VÒNG XOÁY TỘI LỖI
(Mt 26, 14-25) Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.
Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”
SUY NIỆM “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!” (Mt 26,24-25) Có phải Giu-đa thực sự nghĩ rằng ông không phải là người phản bội Chúa Giêsu không? Có lẽ ông chìm đắm trong tội lỗi của mình đến nỗi ông không thể nhận ra chính mình. Ông không biết rằng ông đang nói dối và rắp tâm chuẩn bị bán Chúa Giêsu. Đây là một suy nghĩ rất đáng sợ, vì nó tiết lộ một trong những ảnh hưởng của tội lỗi dai dẳng. Thứ tội lỗi làm cho người ta dễ dàng phạm tội hơn. Cuối cùng là khi một người vẫn cố chấp trong cùng một tội lỗi, thì tội đó dễ dàng được hợp lý hóa, được biện minh và được không bị coi là một tội lỗi cách chung. Khi một người bị mắc kẹt trong vòng xoáy tội lỗi dai dẳng, thì họ rất khó để thoát ra. Và thường cách duy nhất để vượt qua được sau căng thẳng tâm lý là tiếp tục chối bỏ.
Đây là một bài học quan trọng cho chúng ta trong Tuần Thánh này. Việc nhìn nhận tội của mình không bao giờ là điều thú vị, và dễ dàng. Phải cần rất nhiều ân sủng, lòng can đảm và chân thành để nhìn nhận mình là một tội nhân. Nhưng giả như Giu-đa thực sự thú nhận những gì ông sắp làm. Bạn hãy tưởng tượng rằng nếu ông tỏ ra hối hận trước mặt Chúa Giê-su cũng như các Tông đồ khác và nói ra toàn bộ sự thật, những ý định của mình. Có lẽ hành động trung thực đó sẽ cứu mạng Giu-đa và cả sự sống vĩnh cửu của ông nữa. Sẽ rất đau đớn và nhục nhã cho ông, nếu làm như vậy, nhưng đó là điều đúng đắn cần nên làm.
Điều này cũng đúng với bạn. Có lẽ bạn không ở tại thời điểm mà tội lỗi dẫn đưa bạn đến sự phản bội hoàn toàn với Chúa Giêsu, nhưng mọi người đều có thể tìm thấy một số kiểu mẫu tội lỗi trong cuộc sống của mình. Bạn phải tìm cách khám phá với sự giúp đỡ của Thiên Chúa để tìm ra một số kiểu mẫu hoặc thói quen không tốt đã hình thành trong bạn. Sẽ thật là một khám phá tuyệt vời nếu bạn có thể đối mặt với tội lỗi bằng sự trung thực và lòng can đảm. Điều này sẽ cho phép bạn rũ bỏ mọi sự chối bỏ liên quan đến tội lỗi của bạn, và cho phép bạn chinh phục tội lỗi đó để khám phá sự tự do mà Chúa muốn bạn trải nghiệm!
Hôm nay, mời bạn hãy suy niệm câu nói của Giu-đa với Chúa Giêsu,
“Ráp-pi, chẳng lẽ con sao”? Câu nói đáng buồn này của Giu-đa đã đâm một mũi dao vào trái tim Chúa Giêsu khi Người chứng kiến sự phản bội của ông. Đồng thời hãy suy ngẫm về việc nhiều lần bạn chối bỏ tội lỗi của mình, không thành tâm sám hối. Tuần Thánh này là thời gian cho sự trung thực và liêm chính.
Lòng thương xót của Chúa rất bao la và thuần khiết đến nỗi, nếu bạn hiểu và cảm được lòng thương xót đó, bạn sẽ không trốn tránh dưới bất kỳ hình thức chối bỏ tội lỗi nào. Lạy Chúa, xin giúp con trong Tuần Thánh này có đủ can đảm để con biết đối diện với tội lỗi và sự yếu đuối của mình. Chúa ơi, con là một kẻ tội lỗi, nhưng có thể rất khó để con thừa nhận điều đó. Con giao phó tội lỗi của mình trong tay Chúa để con được tự do và được lãnh nhận lòng thương xót dồi dào của Ngài. Lạy Chúa Giêsu, con vững tin nơi Ngài.