Thứ tư, 08/01/2025

Suy niệm thứ Sáu Tuần Thánh

Cập nhật lúc 10:29 05/04/2023
Suy niệm 1
Ăn năn sám hối và vác thập giá mình mà đi theo Chúa 
​Is 52,13-53,12; Dt 4,14-16;5,7-9; Ga 18,1-19,42
Suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Giê-su, mỗi người chúng ta xem ra cũng đều góp phần vào cái chết đau thương của Chúa như sau:
1) XÉT MÌNH:
- Có thể chúng ta đã có lúc hèn nhát giống như quan Phi-la-tô khi không dám lên tiếng bênh vực cho công lý và sự thật vì sợ những kẻ gian ác.
– Có thể chúng ta cũng đã hành xử giống như Giu-đa khi coi tiền bạc, coi công việc làm ăn của mình hơn việc tuân giữ giới răn của Chúa. Hoặc có thể chúng ta lại trở thành kẻ nội gián làm tay sai cho kẻ có quyền để chống lại các vị chủ chăn trong Hội Thánh.
– Có thể chúng ta cũng có lần đã hành động giống như Phê-rô khi hèn nhát chối bỏ đức tin trước mặt người khác.
– Có thể chúng ta cũng đã có lần hành động giống như các thượng tế khi có ganh ghét chống lại những ai hơn mình.
– Có thể chúng ta đã hành xử giống như quân dữ khi lên tiếng chế diễu, đùa cợt trên sự đau khổ của người khác.
– Có thể chúng ta cũng có lần đã hành xử như kẻ trộm dữ khi cố chấp không nhìn nhận lỗi lầm của mình và lên tiếng thách thức quyền năng của Thiên Chúa.
– Có thể chúng ta cũng đã hành động giống như đám đông dân chúng khi hùa theo dư luận xấu để kết án bất công cho người vô tội.
2) PHẢI LÀM GÌ:
Trong những ngày này, mỗi người chúng ta
- Hãy cầu xin Chúa cho mình noi gương Mẹ Maria: sẵn sàng đón nhận thập giá là các nghịch cảnh gặp phải trong cuộc sống để trung thành bước theo chân Chúa trong niềm tin yêu phó thác.
– Hãy cầu xin Chúa cho chúng ta noi gương ông Si-mon Kê-rê-nê khi sẵn sàng cảm thông vác đỡ gánh nặng cho tha nhân.
– Hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết noi gương bà Ve-ro-ni-ca khi nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những người đau khổ và động viên giúp họ vượt qua thử thách.
– Hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết noi gương người trộm lành để nhìn nhận mình là ké có tội và thành tâm sám hối để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ của Chúa - AMEN.
Lm Đan Vinh
================
Suy niệm 2
NHỮNG LỜI NÓI YÊU THƯƠNG SAU CÙNG
 
Ngay sau được chọn làm Giáo Hoàng, kế nhiệm Thánh Phê-rô, trong bài huấn từ khởi sự của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, ngài nói: Mỗi khi chúng ta tuyên xưng Đức Ki-tô mà không có Thánh giá, thì chúng ta chưa phải là môn đệ của Chúa. Chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là linh mục, giám mục, hồng y, giáo hoàng, nhưng chẳng phải là môn đệ của Chúa!Tôi ao ước rằng tất cả chúng ta, sau bao ngày ân sủng này, sẽ trở nên can đảm, can đảm tiến bước trong sự hiện diện của Chúa, với Thánh Giá của Chúa, để xây dựng Giáo Hội nhờ bửu huyết của Chúa đã đổ ra trên Thánh Giá và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất, đó là vinh quang của Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Bằng cách này, Giáo Hội sẽ thăng tiến. Tôi ước mong cho tất cả chúng ta rằng nhờ lời cầu bầu của Mẹ Ma-ri-a, Mẹ chúng ta, Chúa Thánh Thần tuôn đổ dồi dào hồng ân trên mỗi người, hầu chúng ta ra đi, kiến tạo và tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh. Chỉ vậy thôi”.
Lời huấn đức của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô quả thật là tâm điểm của đời sống đức tin Ki-tô hữu chúng ta. Và Phụng Vụ hôm nay hướng chúng ta đến thời khắc ‘Chúa Giê-su hiến tế thân mình, yêu thương và tha thứ đến tận cùng, vâng phục Chúa Cha cách trọn hảo, hy sinh chịu tử nạn trên Thánh Giá’ vì chúng ta. Người ta kể lại rằng: tại thị trấn Nash-vin (Nashville), một khách du lịch lần nọ bước vào nghĩa trang quân đội, lấy làm lạ khi thấy người đàn ông đặt hoa trên một nấm mộ bé nhỏ xinh xắn. Người du lịch ấy bèn hỏi: ‘Xin lỗi! Phải chăng đây là mộ phần của con ông?’ Ông đáp: ‘Thưa ngài, không ạ!’
- Thế của bà con thân thuộc?
- Cũng chẳng phải vậy, thưa ngài!.
- Thế sao ông đặt hoa lên mộ cách kính cẩn như vậy ạ?
Người kia đặt hoa xuống, sụt sùi cảm động liền kể cho ông khách du lịch nghe. Đó là khi chiến tranh diễn ra, chính phủ bắt tôi phải đi động viên. Khổ nỗi nhà tôi vừa nghèo vừa không thể thuê người khác đi hộ được; nên tôi đành tuân lệnh lên đường nhập ngũ. Đang khi tôi thu dọn đồ đạc và từ giã vợ con, thì bỗng dưng một người bạn tri kỷ tình cờ ghé thăm, biết chuyện bèn đề nghị với tôi: Anh còn vợ con, nếu anh đi sẽ không có ai làm ăn, nuôi nấng chúng, thôi anh hãy ở lại, để tôi đi thay cho!” Vừa nghe lời ấy, trong bụng tôi vô cùng vui sướng, nhưng chẳng nỡ để anh bạn đi thế. Từ chối hồi lâu, tôi bị thuyết phục, chấp thuận để người bạn ấy nhập ngũ thay tôi. Sau ít lâu, tôi nghe tin bạn tôi bị thương nặng, rồi thiệt mạng ngoài chiến trường, và cũng được biết người ta mai tánganh ấytại nghĩa trang này. Dò hỏi thông tin, cuối cùng tôi cũng đặt chân tới đây tìm thấy ngôi mộ của anh ấy. Sau đó, tôi khắc lên bia mộ bạn tôi: ‘Người đã chết vì tôi’.
Anh bạn tri kỷ đã hy sinh mạng sống cho bằng hữu với tình bạn thanh khiết. Còn hơn thế, Chúa Giê-su đã chịu khổ nạn, chịu chết vì nhân loại tội lỗi, trong đó có bạn và tôi, có anh chị em và tôi. Đã là con người, chẳng có ai muốn chết cho người bất hảo, bất lương…, có chăng chết cho người tử tế tốt lành thánh thiện thôi! Tuy nhiên, trước khi bị xử tử, tâm lý con người thường rối loạn, khiến họ chửi rủa. Triết gia Sê-nê-cơ (Sénèque)bộc bạch về tâm lý này như sau: đương sự thường chửi mắng, đay nghiến những kẻ muốn giết họ, chửi lây đếnai đang nhìn ngó; có người còn nguyền rủa thân phận xấu số của mình, nguyền rủa ngày mình được sinh ra, nguyền rủa chính đấng sinh thành dưỡng dục. Bởi thế, văn hàoSi-sê-ron (Cicéron) cho biết thêm, rằng: trong các cuộc xử tử thời đế quốc La-Mã, khi thấy tên tử tội nào hung dữ, người ta sẽ cắt lưỡi hắn trước, để khỏi phải nghe tiếng chửi rủa, chì chiết cay nghiệt. Như vậy, trong cuộc xử tử chiều thứ Sáu Tuần Thánh ấy, chúng ta cũng đã nghemột tên trộm bị đóng đinh chung với Đức Giê-su chửi mắng lung tung, chửi cả Đức Giê-su, người chẳng có thù oán với hắn. Tuy nhiên, đáp lại những lời thoá mạ, nguyền rủa ấy, chẳng phải là lời chửi rủa vô hạn, mà lại là những câu nói nhẹ nhàng, dịu dàng, thắm thiết, chứa chan tình yêu thương vị tha, mặc dù Ngài đang chịu đau thương tan nát. Lời thứ nhất, Đức Giê-su nói với những kẻ thù căm ghét, giết hại Ngài: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (x. Lc 23, 34). Lời thứ hai, Ngài nói với người tội lỗi, tên trộm ‘lành’ đang bị treo bên cạnh: “Quả thật, Ta bảo với anh: Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43). Lời thứ ba, Đức Giê-su trao phó Gio-an (tượng trưng Giáo Hội) cho Đức Mẹ, và nhắn nhủ Gio-an đón nhận Mẹ Ma-ri-a. Đây là lời Ngài nói với Mẹ - một người thánh thiện, cùng với ‘môn đệ yêu dấu’, môn đệ trung thành: “Thưa Bà, đó là con Bà - Đó là Mẹ của con” (Ga 19, 26-27). Qua đây, chúng ta càng thấm thiết hơn lời Chúa dạy “yêu thương tha nhân như chính mình, yêu thương kẻ thù, cầu nguyện cho những kẻ bách hại…” (x. Mt 5). Vì chưng, cho đến giờ phút lâm chung, tình thương của Thầy Chí Thánh Giê-su vẫn luôn bao la vô bờ, và còn bao la hơn bao giờ hết. Tình yêu vị tha, tình yêu hiến tế tận cùng ấy Ngài dành cho ai? Trước hết cho kẻ thù, những ai giết hại Ngài; kế đến cho người tội lỗi, và tiếp theo cho những ai thiện lành, thánh đức.
Dẫu là “Thiên Chúa thật, nhưng Đức Ki-tô đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, đã biến mình ra không, trở nên xác phàm yếu đuối, nhưng sống trọn hảo, vâng phục đến tận cùng” (x. Pl 2, 6-11); và căn cứ vào những lời nói sau cùng của Ngài trước lúc tử nạn, chúng ta càng thấu tỏ Con Người Đức Giê-su thế nào!
Lạy Chúa, xin cho chúng con trung thành theo chân Chúa đến cùng. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log