Thứ sáu, 20/09/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIII Thường niên A

Cập nhật lúc 15:37 30/06/2023
Suy niệm 1
Chia sẻ gánh nặng với Chúa Giê-su
(Mt 10, 37-42
 
Sau mấy ngày về miền quê thăm người em thân thiết, ông Năm và đứa con gái lớn trở về nhà mang theo những thứ “cây nhà lá vườn” do người em trao tặng.
Khi xe về đến bến, hai cha con xuống xe cuốc bộ về nhà. Người cha tuổi đã già, gầy gò ốm yếu, chịu khó mang bị xoài bên vai phải, khoác bị khoai bên vai trái, còn đôi tay gầy guộc thì xách mấy nải chuối bằng tay này và giỏ áo quần bằng tay kia. Trong khi đứa con gái cưng song hành bên cạnh thì chỉ đeo một túi xách nho nhỏ, xinh xắn trên vai, đi tênh tênh bên bố mà chẳng để ý đến lưng bố đang còng xuống vì sức nặng của hành trang, chẳng thấy mồ hôi bố lấm tấm trên khuôn mặt nhăn nheo, y như cô chủ giàu sang đi bên cạnh tên nô lệ khốn cùng.
Người cha già chịu còng lưng mang nặng những món quà đó về nhà cho ai hưởng? Cho người mẹ, cho các em ở nhà và cho chính cô. Chính cô cũng được hưởng phần trong đó!
Thế mà cô cứ để mặc cha già còng lưng mang nặng mà chẳng động lòng thương xót, chẳng đụng vào một ngón tay.
Thật là con bất hiếu khi thấy cha vác nặng mà chẳng mó tay vào.
Thế nhưng, lắm lúc chúng ta cũng xử sự như cô gái kiêu sa, vô cảm này.
Hôm nay, Chúa Giê-su vẫn còn tiếp tục chịu thương khó trong thân mình Ngài là Hội thánh[1]  để cứu độ chúng ta và Ngài không ngừng kêu gọi chúng ta vác thập giá theo Ngài, nhưng ta cứ làm ngơ như không nghe, không thấy; cứ đi tênh tênh trên con đường lạc thú của mình mà chẳng động lòng trắc ẩn đối với Chúa là Đấng đang tiếp tục chịu khổ nạn để đền tội cho mỗi người chúng ta.
Thật là người môn đệ bất xứng khi Chúa vác thập giá đền tội cho ta, còn chúng ta thì cố tìm kiếm lạc thú trần gian mà chẳng kê vai vác cùng với Chúa.
Chính vì thế, Chúa mới cảnh báo rằng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).
Nhưng vác thập giá với Chúa thế nào đây?
Chúa Giê-su dạy chúng ta vác thập giá với Ngài qua 2 câu nói tiếp theo:
Thứ nhất: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất”[2] có nghĩa là kẻ nào chỉ biết chăm lo cho bản thân mình, chẳng thiết gì đến Chúa và anh chị em chung quanh đang gặp khốn khó, thì sẽ không được hưởng phúc đời sau;
Và câu thứ hai: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được[3]” có nghĩa là ai từ bỏ nếp sống vị kỷ để sống vị tha, quên mình đi để hy sinh phục vụ Chúa và tha nhân thì sẽ được sống đời đời trên thiên quốc.
Lạy Chúa Giê-su,
Người con để mặc người cha gánh nặng một mình mà không kê vai gánh giúp là con bất hiếu; người môn đệ của Chúa để mặc Thầy chịu khổ nạn, chịu vác thánh giá nặng nề mà không vác cùng thì không xứng đáng là môn đệ trung thành.
Hôm nay Chúa vẫn còn tiếp tục chịu khổ nạn, chịu vác thập giá cách nhiệm mầu[4] trong Thân mình Ngài là Hội thánh để cứu độ chúng con, lẽ nào chúng con để mặc Chúa gánh vác một mình mà không chia sẻ gánh nặng của Chúa.
Xin cho chúng con sẵn sàng cống hiến thời giờ, công sức… của mình để chăm sóc, phục vụ người khác. Làm như thế là cùng vác thập giá với Chúa; làm như thế thì mới xứng đáng là môn đệ của Chúa và mới được hưởng phúc thiên đàng.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà 
 [1] GLHTCG số 1323. TĐCV 22, 6-8
[2] Mt 10.39
[3] Mt 10.39
[4] GLHTCG số 1323. TĐCV 22, 6-8

===================
Suy niệm 2
NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THẬT

Thoạt tiên đọc Lời Chúa hôm nay, có lẽ ai trong chúng ta đều cảm thấy dường như mâu thuẫn và đối nghịch với văn hoá hướng về gia đình của người Á đông! Tuy nhiên, đọc kỹ rồi suy ngẫm thì chúng ta sẽ hiểu rõ hơn thông điệp Chúa muốn nói với mỗi người là gì.
Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Phải chăng, Chúa muốn chúng ta bỏ bê, không yêu thương các bậc sinh thành? Nếu đúng như trên thì điều răn thứ tư trong Thập điều (Mười điều răn): ‘Hãy thảo kính cha mẹ’ là sai ư? Câu trả lời chắc chắn là không. Chúa dạy chúng ta qua sách Huấn Ca: “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng” (Hc 3, 3-4), và qua lời Thánh Phao-lô Tông đồ: “Hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). Vả lại, Đức Giê-su là người Do Thái, nên hiểu rõ văn hoá Á Đông xoay quanh gia đình, tôn kính và yêu thương cha mẹ.
Tuy nhiên, việc yêu mến cha mẹ không quyết định sứ mạng của người môn đệ Đức Giê-su. Thật vậy, người môn đệ đích thật phải đặt Chúa hàng đầu, chứ chẳng phải thứ hạng; và hơn hết “vác thập giá mình theo Thầy,…đón tiếp mọi người,…cho một trong những kẻ bé nhỏ uống, dù chỉ là một chén nước lã,…thì người đó sẽ không mất phần thưởng” (x. Mt 10, 38. 40. 42). Điều này đã được minh chứng hùng hồn qua đời sống đức tin, gương làm chứng cho Chúa của các Thánh Tử đạo Việt Nam. Các ngài đã thí mạng sống vì Chúa bằng cả cuộc sống Tin Mừng yêu thương, thân ái với hết mọi người, kể cả những kẻ bắt bớ, bách hại mình. Đơn cử gương Thánh Linh mục Tô-ma Đinh Viết Dụ (1783 - 1839), ngài nói: ‘Tôi kính mến Thiên Chúa như thượng phụ, kính Vua như trung phụ, và song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột mà hại Vua, tôi cũng không phải vì Vua mà phạm đến thượng phụ là Thiên Chúa”. Còn Thánh Linh mục An-rê Dũng Lạc (1795 - 1839) đã chia sẻ không chỉ là một bát nước mát/nước lã, mà dành phần quà tiếp tế cho mấy anh lính canh. Thánh y sĩ Si-mon Phan Khắc Hoà (1787 - 1840) không ngần ngại quảng đại giúp đỡ người nghèo khó, hỗ trợ miễn phí cho các bệnh nhân túng thiếu. Thánh Ma-ti-nô Trần Ngọc Thọ (1787 - 1840) khẳng khái quả quyết: ‘Sống công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa’. Ngài ra công trồng dâu kiếm tiền giúp đỡ người nghèo; còn Thánh trùm An-tôn Nguyễn Tiến Đích (1769 - 1838) thường xuyên thăm viếng trại cùi, và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch trong nhà. Thánh Linh mục Em-ma-nu-el Nguyễn Văn Triệu (1769 - 1838) đã nhường tiền bữa ăn ân huệ trước giờ xử tử cho người nghèo, ngài nói: ‘xin cầm tiền này về, gửi cho người nghèo dùm tôi’.
Quả thật, gương sống chứng tá, yêu thương Chúa trên hết mọi sự và yêu mến gia đình, chia sẻ với mọi người của các Thánh Tử đạo Việt Nam cũng chính là lời xác quyết của Thánh Phao-lô Tông đồ trong thư gửi cho giáo đoàn Rô-ma: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6, 8). Tuy nhiên, khi nhìn vào cuộc sống thực tế, chúng ta thấy còn rất nhiều người lên tiếng thán phục Chúa, nhưng lại không dám trở nên người môn đệ đích thật của Ngài, chẳng dám bước theo Ngài. Ở một phương diện nào đó, chúng ta đôi lúc cũng giống như trẻ em ngồi xem xiếc vậy. Chuyện kể rằng: Em há hốc miệng ngạc nhiên sửng sốt và trầm trồ khâm phục người biểu diễn đi thăng bằng trên sợi dây mỏng. Khi người ấy nhìn xuống hỏi:

-     Cháu tin rằng tôi có thể vác em mà đi trên sơị dây này không?

Em nhanh miệng đáp:

-     Chắc chắn chú làm được ạ!

Thế nhưng khi người biểu diễn mời em:

-     Vậy cháu lên đây và chú sẽ vác cháu đi trên sợi dây mong manh này.

Nghe thế, em liền sợ hãi, từ chối vì theo em đây thật nguy hiểm!

Tóm lại, để trở nên người môn đệ, người Ki-tô hữu đích thật, thì trong danh sách ưu tiêng của chúng ta, Chúa là số một; cụ thể điều này phải được diễn tả qua đời sống đạo, đời sống chứng tá, đời sống bác ái, không chỉ qua lời nói, mà còn qua cách ăn nết ở, qua cách sống theo Lời Chúa răn dạy.

Theo Chúa trọn đời, không quay gót

Yêu Ngài hết lòng, bước vững tin.

Nguyện xin tâm trí trung trinh

Dang tay đón nhận đệ huynh một nhà. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===================
Suy niệm 3
YÊU CHÚA HƠN MỚI XỨNG VỚI CHÚA

(Mt 10,37-42)

Chúa Giêsu hôm nay cất tiếng mời gọi con người, cách riêng là người môn đệ, chẳng những lắng nghe, đi theo, mà còn phải hy sinh và từ bỏ nữa. “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 37).
Nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu ở trên, mỗi người chúng ta nói gì và trả lời ra làm sao? Tiêu chuẩn để làm môn đệ Chúa Giêsu, với đòi hỏi thật gắt gao. Ai muốn theo Chúa, phải yêu Chúa hơn cha mẹ, con cái. Có người đặt câu hỏi: Phải chăng, Điều răn thảo cha kính mẹ, yêu thương người thân cận bị đảo lộn rồi hay sao? Nghĩa là để đi theo Chúa Giêsu, người ta phải dành hết tình yêu đối với Chúa, người theo phải phân định và lựa chọn giữa Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa phải là nhất. Yêu cha mẹ và đồng loại, nhưng yêu Thiên Chúa hơn, vì Ngài là Đấng dựng nên cả cha mẹ chúng ta, nên Chúa Giêsu yêu cầu con người dành cho Ngài một vị trí đặc biệt và cao nhất.
Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, của cải … mà là cái tôi. Cái tôi cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Chúa Giêsu, nên Ngài thêm: “Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đánh mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó” (Mt 10, 38-39).
Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình”, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Vác thập giá mà theo” (Mt 10, 38). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, đây là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận… chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Es. ap. Gaudete in Domino 9 maggio 1975, AAS 67 (1975) 300-301). Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Chúa Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: “Thập giá chiến thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại” (Catechisis Illuminandorum XIII,1; de Christo crucifixo et sepulto: PG 33, 772 B).
Người ta hỏi: Chúa Giêsu có thích khổ đau và thập giá không? Không, Chúa Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Ngài thích. Nhưng Ngài vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Ai muốn đi theo Chúa Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa. Ý Chúa muốn là hy sinh và từ bỏ để sống trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân. Cơ bản, vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu là liều thuốc chữa chúng ta khỏi căn bệnh ghê sợ là “sự trì trệ”, ù lì, tê liệt và khép kín lòng mình.
Không phải ngẫu nhiên Chúa Giêsu nói đến “Thập Giá”. Vác thập giá bước theo Chúa Giêsu không phải là vác đi với những bước nhẹ nhàng. Vác lấy thập giá mà theo Chúa Giêsu có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận bất cứ hy sinh nào vì tình yêu đối với Chúa. Nhưng chúng ta không vác thập giá một mình, vì có Chúa cùng đi, Ngài đi trước để chúng ta tiếp bước theo sau, Ngài đi mau để chúng ta được dắt dìu, Ngài nâng đỡ chúng ta bằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa.
Quyết định theo Chúa Giêsu, là gạt bỏ tất cả, hướng về Chúa là sự giầu có đích thực của chúng ta, không gì hơn Ngài, không đặt cái gì trước Ngài, toàn bộ phải qui hướng về Ngài. Ngài cũng khẩn khoản mời gọi chúng ta dùng mọi cách để đi đến tận cùng là trở nên những môn đệ Đức Giêsu. Theo Chúa Kitô, chúng ta không mất gì hết, chúng ta được tất cả. Như Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong bài giảng khai mào sứ vụ Giám mục Rôma: “Ai chấp nhận cho Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời họ, thì người đó không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn với Chúa Kitô này mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà những khả năng to lớn của cuộc sống con người được thể hiện đích thực. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà chúng ta cảm nghiệm được điều gì là tươi đẹp và điều gì là tự do”. Với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín lớn lao, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Đức Giáo hoàng nói với chúng con rằng: “Anh em đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, nhưng ban cho đủ mọi sự. Ai hiến thân cho Chúa, thì được nhận gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật” (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 24/4/ 2005).
Lạy Chúa, trong niềm tin, chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, xin đến giúp chúng con để chúng con thấy rằng trên đường đi, có chúa là sức mạnh để chúng con tiến bước theo Chúa cho đến trọn đời. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 4

SỐNG TRONG CHÚA
Mt 10, 37 - 42

Ngày xưa lúc Thầy xuống thế, các Thiên Thần hát rằng: “Vinh danh thiên Chúa trên trời, BÌNH AN dưới thế cho người thiện tâm”. Thầy được mệnh danh Hoàng Tử Hòa Bình. Nhưng đường lối của Thiên Chúa thì khác xa tư tưởng của loài người. Đòi hỏi của Thiên Chúa thì không như sở thích của con người. Người ta mong ấm no hạnh phúc, hưởng thụ dễ dãi, Thầy bảo phải chui vào con đường hẹp khó đi. Bình thường người ta yêu kẻ yêu và sống tốt với kẻ yêu mình thôi, đằng này Thầy dạy phải yêu cả kẻ ghét mình. “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10, 37). Phải yêu Thầy hơn cha mẹ, anh em, cứ nhìn người đi tu thì rõ. Thế là người tin kẻ không tin, người chấp nhận kẻ chống đối, người theo kẻ chạy, bất đồng chia rẽ đối nghịch nhau thì khác gì có chiến tranh với chuyện kẻ thù, dù là sống  trong một mái nhà với nhau.
“Ai tìm giữ mạng sống mình thì sẽ mất; ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được”. (Mt 10, 30). Trong khi trào lưu xã hội luôn cổ võ lối sống hưởng thụ cá nhân, thì người môn đệ phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa. Một khi đã tìm thấy kho báu thì sẵn sàng đánh đổi, tình nguyện chịu thua thiệt mọi sự. Vì ngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm qua hôm nay, và ngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm nay tương lai”. (Thánh ca).
Người môn đệ còn phải đón tiếp, yêu thương mọi anh em, người lớn cũng như kẻ nhỏ, người nhà Thầy (bậc ngôn sứ, người công chính), hết tình yêu thương giúp đỡ người nghèo khó bệnh tật… Thầy quả quyết rằng “người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Sống “đẹp” dưới ánh mắt của Chúa mà thực hành chỉ thị huấn lệnh sẽ được trả cho cân xứng những việc mình làm. Sống đẹp theo huấn lệnh thì đẹp lòng Thiên Chúa, tâm tư luôn hạnh phúc bình an dù sống giữa “chiến tranh” đối nghịch của thế trần. Nếu sống ngược với chỉ thị của Thầy thì cuộc sống dù xem như  hạnh phúc mà chẳng có bình an thực sự trong tâm hồn.
Chúa ơi! ngày nay được sống trong sự hiện diện của Chúa, chúng con luôn an bình thư thái trong ánh mắt yêu thương âu yếm dõi nhìn của Chúa. Chúng con vui, buồn, sướng khổ hay phải gắng sức lội ngược dòng có Chúa cùng phấn đấu, hay có sao nhãng lang thang thì Chúa vẫn nhìn và không ngừng yêu thương chăm sóc từng giây. Xin đừng để chúng con dại dột xa rời Vòng Tay yêu thương ấy. Dẫu đời hiện tại chúng con có nhỏ bé âm thầm thì nó vẫn có giá trị, ý nghĩa lớn lao trong Con Tim Yêu của Ngài.

Én Nhỏ

Thông tin khác:
Quý hơn vàng (27/06/2023)
Kho tàng (23/06/2023)
Con của Chúa (22/06/2023)
Cho cách vui lòng (21/06/2023)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Biên bản Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Biên bản Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, giáo phận Phan Thiết, từ ngày 16 đến 20 tháng 9 năm 2024. Tham gia Hội nghị có đầy đủ 31 Giám mục đang phục vụ 27 giáo phận tại Việt Nam.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log