Thứ năm, 28/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VII Thường niên A

Cập nhật lúc 15:31 17/02/2023
Suy niệm 1
BAO DUNG
Mt 5, 38-48 
Có một nhân vật rất nổi tiếng rất tâm đắc với bài Tin Mừng hôm nay là Mahatma Gandhi, người được thế giới coi là vị đại thánh. Ông là cha đẻ của chủ trương bất bạo động trong hoạt động chính trị, để giành lại độc lập cho đất nước mình. Ông nói: “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú”. Gandhi là người ngoại giáo nhưng đời sống của ông đã đạt tới cao điểm của tinh thần bao dung nhân hậu của Kitô giáo. Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn nhát, khiếp nhược, sợ kẻ ác thắng thế khi mình lùi bước. Chúng ta ít dám tin vào sức mạnh của lòng bao dung. Chính sự bao dung chứ không phải quyền lực có thể làm cho trái tim con người tan chảy. Gandhi đã thách thức chúng ta xem có dám sống Tin Mừng của Đức Kitô không?
Nhân loại đang sống trong một kỷ nguyên cực kỳ văn minh và tiến bộ, thế nhưng trong quan hệ giữa người với người, xem ra như thụt lùi, xuống cấp, có khi còn thấp hơn cả thời kỳ của luật “mắt đền mắt, răng đền răng”. Người ta cư xử với nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng,” giải quyết vấn đề bằng sức mạnh và bạo lực. Chúa Giêsu đã xóa bỏ thứ luật rừng và lối sống vay trả đó, Ngài chủ trương“đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa...”. Điều đó không có nghĩa là người môn đệ Chúa sống nhu nhược, hay chịu khuất phục trước sự ác, nhưng đừng lấy ác báo ác, vì “ác giả ác báo”, phải chiến thắng bản năng trả thù trong con người mình. Nếu lấy ác báo ác thì sự ác sẽ lan tràn và thâm nhập vào chính chúng ta. Ở đây, Chúa Giêsu muốn mở ra một con đường khác cho nhân loại: chiến thắng điều ác bằng điều thiện, vì “thiện giả thiện lai”.
Không những thế mà Đức Giêsu đòi hỏi phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Khi chủ trương như thế, Đức Giêsu không đòi loại bỏ cảnh sát và pháp luật; cũng không lên án những cuộc chiến tranh tự vệ. Ngài chỉ muốn mời gọi các Kitô hữu hãy tránh thái độ báo thù và nêu cao lòng khoan dung tha thứ, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của oán thù, cũng là mở ra con đường để người kia hoán cải. Thật ra chẳng có ai là kẻ thù ta, nhưng vì lòng ích kỷ và ghen ghét mà chúng ta biến người khác thành kẻ thù. Tính ích kỷ và ghen ghét mới là kẻ nội thù đáng sợ nhất cần phải tiêu diệt.
Những giáo huấn trên của Đức Giêsu chính là nguyên tắc bất bạo động mà Gandhi đã khám phá ra, là kiểu mẫu của nền chính trị phục vụ hoà bình. Đức thánh Cha Phanxicô cũng từng xác quyết như sau: “Chính Chúa Giêsu đã mở ra con đường bất bạo động. Người đã bước đi trên con đường đó đến cùng, đến tận thập giá, ở đó Người trở thành sự bình an và chấm dứt mọi hận thù (x. Eph 2,14-16)… Với các Kitô hữu, bất bạo động không chỉ là một ứng xử mang tính chiến thuật nhưng là một lối sống, là thái độ của một người xác tín vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đến nỗi không sợ hãi đối diện với sự ác bằng vũ khí của tình yêu và chân lý mà thôi… Mệnh lệnh ‘Hãy yêu thương kẻ thù’ (x. Lc 6,27) phải được xem như hiến chương của bất bạo động Kitô giáo. Điều đó không có nghĩa là bị khuất phục trước cái ác nhưng là lấy sự lành đáp lại điều ác (x. Rm 12,17-21) và do đó, bẻ gẫy dây chuyền của bất công” (Sứ điệp, số 3).
Chúa Giêsu nêu lên một lý do sâu xa khi sống một tình bao dung vô độ là để chúng ta được trở nên con cái của Cha trên trời, “Đấng cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Thật ra, ngay trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn dân rằng: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”. (Lv 19,1-2.17-18). Nên thánh ở đây là có được tấm lòng bao dung đại độ như Thiên Chúa. Hòa bình và công chính, bình an và hoan lạc, tất cả chỉ sáng ngời khi lòng nhân ái, đặc biệt là tình thương tha thứ ngời sáng trong ta, trong mọi người.                                                                
Chúng ta muốn sống và làm việc ra sao cũng được, vì đó là tự do của chúng ta, nhưng nếu đời sống và việc làm của chúng ta không nói lên được tình yêu sâu xa, thì sự hiện diện của chúng ta trở nên vô nghĩa, vì đã không trở nên chính mình như tình yêu Thiên Chúa đã tác sinh. Tình yêu đó phải được vươn cao tỏa sáng để chúng ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Biết rằng lý tưởng sống càng cao, lòng bao dung càng rộng, thì sự trả giá càng lớn. Đó cũng chính là đường thánh giá của đời Kitô hữu đang tiến bước theo Thầy mình tới đỉnh Canvê, nhưng cũng là đỉnh quang vinh.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Tuổi trẻ thường hay suy nghĩ một chiều,
nên tâm trí có những điều tiêu cực,
khó nhận ra những giá trị đích thực,
để sống với tấm lòng thật bao dung.

Con bao dung không vì “cực chẳng đã”,
không vì sợ phải trả giá nặng nề,
hoặc chỉ muốn đề huề cho xong chuyện,
cho đời mình được hai chữ “bình yên”.

Con bao dung không phải kiểu hề hà,
không phải đồng lõa xuề xòa cho qua,
hoặc đưa chủ trương “Dĩ hòa vi quí”,
làm mất đi những gì là chân thật.

Con bao dung là chấp nhận khác nhau,
cho người khác được tự do thể hiện,
và sống với những điều họ xác tín,
dù có điều chưa đúng chưa hợp lý.

Con bao dung là chấp nhận liều lĩnh,
có nguy cơ và tai hại cho mình,
như tim Chúa bị đâm thâu là thế,
nhưng giúp cho đời vượt bến mê.

Con bao dung là muốn chống độc tài,
là một thứ quái thai trong nhân loại,
đã làm cho bao kẻ thành điên dại,
là thất bại lớn nhất của đời người.

Chính lòng nhân mới cảm hóa sâu xa,
không phải do tài ba hay quyền lực,
là tình yêu chứ không phải giáo điều,
là sống không nói nhiều như con nghĩ.

Xin cho con cứ bao dung đón nhận,
không câu nệ và càng không chấp nhất,
luôn chuyên cần thực hiện đức từ nhân,
để tình Chúa sáng lên giữa cuộc trần. Amen.
Lm. Thái Nguyên

===================
Suy niệm 2
HOA HỒNG YÊU THƯƠNG

Cộng đoàn Phụng vụ thân mến! Chúng ta đã được lắng nghe Hiến Chương Nước Trời từ Phụng vụ Chúa Nhật V trở đi, và Lời Chúa hôm nay Chúa Nhật VII, Chúa Giê-su tiếp tục giáo huấn hoàn thiện luật cũ (x. Mt 5, 38-48), có thể tóm tắt ngắn gọn như sau:
-     Luật cũ dạy yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Is-ra-el với nhau; còn luật mới dạy phải mở rộng yêu thương, yêu thương kể cả kẻ thù nữa;
-     Luật cũ dựa trên công bằng thuần tuý “mắt đền mắt, răng đền răng”; còn Chúa Giê-su kiện toàn luật ấy bằng cách mở ra con đường mới: lấy thiện lành thắng ác nhân, lấy tình yêu vượt thắng hận thù;   
-     Luật cũ dạy yêu thương người đồng bào, đồng hương, mến yêu những ai yêu mến mình; nhưng giáo huấn mới dạy: hãy yêu thương thù địch và làm ơn để báo oán.
Thế nhưng, vì sao chúng ta phải yêu thương kẻ thù, cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình? Phải chăng để chứng thực bản thân vượt trội hơn người? Phải chăng nhờ bởi sức lực bản thân? Thưa không! Chúng ta thương yêu tha nhân, thậm chí yêu thương cả kẻ thù, vì tiên vàn Thiên Chúa đã-đang-sẽ và luôn yêu mến tất cả mỗi người chúng ta, không loại trừ một ai như lời Chúa phán cùng Mô-sê trong sách Lê-vi: “Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Is-ra-el: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình. Ta là Chúa” (Lv 19,1-2. 17-18). Hơn nữa, qua lời chứng thực của Thánh Phao-lô, chúng ta không dừng lại mến yêu những ai yêu mến mình, mà phải yêu thương kể cả kẻ thù mình: “…dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hoặc Kê-pha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Ki-tô, và Ðức Ki-tô thuộc về Thiên Chúa (x. 1Cr 3, 16-23). Vì chúng ta thuộc về Đức Ki-tô và thuộc về Thiên Chúa, nên chúng ta phải nên trọn lành như “Cha trên trời là Đấng trọn lành” (x. Mt 5, 48).
Chuyện ngụ ngôn kia kể rằng: Sư tử ngã bệnh đã hơn một tuần nay và nằm bẹp dí trong hang, không tài nào dậy được. Nó buồn lắm vì vốn là chúa tể sơn lâm mà chẳng con vật nào đến thăm hỏi hay mang chút quà gì cho nó cả. Thỉnh thoảng, nó nhìn cây hoa hồng bên cạnh hang, không lúc nào mà không có ong bướm, chim chóc ríu rít bay đến lượn quanh vui vẻ cười đùa. Thấy thế, sư tử bèn cúi mình hỏi cây hoa hồng: 'Hoa hồng ơi, vì sao ngươi mảnh mai yếu ớt thế kia, mà lúc nào cũng có bạn bè đến thăm vui vẻ, còn ta là chúa tể sơn lâm mà chẳng có con vật nào đến thăm ta cả vậy?’
Hoa hồng bèn trả lời: ‘Vì tôi luôn tặng màu sắc tươi đẹp và hương thơm ngào ngạt khi mọi loài đến với tôi. Còn ngài dẫu là chúa tể sơn lâm uy quyền, nhưng ngài nào mảy may tặng cho những con vật bé nhỏ thuộc hạ của ngài thứ gì đâu!’
Hoa hồng còn biết toả hương thơm, cống hiến cho đời sắc màu tươi thắm; chúng ta thì sao? Chúng ta biết yêu thương hết mọi người, hay còn loại trừ, chỉ thương những ai hợp với mình, vừa ý chúng ta? Nếu chúng ta sống thực thi điều răn yêu thương triệt để, làm việc bác ái không mệt mỏi, yêu mến kể cả những ai mà chúng ta chẳng hề ưa thích, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ, bách hại chúng ta, v.v…thì chúng ta chính là những cây bông hồng không hề so đo tính toán khi dâng hiến sắc hoa, hương thơm đức ái cho hết mọi loài! Thứ đến, yêu thương thường đi đôi với lòng vị tha. Thánh Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta đã từng khẳng định: “Nếu ai đó nói tôi muốn yêu thương tha nhân, thì chắc chắn người ấy cũng muốn tha thứ cho tha nhân”. Lấy oán báo oán, mang hận thù đối lại thù hận thì càng thêm oán thù mà thôi. Như một thanh niên trong làng nọ bị sỉ nhục lăng mạ cách thậm tệ. Anh vội vàng chạy đến nhà hiền triết, kể lại sự việc cho ông ấy và tức khắc muốn đi trả thù ngay sau đó. Thế nhưng, nhà hiền triết thuyết phục chàng trai ấy:
– Tốt hơn, anh nên quay về nhà.
Anh đáp:
– Nhưng tôi bị hạ nhục.
– Nếu vậy, anh càng nên về nhà ngay lúc này, vì sự nhục mạ cũng như bùn đất vậy.
– Đúng thế, tôi sẽ rửa sạch nó.
Nhà hiền triết ngước mắt lên âu yếm nhìn anh và điềm đạm nói:
– Này anh, có một điều anh nên học hỏi ngay bây giờ và sau này, đó là: Bùn được gạt sạch dễ dàng hơn khi nó đã khô!
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở và nhắn nhủ chúng ta sống trọn vẹn đức ái, luật yêu thương theo tinh thần bao dung, tha thứ với tấm lòng rộng mở như Thiên Chúa là Đấng hằng “từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và hết mực khoan nhân” (Tv 102 [103], 8). Xin cho chúng con luôn trở nên ‘những cánh hồng không hề quản ngại toả ngát hương thơm yêu thương’ cho hết mọi người, không trừ một ai; và nhẫn nại, bao dung, vị tha như ‘bùn đất khô để được gạt sạch dễ dàng hơn’!

Lm. Xuân Hy Vọng

===================
Suy niệm 3

Yêu Thương là trường nên Thánh
(Mt 5,38 - 48)

Lời Chúa qua miệng Môsê chuyển cho Dân Chúa biết ý định của Chúa là: “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,1-2). Chúa Giêsu, Đấng để kiện toàn Lề Luật, sau khi khuyên các môn đệ hãy yêu đồng loại như chính mình và yêu luôn ngay cả địch thù, thì Người mời gọi: "Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành " (Mt 5,48). Như thế, Chúa muốn con cái biết  rằng: Ngài là Thánh và Dân của Ngài phải nên thánh để xứng đáng với Ngài.
Nên hoàn thiện như Chúa 
Câu hỏi được đặt ra là: Nên hoàn thiện như Chúa như thế nào?
Thưa: Hãy yêu đồng loại như chính mình (Lv 19,2). Cụ thể: “Đừng giữ lòng thù ghét anh em” (Lv 19,2). Nghĩa là đừng thù ghét anh em trong lòng. "Thù ghét" là cắt đứt mọi liên lạc đồng bào với người anh em. Chữ "trong lòng" nói lên ý nghĩa tự ý mình, chứ không căn cứ vào các điều kiện khách quan. “Đừng giữ lòng thù ghét anh em” còn được hiểu là: người trong Dân Chúa không được tự tiện cắt đứt tình đồng bào ruột thịt với người anh em, coi anh em như "kẻ ngoại". Dân Chúa chọn phải bảo vệ nhau như anh em trong cùng một dạ. Đồng bào là thế. Yêu mến đồng loại như chính mình là sống theo lẽ công bình và không để "lòng" xử tệ với anh em.  Không được trả thù vì trả thù là không công nhận có công lý.
Thiên Chúa là Thánh; Chúa muốn chọn một Dân thánh. Thánh tách khỏi sự phàm. Và đương nhiên Chúa muốn Dân Ngài thánh thiện, sống với khác mọi dân. Nếu người xưa bảo "Mắt đền mắt, răng đền răng " ( Xh 21,24). Như Lamek đã từng nói với hai vợ: "Vì một vết thương, ta giết một người, (Ta) trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! " (St 4,23-24) Vậy là trả thù mãi mãi. Nay Chúa Giêsu bảo: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác" (Mt 5, 39).
Con cái Chúa phải vượt ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn của cái ác và sống tình huynh đệ đại đồng, nên khi Chúa Giêsu bảo các môn đệ "đưa má bên kia cho nó nữa, " là Người muốn họ xây đắp tình hiệp thông anh em. Đưa má bên kia là cố tình giúp đối phương khám phá ra tình yêu và rằng thực hành bác ái là điều có thể. Đưa má bên kia còn muốn nói với kẻ ác rằng nó đã nhận được người anh em như nó là anh em. Một hành động đáng tin cậy như thế sẽ phá tan bạo lực.
Cho nó cả áo choàngđi với nó hai dặm không phải là áp đặt, nhưng chứng minh con người luôn có sáng kiến về tình yêu. "Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ " (Mt 5, 44). Từ bỏ điều có đi có lại và chủ động xây đắp tình hiệp thông trong tình yêu, dì đó là điều đẹp lòng Chúa, nên Chúa Giêsu yêu cầu gia tăng thêm tình yêu và lòng tha thứ càng nhiều càng tốt! Vì tình yêu có sức mạnh giúp đối phương xích lại gần ta hơn bằng tình người. Như thế, bằng cách trao ban, chúng ta nhận nó là anh em.
Nên thánh là trở nên giống Chúa 
Hỏi: nên giống Chúa bằng cách nào?
Thưa: Tình yêu phải được thực hiện theo châm ngôn: "Hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con" (Mt 5, 44). Chúa Giêsu muốn chúng ta hủy bỏ luật ăn miếng trả miếng xưa. Tình yêu không gia tăng theo kiểu có đi có lại. Người ngươi yêu mến là một người anh em ngươi, một người ngươi yêu mến là người bạn ngươi. Tình yêu là quà tặng, nhưng không dựa trên sự khác biệt tối thiểu. Sự khác biệt của tình yêu là không giống nhau, là người khác chứ không phải là người họ hàng, nhưng là người chúng ta cảm thấy gần. Như Chúa Giêsu đã nói: đó là người thân cận của ngươi.
Như thế, chúng ta đi đến cùng lời Chúa Giêsu dạy trong đời sống: "Các ngươi hãy thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh" (Lv 19,1). Bằng những lời trên, Thiên Chúa mời gọi dân Israel và cả chúng ta ngày hôm nay thể hiện lòng trung thành với giao ước Thiên Chúa đã thiết lập, đồng thời thực hành điều Chúa dạy: "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình" (Lv 19,18). Tuy nhiên, phải đi xa hơn để tình yêu của chúng ta được phổ quát nhằm cho luật cũ được kiện toàn. Khi yêu như thế, ta đang thực hiện lời Chúa mời gọi: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành " (Mt 5,48).
Hãy nên thánh vì Ta là Thánh
Khi tạo dựng con người giống hình ảnh của Chúa , giống như Chúa là Chân, Thiện, Mỹ (x.St 1, 26-27). Tự bản chất, chúng ta giống Chúa, tâm hồn chúng ta đẹp như Chúa. Nhưng tội lỗi làm cho tâm hồn chúng ta ra nhem nhuốc, xấu xí, không còn giống Chúa nữa. Chúng ta bị tha hoá, bị khác đi, không còn giữ được bản chất tốt lành thủa ban đầu nữa. Nên trọn lành là trở nên giống Chúa, và ai trong chúng ta cũng có thể trở nên giống Chúa. Chúa muốn tất cả chúng ta sẽ là những vị thánh :” Bởi chưng đã viết rằng: Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh ” (1Pr 1, 16).  Trở nên tốt lành là trở về với bản chất của mình là giống Chúa.
Lời mời gọi nên thánh vẫn là một thách thức cho chúng ta, giữa một thế giới có quá nhiều lôi kéo mời chào, cám dỗ, khiến chúng ta bị lạc lối hoặc nấn ná trước lời mời gọi sống thánh. Cái cám dỗ lớn nhất có lẽ là cái cám dỗ làm nhụt chí, nản lòng, khi chúng ta tự nói rằng: việc nên thánh là của ông kia bà nọ, của ai đó, chứ không phải của tôi! Lời thánh Augustinô là một khích lệ lớn cho chúng ta: “Ông kia bà nọ nên thánh, tại sao tôi lại không? ”
Chúng ta phải nên thôi, vì Chúa mời gọi chúng ta nên giống Ngài: “Các người hãy Thánh, vì Ta là Thánh (Lv 19,2). Công Ðồng Vatican II cũng khẳng định là ơn gọi của mọi người tín hữu là nên thánh. Vậy, hãy can đảm từ chối những lời ngọt ngào giả tạo, và quyết tâm sống theo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và thực hành điều Chúa dạy là sống yêu thương.
Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Ðấng trọn vẹn thánh thiện, giúp chúng con trở nên trọn lành và thánh thiện như Chúa muốn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 4
Nhu thắng cương
Mt 5, 38-48

Qua trích đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy : “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.”
Thoạt nghe lời dạy nầy, nhiều người tỏ ra khó chịu và cho rằng hành xử như thế là nhu nhược, hèn nhát, không thể chấp nhận…
Thế mà ông Mahatma Gandhi, là một vị anh hùng vĩ đại của dân tộc Ấn Độ, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Ấn chống lại sự cai trị của Đế quốc Anh, bằng phương thức ôn hòa bất bạo động nầy và đã giành độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947.
“Gandhi nói rằng ông chịu ảnh hưởng lớn bởi giáo lý bất kháng cự và "đưa má thứ hai" ra (khi bị đánh một bên má) của Chúa Giê-su và ông nói là nếu Thiên Chúa giáo được áp dụng như trong Bài giảng trên núi thì ông là một tín đồ Thiên Chúa giáo.[1]
Khoảng 10 năm sau, mục sư Martin Luther King, một người Mỹ da đen, cũng đã áp dụng phương thức đấu tranh ôn hòa bất bạo động nầy để đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ da đen đối với người da trắng và đã thành công tốt đẹp.
Nhu thắng cương
Khi người ta quai búa tạ vào tảng đá cứng, đá sẽ dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự lại búa, hậu quả là đá sẽ nứt vỡ ra. Thế là đá thua!
Nhưng khi người ta quai búa giáng mạnh xuống hồ nước, nước sẽ dùng sự mềm mại của mình để vô hiệu hoá sức mạnh của búa. Nước không hề hấn gì nhưng búa thì sẽ bị chìm lĩm xuống tận đáy hồ. Thế là nước thắng!
Khi gặp bão táp cuồng phong, những cây cổ thụ cao lớn cứng cáp dùng sự cứng rắn mạnh mẽ của mình để kháng cự lại bão tố. Hậu quả là chúng bị gãy cành, trốc gốc. Trong khi đó, những rặng tre, những cây lau sậy không hề kháng cự lại bão tố, nhưng dùng sự mềm dẻo của mình để uốn theo chiều gió nên chúng được an toàn.
Hiểu được quy luật nầy nên Lão tử đã dạy môn sinh từ mấy ngàn năm trước: “Nhu thắng cương, nhược thắng cường.” Và vị sư tổ của môn phái Judo của Nhật cũng đã dựa vào quy luật nầy để sáng lập nên môn võ thuật lấy mềm dẻo để chiến thắng tính hung bạo cứng rắn.
Tha thứ đem lại bình an cho tâm hồn
Khi oán ghét, giận hờn, căm thù người khác, ta cảm thấy tâm hồn mình như một mặt hồ đang yên bình bỗng nhiên nổi sóng. Ta cảm thấy bực bội, cay cú và muốn phát khùng. Thế là ta đánh mất sự bình an trong tâm hồn: ăn không ngon, ngủ không yên, huyết áp lên cao, bệnh tật phát sinh và nếu cứ lặp lại tình trạng nầy nhiều lần thì tổn thọ.
Như thế, khi nuôi lòng giận ghét căm hờn người khác là ta tự phạt mình, tự hành hạ và gây thêm bệnh tật cho mình. Làm như thế thì chẳng phải là thiếu khôn ngoan sao!
Vậy ta hãy thôi đày đoạ và tự làm khổ mình bằng cách tha thứ, xoá bỏ và quên đi lầm lỗi của người khác. Bằng cách nầy, ta sẽ tìm lại được bình an cho tâm hồn, tìm được hạnh phúc cho cuộc sống.
Lạy Chúa Giê-su,
Hình ảnh đẹp nhất, cao cả nhất trên đời là hình ảnh của Chúa năm xưa trên đồi Can-vê, dù đang bị đám đông bạo ngược phỉ báng, hành hạ, đóng đinh vào thập giá mà vẫn tha thiết cầu xin Thiên Chúa Cha thứ tha cho bao kẻ xúc phạm đến Ngài.
Xin ban cho chúng con lòng yêu thương, bao dung để sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con và cầu nguyện cho họ như Chúa đã nêu gương.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà


[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Mahatma_Gandhi
 ===============
Suy niệm 5
Yêu Thương Tha Thứ Để Nên Hoàn Thiện

Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48
Thầy Giêsu nói: “Anh em đã nghe luật dạy rằng:mắt đền mắt, răng đền răng”. (Mt 5,38). Đây là luật trong sách Lêvi cho phép báo thù, miễn là không vượt mốc đối phương gây hại mà vẫn công bằng. Nghĩa là chỉ được báo oán bằng sự thiệt hại bên kia gây ra. Kinh nghiệm cho thấy càng báo thù bao nhiêu càng gây họa lớn thêm mãi. Càng tiếp tục trả đũa, ăn miếng trả miếng nhau thì lòng hận thù càng bốc cao không dập tắt được, càng gây tai họa không tưởng.
Còn Thầy Giêsu hôm nay lại bảo: “đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5,39-42). Theo “phương pháp trị liệu” của Thầy là “lấy đức báo oán”, đòi một cho hai, lấy yêu thương khiêm nhường để hạ nhiệt cơn giận trong con người kiêu căng mỏng giòn của mình, nhường phần thắng cho đối thủ… sao khó quá Thầy ơi! Thường khi chúng con bị xúc phạm, khi có “mối hận” với ai, nếu không đùng đùng chống cự lại ngay, thì cũng tìm cách để trả đũa, có dịp sẽ cho “biết tay nhau”! Dại dột chịu thua để đối phương lấn tới đè đầu cưỡi cổ sao? Nhưng nào có hả giận đối phương đâu, mối hận ngày càng loét to và sâu hơn, lòng dạ tim gan nặng trĩu bất an, kéo theo bao tội khác nữa…
Nhìn lên Thầy chúng con thấy rõ: Thầy nắm trong tay mọi quyền uy Thiên Chúa, “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay”. Vậy mà Thầy cứ lặng câm nhịn nhục trước bao kẻ tố cáo, nhục mạ chống báng rủa xả, hành hạ, kinh khủng nhất trong cuộc thương khó trên đỉnh cao thập tự. Lửa Tình trong Con Tim Yêu trong veo, khiêm nhường tự hủy của Thầy đốt cháy mọi oán hận tội nhân gây ra. Vì yêu Thầy “tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5, 8). Thầy giơ lưng, giơ má cho đến phút trót mà thốt lên an bình trong Chúa Cha: “Mọi sự đã hoàn tất”. Hy sinh của Thầy trở thành nguồn ơn cứu độ chúng con. Ngày nay nếu chúng con sống trong Thầy, và Thầy sống trong chúng con, lúc đó Thầy sẽ yêu thương, tự hủy, lấy đức báo oán trong con người mỏng giòn của chúng con. Để đời chúng con dù có trải qua nhiều đau khổ, thua thiệt bởi thế trần thì chúng con vẫn bước đi an bình trong bàn tay từng chiến thắng của Thầy.
    “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. (Mt 5,43-44).
Lệnh truyền của Thầy rằng phải “yêu kẻ thù”, nghe sao mà khó! Luật Cựu Ước dạy yêu đồng loại và cho phép “ghét” kẻ thù. Bình thường theo cách người ta đối nhân xử thế cũng vậy, chỉ yêu thương thân nhân, những người yêu thương mình, có thiện cảm với mình. Chọn bạn mà chơi, người ta chỉ bầu bạn với những người đồng chí hướng. Còn những người đối nghịch, khó tính khó ở, người xấu nết, ghen ghét xúc phạm đến mình thì họ sẽ loại trừ, thù oán hoặc tìm cách trả đũa. Đã gọi là “kẻ thù” thì nhìn thấy mặt nhau đã ghét, thậm chí không thèm nhìn, nói gì yêu với thương? Nhưng nếu người ta cứ mãi lấy oán báo oán, ăn miếng trả miếng thì oán thù càng chồng chất thêm nặng, bao giờ mới hết hận thù? Hận thù chỉ bị tiêu diệt khi nào tôi yêu thương họ, lúc ấy sẽ chinh phục và “biến thù thành bạn” của mình.
“Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,45-48). Vượt lên trên cách đối đãi sòng phẳng bình thường của người đời, Thầy Giêsu dạy phải “yêu kẻ thù”, không phải chỉ trên lý thuyết, nhưng chính Thầy đã thực hiện trong suốt cuộc đời nhập thể và còn cho đến hôm nay, khi loài người tội lỗi hằng xúc phạm đến Chúa. Lúc còn tại thế, trong vườn Cây Dầu, ông Phêrô chém đứt tai một người trong nhóm đến bắt, Thầy dẹp và chữa luôn cho hắn. Dù đầy quyền năng, nhưng khi chịu đòn roi, hành hạ, xỉ nhục trong suốt cuộc thương khó, đối lại Thầy chỉ một niềm: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.
Chúa ơi! làm sao để con yêu thương như Chúa đã yêu thương? Tự sức chúng con không thể yêu thương và nên hoàn thiện như Chúa được. Nhưng khi chúng con sống đời Kitô hữu đích thực, dần dần chúng con được gặp gỡ Chúa, sống kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng con sẽ được dạy cho biết cách yêu thương của Người. Chúng con sẽ biết cảm thông với người xung quanh đang chê bai, nói xấu, làm hại mình. Khi con đón nhận Chúa vào cuộc đời, gắn chặt đời con vào Chúa, thì lúc bị va chạm với người xung quanh, con sẽ tự chất vấn mình rằng, lòng bao dung của Chúa đang ở trong con, khiến con không nổi nóng tức giận nữa, mà nhủ lòng phải yêu thương theo cách của Chúa, ít nhất là nén lòng cầu nguyện cho họ, con sẽ được nhẹ lòng. Nhưng điều quan trọng là con phải nhận ra lòng Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con, để từ đó, nhờ Chúa con biết thứ tha cho người làm khổ mình.
Én Nhỏ 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng – Hội nghị Tổng kết Mục vụ năm 2024 và phương hướng năm 2025
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng – Hội nghị Tổng kết Mục vụ năm 2024 và phương hướng năm 2025
Vào 8g00 ngày 26 tháng 11 năm 2024, tại giáo xứ Mỹ Bằng, giáo hạt Hà Tuyên Hùng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Mục vụ năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có sự hiện diện của Cha Giuse Nguyễn Viết Hiệp - Quản hạt Hà Tuyên Hùng, Cha Giuse Đỗ Ngọc Tháp - Đặc trách Ban Mục vụ Giáo dân giáo hạt, quý Cha,...
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log