn cứu độ là phổ quát. Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia là bằng chứng “Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta” (Is 66,18). Chúa Giêsu cũng mạc khải cho chúng ta: “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa” ( Lc 13, 30).
“Từ muôn thuở tất cả mọi người được tuyển chọn. Thế nên Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội... để “từ Abel công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng” sẽ được tập họp trong Giáo Hội phổ quát bên Chúa Cha. Thánh Công Đồng Vaticano II khẳng định như thế (x. Hiến chế Giáo hội Lumen gentium, số 1-2).
Cửa Nước Trời luôn rộng mở, ơn cứu độ là phổ quát, nhưng phải đi cửa hẹp mà vào. Chúa Giêsu khuyên chúng ta: “Hãy cố gắng hẹp vào qua cửa hẹp” (Lc 13, 24). Lời ấy trên đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi.
Cứ sự thường ai chẳng thích cửa rộng mà đi. Vì cửa rộng, đường to thì tự do, thoải mái. Nhưng vì sao Chúa Giêsu lại bảo chúng ta “cố gắng vào qua cửa hẹp”? Hẹp nhưng lại có: “Nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được” (Lc 13,24). Tại sao vậy? Có phải vì một số ít người gặp may mắn mà tìm thấy cửa hẹp và được sự sống đời đời. Còn đa số người không may, cửa hẹp tìm mà không gặp, nên đành đi cửa rộng, và rốt cuộc, số phận hẩm hưu, hư mất trong lửa địa ngục? Hoặc là cửa hẹp ở một nơi bí mật nào đó, khó tìm, Thiên Chúa chỉ mạc khải cho một số ít người Chúa yêu, nên rất ít người tìm được để vào, có phải như vậy không?
Câu trả lời thì hẳn là không! Thiên Chúa đầy lòng nhân từ thương xót, không thiên vị ai. Ngài không muốn một ai bị hư mất. Ngài muốn cho mọi người ăn năn hối cải để được cứu. Rất ít người tìm được cửa hẹp là lỗi tại loài người chúng ta, chứ không phải tại Thiên Chúa. Ít người tìm được là vì đa phần không thích cửa hẹp, chẳng những không muốn tìm mà còn tránh khỏi cửa hẹp, cho dù có tình cờ gặp được cửa hẹp, thì cũng không muốn đi vào, cứ cửa rộng đi, dẫn đến sự diệt vong.
Chúa Giêsu tuyên bố: "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6). Cửa hẹp là đường lối của Chúa. Nhưng phần đông người đời không muốn vâng theo lời Chúa dạy, tại vì khó quá. Mến Chúa thì dễ mà yêu người thì khó. Chúng ta muốn đạt được sự sống đời đời bằng con đường tự mình tạo ra với lối đi rộng rãi dễ đi, trái với ý Chúa. Chúa chỉ rõ hai con đường, một đường có cánh cửa rộng, tự do sống theo ý mình, với thú vui xác thịt. Chúng ta chọn con đường nào? Con đường rộng thênh thang có thật nhiều người đang đi trong thế gian, hay bên con đường hẹp, cổng chật của Chúa là nơi chỉ có ít người tìm đến? Tiếc thay, "nhiều người" sẽ chọn con đường này, đường rộng dẫn đến sự huỷ diệt đời đời.
Đi vào cửa hẹp đồng nghĩa với việc thu mình lại, từ bỏ mình và những lối sống tội lỗi kia sao cho vừa ý Chúa. Buông bỏ những gì chúng ta cho là hấp dẫn, quyến rũ, đẹp đẽ thuộc về thế gian, lòng kiêu ngạo, ích kỷ và tham lam để sống khiêm nhường, yêu thương, tha thứ, hy sinh, cầu nguyện cho người khác, ngay cả cho kẻ thù nghịch của mình. Thật khó để mà buông và từ bỏ.
Nhưng mến Chúa và yêu người là đường hẹp để vào Thiên đàng. Ðiều này có nghĩa là gì? Thưa: Để được cứu độ cần mến Chúa và yêu tha nhân. Việc làm này cũng không dễ dàng thoải mái! Ðó là "cửa hẹp" bởi vì tình yêu luôn đòi hỏi, dấn thân, ngay cả "nỗ lực", cương quyết sống những giá trị của Tin Mừng.
Ngày nay có nhiều người nói rằng chúng ta chỉ cần tin Chúa Giêsu là đủ, còn vâng phục lời dạy của Chúa là không cần thiết cho sự cứu chuộc. Còn lời dạy chân chính của Chúa Giêsu là cửa hẹp và đường chật, khó vào và khó đi. Chúng ta không thích cái này, ít người lựa chọn. Nhưng Chúa nói rằng con đường chật này sẽ dẫn đến sự sống.
Chúa Giêsu không chỉ kêu gọi chúng ta vào qua cửa hẹp, chính Người đã làm gương cho chúng ta noi theo khi từ bỏ nơi cao quý, xuống thấp, đi vào cửa hẹp vì chúng ta. “Cửa Giêsu” so với thế gian hiện nay là con đường hẹp và cổng chật, nhưng thật ra lại chính là con đường của sự tự do, bình an và vui thoả đích thực, dẫn đến sự sống sung mãn ngay trong đời này lẫn cõi đời đời mà ngày sau sẽ có nhiều người tìm cách vào mà không được, vì đối với họ đã quá trễ khi cánh cửa tình yêu, lòng thương xót và ân điển của Chúa đã đóng lại. Không ai trong chúng ta muốn nhận câu trả lời: “Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hã lui ra khỏi mặt ta” (Lc 13,27).
Chúa Giêsu là cánh cửa mà qua đó tất cả những muốn hưởng sự sống đời đời thì lựa chọn tìm kiếm bước vào. Con đường dẫn đến sự sống đời đời bị giới hạn chỉ là một con đường có tên là Giêsu Kitô. Theo nghĩa này, con đường hẹp vì đó là cách duy nhất (con đường duy nhất). Cần lặp lại lời khuyên của Chúa Giêsu: "Hãy cố gắng" để vào qua cửa hẹp (x.Lc 13,24). Theo tiếng Hy Lạp, cụm từ "hãy cố gắng" được dịch là làm hết sức có thể - agonizomai. Hàm ý ở đây là những người tìm cách vào cổng hẹp thì phải dùng sức mạnh để mà vào.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ mệnh danh là Cửa Thiên Đàng, chúng con nài xin Mẹ dẫn chúng con bước qua cánh cửa của đức tin mà tiến vào một con đường rộng rãi thênh thang, con đường của ơn cứu rỗi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 5
Cửa Thiên Đàng Là “Cửa Hẹp”
Trong Phúc Âm (Ga 14,2), Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại nói: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”.
Vậy phải chăng vì Nước Trời ít chỗ, cần phải hạn chế? Có sự tương phản nào đó trong giáo huấn của Chúa chăng? Vấn đề không phải là “bao nhiêu” người được vào “Nhà Cha Thầy” mà là những ai được vào “phải làm gì”. Nước Trời rộng bao la, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi buộc phải có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Thiên Đàng phải chiến đấu, đi qua cửa hẹp.
Hành hương Đất Thánh, ai cũng muốn đến kính viếng nơi Chúa Cứu Thế hạ sinh.Thánh đường Giáng Sinh nguy nga đồ sộ nhưng cửa chính lại rất thấp và hẹp, chiều cao chừng 1mét, chiều rộng chừng 80 phân nên chỉ đủ chỗ cho một người “chui” vào. Có lẽ khi xây dựng, tác giả muốn nói đến ý nghĩa tâm linh. Muốn bước vào bên trong Thánh đường nơi Chúa Giáng Sinh, thì dù là ai đi nữa, thuộc màu da, chủng tộc, tôn giáo nào, dù là đấng bậc nào trong xã hội, tất cả đều phải cúi mình xuống thấp mà đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường, cúi mình để thờ lạy Thiên Chúa.
Cửa hẹp là cửa khó đi qua. Kinh Thánh dùng hình ảnh cửa hẹp để chỉ những đòi hỏi của Thiên Đàng. Hẹp ở đây không có nghĩa là hẹp hòi hay kém giá trị. Tính từ hẹp chỉ sự thách đố, chông gai, đòi hỏi nỗ lực để kiên vững bước đi. Hẹp chỉ sự khó khăn, vất vả, từ bỏ, cần phải “chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”, vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống đời đời”(Mt 7,14). Cửa vào Thiên Đàng nhỏ hẹp vì Nước Trời luôn là một mầu nhiệm được ẩn giấu mà chỉ có những người cố gắng tìm kiếm mới gặp thấy và biết “thu nhỏ” mình lại mới đi qua được.
“Thời nay gọi là thời mở cửa. Có những khung cửa lành mạnh của chính sách kinh tế thông thoáng làm tiền đề cho đất nước vươn mình cất cánh cùng với các nước trong khu vực Á châu, nhưng cũng không thiếu những khung cửa rộng mở đầy cạm bẫy có nguy cơ đưa đẩy con người dần dà sa chân mà không một lời cảnh báo: cửa của những quán cà phê mộng mơ đợi chờ đèn mờ làm cớ vấp phạm cho kẻ đi ngang; cửa của những đường dây sextour lạ đời phơi phới hàng mới giá hời như lời quảng cáo; cửa của sự cấu kết quyền lực làm lũng đoạn đời sống xã hội và cửa của những quyền lợi bất chính gây thiệt hại đến tài sản chung. Đàng sau những khung cửa tưởng như rộng mở ấy là một sự trống rỗng đạo đức nếu không muốn nói đến những thứ hẹp hòi nghiệt ngã của bất công vun quén cá nhân, coi thường nhân phẩm, ghẻ lạnh với số phận người khác”. (x. Nút vòng xoay, trang 117).
Chúa Giêsu dùng hình ảnh “cửa hẹp” mời gọi mọi người phải không ngừng chiến đấu để bước vào Nước Trời. Cửa hẹp Chúa Giêsu nói tới không phải là cửa hậu, cũng không phải là cánh cửa “chạy chọt” theo kiểu thế gian, nhưng là một con đường chiến đấu liên tục với bản thân và với ngoại cảnh. Cửa rộng là sự dễ dãi tự do buông thả, là lối sống buông chiều theo bản năng và những lôi kéo của cám dỗ, xã hội. Trái lại, cửa hẹp đòi phải hy sinh, tiết chế, làm chủ bản thân. Bước qua cửa hẹp, chúng ta không thể mang những hành lý cồng kềnh, những bận vướng là những gai góc trên mỗi người, những tính hư tật xấu, ích kỷ nhỏ nhen, nhưng phải có một tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát.
“Cửa hẹp” theo tác giả thư Do thái, đó là sự kiên nhẫn trong thử thách. “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?”. Những gian khó mà chúng ta gặp phải trên đường đời, nếu được đón nhận bằng cái nhìn đức tin, sẽ được coi như sự sửa dạy của Chúa để chúng ta nên con người hoàn thiện. Mà nếu Chúa sửa dạy ai, là vì Ngài yêu thương người đó và muốn kéo người đó lên kẻo họ chìm sâu trong bùn lầy.
Thiên Chúa đến với con người qua khung cửa hẹp.Thiên Chúa sai Con Một xuống thế làm người hiến thân chịu chết khổ đau trên thập giá vì loài người và để cứu rỗi muôn người. Thiên Chúa chọn con đường hẹp để mở lối vào khung trời bao la của tình thương. Tình thương cao cả cúi xuống với thân phận thấp hèn của con người. Sau cửa hẹp là tình thương rộng lớn của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã qua. Con người đến với Thiên Chúa cũng phải qua khung cửa hẹp. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Chúa Giêsu hạ mình xuống và bé nhỏ đi. Chỉ những ai hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là khung cửa hẹp mà chính là bản thân mình quá cồng kềnh với những thứ danh vọng chức quyền tiền bạc. Chấp nhận thanh tẩy cần thiết, trút bỏ vướng víu để nhẹ nhàng qua khung cửa hẹp mà đến với sự sống đời đời. Sau khung cửa hẹp là tình thương đẹp ngời Thiên Chúa mở ra cho vận mệnh con người.
Cửa Nước Trời không làm bằng vật chất, nhưng là Lề Luật và các phương tiện nên thánh. Nước Trời vừa mang tính hữu hình, vừa mang tính thần thiêng. Sự khó khăn chật hẹp khi đi qua cửa là đời sống kỷ luật.Vào cửa hẹp phải đi qua một mình, từng người một.Bước qua cửa hẹp là giữ và sống lời Đức Giêsu và giáo huấn của Giáo hội một cách nghiêm chỉnh suốt cuộc hành trình trần gian.Cửa hẹp nên để qua phải hy sinh, vất vả. Đứng trước cửa hẹp, ai lại không ngần ngại, ai dám khẳng định con đường cứu độ thật dễ dàng, ai dám tự hào về thành công bản thân? “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Lối vào dẫn tới nguồn vui vẻ và hạnh phúc đời đời.
Khung cửa hẹp, con đường hẹp là con đường tu đức Chúa Giêsu dạy cho chúng ta, nhưng đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu là ơn cứu độ, là hạnh phúc, là niềm vui, là Thiên Đàng, là tình yêu và sự sống mà Chúa dành cho con người. Mục tiêu ấy chúng ta chưa đạt được cách trọn vẹn ở đời này, nhưng cũng đã đạt được một phần nào ngay trong hành trình của cuộc sống đời thường.
“Phấn đấu sẽ thành quen, tập luyện sẽ thành tác phong, thao dợt sẽ thành cốt cách, và khung cửa hẹp sẽ trở nên khung cửa đẹp lên hy vọng và đẹp khít khao cho hạnh phúc đời đời. Khung cửa hẹp đã nên lối mở gọi mời đi qua. Một đời tin mến đậm đà, mới mong thanh thoả vào nhà trời cao. Xin Chúa chúc lành cho thiện chí của mỗi chúng ta”. (x. Nút vòng xoay, trang 118).
Hãy bước theo Đức Kitô. Hãy trở nên giống Ngài bằng cách chấp nhận những thử thách, những thập giá. Vì đó là khung cửa hẹp, chúng ta cần phải bước qua để tiến vào cõi sống vĩnh cửu, đón nhận vinh quang phục sinh. Một cuộc “chiến đấu” để cuối cùng có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc sống chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường; kiên vững trong lòng tin. Giờ đây, triều thiên công chính được dành sẵn cho tôi, và Thiên Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi Ngài xuất hiện”(2Tm 4,6-8).
Thiên đàng có cửa, để vào được cửa Thiên đàng phải phấn đấu với rất nhiều cố gắng và quyết tâm nỗ lực… Cửa hẹp mà vào được thì mới quý, mới hãnh diện.Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” là lời mời gọi mang tính hiện sinh thúc giục người tín hữu bước theo Đức Kitô trên con đường tin tưởng và kiên vững. Ai chấp nhận đi qua cửa hẹp sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính, như Thánh Phaolô khẳng định.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
================
Suy niệm 6
CỬA HẸP
Is 66, 18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc 13, 22-30
Trên đường đi, có người tò mò hỏi Đức Giêsu xem có nhiều người được vào nước trời hay không. Người không trả lời thẳng mà vừa cảnh báo vừa giục giã: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13, 24).
Một luật chung trong cuộc sống, mọi thành đạt không đến một cách ngẫu nhiên, nhưng là kết quả của những cố gắng kiên nhẫn lâu dài. Cuộc sống đức tin cũng được ví như cuộc chiến đấu cam go. Thánh Phaolô ví cuộc hành trình này như một cuộc chạy đua. Muốn đạt được chiến thắng, người lực sĩ nào cũng phải dày công luyện tập. Con đường Đức tin là con đường chật hẹp, trong cuộc chiến đấu đòi hỏi phải có nhiều hy sinh, từ bỏ những đòi hỏi của thân xác, phải chiến đấu một cách anh hùng. “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta.” (Mt 10, 38). Con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, mà nhiều người lại thích đi theo con đường đó. Đường hẹp là lối đi của Đức Giêsu, sẽ dẫn đến sự sống. Nếu tôi mở lòng đón Chúa vào cuộc đời, sống gắn bó mật thiết trong Ngài, tôi sẽ nhận ra những “cồng kềnh” khó qua cửa hẹp ấy của mình. Nhờ Ngài tôi được Ngài uốn nắn cho xứng, cho cân, dù có hẹp nữa tôi vẫn có thể vượt qua. Nếu tôi không qua bằng con đường của Ngài mà sống buông thả theo ý riêng, thì dù có... nới cửa cũng vẫn khó mà vào nổi được.
“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13, 25-27). Đức Giêsu cảnh báo những người Do Thái không trung tín, thì chính họ sẽ bị chối từ như những người chưa bao giờ quen biết Người, mặc dù hôm nay Người đang hiện diện và giảng dạy trên đường phố của họ. Bấy giờ họ sẽ phải ngỡ ngàng, khóc lóc khi thấy các tổ phụ và các ngôn sứ được ở trong nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ đông tây nam bắc sẽ đến dự tiệc trong nước ấy. Mọi sự như bị đảo lộn, bởi vậy mới có chuyện những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.
Lạy Chúa Giêsu là Đường, là cửa dẫn đến sự sống! Cửa Giêsu, đường của Chúa là con đường tuyệt vời nhất. Xin cho chúng con biết đi vào cửa, đi trên con đường của Chúa. Khi sống gắn bó mật thiết với Chúa,  chúng con sẽ được giải gỡ khỏi những ràng buộc níu kéo của dễ dãi thế trần, mà được tự do thanh thoát bay vào khung trời rộng mở của Chúa. Vượt qua những khuynh hướng tự nhiên, chúng con sẽ biết làm cho nhau những điều tốt lành như Chúa đã làm cho chúng con. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:
"Người ngoài" (08/08/2022)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ làm phép nhà thờ Giáo họ Thượng Hà – Giáo xứ Bảo Yên
Thánh lễ làm phép nhà thờ Giáo họ Thượng Hà – Giáo xứ Bảo Yên
Vào lúc 9 giờ 30 ngày 31 tháng 12 năm 2024, Giáo họ Thượng Hà, thuộc Giáo xứ Bảo Yên, Giáo phận Hưng Hóa, đã long trọng tổ chức Thánh lễ làm phép ngôi nhà thờ mới. Đây không chỉ là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với Giáo họ Thượng Hà, mà còn là biểu tượng của đức tin, tình yêu và sự hiệp nhất của toàn thể giáo dân nơi đây.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log