“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”.
Một nhà tu đức nói, “Hiểu biết ai, có kiến thức về ai, mới chỉ là ‘cái có’ trong đầu! Theo Thánh Kinh, “biết” ai là yêu mến, cam kết và đi theo người ấy... “Tôi biết chiên của Tôi, và chiên Tôi biết Tôi!”. Trả lời được câu hỏi, “Thầy là ai?”, cũng sẽ là đáp án cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Bởi lẽ, “biết” Chúa Giêsu, có ‘một kiến thức trọn vẹn’ về Ngài, đòi buộc chúng ta phải thay đổi tận căn!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay xoay quanh việc Chúa Giêsu muốn biết dư luận quần chúng về Ngài; quan trọng hơn, các môn đệ nghĩ sao về Ngài! Cuộc đối thoại này đưa chúng ta về một câu hỏi cực kỳ quan trọng, “Tôi là ai?”; kiến thức của tôi về Chúa Giêsu là ‘một kiến thức từng phần’ hay
‘một kiến thức trọn vẹn’ theo nghĩa “thay đổi tận căn” của nhà tu đức trên? Nói cách khác, Chúa Giêsu có thay đổi cuộc đời tôi, cách sống của tôi và tôi có ngày càng nên giống Ngài hơn không?
Con người thu thập kiến thức qua sách vở hay kinh nghiệm; người đương thời Chúa Giêsu biết Ngài qua kinh nghiệm với ‘kiến thức từng phần’. Họ cho Ngài là Gioan Tẩy Giả, Êlia, Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ. Các nhân vật này có thể phù hợp phần nào với Chúa Giêsu; nhưng hiểu biết này không tiết lộ toàn bộ con người Ngài. Hiểu biết về một ‘Giêsu’ nơi họ chỉ khiến họ thán phục, ngưỡng mộ… nhưng không bao giờ biến đổi họ trở nên môn đệ Ngài; thậm chí cuối cùng, họ giết Ngài! Tại sao? Kiến thức của họ về Ngài chỉ dừng lại với hiếu kỳ, vui tai và chạy theo phép lạ; và một khi các yếu tố vật chất không còn, họ bỏ Ngài! Căn bản, họ không nhận ra ‘Giêsu’ đó là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ Thế Giới; đang khi các ngôn sứ hoặc Gioan chỉ là những ánh sao le lói dọn đường. Ngài phần nào giống các vị ấy, nhưng vượt trỗi các vị; thay thế các vị, chiếu sáng các vị! Không ai trong những kẻ dọn đường này có thể mô tả cạn kiệt các chiều kích trong con người Ngài. Họ chỉ là những vệt sáng; ‘Giêsu’ mới chính là Vầng Hồng!
“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô thưa, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”. Tuyệt vời! Hoàn toàn đúng, nhưng Phêrô lại hiểu sai; vì vậy ông ngăn cản Ngài khi Ngài nói đến thập giá; và tiếp tục hiểu sai khi chối nhận Ngài. May thay, Phêrô được xót thương nhờ ánh mắt nhân từ của Thầy; ông dần dần hồi tỉnh và bắt đầu có ‘một kiến thức trọn vẹn’ về Ngài. Mãi đến sau biến cố Phục Sinh của Thầy; chính xác, sau lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần, Thầy Dạy đức tin, mới giúp Phêrô và các tông đồ “biết” Thầy mình một cách trọn vẹn. Từ đó, họ đã “thay đổi tận căn” từ nghi ngờ nên xác tín, từ sợ sệt nên can đảm, từ cửa đóng then cài đến mở toang; mở toang cửa, mở toang lòng… ra đi loan báo Tin Mừng. Các ngài “cam kết, dấn thân” cho Nước Trời đến nỗi bằng cả cái chết của mình. Như vậy, không chỉ hiểu đúng, nhóm Mười Hai còn được mời gọi sống đúng điều mình “biết!”. Đó là ‘một kiến thức trọn vẹn’ Chúa muốn.
Anh Chị em,
“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Đây là một câu hỏi mà Thánh Thần không ngừng khơi lên trong tâm hồn chúng ta mỗi khi chúng ta phải quyết định hay bắt đầu thực hiện một điều gì. Và thật thú vị, câu trả lời đòi mỗi người đặt thêm một câu hỏi khác, “Tôi là ai?”. Trả lời câu hỏi thứ hai, “Tôi thuộc về Chúa Kitô”, tôi suy nghĩ, tôi chọn lựa, “Tôi sống như Chúa Kitô sống trong tôi”. Và như thế, tôi đã “biết” Ngài cách trọn vẹn nhất, một sự “biết” của chiên đối với Chủ Chiên đích thực nhất, ‘một kiến thức trọn vẹn’ nhất, tận căn nhất. Từ đó, tôi “yêu mến, cam kết và đi theo” Ngài. Thật trùng hợp, bài đọc Giêrêmia cũng nói lên điều tương tự, “Chúng không còn dạy bảo nhau, ‘Hãy học biết Chúa’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến lớn, sẽ biết Ta”. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng!”. Ai có tâm hồn trong trắng của một em bé, sẽ dễ nhận biết Thiên Chúa. Nhưng xin đừng quên, đây còn là công việc của Thánh Thần!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đọc Tin Mừng, Chúakhiến con mê mệt, nhưng chỉ ân sủng mới có sức biến đổi con, để con biết con là ai, Chúa là ai. Và như thế, tri thức của con về Chúa mới trọn vẹn!”, Amen.