Thứ năm, 28/11/2024

Suy niệm Tin Mừng thứ Năm Tuần Thánh

Cập nhật lúc 19:47 04/04/2023
 
Suy niệm 1
Hãy yêu như Thầy

Xh 12,1-8.11-14; 1 Cr 11,23-26; Ga 13,1-15
Tin Mừng Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay cho chúng ta thấy tình yêu tột đỉnh của Đức Giê-su qua ba sự kiện như sau:
1) Yêu thương là hiến thân phục vụ cho người mình yêu:
Yêu thương bằng lời nói có thể bị coi là yêu bằng đầu môi chót lưỡi. Yêu thương bằng cử chỉ có thể bị coi chỉ là giả hình bề ngoài. Còn khi yêu thương bằng hành động mới chứng tỏ một tình yêu thực sự.
Vì thế, Đức Giê-su không những dạy các môn đệ yêu thương nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, mà Người còn đòi các ông phải yêu thương bằng hành động cụ thể noi gương Người làm: cởi bỏ chiếc áo cao quý của thân phận Thiên Chúa đế đeo chiếc khăn thấp hèn của người phàm và cúi mình rửa chân hầu hạ các ông.
Rửa chân xong, Người tiếp tục dạy môn đệ bài học phục vụ: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm… Vậy Thầy là “Chúa” là “Thầy” mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.
Qua hành động này, Đức Giê-su muốn mỗi tín hữu cũng phải yêu thương bằng hành động rửa chân phục vụ tha nhân. Rửa chân bao gồm những việc như: lắng nghe để cảm thông với nhu cầu của tha nhân, rồi đáp ứng bằng việc chia sẻ cơm áo cho người đói rét, băng bó những vết thương và góp phần chữa lành bệnh nhân liệt giường, an ủi những người đau khổ vì bị áp bức kỳ thị, thăm viếng những cụ già neo đơn bị bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão…
2) Yêu thương là muốn hiệp nhất với người mình yêu:
Khi yêu thương người ta không những hy sinh phục vụ nhau, mà còn muốn nên một với nhau như có người đã nói: “Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai”. Vì thế, Đức Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể, để biến tấm bánh trong bữa ăn thành Thân Mình của Người sắp bị nộp và biến chén rượu trở  thành Máu thánh Người sắp đổ ra trong cuộc khổ nạn làm của ăn của uống cho các môn đệ hầu ban sự sống muôn đời cho những ai lãnh nhận:  “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1 Cr 111,24); vì “Ai ăn thịt và uống máu Thầy, thì sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,5a).
3) Yêu thương là muốn được ở mãi với người mình yêu:
Đức Giê-su đã hứa trước khi lên trời: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28,20). Để có thể ở cùng các môn đệ luôn mãi, Đức Giê-su đã thiết lập bí tích truyền chức thánh để trao ban chức linh mục cộng đoàn cho các tín hữu, và chức linh mục thừa tác cho những người được tuyển chọn: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Khi tham dự thánh lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, ước gì mỗi tín hữu chúng ta hiểu được bài học khiêm tốn phục vụ qua nghi thức rửa chân và cảm nhận được tình thương tột cùng của Chúa qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng ta sẵn sàng đáp lại tình Chúa yêu thương bằng sự kết hiệp mật thiết với Chúa khi dự lễ rước lễ, rồi sẵn sàng quên mình để phụng sự Chúa và tha nhân, hầu nên chứng nhân cho Chúa trước mặt người đời (x. Cv 1,8).
Lm Đan Vinh
=================
Suy niệm 2
Thánh Thể - Chức Linh Mục -
 Giới Luật Yêu Thương

(Ga 13, 1-15)

Khởi đầu Tam Nhật Thánh bằng Thánh lễ Tiệc ly, tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ cho con người, Chúa đã thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu.

Thánh Phaolô kể lại như sau: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em, trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11,23-25).

Đoạn tường thuật trên là cổ xưa nhất ta có được về những gì đã xảy ra trong nhà Tiệc ly, do Thánh Tông đồ Phaolô kể lại. Thánh Phaolô không chứng kiến tận mắt, nhưng Người truyền lại điều đã được bảo quản như một mầu nhiệm thánh và đã được thực hiện trong phụng vụ của cộng đoàn Kitô giáo trẻ trung. 

Cao điểm của việc cứu độ chúng ta là cái chết trên Thập giá và sự sống lại từ cõi chết của Chúa Giêsu. Để cuộc tử nạn và sự sống lại của Chúa luôn hiện diện với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là thiết lập Bí tích Thánh Thể vào buổi chiều ngày thứ năm Tuần Thánh trong bữa tiệc ly, trước khi đi vào cuộc khổ nạn, tử nạn và Phục Sinh để cứu chúng ta. Để rồi mỗi khi tham dự cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận được ơn cứu độ y như người đứng dưới chân Thánh Giá trên đồi Calvariô xưa. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn và cầu xin Chúa trước sáng kiến đầy yêu thương này. 

Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô đặt câu hỏi: “Làm thế nào Chúa Giêsu có thể ban Mình và Máu Người? Thưa: Bằng cách biến đổi bánh thành Thân xác Người và rượu thành Máu Người, và Người ban Mình Máu Người trước khi chịu chết, Người đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội. Việc đóng đinh vào thập giá. nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” (Đức Bênêđictô XVI, 21-8-2005)

Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Ngài đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.

Sau khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng lập luôn bí tích Truyền Chức Thánh  khi Người nói  với các Tông Đồ hiện diện: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và tín nhiệm con người. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả là chỉ vì yêu chúng ta.

Khi Ngài rửa chân xong cho các môn đệ, một lần nữa, Ngài mời gọi chúng ta: “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Ngài thiết lập một sự liên kết thân mật giữa bí tích Thánh Thể, bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.

Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm: Không có Thánh Thể thì không có chức Linh mục - không có chức Linh mục thì cũng không có Bí tích Thánh Thể (chỉ một lần rồi thôi). Hai điều đó gắn chặt, liên kết với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu Thánh, trở nên một thì chúng ta không còn tách biệt được nữa.

Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị. Mỗi lần chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng nói “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).

Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Ngài kêu gọi bước theo Ngài. Chính tình yêu của Ngài, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.

Thánh Thể là một ban tặng cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.

Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.

Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong ba Mầu nhiệm: Mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, Mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con một niềm sùng kính, mến yêu bí tích kỳ diệu này để cảm tạ tình yêu của Chúa và để chúng con nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 3
CAO LƯƠNG M
Ỹ VỊ ĐỜI TÔI

Chắc hẳn trong chúng ta, ít nhất một lần trong đời mơ ước được thưởng thức một mâm cỗ đầy cao lương mỹ vị, hoặc đã từng tận hưởng thức ăn đồ uống nơi những nhà hàng sang trọng, mà ai nhìn cũng có vẻ trầm trồ khen ngon và có chút gì đó ghen tị!
Ngoài xã hội là thế! Ai trong chúng ta không mong có địa vị giàu sang, muốn mọi người xung quanh đều phải ngước nhìn hay khen tặng mỗi lúc đi tham các sự kiện lớn nhỏ danh giá, được mời đặt chân đến những nơi chỉ dành cho giới thượng lưu, danh nhân…! Thế nhưng, chúng ta đã bao lần tự hỏi chính mình: mâm cỗ cao lương mỹ vị của một người Công Giáo đích thật là gì chưa? Hay vì tham dự nhiều bữa tiệc hoành tráng, đèn chiếu lung linh, nhạc sống dập dìu đung đưa đã quen rồi, nên bữa tiệc cao quý nhất trong đời tôi lại trở nên quá tầm thường?
Nhìn lại ba năm về trước, nguy cơ lây lan càng ngày càng chóng mặt của cơn đại dịch cô-vi, hầu hết các Thánh lễ khắp nơi đều bị đình chỉ; nhưng dẫu rằng vậy, Thánh lễ vẫn tiếp diễn dưới hình thức trực tuyến, và mọi người Công Giáo khắp nơi cũng tham dự Thánh lễ online với tâm tình chờ mong được lãnh nhận cao lương mỹ vị mà không một nhà hàng nào, dù bậc nhất thế giới đến đâu cũng không thể có, đó chính là Mình và Máu Chúa Ki-tô.
Phụng Vụ Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh nhắc nhở chúng ta đến bữa tiệc Vượt Qua của dân Do Thái thời Cựu Ước, và tiệc Vượt Qua này được trở nên trọn vẹn qua việc Chúa Giê-su hoá bánh và rượu trở nên Mình và Máu của Ngài, hầu đơn sơ ở lại với chúng ta mãi mãi nơi bàn tiệc Thánh lễ, trong Bí tích Thánh Thể. Đối với người Do Thái, khi nhắc đến lễ Vượt Qua, không ai trong con cái họ lại quên bẵng biến cố vô cùng trọng đại này. Vì nhờ bàn tay oai hùng của Thiên Chúa, dân Do Thái đã được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, vượt qua biển Đỏ ráo chân, và tiến vào đất hứa. Còn đối với chúng ta, khi được tham dự vào Bàn tiệc Thánh, chúng ta được tháp nhập vào lễ Vượt Qua của Chúa Giê-su Ki-tô, vượt qua sự chết và tiến vào vinh quang Phục Sinh. Chúng ta phải chết với tội lỗi mà sống cuộc sống mới cho Chúa, “…các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (x. Lc 22, 19 - 20). Chúng ta được mời thưởng thức cao lương mỹ vị không gì khác hơn chính Mình và Máu, chính sự sống của Chúa Ki-tô, thì chúng ta cũng được mời gọi trở nên giống Chúa Ki-tô trong mọi sự. Chúng ta không thể nào dùng cái miệng này vừa rước Mình Máu Thánh mà lại chửi rủa, thoá mạ, lên án, kết tội anh chị em? Chúng ta không thể nào dùng bàn tay này vừa lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, mà lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh đập, bạo hành, làm tổn thương anh chị em? Chúng ta không thể vừa rước Chúa vào lòng, cũng vừa làm cho tâm hồn, tư tưởng bản thân nên hoen úa với biết bao tội lỗi?
Hơn nữa, mâm cỗ cao lương mỹ vị Mình và Máu Thánh Chúa được diễn tả một cách cụ thể và sống động qua việc Chúa Giê-su chịu khổ nạn và chịu chết trên Thập Giá. Chúa Giê-su không nói suông bằng môi miệng hay ngôn từ; nhưng Ngài dọn tiệc mừng với chính sự sống vô giá của mình cho chúng ta bằng hành động phục vụ tận tâm (x. Ga 13, 1-15) và hy sinh mạng sống quý giá cho người bạn hữu (x. Ga 15, 13). Thiết nghĩ, Chúa không bắt chúng ta phải chết cho người khác đâu, nhưng Ngài hằng mời gọi chúng ta mỗi ngày chết cho những gì ‘phản Ki-tô’, chết cho những thói hư, tật xấu, những thói quen không giúp chúng ta gần Chúa và gần anh chị em. Ngoài ra, Chúa cũng chẳng bắt chúng ta phải bỏ mạng sống bản thân để phục vụ đâu, nhưng có chăng Ngài gọi mời, thúc giục chúng ta nên bước ra khỏi ‘chăn ấm nệm êm của cái tôi’, cúi xuống (hạ mình) hầu đến với anh chị em, nhất là những ai nghèo khó, cơ cực, cô đơn, cô độc, những người có một vị trí đặc biệt trong con tim hằng yêu thương của Chúa.
Cao lương mỹ vị của đời sống người Công Giáo không chỉ kết thúc vỏn vẹn trong Thánh Lễ, nhưng được tiếp nối mãi trong đời sống thường nhật. Mỗi lần chúng ta thực thi bác ái, bỏ mình, khiêm hạ, gặp gỡ Chúa trong anh chị em, thậm chí những người mình không ưa, không thích, không muốn giao thiệp; mỗi khi chúng ta tha thứ, khuyến khích, động viên anh chị em trong đời sống đạo, là lúc mùi vị của mâm cỗ tiệc Thánh được toả hương thơm ngát. Chẳng phải hương thơm của gia vị hoà trộn mặn mà để ướp thức ăn, mà là hương thơm của tình yêu, hương thơm sự sống của chính Con Một Thiên Chúa đang ôm trọn tâm hồn chúng ta!
Ước gì, mùi hương của mâm cỗ tiệc Thánh luôn toả ngát trong đời sống chúng ta, trong môi trường chúng ta đang sống, trong mọi hoàn cảnh, trạng huống, trong mọi thời điểm buồn vui của cuộc đời chúng ta.
Ôi Mình Máu Thánh châu báu
Mâm cỗ tuyệt hảo thm thấu hồn con
Cao lương mỹ vị vẹn tròn
Được cùng tận hưởng, đời con thông phần.
Đơn sơ Chúa đến ân cần
Chan hoà ở lại, kết th
ân muôn đời. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

                                               

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Huynh đoàn Đaminh và Ban Phục vụ Liên huynh Yên Tập mừng lễ Bổn mạng
Huynh đoàn Đaminh và Ban Phục vụ Liên huynh Yên Tập mừng lễ Bổn mạng
Ngày 25 tháng 11 năm 2024, tại nhà thờ Giáo xứ Yên Tập, Huynh đoàn Đaminh Liên huynh Yên Tập thuộc Giáo hạt Tây Bắc Phú Thọ, đã hân hoan mừng lễ bổn mạng: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log